Khi nào nên cho bé đi khám chậm nói?

Trẻ chậm nói có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, trẻ có thể gặp vấn đề ở cơ quan phát âm, do các yếu tố tâm lý, giáo dục gây rối loạn ngôn ngữ... Vậy khi nào nên cho bé đi khám chậm nói và con nít chậm nói nên khắc phục ra sao?

1. Quá trình phát triển ngôn ngữ của một đứa trẻ bình thường

Giai đoạn phát triển ngôn ngữ bình thường sẽ trải qua các giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn 3 - 6 tháng: Trẻ có biểu hiện chăm chú nhìn vào người nói chuyện và biết quay đầu về phía có âm thanh. Trẻ bắt đầu phân biệt được những tiếng động phát ra từ các vị trí khác nhau và có thể nói được các từ có nguyên âm "a" như từ "ba", "bà";
  • Giai đoạn 6 - 9 tháng: trẻ bắt đầu nói được 2 âm đơn giản như "ma ma", "ba ba";
  • Giai đoạn 9 - 12 tháng: Ở giai đoạn này, bé đã có thể phát ra âm "ê" hoặc "a" kéo dài thành một chuỗi âm thanh, tuy nhiên phát âm vẫn chưa rõ ràng. Vào khoảng 11 tháng hoặc 1 tuổi, một số bé đã có thể nói được 2-3 từ đơn khá rõ như: bố, bà, mẹ...;
  • Giai đoạn 12 - 15 tháng: Trẻ phát âm tương tự như tiết tấu trong âm nhạc với ý muốn giữ cho câu chuyện được tiếp tục;
  • Giai đoạn 15 - 18 tháng: Ở giai đoạn này trẻ đã có thể sử dụng được 4 từ như là tên các con vật kết hợp với cử chỉ, vẫy tay, chỉ chỉ tay. Trẻ 18 tháng tuổi bắt đầu nói và tự ghép 2 từ với nhau, hình thành trật tự câu. Trẻ biết ít nhất 6 bộ phận trên cơ thể, chỉ được 1-2 hình ảnh quen thuộc khi nhìn vào các loại tranh ảnh như: hình bố mẹ, hình con vật...;
  • Giai đoạn 18 - 24 tháng: trẻ biết khoảng 25 từ, có thể gọi tên người, biết chào hỏi, biết từ chối;
  • Giai đoạn 2 - 3 tuổi: trẻ nói rất nhiều, ở độ tuổi này trẻ có thể biết từ 50 - 200 từ, thích tự nói chuyện khi chơi. Trẻ 3 tuổi có thể nói ra các cụm từ có đầy đủ chủ vị, biết sử dụng các câu đơn giản, biết đặt và trả lời được các câu hỏi về cái gì, ở đâu, có hay không...;
  • Giai đoạn 3 - 4 tuổi: Trẻ có thể nói được các câu phức tạp và sử dụng ngôn ngữ khá tốt, lúc này bé đã có thể kiểm soát được cường độ giọng nói, có ngữ điệu như người lớn và thường đặt câu hỏi về cái gì, ở đâu, tại sao...

Xem ngay: Trẻ chậm nói, nói lắp, phải làm gì, khám ở đâu?

2. Nguyên nhân khiến con nít chậm nói

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng con nít chậm nói được chia thành 2 nhóm chính:

  • Nguyên nhân thực thể: Bé có vấn đề ở các cơ quan phát âm (như tai, mũi, họng), cơ quan chỉ huy ngôn ngữ hay não bộ (như dị tật bẩm sinh, bại não, di chứng xuất huyết não hoặc viêm màng não...);
  • Nguyên nhân tâm lý: Có thể do cha mẹ cưng chiều thái quá hoặc ngược lại bỏ bê, không quan tâm bé thường xuyên. Một số trường hợp con nít chậm nói là hậu quả của một biến cố nào đó làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ...
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng con nít chậm nói
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng con nít chậm nói

3. Khi nào nên cho bé đi khám chậm nói?

Việc sàng lọc về khả năng nghe cho trẻ sơ sinh là một tiêu chí cực kì quan trọng tại các bệnh viện chuyên Sản khoa. Do đó, để theo dõi sớm trường hợp con nít chậm nói về sau, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến khám sàng lọc khả năng nghe khi con được 3 - 4 tháng tuổi nhưng vẫn không đáp ứng với tiếng động mạnh, trẻ không phát ra âm thanh gừ gừ.

Lưu ý, khi trẻ đạt cột mốc 5 - 12 tháng, trẻ vẫn không phản ứng hoặc không quay đầu về nơi phát ra âm thanh, không tìm cách giao tiếp với mọi người xung quanh, không biết nói bất kỳ một từ nào, không biết vẫy tay chào tạm biệt, không hiểu cách lắc đầu để nói không, không phản ứng khi được người thân gọi tên, không hiểu và không phản ứng với các cụm từ đơn giản như “không”, “bai bai”, không quan tâm gì đến thế giới xung quanh... Đây là những dấu hiệu mà phụ huynh cần hết sức chú ý, nếu ở mốc độ tuổi này mà bé có các biểu hiện kể trên thì nguy cơ con nít chậm nói rất cao, cha mẹ cần đưa bé đến khám để kiểm tra chính xác hơn.

Đối với các bé ở cột mốc phát triển 15 - 18 tháng, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý đưa trẻ đi khám nến trẻ không hiểu và không phản ứng lại với các từ ngữ thông dụng thường ngày như “không”, “dậy nào”, trẻ không nói được bất kỳ từ nào, không chỉ vào đồ vật khi được hỏi, không có hành động chỉ vào thứ bản thân mong muốn sau đó ngước nhìn người lớn để đòi, không thể tự chỉ vào một vài bộ phận cơ thể khi được yêu cầu... Cụ thể hơn, ở cột mốc này, nếu trẻ chưa nói được 6 từ, không thể giao tiếp bằng bất cứ hình thức nào, kể cả khi trẻ cần giúp đỡ, không nói các từ đơn giản như “mẹ”, “bế”..., không hiểu mệnh lệnh đơn giản, không đáp lại bằng lời hoặc bằng cử chỉ khi được ai đó hỏi “cái gì đây?”... thì cần phải cho trẻ đi khám sớm.

Một cột mốc khác cần lưu ý là khi con bước sang tháng 24 mà vốn từ tăng chậm, trẻ chưa nói được 15 từ, không tự nói mà chỉ nhại lại lời nói của người khác, không có các cuộc hội thoại đơn giản, không dùng lời nói để giao tiếp... Với trẻ từ 25 - 35 tháng, nếu trẻ không nói được câu có 2 - 4 từ, không biết gọi tên vài bộ phận trên cơ thể, không đặt các câu hỏi đơn giản... là các dấu hiệu con nít chậm nói cần được thăm khám để kiểm tra.

Đến giai đoạn trẻ 3 - 4 tuổi, con nít chậm nói sẽ có biểu hiện không sử dụng đại từ nhân xưng (con, ba, mẹ, bà), không ghép từ thành câu ngắn, không hiểu những chỉ dẫn ngắn (như: “hãy lấy giày của con”), lời nói không rõ khiến người nghe không hiểu, không tự đặt câu hỏi, ít quan tâm đến sách truyện, không quan tâm/tương tác với trẻ khác, khó tách khỏi bố mẹ...

Nhìn chung, ở độ tuổi 3 tháng – 2 tuổi có khoảng 1/5 trẻ em xuất hiện có dấu hiệu chậm nói, nhưng hầu hết trẻ sẽ đuổi kịp các bạn khi lớn lên. Tuy nhiên đối với trẻ có khả năng nghe kém mức độ nhẹ, trẻ có thể phát triển ngôn ngữ giống như các bạn khác nhưng sẽ bắt đầu gặp khó khăn khi đến tuổi đi học do khả năng nghe kém trong môi trường ồn và khoảng cách xa. Do đó, nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường theo từng mốc thời gian nên trên, việc đầu tiên phụ huynh cần làm là kiểm tra khả năng nghe của con.

khi nào nên cho bé đi khám chậm nói
Thắc mắc khi nào nên cho bé đi khám chậm nói là vấn đề được nhiều bà mẹ quan tâm

4. Trẻ chậm nói và cách khắc phục

  • Biện pháp đầu tiên vô cùng đơn giản để khắc phục tình trạng con nít chậm nói chính là cha mẹ hãy giao tiếp thường xuyên với con, đồng thời khuyến khích và khen ngợi khi bé nói chuyện;
  • Khuyến khích con nói chuyện: Cha mẹ cần dành sự quan tâm, chăm sóc con toàn diện, từ đó thúc đẩy khả năng ngôn ngữ tuỳ theo độ tuổi của bé. Trẻ em có khả năng nghe hiểu trước khi có thể tự nói, do đó cha mẹ cần có biện pháp kích thích trẻ nói sớm;
  • Thường xuyên đọc sách, đọc truyện cho con nghe. Tập cho con thói quen tập trung vào người đối diện hay vào đồ vật nào đó mà cha mẹ nhắc đến;
  • Chủ đề giao tiếp nên trực quan, liên quan đến những món đồ quen thuộc hay có ngay trước mặt hoặc nhắc đến những việc đang xảy ra;
  • Không gượng ép, thay vào đó hãy khuyến khích, khen ngợi khi trẻ tập nói;
  • Nên dạy cho trẻ những từ đơn giản, dễ hiểu, có thể là những câu chuyện quen thuộc hàng ngày;
  • Tập cho bé nghe những âm thanh khác nhau hay giao tiếp qua những hình ảnh hay ngôn ngữ cơ thể;
  • Không cho trẻ xem truyền hình hay sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều. Cha mẹ có thể xem cùng với con các chương trình giải trí phù hợp như hoạt hình, ca nhạc thiếu nhi để giúp trẻ học các từ ngữ mới và xây dựng phản xạ ngôn ngữ.

Khi trẻ có dấu hiệu chậm nói, cha mẹ nên quan sát, theo dõi những thay đổi và đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và bác sĩ sẽ có phương án xử lý, điều trị phù hợp.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

18.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan