Ho ở trẻ mới biết đi

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Th.S BS. Ngô Thị Oanh – Bác sĩ Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Ho là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh ở trẻ em. Ho nghe có vẻ đáng sợ, nhưng thường không phải là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng. Trên thực tế, ho là một phản xạ lành mạnh và quan trọng giúp bảo vệ đường thở ở cổ họng và ngực. Đừng cho rằng cơn ho của trẻ mới biết đi hoặc trẻ nhỏ chỉ là cảm lạnh. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị ho, cách điều trị tốt nhất và khi nào bạn nên lo lắng.

1. Ho là gì?

Ở điều kiện sinh lý bình thường, ho là một phản xạ sinh lý có tính bảo vệ cơ thể. Đường thở trên bắt đầu ở phía sau mũi và di chuyển xuống dây thanh âm. Đường thở dưới bao gồm khí quản, phế quản phải và trái dẫn đến các thùy phổi, các ống nhỏ của phổi được gọi là tiểu phế quản và các túi khí. Bất kỳ một thứ gì lạ không phải không khí (như dịch nhầy, thức ăn ...) lọt vào dọc theo đường thở bên dưới dây thanh quản đều gây phản xạ ho. Nhờ phản xạ ho này, bằng sự thở ra rất mạnh giúp làm sạch đường thở, tống xuất đờm, dịch tiết và vật lạ lọt vào đường hô hấp, giúp nhung mao hô hấp hoạt động tốt.

2. Nguyên nhân gây ra ho?

2.1. Do nhiễm trùng cảm lạnh, cảm cúm, viêm phế quản

Các nguyên nhân này đều có thể khiến cơn ho của trẻ kéo dài. Cảm lạnh có xu hướng gây ra ho khan từ nhẹ đến trung bình, trong khi cúm gây những cơn ho ở mức độ nghiêm trọng hơn. Nếu viêm thanh khí quản, trẻ sẽ ho nhiều vào ban đêm và kèm theo khó thở. Những trường hợp nhiễm virus không được điều trị bằng kháng sinh, thay vào đó có thể dùng cho trẻ các loại thuốc giảm ho, long đờm.

Trẻ cảm cúm
Cảm lạnh hay cảm cúm đều có thể khiến những cơn ho của trẻ bị kéo dài

2.2. Trào ngược axit

Các triệu chứng thường xuất hiện ở trẻ như ho, thường xuyên nôn khạc ra nước bọt, hơi thở có mùi hoặc bị ợ nóng. Điều trị trào ngược phụ thuộc vào độ tuổi, sức khỏe và các vấn đề khác của trẻ. Bạn có thể áp dụng mẹo loại bỏ các loại thực phẩm gây kích thích khỏi chế độ ăn uống của trẻ (như sô cô la, bạc hà, đồ chiên rán, cay, đồ uống có ga). Cho trẻ ăn ít nhất hai giờ trước khi đi ngủ, chia nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày.

2.3. Bệnh hen suyễn

Triệu chứng ở mỗi trẻ lại khác nhau khiến bạn khó có thể không phân biệt được. Triệu chứng điển hình ở trẻ đang bị hen suyễn là khò khè, trẻ thường bị vào ban đêm. Điều trị hen suyễn ở trẻ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và bao gồm cả việc hạn chế khói, bụi, ô nhiễm không khí hoặc nước hoa. Tốt hơn hết bạn nên đưa con đến bác sĩ khi có triệu chứng của hen suyễn.

2.4. Dị ứng / viêm xoang

Có thể gây ho kéo dài, cũng như ngứa cổ họng, chảy nước mũi, chảy nước mắt, đau họng hoặc phát ban. Để biết chính xác con bạn có bị dị ứng hay viêm xoang hay không hay đưa trẻ đến bác sĩ để khám phân loại bệnh. Lưu ý kiêng các nguyên nhân gây dị ứng như thực phẩm, phấn hoa, lông động vật và bụi.

2.5. Ho gà

Là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella ho gà. Trẻ bị ho gà sẽ có những cơn ho liên tục mà không thở được giữa các lần. Khi kết thúc cơn ho, khi trẻ hít thở sâu sẽ tạo ra âm thanh "khục khục". Các triệu chứng khác là sổ mũi, hắt hơi, ho nhẹ và sốt nhẹ.

Ho gà có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nghiêm trọng nhất ở trẻ dưới 1 tuổi không được chủng ngừa ho gà, là một phần của vắc-xin DPT (bạch hầu, uốn ván, ho gà). Nó rất dễ lây lan, vì vậy tất cả trẻ em nên tiêm phòng ho gà khi được 2 tháng, 4 tháng, 6 tháng, 15 tháng và nhắc lại khi 4–6 tuổi. Bệnh ho gà có thể điều trị được bằng kháng sinh.

2.6. Xơ nang

Thường gặp ở trẻ nhỏ cùng các cơn ho có đờm vàng hoặc xanh nhạt đây là những dấu hiệu nặng nhất mà trẻ gặp phải.

Ho ở trẻ mới biết đi
Các cơn ho có đờm xanh đờm vàng là dấu hiệu nặng nhất của xơ nang

3. Trẻ mới biết đi ho: Khi nào cần lo lắng?

Gọi xe cấp cứu ngay khi:

  • Da, môi , móng tay của trẻ chuyển màu xanh lam hoặc xám khi ho.
  • Khó thở dữ dội , thở gấp hơn bình thường hoặc trẻ có vẻ khó thở hơn
  • Trẻ bất tỉnh hay ngừng thở

Nếu trẻ có một hay vài triệu chứng sau kèm theo ho nên cho trẻ đi khám bác sĩ ngay:

  • Trẻ dưới 4 tháng tuổi
  • Thở khò khè khi thở ra.
  • Ho ra chất nhầy có màu vàng, xanh lá cây hoặc có vệt máu
  • Phát ra âm thanh "khục khục" khi hít vào sau khi ho
  • Ho ra máu
  • Từ chối uống hoặc ăn bất cứ thứ gì trong một thời gian dài
  • Bị sốt và không hành động giống bình thường yếu ớt hoặc cáu kỉnh quấy khóc.
  • Bị bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tim hoặc phổi
  • Ho dữ dội đến nỗi trẻ nôn ra
  • Ho dai dẳng sau khi mắc nghẹn thứ gì đó
  • Ho không thuyên giảm sau khoảng hai tuần.
  • Có hệ thống miễn dịch kém hoặc không được chủng ngừa đầy đủ
  • Mất nước; các dấu hiệu bao gồm chóng mặt, buồn ngủ, miệng khô hoặc dính, mắt trũng sâu, khóc ít hoặc không có nước mắt hoặc đi tiểu ít thường xuyên hơn (hoặc ít ướt tã hơn).

4. Các loại ho ở trẻ

  • Ho khan: là gây ra bởi các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên (mũi và cổ họng) như cảm lạnh, cúm. Ho không có chất nhầy.
  • Ho có đờm: gây ra bởi các chất tiết dịch và chất nhầy trong đường hô hấp thường gặp trong bệnh hen suyễn, nhiễm trùng.

5. Các triệu chứng ho và ý nghĩa

5.1. Ho kèm theo nghẹt mũi

  • Nguyên nhân : do cảm lạnh thông thường
  • Các triệu chứng : Hắt xì, chảy nước mũi, ăn ít hoặc không ăn, sốt nhẹ.
  • Cách khắc phục : Không cho trẻ uống thuốc giảm ho, nên cho trẻ uống mật ong nếu trẻ trên 1 tuổi. Bạn có thể cho trẻ uống từ 2 đến 5ml mật ong để làm loãng chất nhầy và làm dịu cơn ho. Hoặc mẹ có thể thoa tinh dầu bạc hà lên vùng da trên ngực, cổ, gan bàn chân cho trẻ với những trẻ trên 2 tuổi.
Mật ong
Mật ong có thể làm loãng chất nhày và dịu cơ ho của trẻ

5.2. Ho kèm theo hơi thở lạnh và khó thở

  • Nguyên nhân : do virus hợp bào hô hấp (RSV) - phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mặc dù trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh này. Thông thường Virus hợp bào hô hấp chỉ gây ra các triệu chứng giống như cảm lạnh ở trẻ em khỏe mạnh. Nhưng nó có thể dẫn đến các bệnh hô hấp nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như viêm tiểu phế quản và viêm phổi, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh dưới một tuổi.
  • Các triệu chứng : Ho nặng hơn, Thở khò khè; Thở nhanh; Sốt; Môi và móng tay hơi xanh hoặc xám.
  • Cách điều trị : hầu hết trẻ em khỏi bệnh do RSV mà không cần điều trị. Nhưng hãy cho trẻ đi khám bác sĩ nếu bạn nghi ngờ bệnh trẻ tiến triển thành viêm tiểu phế quản và viêm phổi. Hoặc bạn cũng có thể áp dụng các cách khắc phục của cảm lạnh thông thường như đã nói ở trẻ.

5.3. Ho kèm sốt và khó thở

  • Nguyên nhân : Do viêm phổi hoặc viêm phế quản
  • Các triệu chứng : Nhức mỏi cơ thể, ớn lạnh
  • Cách điều trị : Nếu con của bạn có các triệu chứng của viêm phổi hoặc viêm phế quản hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ. Con bạn có thể phải dùng kháng sinh để hết nhiễm trùng và ho.

5.4. Ho “ông ổng”, đặc biệt vào ban đêm

  • Nguyên nhân: nhiễm trùng dây thanh quản, khí quản và ống phế quản dẫn đến sưng tấy. Ho do các dây thanh âm sưng lên tạo ra âm thanh tương tự như tiếng sủa.
  • Các triệu chứng: Ho nhiều vào ban đêm; Tiếng huýt sáo cường độ cao nghe thấy khi trẻ hít vào
  • Cách khắc phục: Cơn ho nghe có vẻ nghiêm trọng nhưng với hầu hết các trường hợp có thể điều trị tại nhà. Bạn có thể áp dụng một số mẹo sau đây:

+ Hãy an ủi trẻ để trẻ bình tĩnh và giúp trẻ thở tốt hơn nếu trẻ thức giấc khi ho bằng cách vỗ rung lồng ngực (khum tay của bạn vỗ vào lưng của trẻ theo chiều từ dưới lên trên, dùng lực cổ tay không dùng lực cánh tay).

+ Đảm bảo rằng con bạn được uống nhiều nước ấm.

+ Nâng cao đầu của trẻ. Nếu con bạn hơn một tuổi, bạn có thể thử kê cao đầu một chút khi trẻ ngủ để giúp giảm cơn ho.

+ Sử dụng máy tạo ẩm dạng phun sương mát mẻ hoặc đưa con bạn vào phòng tắm có hơi nước. Điều này có thể giúp giảm sưng đường thở, mặc dù nó chưa được khoa học chứng minh.

5.5. Ho dai dẳng

  • Nguyên nhân: do dị ứng ( phản ứng của cơ thể, thường là do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức); hen suyễn (do lớp niêm mạc của các ống dẫn khí đến phổi bị viêm); các chất kích thích từ môi trường (có thể bao gồm những thứ như khói thuốc lá, thuốc lào, bụi hoặc ô nhiễm ) và viêm xoang ( là tình trạng viêm nhiễm ở niêm mạc mũi và các xoang. Nó có thể là virus hoặc vi khuẩn)
  • Các triệu chứng: Ngạt hoặc chảy nước mũi với chất nhầy trong ; Ho sau khi chạy xung quanh, vào ban đêm hoặc sau khi tiếp xúc với lạnh (nếu đó là bệnh hen suyễn) ; Ho nặng hơn vào ban đêm và khi nằm, và sổ mũi kéo dài ít nhất 10 ngày mà không có dấu hiệu cải thiện (dấu hiệu của viêm xoang)
  • Cách điều trị :

+ Loại bỏ các tác nhân dị ứng ra xa khỏi con bạn tối đa có thể.

+ Nếu bạn nghi ngờ ho do dị ứng, hen suyễn hoặc viêm xoang, hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ.

Phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị sớm
Cha mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ nếu cơn ho của trẻ kéo dài dai dẳng

5.6. Ho không có dấu hiệu bệnh tật

  • Nguyên nhân : do nuốt hoặc hít phải dị vật
  • Các triệu chứng : Ho kéo dài một tuần hoặc hơn mà không có bất kỳ dấu hiệu bệnh tật nào khác (như sổ mũi, sốt hoặc hôn mê) hoặc dị ứng (tiết dịch trong) .
  • Cách điều trị : Cho trẻ đi khám bác sĩ nếu nghi ngờ trẻ ho do bị mắc dị vật, bác sĩ sẽ cho trẻ chụp X- quang phổi để xác định dị vật. Nếu chụp X quang nghi ngờ có dị vật thì có thể bác sĩ sẽ yêu cầu trẻ phải làm nội soi phế quản.

5.7. Ho kèm tiếng “khục khục”.

  • Nguyên nhân : Do ho gà
  • Các triệu chứng: Trẻ bị ho gà thường ho không ngừng trong 20 hoặc 30 giây, sau đó khó thở trước khi bắt đầu cơn ho tiếp theo. Các triệu chứng cảm lạnh, chẳng hạn như hắt hơi, sổ mũi và ho nhẹ, trong tối đa hai tuần trước khi bắt đầu những cơn ho nặng hơn.
  • Cách điều trị : Nếu trẻ có những triệu chứng trên hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ.

5.8. Ho có đờm đặc màu vàng hoặc màu xanh lá cây:

  • Nguyên nhân : Do xơ nang
  • Các triệu chứng : Viêm phổi tái phát hoặc nhiễm trùng xoang, không tăng cân , da có vị mặn, phân táo nhiều dầu mỡ.
  • Cách điều trị : Nên đến gặp bác sĩ để có phương án điều trị tốt nhất. Họ có thể kê đơn thuốc kháng sinh và long đờm giảm ho cho con bạn.

5.9. Ho thường xuyên:

  • Nguyên nhân : Do thói quen
  • Các triệu chứng : Không có triệu chứng gì đặc biệt , có thể sau một giai đoạn ốm và đến khi khỏi nhưng trẻ vẫn tiếp tục ho ngay cả khi trẻ khỏe mạnh
  • Cách điều trị : Thông thường sau một đợt ốm, trẻ sẽ tự ngừng ho. Nhưng nếu trẻ vẫn tiếp tục ho như một thói quen bạn có thể áp dụng cách cho trẻ ngậm viên ngậm hoặc điều chế các bài thuốc dân gian giảm ho cho trẻ nhưng lưu ý chỉ dùng cho trẻ trên 1 tuổi.
Bổ sung vitamin D cho trẻ
Nếu trẻ trên 1 tuổi thường xuyên bị ho cha mẹ có thể cho bé ngậm các bài thuốc dân gian

6. Điều trị ho cho trẻ có cần thiết phải dùng thuốc?

Hầu hết các cơn ho là do virus gây ra và chỉ cần điều trị dứt điểm. Đôi khi, quá trình này có thể mất đến 2 tuần. Các bác sĩ thường không kê đơn thuốc kháng sinh vì chúng chỉ có tác dụng chống lại vi khuẩn.

Trừ khi cơn ho ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ, còn nếu không thì không cần dùng thuốc ho. Thuốc có thể hết ho nhưng không điều trị được nguyên nhân gây ho.

Học viện Nhi khoa Hoa kỳ khuyến cáo, không dùng thuốc mà không được sự đồng ý của bác sĩ ngay cả khi bạn cho rằng con bạn chỉ bị cảm cúm thông thường. Sau đây là các loại thuốc khuyến cáo dùng theo độ tuổi:

- Dưới 4 tuổi: không cho trẻ uống thuốc ho hoặc thuốc cảm

- Từ 4 - 6 tuổi: Chỉ sử dụng các loại thuốc trên khi có sự đồng ý của bác sĩ.

- Từ 6 tuổi trở lên: Bạn có thể cho trẻ dùng thuốc ho hoặc thuốc cảm không kê đơn chỉ cần đảm bảo loại thuốc đó phù hợp với độ tuổi của trẻ và đo từng liều dùng chính xác theo hướng dẫn. Ngoài ra, không bao giờ cho trẻ uống nhiều loại thuốc ho hoặc thuốc cảm cùng một lúc. Chúng thường bao gồm nhiều thành phần tương tự nhau có thể gây quá liều hoặc tương tác thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com, kidscountryinc.com, webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

779 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan