Điều trị tiêu chảy ở trẻ: Khi nào cần dùng kháng sinh?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi PGS.TS.BS Huỳnh Thoại Loan - Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Đây là một trong những chuyên gia hàng đầu về Nhi - Sơ sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh với gần 30 năm kinh nghiệm khám và điều trị các bệnh về nội tiết nhi, thận nhi khoa và các vấn đề Nhi - Sơ sinh khác

Tiêu chảy ở trẻ em là có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như mất nước, dẫn đến co giật, tổn thương não hay thậm chí tử vong. Vì vậy, cần phát hiện và điều trị tiêu chảy ở trẻ càng sớm càng tốt.

1. Khái quát về tiêu chảy ở trẻ em

Tiêu chảy (Diarrhea) là tình trạng đi ngoài phân lỏng trên 3 lần/ngày. Bệnh có 2 dạng: Tiêu chảy cấp tính và tiêu chảy mạn tính. Nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy gồm: Nhiễm virus Rotavirus, vi khuẩn Salmonella, nhiễm ký sinh trùng Giardia, ngộ độc thực phẩm, tác dụng phụ của thuốc nhuận tràng hoặc thuốc kháng sinh, bệnh đại tràng kích thích, bệnh Crohn, dị ứng thực phẩm, loét dạ dày,...

Triệu chứng phổ biến nhất khi trẻ bị tiêu chảy là tình trạng đi phân lỏng trên 3 lần/ngày. Ngoài ra, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà trẻ bị tiêu chảy có thể có những triệu chứng khác như: Phân có máu, sốt, ớn lạnh, đau hoặc chuột rút ở bụng, đầy hơi, buồn nôn, ăn không ngon, mất nước,...

Tiêu chảy trung bình hoặc nặng có thể gây mất nước. Mất nước nghiêm trọng có thể gây co giật, tổn thương não, thậm chí tử vong ở trẻ. những biểu hiện của mất nước gồm: Khô miệng, mắt trũng, tiểu ít hoặc không có nước tiểu, có rất ít nước mắt khi khóc, người mệt mỏi uể oải, trẻ nhỏ sẽ thấy thóp trũng, bứt rứt,...

Trẻ sốt cao
Tiêu chảy khiến trẻ sốt, mệt mỏi

Việc điều trị tiêu chảy ở trẻ bao gồm: Ngăn ngừa mất nước bằng cách cho bé bú thêm sữa (trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ) hoặc dung dịch bù nước đường uống oresol với trường hợp viêm dạ dày - ruột do virus gây ra. Nếu nguyên nhân gây tiêu chảy là dùng thuốc kháng sinh, phụ huynh không nên tự ý ngừng thuốc mà cần tham khảo ý kiến bác sĩ để giảm liều, thay đổi chế độ ăn uống, uống thêm probiotic hay chuyển sang dùng loại kháng sinh khác. Việc điều trị tiêu chảy do ngộ độc bao gồm bổ sung đủ nước, chất điện giải cho trẻ và đưa trẻ đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

2. Khi nào cần dùng kháng sinh điều trị tiêu chảy ở trẻ?

Khi trẻ bị tiêu chảy, cần đưa trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa để xác định mức độ mất nước và dấu hiệu tiêu chảy nhiễm khuẩn. Nếu trẻ chỉ bị mất nước ở mức độ nhẹ thì có thể điều trị tại nhà để bù nước và điện giải. Ngoài ra, phụ huynh cần cho bé duy trì chế độ ăn lỏng, vệ sinh thân thể trẻ và môi trường sạch sẽ, nên ăn chín, uống sôi.

Với nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy do vi khuẩn, có thể sử dụng kháng sinh cho bé bị tiêu chảy khi có chỉ định của bác sĩ. Trong nhiều trường hợp, trẻ không cần sử dụng kháng sinh vì kháng sinh chỉ tiêu diệt được vi khuẩn, không tiêu diệt được virus. Nếu nguyên nhân gây tiêu chảy là do các tác nhân ngoài vi khuẩn (virus, ngộ độc thực phẩm, tác dụng phụ của thuốc,...) thì việc sử dụng kháng sinh sẽ không có tác dụng chữa bệnh hay phòng ngừa lây nhiễm bệnh cho người khác.

Bên cạnh đó, kháng sinh còn có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng. Một số trẻ sau khi điều trị kháng sinh bị tiêu chảy, nôn ói hoặc dị ứng với kháng sinh, có thể đe dọa tới tính mạng. Đồng thời, việc lạm dụng kháng sinh có thể làm vi khuẩn thay đổi, kháng kháng sinh, khiến các thuốc không còn khả năng hoạt động tốt để tiêu diệt vi khuẩn. Việc điều trị nhiễm khuẩn có kháng thuốc rất khó khăn và tốn kém. Do vậy, chỉ sử dụng kháng sinh điều trị tiêu chảy ở trẻ khi được bác sĩ chỉ định.

Khám nhi Vinmec Times City
Cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để nhận được phác đồ điều trị

3. Một số loại thuốc kháng sinh điều trị tiêu chảy

Bệnh nhân tiêu chảy nặng do nhiễm khuẩn (vi khuẩn, trực khuẩn, ký sinh trùng) được chỉ định bổ sung nước và điện giải để đảm bảo cân bằng sinh hóa trong cơ thể, giảm nguy cơ tử vong. Đây là phương pháp điều trị triệu chứng của bệnh tiêu chảy. Để trị tận gốc tiêu chảy do nhiễm khuẩn thì cần sử dụng kháng sinh. Các loại kháng sinh thường được sử dụng trong điều trị bệnh tiêu chảy do nhiễm khuẩn gồm:

  • Tetracyclin: Có tác dụng điều trị tốt với các trường hợp tiêu chảy do vibrio cholerae. Bệnh nhân nên uống thuốc 1 giờ trước khi ăn hoặc 2 giờ sau ăn để thức ăn không gây ảnh hưởng tới sự hấp thu thuốc;
  • Norfloxacin: Có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn ưa khí gram âm và gram dương, lỵ trực khuẩn. Loại kháng sinh này cần sử dụng thận trọng với người bệnh thiểu năng về gan, suy thận, người mắc bệnh động kinh, rối loạn thần kinh trung ương hoặc người cao tuổi;
  • Ciprofloxacin: Là loại thuốc kháng sinh có khả năng hấp thụ nhanh chóng, dễ dàng ở ống tiêu hóa. Thuốc có tác dụng tốt đối với các loại vi khuẩn gây bệnh ở đường ruột nhưng cần sử dụng đúng bệnh và đúng liều để tránh tình trạng kháng thuốc;
  • Metronidazol: Là loại thuốc kháng khuẩn phổ rộng trên động vật nguyên sinh, có khả năng điều trị hiệu quả trong các trường hợp tiêu chảy kéo dài do lỵ cấp tính, giardia,...;
  • Neomycin: Là loại thuốc có độc tính cao, phải sử dụng thận trọng đối với những người bị bệnh gan, thận, suy giảm thính lực. Không sử dụng Neomycin cho người bệnh tắc ruột, bị tổn thương ở niêm mạc tiêu hóa hoặc trẻ em dưới 1 tuổi.
Ngộ độc thức ăn uống thuốc gì
Thuốc kháng sinh cần uống theo chỉ định của bác sĩ

Khi dùng thuốc kháng sinh cần lưu ý: Kháng sinh điều trị tiêu chảy chỉ có hiệu quả đối với các trường hợp tiêu chảy do nhiễm khuẩn, ký sinh trùng và không có tác dụng với người bị tiêu chảy do virus. Những người bị nhiễm Escherichia Coli sinh độc tố Shiga không được dùng kháng sinh vì kháng sinh có thể làm tăng phóng thích độc tố, dẫn đến hội chứng tán huyết - ure máu cao.

Các loại kháng sinh được đề cập trên đây không được sử dụng cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú. Riêng metronidazol chỉ cần tránh sử dụng ở phụ nữ đang mang thai 3 tháng đầu. Tetracyclin có thể gây biến màu răng vĩnh viễn và ảnh hưởng tới sự phát triển của xương nên không được sử dụng cho trẻ em dưới 14 tuổi. Bên cạnh đó, không sử dụng norfloxacin và ciprofloxacin cho trẻ em vì có thể gây thoái hóa sụn khớp ở người chưa trưởng thành.

Mọi trường hợp trẻ bị tiêu chảy, trước khi sử dụng kháng sinh đều cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được chỉ định dùng thuốc cụ thể. Không nên tự ý dùng thuốc, dùng không đúng loại thuốc vì sẽ khiến bệnh nặng hơn và khó điều trị hơn.

Ngoài ra, để hạn chế trẻ phải dùng kháng sinh, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

48.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan