Lưu ý chăm sóc da cho bé khi bị sởi

Sởi là căn bệnh do virus gây ra và có khả năng để lại những hậu quả nặng nề nếu như không được chăm sóc đúng cách. Vậy cần chăm sóc da cho bé khi bị sởi như thế nào?

1. Triệu chứng của bệnh sởi là gì?

Sởi là căn bệnh gây ra bởi virus và rất dễ lây nhiễm thông qua nhiều con đường khác nhau như ho, hắt hơi, dịch tiết mũi họng, tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần gũi với người bị bệnh. Trong không khí, virus sởi vẫn hoạt động và dễ lây lan trong trong vòng 2 giờ đồng hồ. Bệnh nhân mắc sởi có thể lây truyền mầm bệnh cho người khác trong vòng 4 ngày sau khi phát ban và có thể mắc bệnh 4 ngày trước đó.

Đây được đánh giá là căn bệnh truyền nhiễm rất nguy hại mà nếu cơ thể chưa có được miễn dịch đều có thể mắc phải, đặc biệt ở đối tượng trẻ em. Theo thống kê có hơn 90% người dưới 20 tuổi đã bị mắc bệnh sởi, đặc biệt là độ tuổi trước thời kỳ tiêm chủng. Mắc bệnh sởi là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Trẻ em mắc bệnh sởi sẽ trải qua 4 thời kỳ bệnh như sau:

  • Giai đoạn ủ bệnh: Giai đoạn này kéo dài khoảng 8 – 11 ngày, khi đó trẻ thường chưa xuất hiện các biểu hiện lâm sàng.
  • Giai đoạn khởi phát: Thời kỳ này kéo dài khoảng 3 – 4 ngày với triệu chứng từ sốt với mức độ từ nhẹ đến sốt cao. Sau đó xuất hiện các triệu chứng khác như viêm kết mạc, viêm xuất tiết mũi và họng, ho, chảy nước mắt nước mũi, sưng to hạch ngoại biên.
  • Giai đoạn toàn phát: Giai đoạn này kéo dài từ 4-6 ngày với biểu hiện đặc trưng là các nốt phát ban hồng, rải rác hoặc lan rộng dính liền nhau tạo thành từng đám tròn khoảng 3 – 6mm.
  • Giai đoạn lui bệnh: Các nốt phát ban sẽ dần dần biến mất thứ tự mọc lên và để lại vết thâm trên da trẻ. Thông thường khi các nốt phát ban này biến mất thì trẻ sẽ hết sốt.

2. Một số biến chứng do bệnh sởi gây ra

Nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh sởi có thể diễn biến nghiêm trọng ở tất cả mọi đối tượng ở những độ tuổi khác nhau. Tuy nhiên, một số đối tượng nhạy cảm có nguy cơ cao xảy ra biến chứng gồm có:

  • Trẻ em dưới 5 tuổi
  • Người lớn trên 20 tuổi
  • Phụ nữ đang mang thai
  • Người suy giảm miễn dịch như mắc bệnh bạch cầu hoặc người nhiễm HIV.

Một số biến chứng có thể kể đến khi gặp phải căn bệnh này gồm có:

Biến chứng đường hô hấp

  • Viêm phế quản xuất hiện vào cuối giai đoạn phát ban thường có nguyên nhân do bội nhiễm. Bệnh nhân có triệu chứng sốt ho nhiều trở lại, chỉ số bạch cầu tăng và có hình ảnh viêm phế quản điển hình khi chụp X-quang.
  • Viêm phế quản – phổi thường xuất hiện muộn sau khi phát ban sởi cũng do nguyên nhân bội nhiễm. Đây là biến chứng cực kỳ nguy hiểm và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhỏ khi mắc sởi.
  • Viêm thanh quản thường gặp ở hầu hết các giai đoạn của bệnh với các triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao đột ngột, ho nhiều, khàn tiếng, khó thở, da tím tái.

Biến chứng hệ thần kinh

  • Viêm não – màng não – tủy cấp: Đây là biến chứng thần kinh nguy hiểm nhất và tiềm ẩn nguy cơ để lại di chứng cao và thậm chí có thể gây tử vong. Biến chứng này xuất hiện vào tuần đầu phát ban trong khoảng ngày thứ 3 đến thứ 5. Đặc điểm của các triệu chứng này là khởi phát đột ngột, thân nhiệt tăng vọt, có thể kèm theo co giật, rối loạn ý thức, liệt nửa người hoặc một bên chi. Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện hội chứng ngoại tháp, tiền đình...
  • Viêm màng não xuất hiện theo sau viêm tai do bội nhiễm. Hai kiểu viêm màng não thường gặp là thể thanh dịch và viêm màng não mủ.
  • Viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa: Đây là biến chứng hiếm gặp nhưng rất khó tiên lượng và thường để lại hệ quả nặng nề. Bệnh có thể xuất hiện sau một vài năm mắc sởi và gây ra tử vong trong tình trạng tăng trương lực cơ và co cứng.

Biến chứng tai – mũi – họng

  • Nhiễm trùng tai do bội nhiễm: Đây là một trong những biến chứng phổ biến nhất của bệnh sởi với tỷ lệ khoảng 1/10 dấu hiệu trẻ bị sởi và nghiêm trọng hơn là dẫn đến mất thính lực vĩnh viễn.
  • Viêm mũi họng do bội nhiễm, viêm tai xương chũm.

Biến chứng đường tiêu hóa

  • Tiêu chảy và nôn mửa: Biến chứng thường dẫn đến tình trạng mất nước.
  • Cam tẩu mã: Biến chứng này xuất hiện muộn và có nguyên nhân do bội nhiễm vi khuẩn hoại thư gây loét niêm mạc miệng, vi khuẩn lan sâu vào xương hàm gây hoại tử niêm mạc, viêm xương, rụng răng, hơi thở có mùi hôi.

Biến chứng ở phụ nữ mang thai

Phụ nữ mang thai chưa có miễn dịch với virus sởi nếu mắc bệnh thì có thể xảy ra các biến chứng như:

  • Sẩy thai hoặc thai chết lưu
  • Sinh non trước tuần thứ 37 thai kỳ
  • Em bé sinh ra nhẹ cân

Do đó, bà mẹ mang thai cần được chủng ngừa sởi đầy đủ để tránh các biến chứng có thể xảy ra nếu mắc bệnh sởi.

3. Cách chăm sóc cho trẻ khi mắc sởi

Chăm sóc da cho bé khi bị sởi

Khi trẻ mắc sởi, cần thực hiện chăm sóc da đúng cách để tránh tình trạng lở loét hoặc nhiễm khuẩn. Phụ huynh nên sử dụng khăn sạch, mềm để lau miệng cho trẻ thường xuyên. Ngoài ra, cần chú ý lau mặt và lau người bằng nước ấm. Trong trường hợp trẻ lớn thì có thể cho trẻ dùng nước muối để súc miệng. Dùng nước muối sinh lý để nhỏ mắt 3 - 4 lần mỗi ngày.

Trong thời gian bị sởi, cần cách ly trẻ với mọi người xung quanh. Bố trí phòng ở kiêng gió, có ánh sáng phù hợp, thoáng đãng nhưng tránh gió lùa. Đồ dùng cá nhân như ga đệm, chăn màn của trẻ cần được giặt thường xuyên bằng nước nóng và phơi ở nơi có nắng trực tiếp hoặc sấy khô để đảm bảo vệ sinh. Đồ chơi hoặc sàn nhà đều cần được lau bằng dung dịch sát khuẩn.

Chế độ dinh dưỡng

Trong thời gian mắc sởi, trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi trong người nên trẻ dễ lười ăn. Do đó cha mẹ nên nấu đồ ăn dạng lỏng, dễ tiêu hóa nhưng đảm bảo đủ Thực phẩm giàu protid và caroten trong chế độ ăn. Trẻ ở độ tuổi bú mẹ cần được duy trì và bú nhiều hơn để tăng cường sức đề kháng.

Tránh cho trẻ ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, thịt chó, thủy sản, thịt gia cầm, thịt dê, côn trùng,... và các loại rau thơm có tính kích thích, đồ ăn cay nóng. Đảm bảo cho trẻ uống đủ nước, đặc biệt là nước hoa quả hoặc bổ sung dung dịch oresol khi trẻ bị tiêu chảy, sốt cao.

Sử dụng thuốc

Khi trẻ bị sốt với nhiệt độ đo được trên 38,5 độ C, phụ huynh có thể dùng thuốc paracetamol theo cân nặng để giúp trẻ hạ nhiệt. Không được tự ý sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ với bất kỳ mục đích nào mà chưa có chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, nên bổ sung vitamin A khi chăm sóc trẻ bị sởi với 2 liều vitamin A và mỗi liều cách nhau 24 giờ.

Câu hỏi thường được nhiều người đặt ra là có nên dùng thuốc bôi sởi không và bị sởi bôi thuốc gì? Câu trả lời là không nên tự ý bôi bất kỳ loại thuốc gì lên các nốt sởi khi chưa có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Việc tự ý sử dụng các loại thuốc bôi không những không giúp bệnh thuyên giảm mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm loét, bội nhiễm.

4. Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sởi

Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sởi như sau:

  • Cần theo dõi thân nhiệt trẻ thường xuyên. Nếu đã sử dụng thuốc hạ sốt theo đúng liều lượng mà vẫn không có dấu hiệu hạ sốt thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.
  • Thông thường, trẻ chỉ sốt khoảng 3 ngày rồi hạ sốt và đồng thời các nốt sởi cũng biến mất dần và mất hẳn. Nếu các nốt sởi đã biến mất mà trẻ vẫn còn sốt thì nguy cơ nhiễm trùng là rất cao và cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
  • Cần kiêng gió cho trẻ nhưng không nên kiêng nước. Do đó, vẫn thực hiện vệ sinh cơ thể sạch sẽ một cách nhẹ nhàng để tránh xảy ra viêm nhiễm.
  • Giai đoạn này mắt trẻ đang đau nhức và ra nhiều gỉ nên tránh để mắt của trẻ tiếp xúc với ánh sáng.

Bệnh sởi là căn bệnh nguy hiểm và có thể để lại nhiều biến chứng cho trẻ nhỏ. Vì thế, việc chăm sóc và điều trị cần được cha mẹ hết sức lưu tâm, để ý, tránh để ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý ở trẻ, hiện nay khoa Nhi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn, có khả năng thăm khám, sàng lọc và điều trị nhiều bệnh lý chuyên sâu ở trẻ. Do đó, nếu trẻ có dấu hiệu bệnh sởi, cha mẹ có thể đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ các bác sĩ và các chuyên gia sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

102 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan