Hậu quả của tăng đường huyết sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Ngọc Chương - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Tăng đường huyết sơ sinh có thể xảy ra trong nhiều tình huống, chẳng hạn như sinh non, nhiễm trùng, truyền dịch hoặc do thuốc. Phụ huynh khi có con nhỏ rơi vào tình trạng này đều thắc mắc tăng đường huyết sơ sinh có nguy hiểm không.

1. Tổng quan về tăng đường huyết sơ sinh

Cung cấp và chuyển hóa glucose giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng, phát triển bình thường ở cả thai nhi lẫn trẻ sơ sinh. Rối loạn mức độ glucose sẵn có hoặc sử dụng glucose có thể dẫn đến hạ hoặc tăng đường huyết.

Tăng đường huyết sơ sinh được xác định khi chỉ số xét nghiệm Glucose của trẻ nằm trong một trong hai khoảng sau:

  • Glucose máu > 6,9 mmol/L (125 mg/dL);
  • Glucose huyết thanh > 8 mmol/L (145 mg/dL).

Tình trạng chiếm tần suất khoảng 25 - 75% ở trẻ sinh non, thường bắt đầu vào 3 - 5 ngày sau sinh. Tăng đường huyết sơ sinh có thể kéo dài đến 10 ngày và ổn định 2 - 3 ngày sau đó. Nếu trẻ bị tăng đường huyết > 250 mg/dL, kéo dài hơn 7 - 10 ngày, thì có thể là dấu hiệu nghi ngờ tiểu đường sơ sinh và cần điều trị bằng insulin.

Những bé có nguy cơ dễ bị tăng đường huyết sơ sinh là:

  • Sinh non;
  • Chậm phát triển trong tử cung;
  • Tăng các nội tiết tố do căng thẳng, ví dụ như catecholamin;
  • Truyền dung dịch glucose tốc độ cao hơn nhu cầu;
  • Truyền dung dịch lipid tốc độ cao và sớm;
  • Chậm cho ăn qua đường miệng.
Hậu quả của tăng đường huyết sơ sinh
Trẻ sơ sinh chậm ăn

2. Nguyên nhân gây tăng đường huyết sơ sinh

Tăng đường huyết ở trẻ sơ sinh có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như:

  • Truyền Glucose vào quá nhiều: Lượng đường cung cấp > 4 - 5 mg/kg/phút cho trẻ sinh non nhẹ hơn 1000gr có thể làm tăng đường máu;
  • Một số loại thuốc: Thường gặp nhất là steroid, ngoài ra còn bao gồm caffeine, theophylin, phenytoin và diazoxide;
  • Trẻ sơ sinh có cân nặng cực thấp: Cụ thể là dưới 1000gr;
  • Truyền Lipid: Acid béo tự do được cho là có liên quan đến tình trạng tăng đường huyết sơ sinh;
  • Tiểu đường sơ sinh: Đây là một căn bệnh hiếm gặp, thường có liên quan với đột biến gen KCNJ11 mã hóa Kir6.1 hoặc gen ABCC8 mã hóa SUR1;
  • Tiểu đường liên quan đến tế bào tuyến tụy: Thiểu sản tụy, không có tế bào β đảo tụy phổ biến ở trẻ nhẹ cân so với tuổi thai, đi kèm với các dị tật khác;
  • Các tình trạng khác: Nhiễm trùng, trẻ sinh non bị stress, thiếu oxy, trẻ sau phẫu thuật, tăng sản xuất Glucose tại gan, hoặc protein vận chuyển Glucose chưa phát triển đầy đủ (ví dụ GLUT - 4).

3. Hậu quả của tăng đường huyết sơ sinh

Trả lời cho câu hỏi “Tăng đường huyết sơ sinh có nguy hiểm không?”, các bác sĩ cho biết hậu quả đầu tiên của tăng đường huyết chính là làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, tăng đường huyết sơ sinh cũng là một trong những yếu tố rủi ro dẫn đến các tình trạng sau:

  • Suy giảm miễn dịch:

Suy giảm miễn dịch khiến trẻ thường hay bị mắc các bệnh nhiễm trùng nặng, dai dẳng và tái phát nhiều đợt. Hệ thống miễn dịch còn yếu ớt của trẻ nhỏ không đủ sức ứng phó với bệnh sẽ dẫn đến biến chứng nặng nề hoặc tử vong sớm.

  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng:

Nhiễm trùng sơ sinh không chỉ ảnh hưởng tới sự tăng trưởng và phát triển của trẻ về thần kinh, giác quan cũng như các cơ quan, mà còn chiếm tỷ lệ tử vong cao thứ hai (chỉ đứng sau hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh).

  • Chậm lành vết thương:

Người mắc bệnh tiểu đường nói chung sẽ không có khả năng phục hồi tổn thương trên cơ thể một cách tự nhiên. Các vết thương ngoài da cũng phải mất thời gian rất lâu mới lành hẳn, khiến trẻ đau đớn, khó chịu và dễ bị nhiễm trùng.

Hậu quả của tăng đường huyết sơ sinh
Bé không có khả năng phục hồi tổn thương
  • Tăng nguy cơ bệnh lý võng mạc:

Đây là một rối loạn mắt do sự phát triển bất thường của mạch máu võng mạc, thường gặp ở trẻ sinh non hoặc nhẹ cân, kèm theo tăng đường huyết. Bệnh võng mạc có nguy cơ gây mất thị giác lúc nhỏ, thậm chí là mù vĩnh viễn nếu không kịp thời điều trị.

  • Tăng nguy cơ xuất huyết não:

Là tình trạng chảy máu não hoặc màng não do vỡ mạch máu trong não, chiếm tỷ lệ tử vong cao và để lại di chứng nặng nề cho trẻ.

  • Tăng thẩm thấu do tăng glucose máu (hyperosmolar hyperglycemic state - HHS):

Tình trạng này còn được gọi là quá ưu trương do tăng đường huyết, gây rối loạn tri giác, tăng thẩm thấu, mất nước tế bào không kèm toan ceton nặng. Trẻ lợi tiểu mất nước sẽ bị sút cân, mất cân bằng điện giải và tăng thẩm thấu huyết thanh, cuối cùng dẫn đến thay đổi áp lực thẩm thấu trong não.

Ngoài ra, hậu quả của tăng đường huyết sơ sinh cũng có thể kể đến là xuất huyết dưới da do tiêm tĩnh mạch và thời gian nằm viện của bệnh nhi kéo dài.

4. Chẩn đoán và điều trị tăng đường huyết sơ sinh

4.1. Chẩn đoán

Tăng đường huyết ở trẻ sơ sinh không biểu hiện triệu chứng lâm sàng đặc hiệu, do đó trẻ cần được kiểm tra đường máu để chẩn đoán và điều trị nếu:

  • Trẻ sơ sinh cân nặng thấp được truyền dịch nuôi dưỡng tĩnh mạch;
  • Trẻ sinh non, nhiễm trùng hoặc mắc bệnh nặng;
  • Dấu hiệu mất nước xuất hiện nhanh chóng ở những trẻ sinh non;
  • Trẻ nhỏ hơn so với tuổi thai (SGA), tiểu nhiều, nhiễm toan, lớp mỡ dưới da mỏng, chậm lớn, không/chậm tăng cân.

Nếu trẻ sơ sinh bị tiểu đường khi xét nghiệm sẽ thấy:

  • Glucose huyết tăng;
Hậu quả của tăng đường huyết sơ sinh
Glucose huyết tăng: Trẻ sơ sinh bị tiểu đường
  • Glucose niệu nhiều;
  • Có thể có ceton niệu và nhiễm toan máu;
  • Xét nghiệm Insulin có thể thấp hoàn toàn hoặc tương đối nhằm đáp ứng với tình trạng tăng Glucose.

4.2. Điều trị

Mục tiêu điều trị là phòng ngừa và phát hiện sớm tình trạng tăng đường huyết bằng cách kiểm soát tốc độ truyền đường (GIR) và xét nghiệm theo dõi nồng độ Glucose huyết, Glucose niệu.

Đối với trẻ sinh non cân nặng thấp, cần nuôi dưỡng tĩnh mạch đủ acid amin và lipid. Chú ý phải nuôi ăn đường miệng sớm nhất khi có thể để giúp tiết ra một số hormone kích thích tiết Insulin.

Phác đồ điều trị cũng dựa trên nguyên nhân gây tăng đường huyết. Trẻ có thể phải tiêm Insulin đường tĩnh mạch hoặc uống sulfonylureas lâu dài trong trường hợp có khuyết thiếu Kir6.2 và SUR1.

Tóm lại, tăng đường huyết thường xuất hiện trong quá trình truyền glucose ở trẻ sơ sinh, nhất là các bé sinh non tháng. Tăng đường huyết sơ sinh là một yếu tố nguy cơ rất lớn đối với tỷ lệ tử vong và bệnh tật trong thời kỳ sơ sinh, đặc biệt là tỷ lệ sống sót của trẻ sơ sinh nhẹ cân.

Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Ngọc Chương đã từng làm việc tại Bệnh viện Nhi Đồng I, Bệnh viện Thủ Đức và Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Với thế mạnh trong việc chẩn đoán, khám bệnh lý sơ sinh - hồi sức sơ sinh, Bác sĩ Chương hiện đang là Bác sĩ Nhi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park và là thành viên hiệp hội Nhi khoa Thành phố Hồ Chí Minh.

Video đề xuất:

Hướng dẫn cách mặc áo cho trẻ sơ sinh - Cùng mẹ chăm sóc bé đúng cách

XEM THÊM:

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan