Điều trị viêm phổi ở trẻ em

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng - Bác sĩ chuyên khoa I, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Trẻ bị viêm phổi dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tháng tuổi có nguy cơ tử vong rất cao do, hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi đều do rất nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan gây ra.

1. Tổng quan về viêm phổi ở trẻ

Viêm phổi do rất nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân thường gặp là: Viêm phổi thể do vi khuẩn, virus, nấm, hóa chất...Trên thực tế, đa phần các trường hợp viêm phổi không tìm được tác nhân gây bệnh. Yếu tố quan trọng nhất để dự đoán tác nhân khiến trẻ bị viêm phổi là dựa trên độ tuổi của bệnh nhi.

  • Trẻ dưới 5 tuổi thường bị viêm phổi do vi khuẩn: Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng), Streptococcus pyogenes (liên cầu), Streptococcus pneumoniae (phế cầu), Haemophilus influenzae (HiB). Vi khuẩn HiB trước đây là một tác nhân quan trọng khiến trẻ bị viêm phổi, nhưng sau này do có chương trình tiêm chủng nên tác nhân này hiện không đáng kể.
  • Trẻ dưới 2 tháng tuổi thì ngoài các vi khuẩn như trẻ dưới 5 tuổi còn có thể mắc 1 số vi khuẩn đường ruột như: E. Coli, Proteus, Klebsiella Pneumoniae... do mẹ truyền qua.
  • Trẻ trên 5 tuổi có thể mắc viêm phổi do các loại vi khuẩn như: Mycoplasma Pneumonia, Chlamydia Pneumonia, Streptococcus pneumoniae (phế cầu), các loại siêu vi (influenza A hay B, Adenovirus, các loại siêu vi hô hấp khác).
Vi khuẩn Hib:Nguyên nhân  hàng đầu gây viêm phổi, viêm màng não ở trẻ
Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh viêm phổi

2. Trẻ bị viêm phổi có nguy hiểm không?

Nếu trẻ bị viêm phổi mà điều trị muộn hoặc không đúng cách có thể gây ra các biến chứng đáng ngại như tràn dịch, tràn khí khoang màng phổi, viêm phổi hoại tử, áp xe phổi, kén khí phổi, hạ Natri máu. Một khi biến chứng viêm phổi xảy ra thì việc điều trị sẽ phức tạp hơn và nguy cơ tử vong cao.

3. Chẩn đoán và triệu chứng viêm phổi

Dấu hiệu thở nhanh có giá trị chẩn đoán trẻ bị viêm phổi cao nhất. Đây cũng là dấu hiệu có giá trị chẩn đoán sớm vì có độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn so với việc chẩn đoán bằng X-Quang. Nhịp thở nhanh tùy theo từng độ tuổi quy định như sau:

  • Trẻ dưới 2 tháng tuổi: Có nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên
  • Trẻ từ 2 - 12 tháng: Có nhịp thở từ 50 lần/phút trở lên
  • Trẻ từ 12 tháng - 5 tuổi: Có nhịp thở từ 40 lần/phút trở lên

Ngoài ra các biểu hiện đi kèm cũng rất đa dạng và phức tạp:

  • Giai đoạn sớm: Trẻ có thể chỉ có ho và sốt nhẹ, chảy nước mắt và nước mũi, trẻ mệt mỏi, ăn kém, bỏ bú, quấy khóc, có thể bị tiêu chảy, nôn, đau bụng...
  • Giai đoạn sau: Nếu không được điều trị đúng và theo dõi sát thì các biểu hiện có thể nặng hơn thành sốt cao, ho nhiều hơn, họng có đờm, thở nhanh, khó thở, tím môi, tím đầu chi...

Khi thấy trẻ có các dấu hiệu viêm phổi trên, gia đình cần cho trẻ đến khám ngay ở cơ sở y tế bởi nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn tới tình trạng viêm phổi nặng hơn đi kèm với các biểu hiện rút lõm lồng ngực, tím tái, co giật...

Sốt cao ≥ 39 độ C
Khi bị viêm phổi trẻ có dấu hiệu sốt cao

4. Các biện pháp điều trị cho trẻ bị viêm phổi

Thông thường khi trẻ được chẩn đoán là viêm phổi, nếu nguyên nhân xuất phát từ vi khuẩn thì bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng kháng sinh. Dưới đây là một số gợi ý về thuốc kháng sinh ứng với từng độ tuổi của trẻ.

Nhiều bậc cha mẹ không biết trẻ sơ sinh bị viêm phổi điều trị bao lâu, tuy nhiên, để trả lời được câu hỏi này thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là tình trạng và mức độ bệnh của trẻ. Nếu trẻ bị viêm phổi rất nặng thì dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn Cefotaxim để giảm bớt các triệu chứng..

4.1 Điều trị cho trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi bị viêm phổi

  • Nếu trẻ bị viêm phổi không nặng: Chỉ thấy trẻ có dấu hiệu ho và thở nhanh thì có thể điều trị ngoại trú, dùng kháng sinh hỗn hợp Cotrimoxazol (480mg) hoặc dùng Amoxicillin theo dõi sau 2 - 3 ngày, nếu thấy đỡ thì điều trị đủ 5 - 7 ngày. Ngược lại, nếu không đỡ hoặc có dấu hiệu nặng thêm thì điều trị như viêm phổi nặng.
  • Nếu trẻ bị viêm phổi nặng: Có các dấu hiệu như khó thở, co rút lồng ngực thì cần được nhập viện để điều trị. Dùng thuốc kháng virus Benzylpenicillin (Penicillin G) hoặc kháng sinh Ampicillin kết hợp theo dõi phản ứng sau 2 - 3 ngày. Nếu đỡ tiếp tục dùng đủ 5 - 10 ngày, nếu không đỡ hoặc nặng thêm thì chuyển sang điều trị như viêm phổi rất nặng.
  • Nếu trẻ bị viêm phổi rất nặng: Trẻ có dấu hiệu khó thở, co rút lồng ngực, tím tái li bì thì cần điều trị tại bệnh viện. Sử dụng Benzylpenicillin phối hợp với Gentamycin (80mg) hoặc dùng kháng sinh Chloramphenicol một đợt 5 - 10 ngày hoặc Ampicillin kết hợp với Gentamycin (80mg) hoặc kháng sinh chống nhiễm trùng Cefuroxime.

4.2 Với trẻ trên 5 tuổi

Dùng Benzylpenicillin hoặc kháng sinh chống nhiễm khuẩn Cefotaxim hoặc Ceftriaxon (Rocephin). Đối với những trường hợp trẻ bị viêm phổi không điển hình, gia đình có thể dùng Erythromycin uống trong 10 ngày hoặc Azithromycin theo liều từ 7 - 10 ngày.

Đồng thời, gia đình nên kết hợp với một số phương pháp điều trị viêm phổi hỗ trợ khác như:

  • Vệ sinh mũi: Thường các trẻ bị viêm phổi cũng thường bị viêm hô hấp đi kèm nên có thể vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý, lấy chất nhầy trong mũi bằng bấc sâu kèn hoặc dụng cụ hút mũi.
  • Hạ sốt: Nếu trẻ bị sốt trên 38 độ C mà có biểu hiện khó chịu, quấy khóc thì nên dùng thuốc hạ sốt Paracetamol theo hướng dẫn của bác sĩ. Thuốc chống viêm- giảm đau Ibuprofen cũng có thể giúp trẻ bớt sốt và đau nhức, tuy nhiên liều sử dụng của thuốc phụ thuộc vào cân nặng của trẻ nên hãy hỏi bác sĩ cách dùng các thuốc này. Không được cho trẻ dưới 18 tuổi uống Aspirin và những chế phẩm chứa Aspirin vì Aspirin có thể dẫn tới tình trạng rất nặng gọi là hội chứng Reye, có thể gây tử vong ở trẻ em
  • Giảm ho an toàn: Nếu bé chỉ ho vừa phải thì cố gắng không dùng thuốc ức chế cơn ho, vì phản xạ họ sẽ phần nào giúp bé làm bật đờm ra ngoài. Ngược lại nếu trẻ ho quá nhiều thì có thể kết hợp thuốc long đờm và thuốc ức chế cơn ho giúp làm loãng chất nhầy kẹt lại trong phổi trẻ.
  • Chú ý dinh dưỡng cho trẻ: Cho trẻ bị viêm phổi uống đầy đủ nước thông qua sữa, nước uống trực tiếp, cháo...Để ý tình trạng đi tiểu của bé để xem lượng nước cung cấp nước có đủ không, nếu bé tiểu ít, nước tiểu vàng có thể là do bị thiếu nước.
  • Giữ không khí, nhiệt độ trong phòng phù hợp: Không khí trong phòng có độ ẩm phù hợp sẽ hỗ trợ niêm mạc hô hấp, cha mẹ nên tránh để trẻ nằm máy lạnh ở nhiệt độ quá thấp, nhiệt độ thấp nhất nên để là 29 độ. Lưu ý cho trẻ tái khám mỗi ngày hoặc mỗi 2 ngày theo chỉ định của bác sĩ.

Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

75.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan