Dinh dưỡng cho trẻ bị đi ngoài phân sống

Rối loạn tiêu hóa là tình trạng phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Một trong những dấu hiệu rối loạn tiêu hóa ở trẻ đó là đi ngoài phân sống. Vậy nguyên nhân và dinh dưỡng cho trẻ đi ngoài phân sống như thế nào?

1. Đi ngoài phân sống là gì?

Đi ngoài phân sống là một tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em. Biểu hiện là trẻ đi ngoài ra các thức ăn không thể tiêu hóa được. Nói cách khác đó là bé ăn gì đi ngoài ra cái đó. Phân của trẻ lúc này sẽ nát, không thành khuôn, lúc rắn, lúc sền sệt hoặc có lúc nước riêng phân riêng. Ngoài ra, còn có thể có nhầy trong phân, phân lợn cợn hạt, có bọt hoặc có cả những đồ ăn chưa tiêu hóa được như hạt, rau củ...

2. Nguyên nhân trẻ đi ngoài phân sống

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ sơ sinh đi ngoài phân sống. Đó có thể do rối loạn tiêu hóa đơn thuần hoặc tình trạng bệnh lý nào đó gây ra. Các nguyên nhân trẻ đi ngoài phân sống do rối loạn tiêu hóa thường gặp gồm:

  • Do nhiễm khuẩn: Khi có vi khuẩn xâm nhập, hệ tiêu hóa sẽ bị tổn thương và suy giảm chức năng. Khi đó, thức ăn không được hấp thụ hoặc hấp thụ một phần rồi đào thải ra ngoài gây nên tình trạng trẻ sơ sinh đi ngoài phân sống.
  • Do chế độ ăn, uống: Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thiếu cân bằng giữa các nhóm chất, trẻ ăn bột quá sớm,...
  • Do thiếu men tiêu hóa: Men tiêu hóa là chất rất quan trọng tham gia vào quá trình phân giải thức ăn. Khi thiếu men tiêu hóa, thức ăn không được hấp thu hoặc chỉ được hấp thu một phần. Phần thức ăn không được hấp thu sẽ đào thải ra ngoài gây nên tình trạng trẻ đi ngoài phân sống.
  • Do dùng thuốc: Dùng thuốc kháng sinh trong thời gian dài cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ đi ngoài phân sống. Bên cạnh khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây hại thì kháng sinh cũng tiêu diệt phần nào đó vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Hệ vi sinh đường ruột mất cân bằng sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa, trong đó có đi ngoài phân sống.

Trẻ sơ sinh đi ngoài phân sống còn có thể là dấu hiệu của tình trạng bệnh lý nào đó trong cơ thể. Có thể kể đến như bệnh lý nội tiết, tuyến giáp, đái tháo đường cũng gây ra tình trạng đi ngoài phân sống. Bệnh nhân bị các bệnh lý về tụy như viêm tụy, suy tuyến tụy hay ung thư tuyến tụy cũng gây nên tình trạng đi ngoài phân sống.

3. Trẻ đi phân sống nên ăn gì?

Với mỗi độ tuổi thì trẻ đi phân sống nên ăn gì thì sẽ khác nhau. Do đó, phụ huynh cần lựa chọn các loại thực phẩm phù hợp với độ tuổi của trẻ. Nếu dinh dưỡng không hợp lý sẽ kéo dài tình trạng bệnh và có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

3.1. Dinh dưỡng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi

Từ 0 - 6 tháng tuổi là thời kỳ trẻ được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ hoặc sữa công thức. Tuy nhiên vẫn cần đảm bảo một lượng 14 gam chất xơ mỗi ngày cho bé. Việc điều chỉnh dinh dưỡng cho trẻ trong thời kỳ này phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng của người mẹ hoặc lựa chọn loại sữa phù hợp với trẻ. Các cách điều chỉnh dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh đi ngoài phân sống như sau:

  • Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn: Ở giai đoạn này, người mẹ cần thực hiện một số chế độ ăn kiêng do hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, chưa hoàn chỉnh. Việc điều chỉnh dinh dưỡng cho trẻ gián tiếp thông qua chế độ ăn uống của mẹ. Người mẹ hạn chế các đồ ăn chứa nhiều chất đạm như tôm, cua, cá, đồ ngọt, đồ chiên rán,... Đồng thời, cần bổ sung thêm những thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, bí đỏ, khoai lang,...
  • Trẻ sử dụng sữa công thức: Cần lựa chọn các loại sữa phù hợp với trẻ dựa vào các thành phần trong sữa. Trong sữa có nhiều loại protein như casein, đạm whey,... các chất này có thể gây ra hiện tượng dị ứng ở một số trẻ. Đối với trẻ bị thiếu enzym lactase bẩm sinh, cần lựa chọn loại sữa không có chứa đường lactose vì cơ thể không hấp thu được thành phần này. Ngoài ra, nên lựa chọn các loại sữa có bổ sung chất xơ và lợi khuẩn để hạn chế tình trạng trẻ đi ngoài phân sống.

3.2. Với trẻ 6 tháng đến 1 tuổi

Từ 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu chế độ ăn dặm. Do đó, cần chú ý khi chọn thực phẩm cho trẻ. Nên lựa chọn cho trẻ những loại bột được làm từ sữa, ít đường và có thành phần gần giống sữa mẹ để giúp trẻ thích nghi dần. Bổ sung chất xơ vào khẩu phần ăn của trẻ, đồng thời hạn chế các đồ ăn dầu mỡ, nhiều đạm. Bên cạnh đó, không cho trẻ ăn mặn, tốt nhất là không thêm gia vị vào khẩu phần ăn của trẻ. Bổ sung thêm các loại hoa quả để tăng cường vitamin ngư táo, lê, chuối, cam, bí đỏ,... để giúp trẻ dễ tiêu hóa hơn và giảm tình trạng trẻ đi ngoài phân sống.

Các loại thực phẩm này cần được xay nhuyễn và làm lỏng để trẻ dễ hấp thu vào, không gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa. Vì hệ tiêu hóa của trẻ em vẫn chưa hoàn chỉnh, do đó khả năng co bóp của dạ dày vẫn còn yếu.

Giai đoạn này, trẻ vẫn cần được bổ sung sữa vào khẩu phần dinh dưỡng, ăn dặm chỉ là phụ. Do đó, cần lựa chọn loại sữa phù hợp với độ tuổi và thể trạng của trẻ.

3.3. Dinh dưỡng cho trẻ trên 1 tuổi

Giai đoạn này, trẻ đã bắt đầu mọc răng và hệ tiêu hóa đã ổn định. Chính vì vậy, các loại thực phẩm mà trẻ hấp thu cũng đa dạng hơn. Tuy nhiên, vẫn cần chú ý trong chế độ ăn và sữa công thức của trẻ để làm giảm tình trạng trẻ đi ngoài phân sống.

  • Tăng cường vitamin thông qua các loại hoa quả: Chọn các loại quả mềm như chuối, đào, dâu tây, hồng xiêm,... Có thể cắt lát mỏng hoặc xay sinh tố, nước ép cho trẻ. Không dùng hoa quả để quá 2 giờ sau khi cắt vì sẽ ảnh hưởng đến dinh dưỡng và có thể có vi sinh vật xâm nhập vào.
  • Bổ sung chất xơ: Chất xơ có tác dụng giúp cơ thể tiêu hóa tốt và giảm tình trạng trẻ đi ngoài phân sống. Cần tăng cường các loại ngũ cốc, rau xanh, các loại hạt vào khẩu phần ăn của trẻ.
  • Sữa chua: Không chỉ là nguồn cung cấp protein và canxi tuyệt vời cho quá trình hình thành xương và răng của trẻ. Sữa chua còn cung cấp rất nhiều lợi khuẩn đường ruột probiotic, giúp trẻ dễ dàng hấp thu dinh dưỡng và bảo vệ đường tiêu hóa, hạn chế trẻ đi ngoài phân sống.
  • Protein: Cần hạn chế protein trong khẩu phần ăn của trẻ. Nên cho trẻ ăn thịt nạc, hạn chế đồ ăn nhiều mỡ và các loại thịt giàu protein như tôm, cua, cá,...
  • Tinh bột: Cung cấp cho trẻ lượng tinh bột cần thiết sẽ giúp trẻ dễ tiêu hóa hơn đồng thời tạo cảm giác no cho trẻ.
  • Bổ sung nước và điện giải: Trẻ đi ngoài phân sống thường bị mất nước và điện giải. Chính vì vậy, việc bổ sung nước và điện giải cho trẻ là rất cần thiết, đặc biệt với trẻ đi ngoài phân sống kéo dài, có nôn trớ.
  • Khẩu phần ăn: Để hạn chế và điều trị trẻ đi phân sống, cần có khẩu phần ăn hợp lý. Nên chia nhỏ thành các bữa, ít nhất là 6 lần một ngày. Đồng thời cho trẻ ăn một lượng vừa đủ, không ăn nhiều trong mỗi lần ăn.
  • Bổ sung lợi khuẩn: Bổ sung men tiêu hóa cho trẻ là một việc cần thiết. Nó giúp tăng cường các vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa, do đó giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

Như vậy, trẻ đi ngoài phân sống không phải là tình trạng nguy hiểm nhưng cũng không được chủ quan. Để phòng và điều trị bệnh, cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp và khẩu phần ăn hợp lý. Trong trường hợp trẻ đi ngoài phân sống kéo dài, không cải thiện bố mẹ nên đưa con tới cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

51.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan