Làm gì khi trẻ bị ngã đập đầu xuống đất?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thành Tâm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Trẻ em vốn hiếu động và không nhận biết được hậu quả nên rất hay bị té ngã. Khi trẻ ngã đập đầu xuống đất, tùy trường hợp có thể không gây ảnh hưởng quá nhiều nhưng cũng có trường hợp dẫn tới chấn thương đầu nghiêm trọng.

1. Nguyên nhân khiến trẻ em té đập đầu

Trẻ bị té ngã do nhiều nguyên nhân. Thông thường, trẻ bị ngã đập đầu do:

  • Sự bất cẩn của người trông giữ: Nhiều phụ huynh hoặc anh chị của bé không trông coi trẻ đúng cách, khiến bé bị ngã từ trên giường, võng, xe đẩy hoặc từ trên cao xuống. Bên cạnh đó, sự sơ ý khi bế trẻ, để bé tuột tay rơi xuống cũng có thể gây ngã đau hoặc thương tích;
  • Do trẻ nghịch ngợm: Trẻ có thể trèo lên bàn, ghế hoặc các đồ vật kê không vững, chạy nhảy ở những nơi trơn ướt như nhà tắm, sân chơi vừa đổ mưa, sàn nhà mới lau,... và bị ngã đập đầu; Ngoài ra, trẻ cũng có thể nô đùa với nhau, xô đẩy nhau ngã. Hoặc các em có thể bị ngã đập đầu khi chơi thể thao (bóng đá, kéo co,...).
Trẻ ngã
Trẻ nghịch ngợm có thể dẫn đến ngã đập đầu

2. Trẻ ngã đập đầu xuống đất có nguy hiểm không?

Với trẻ dưới 5 tuổi, hiện tượng bị ngã đụng đầu khá thường gặp. Tuy nhiên, vì đầu là bộ phận chứa nhiều cơ quan quan trọng nên phụ huynh không được sơ ý khi trẻ bị ngã đập đầu.

Thực tế, đa số trường hợp đụng, ngã đơn thuần khi bé nghịch chơi hoặc rơi từ ghế thấp, giường thấp xuống,... đều chỉ bị chấn thương nhẹ, ngoài da như bầm nhẹ, trầy xước hoặc đôi khi bị chảy máu do xây xát. Vì da đầu là nơi có nhiều mạch máu nuôi dưỡng nên khi bị tổn thương có thể gây ra vết bầm to hoặc gây chảy máu nhiều.

Theo khảo sát, trong 100 ca chấn thương đầu, chỉ có 1 - 2 ca có thể gây nứt xương sọ. Đa số các trường hợp nứt xương sọ chỉ gây nhức đầu ở nơi bị nứt và thường không cần can thiệp vì có thể lành hẳn trong vài tuần. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro ở những trẻ bị ngã đập đầu. Một số biến chứng có thể xảy ra, đó là não bên trong bị tổn thương, gây chấn động não.

Não là một khối mềm, được bảo vệ bởi xương sọ bên ngoài và dịch não giúp giảm chấn động và giảm chấn thương nếu có. Khi đầu chịu một lực mạnh tác động thì dịch não có thể không bảo vệ hoàn chỉnh được cho não, khiến não bị rung lắc, đụng vào thành cứng của xương sọ và gây chấn động não. Lực va đập quá lớn có thể khiến não bị dập, bầm hoặc thậm chí làm vỡ các mạch máu nuôi não, gây xuất huyết não. Các biến chứng này có thể ảnh hưởng tới mức độ tri giác, thần kinh của bệnh nhân và thậm chí dẫn tới tử vong. Biến chứng này có thể xảy ra sau chấn thương hoặc diễn ra chậm sau một vài ngày hoặc một vài tuần.

Trẻ ngã
Khi bị ngã đập đầu, trẻ có thể bị tổn thương não

3. Cách xử lý khi trẻ bị ngã đập đầu xuống đất

Thông thường, rất khó để dự đoán chấn thương não nào là lành tính và chấn thương nào nguy hiểm. Có một số dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ chấn thương não ở trẻ mà phụ huynh nên chú ý:

  • Trẻ bất tỉnh: Dù trẻ chỉ bị bất tỉnh trong vài giây thì cũng cần chú ý vì lực va đập đủ mạnh có thể gây tụ máu trong não. Lúc này cần đưa trẻ tới trung tâm y tế ngay lập tức;
  • Rối loạn tri giác: Nếu sau khi bị ngã trẻ vẫn tỉnh táo nhưng sau đó một thời gian lại có những dấu hiệu bất thường như lơ mơ, tập trung kém, không nhận ra người thân, kích động khó dỗ,... thì cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám;
  • Nôn ói trên 3 lần: Thông thường, sau khi ngã, dù không bị chấn thương sọ não thì trẻ vẫn có thể bị nôn 1 - 2 lần do khóc, ho hoặc sự va đập của hộp sọ. Tuy nhiên, nếu trẻ nôn trên 3 lần thì đó là một dấu hiệu cảnh báo bé có thể bị chấn thương não, cần đưa đi viện ngay. Và để phòng trường hợp trẻ non, trong vòng vài giờ đầu sau khi bị ngã, chỉ nên cho trẻ bú sữa mẹ hoặc uống nước, không nên dùng thức ăn đặc;
  • Ngủ nhiều: Sau khi bị ngã, trẻ thường có xu hướng ngủ nhiều. Điều này khiến việc theo dõi dấu hiệu bất thường của trẻ trở nên khó khăn hơn. Lúc này, cần theo dõi xem trẻ có biểu hiện bất thường nào ở giấc ngủ không;
  • Mất thăng bằng vận động: Sau khi bị ngã, nhiều trẻ có biểu hiện chóng mặt - đây là dấu hiệu bình thường. Tuy nhiên, nếu bé bị mất thăng bằng khi di chuyển, hay bị ngã, kéo lê chân, mất phương hướng,... thì nên đưa bé đi khám bác sĩ ngay. Bên cạnh đó, phụ huynh nên theo dõi xem khi chơi bé có làm được mọi việc như ngồi thẳng, đi lại vững vàng không. Với trẻ chưa biết đi thì theo dõi xem bé có ngồi, bò bình thường không, có quấy khóc nhiều không,...;
Giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon giấc (Phần 2)
Trẻ ngủ nhiều bất thường có thể là dấu hiệu của chấn thương não sau ngã
  • Dấu hiệu ở mắt: Trong vòng 24 giờ đầu sau khi bị ngã, trẻ có thể xuất hiện các dấu hiệu như mắt lác, đồng tử 2 bên không đều, va vào đồ vật khi di chuyển,... Trẻ lớn có thể mô tả được tình trạng của mình như nhìn đôi, nhìn mờ hoặc trẻ bị chảy máu, nước dịch từ lỗ mũi, lỗ tai,...;
  • Biểu hiện khác: Khi thấy trẻ có bất kỳ biểu hiện nào khác thường mà gia đình thấy không an tâm thì nên đưa bé tới bệnh viện để được kiểm tra chính xác.

Trong một số trường hợp, tuy bị chấn thương sọ não nhưng trẻ chưa có biểu hiện gì khi đi thăm khám nên sẽ được bác sĩ cho về nhà. Phụ huynh cần tiếp tục theo dõi sức khỏe trong vài ngày sau đó, đưa trẻ đi khám nếu có các dấu hiệu như: Quấy khóc nhiều, đau đầu, buồn nôn hoặc nôn ói, lơ mơ, khó đánh thức, co giật, cử động bất thường, gặp khó khăn khi đi lại,... Nếu trong thời gian theo dõi bé không có biểu hiện bất thường thì sẽ không đáng lo.

4. Sơ cứu cho trẻ khi bị ngã đập đầu

Hướng dẫn sơ cứu cơ bản cho trẻ như sau:

  • Nếu thấy đầu của trẻ có vết bầm sưng thì nên chườm đá tại chỗ sưng cho trẻ liên tục trong 15 - 20 phút. Việc này giúp chỗ bầm không tiến triển và làm giảm đau. Nếu vết bầm to, nhiều, nên chườm đá lại sau đó 1 giờ và làm thường xuyên 2 - 3 lần/ngày trong 1 - 2 ngày sau;
  • Nếu thấy trẻ bị trầy xước nhẹ thì nên rửa sạch vùng da bị trầy xước bằng nước sạch và xà phòng dịu nhẹ;
  • Khi thấy trẻ bị chảy máu ít, nên sử dụng miếng khăn sạch hoặc gạc y tế sạch, ấn thẳng vào vết thương để cầm máu khoảng 10 phút hoặc cho tới khi không chảy máu thêm;
  • Nếu trẻ nôn 1 -2 lần nên cho trẻ nghỉ ngơi và chỉ uống nước lọc. Nếu trẻ uống được nước và không nôn thêm thì sau đó 1 - 2 giờ có thể cho trẻ ăn uống bình thường;
  • Cho trẻ nằm nghỉ ngơi, theo dõi sát trong vòng 2 giờ đầu sau chấn thương;
  • Nếu trẻ bị đau tại chỗ hoặc nhức đầu, có thể cho bé uống thuốc giảm đau khi cần nhưng cần đợi ít nhất 2 giờ sau chấn thương mới cho uống. Việc đợi khoảng 2 tiếng để tránh trẻ bị ói khi vừa uống thuốc vào. Các loại thuốc có thể sử dụng là Acetaminophen hoặc Ibuprofen với liều lượng phù hợp với cân nặng, độ tuổi của bé. nếu trẻ còn bị đau đầu sau 24 giờ sau chấn thương thì nên cho trẻ đi khám bác sĩ;
  • Với trẻ ổn định thì nên theo dõi thêm 48 - 72 giờ sau để chắc chắn không còn lo lắng;
  • Lưu ý theo dõi xem bé có bị chấn thương vùng cổ không.
Thuốc giảm đau acetaminophen
Có thể cho trẻ sử dụng thuốc Acetaminophen nhằm giảm đau

Không nên:

  • Làm nóng chỗ bị thương như đắp khăn ấm lên vết thương: Vì khi bị ngã, mạch máu đang bị xuất huyết nên chườm nóng sẽ làm mạch máu giãn ra, khiến máu chảy nhiều hơn và gây bầm tím nặng, khó lành hơn;
  • Bôi dầu gió: Việc day, bôi dầu gió vào vùng bị sưng sẽ làm vết thương càng nặng vì khiến một số mạch máu nhỏ bị chảy máu liên tục;
  • Di chuyển nạn nhân trong tình trạng nguy cấp: Việc di chuyển trẻ khi không cần thiết có thể gây ra các biến chứng lớn hơn cho vết thương sọ não, cột sống, cổ,...

5. Biện pháp phòng ngừa nguy cơ trẻ bị ngã đập đầu

  • Phụ huynh cần cẩn thận khi trông giữ trẻ, không để trẻ chơi một mình, đặc biệt là với những bé mới biết trườn, bò, đứng, đi,...;
  • Nên làm các tấm chắn nơi giường của trẻ nằm và lối đi ra cầu thang, ban công, phòng bếp,...;
  • Cửa sổ cần phải có chấn song, được khóa kỹ để tránh trẻ leo trèo lên;
  • Trẻ nằm võng hoặc nôi cần được che chắn để không bị rơi xuống sàn khi thay đổi tư thế;
  • Nên trải nệm dưới chân giường để nếu trẻ bị ngã cũng không đau;
  • Dây cột võng của trẻ cần phải chắc chắn, đưa lắc nhẹ nhàng;
  • Khi cho trẻ ngồi vào ghế cao hoặc xe đẩy thì cần có dây đai giữ;
  • Không để sàn nhà trơn trượt hoặc ẩm ướt;
  • Không để trẻ dưới 10 tuổi trông giữ trẻ dưới 3 tuổi một mình;
  • Với trẻ lớn trong độ tuổi đi học, cần giảng giải cho trẻ biết nguyên nhân, hậu quả và các cách phòng tránh tai nạn.

Nếu các phụ huynh chủ quan trước việc trẻ bị ngã đập đầu xuống đất, không chú ý tới những biểu hiện bất thường của trẻ thì có thể đưa tới những hậu quả nghiêm trọng cho bé. Do đó, cần thận trọng trong việc trông giữ và nuôi dạy trẻ, phòng tránh các nguy cơ té ngã, chấn thương cho bé. Đồng thời, khi thấy bé có những dấu hiệu bất thường sau khi bị té ngã thì nên đưa bé đi thăm khám ngay.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

498.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan