Kẽm và các bệnh về não

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Mất cân bằng nội môi kẽm trong não có thể dẫn đến nhiều tình trạng bệnh lý cả cấp tính lẫn mãn tính. Nói cách khác, thiếu kẽm kéo dài có thể dẫn đến hoặc làm tăng tình trạng suy giảm nhận thức liên quan đến tuổi tác, trầm cảm, bệnh Alzheimer hoặc các biến chứng tiêu cực sau chấn thương não.

1. Bệnh Alzheimer

Bệnh Alzheimer là chứng sa sút trí tuệ tiến triển ảnh hưởng đến người cao tuổi phổ biến nhất hiện nay. Đây là một bệnh đa nhân tố của cả nguyên nhân di truyền và không di truyền. Lý thuyết cơ bản về cơ chế bệnh sinh Alzheimer tập trung vào sự tích tụ amyloid-β (Aβ).

Quan sát thấy rằng kẽm có thể làm kết tủa Aβ, dẫn đến sự kết tụ thành những mảng bám - dấu hiệu bệnh lý chính của Alzheimer. Ngoài ra, còn có nhiều bằng chứng khác cho thấy sự tham gia của kẽm vào quá trình lắng đọng Aβ trong bệnh Alzheimer khi thí nghiệm trên chuột.

Số lượng và kích thước mảng bám cũng được tăng cường khi điều chỉnh kẽm trong chế độ ăn uống. Những dữ này có thể phản ánh các vai trò đa dạng của kẽm trong việc điều hòa Aβ và. Cùng với tác động của kẽm, các kim loại khác (chẳng hạn như đồng) cũng được báo cáo là có liên quan đến sự phát triển và tiến triển của các bệnh về não giống Alzheimer, song những quan sát này chưa chắc chắn và các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục đánh giá thiếu kẽm gây bệnh gì.

2. Bệnh xơ cứng teo cơ một bên (hội chứng ALS)

Bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) là một bệnh thoái hóa thần kinh trong hệ thống vận động của con người, có thể gây tử vong. Có khoảng 5 - 10% trường hợp bệnh có tính chất di truyền trong gia đình và 90% trường hợp lẻ tẻ. Nguyên nhân phổ biến nhất của ALS mang tính gia đình là đột biến gen liên quan đến đồng và kẽm. Sự đột biến này làm tăng chức năng độc hại trong tế bào thần kinh vận động khi thiếu kẽm kéo dài.

Ngoài ra, kẽm trong tủy sống của những bệnh nhân mắc ALS lẻ tẻ cũng được điều chỉnh giảm, cho thấy rằng kẽm cũng có vai trò trong sinh bệnh học. Trong một nghiên cứu khác, nồng độ kẽm trong dịch não tủy của bệnh nhân mắc bệnh ALS cũng cao hơn đáng kể. Tuy nhiên, cơ chế chính xác tạo nên sự gia tăng này và những tác động tiềm ẩn vẫn cần phải được làm rõ.

các bệnh về não
Các bệnh về não có thể do mất cân bằng nội môi kẽm trong não

3. Chấn thương sọ não

Chấn thương sọ não là sự gián đoạn cấu trúc và/ hoặc chức năng bình thường của não, có thể là do một cú đánh hoặc va đập vào đầu, hoặc do chấn thương xuyên thấu đầu. Tai nạn này có thể làm phá hủy tế bào thần kinh thông qua tổn thương cơ học trực tiếp (như vỡ màng tế bào và tổn thương trục lan tỏa) và gián tiếp (thông qua thiếu máu cục bộ). Thiếu máu cục bộ liên quan đến chấn thương sọ não (và đột quỵ do thiếu máu cục bộ) bắt đầu giải phóng glutamate, dẫn đến ngộ độc và chết tế bào của tế bào thần kinh sau synap.

Bằng chứng cho thấy kẽm giải phóng ở synap cũng có thể khiến các tế bào thần kinh bị thương tích và chết đi trong các điều kiện gây kích thích. Kết quả nghiên cứu ở cả thiếu máu cục bộ và trạng thái động kinh (biến chứng thứ phát trong chấn thương sọ não) chứng minh rõ ràng là có liên quan đến kẽm. Cụ thể, kẽm được giải phóng qua khớp thần kinh đã được chứng minh là góp phần vào tổn thương tế bào thần kinh, và xảy ra đồng thời với sự giải phóng glutamate sau chấn thương đầu. Tuy nhiên, vai trò của kẽm đối với não bị tổn thương vẫn chưa được xác định rõ ràng. Ví dụ như khi nghiên cứu mô hình não chuột bị chấn thương sọ, quá trình thải kẽm góp phần điều chỉnh các gen bảo vệ thần kinh và giảm chết tế bào, từ đó cho thấy vai trò độc hại của kẽm đối với loại chấn thương này.

4. Trầm cảm

Trầm cảm ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới, và đi kèm với nhiều bệnh thoái hóa thần kinh. Bằng chứng về vai trò của kẽm đối với bệnh trầm cảm đã thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà khoa học trong thập kỷ qua. Quan sát thấy rằng những bệnh nhân trầm cảm có nồng độ kẽm huyết thanh thấp hơn so với người bình thường về mặt tâm thần. Nồng độ kẽm cũng có tương quan nghịch đảo với mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng trầm cảm. Hơn nữa, các nghiên cứu khác chỉ ra rằng nồng độ kẽm huyết thanh có thể được bình thường hóa sau khi điều trị trầm cảm thành công.

5. Tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt là một chứng rối loạn tâm thần lâu dài, đặc trưng bởi sự không thống nhất giữa suy nghĩ, cảm xúc và hành vi, dẫn đến nhận thức sai lầm, hành động và tâm trạng không phù hợp, xa rời thực tế vào tưởng tượng và ảo tưởng. Đây là tình trạng có cả bệnh lý thoái hóa thần kinh và phát triển thần kinh với nguyên nhân tiềm ẩn do thiếu kẽm kéo dài ở người mẹ và các yếu tố nguy cơ di truyền. Trong thí nghiệm trên chuột, thiếu kẽm ở chuột mẹ dẫn đến thiếu kẽm trước khi sinh làm giảm khối lượng não của chuột con.

Đối với bệnh nhân tâm thần phân liệt, hàm lượng kẽm trong não được chứng minh giảm 30 - 50% trong các trường hợp khởi phát sớm. Trong khi thiếu kẽm trước khi sinh có thể không phải là nguyên nhân duy nhất của căn bệnh này, tương tác với các gen nguy cơ khác và/ hoặc tình trạng thiếu kẽm liên tục sau khi sinh có thể là một yếu tố góp phần. Những kết quả nghiên cứu khác cũng cho thấy sự phá vỡ cân bằng nội môi tế bào kẽm có thể là một phần của sinh lý bệnh tâm thần phân liệt.

các bệnh về não
Tâm thần phân liệt có thể do thiếu kẽm kéo dài ở người mẹ

6. Bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson là một rối loạn thoái hóa lâu dài của thần kinh trung ương, chủ yếu ảnh hưởng đến hệ vận động. Các triệu chứng phát triển chậm theo thời gian, rõ ràng nhất là run rẩy, cứng cơ, vận động chậm và đi lại khó khăn. Cả hai vấn đề về suy nghĩ và hành vi đều có thể xảy ra, đồng thời chứng sa sút trí tuệ cũng có thể xuất hiện ở giai đoạn bệnh nặng.

Quan sát những bệnh nhân có biểu hiện Parkinson thấy thiếu hụt kẽm lâm sàng. Nghiên cứu trên động vật mắc bệnh Parkinson chứng minh hiệu quả của việc bổ sung kẽm, mang đến những phản ứng có lợi. Ví dụ ở những con ruồi có biểu hiện tương tự các triệu chứng Parkinson của con người, bổ sung kẽm giúp cải thiện những tình trạng bất thường về cơ, khiếm khuyết về vận động, mất khả năng bay, cũng như giảm tuổi thọ nghiêm trọng. Tổng hợp lại những dữ liệu cho thấy cân bằng nội môi kẽm bị thay đổi trong bệnh Parkinson, và do đó có thể góp phần vào cơ chế bệnh sinh.

Tóm lại, kẽm là một vi chất dinh dưỡng không thể thiếu đối với con người, sự thiếu hụt kẽm có liên quan đến nhiều rối loạn. Trong hệ thống thần kinh trung ương, việc duy trì cân bằng nội môi kẽm là rất quan trọng đối với sức khỏe của não, đặc biệt liên quan đến nhận thức. Thay đổi cân bằng nội môi của kẽm được coi là một yếu tố góp phần vào cơ chế bệnh sinh của các bệnh về não khác nhau.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: pubmed.ncbi.nlm.nih.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

828 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan