Lý do nên khám dinh dưỡng định kỳ cho trẻ

Quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng của trẻ là một phần thiết yếu trong việc nuôi dạy con. Việc đi khám dinh dưỡng cho bé định kỳ chính là tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ. Bài viết sau sẽ trang bị cho các phụ huynh kiến thức về tầm quan trọng và những kinh nghiệm khám dinh dưỡng cho bé.

1. Tầm quan trọng của khám dinh dưỡng cho trẻ định kỳ

Những năm đầu đời là thời kỳ trẻ thay đổi và phát triển nhanh chóng. Khám dinh dưỡng trẻ em là chìa khóa giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. Do đó điều quan trọng nhất là đảm bảo đi khám dinh dưỡng cho bé định kỳ.

nhu cầu dinh dưỡng của trẻ thay đổi hàng năm khi trẻ lớn hơn, nên đi khám dinh dưỡng cho bé ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến thanh thiếu niên. Việc khám dinh dưỡng trẻ em thường bắt đầu từ vài ngày sau khi sinh và tiếp tục cho đến khi trẻ 18 tuổi. Trẻ được thăm khám sức khỏe thường xuyên hơn khi chúng còn nhỏ, đặc biệt là khi mới sinh, và có xu hướng thưa dần khi lớn hơn.

Các bậc phụ huynh nên chú ý vào các thời điểm như 6, 9, 12, 15, 18, 24 tháng tuổi để đi khám dinh dưỡng cho bé. Vì sau 6 tháng tuổi, bé bắt đầu tập ăn dặm nên sẽ nảy sinh ra những vấn đề dinh dưỡng. Việc đi khám dinh dưỡng nhằm phát hiện những vấn đề hiện tại có thể làm gián đoạn sự phát triển của bé. Khi trẻ được 24 tháng tuổi trở lên, ba mẹ nên tái khám dinh dưỡng cho trẻ định kỳ mỗi năm từ 1 đến 2 lần.

Tầm quan trọng việc khám dinh dưỡng trẻ em như sau:

1.1 Chủng ngừa

Trẻ được chủng ngừa theo lịch trình vào đúng giai đoạn để giúp ngăn ngừa bệnh tật. Dinh dưỡng cũng là một yếu tố chính của chăm sóc dự phòng, cùng với việc kiểm tra thính giác và thị lực. Chủng ngừa và chăm sóc dinh dưỡng sẽ giúp trẻ em phát triển thành một người lớn khỏe mạnh.

kinh nghiệm khám dinh dưỡng cho bé
Khám dinh dưỡng đánh giá tăng trưởng và phát triển của bé

1.2 Đánh giá tăng trưởng và phát triển

  • Kiểm tra xem trẻ có đáp ứng các nhu cầu dinh dưỡng hiện tại hay không
  • Kiểm tra xem trẻ có sức khỏe thể chất tốt hay không
  • Phát hiện sớm những thiếu hụt trong chế độ dinh dưỡng, trẻ thừa hoặc thiếu chất gì. Từ đó có cách tiết chế hoặc thiết kế bổ sung dinh dưỡng phù hợp.
  • Giúp các bậc cha mẹ tạo ra một kế hoạch ăn uống lành mạnh cho trẻ.
  • Tìm ra các giải pháp cải thiện tình trạng sức khỏe của trẻ thấp còi, nhẹ cân, sức đề kháng kém, thừa cân, béo phì,... giúp trẻ sớm bắt kịp đà tăng trưởng so với các trẻ đồng trang lứa.
  • Hạn chế bệnh liên quan đến dinh dưỡng như rối loạn tiêu hóa, hội chứng kém hấp thu, tiêu chảy, táo bón, biếng ăn. Cung cấp kiến thức và phát triển nhận thức về tình trạng sức khỏe lâu dài của trẻ...
  • Kiểm tra các dấu hiệu cảnh báo sớm về các vấn đề sức khỏe để giải quyết ở giai đoạn sớm.
  • Đi khám dinh dưỡng cho bé định kỳ giúp dễ dàng theo dõi và đánh giá trẻ phát triển như thế nào kể từ lần khám gần đây nhất, có đạt được các mốc phát triển thiết lập theo từng giai đoạn hay không.

1.3 Giải đáp thắc mắc

Việc thăm khám dinh dưỡng trẻ em định kỳ giúp các bậc cha mẹ có thể hỏi bất kỳ câu hỏi nào về sự phát triển của trẻ và trình bày bất kỳ mối quan tâm nào về sức khỏe của trẻ. Cha mẹ nên chuẩn bị trước một danh sách các câu hỏi và chủ đề đang thắc mắc, điều này sẽ giúp tận dụng tối đa thời gian và tránh bỏ sót câu hỏi. Trong quá trình nuôi dạy trẻ có thể xuất hiện thêm nhiều nỗi băn khoăn và các phụ huynh có thể được giải đáp ở lần tái khám dinh dưỡng tiếp theo. Một số chủ đề mà phụ huynh thường tập trung vào bao gồm quá trình phát triển, nhu cầu dinh dưỡng, chế độ ăn uống, giấc ngủ, tập thể dục và hành vi của trẻ.

Tuy nhiên, dù có đúng lịch hay có hẹn khám dinh dưỡng trẻ em trước hay không, cha mẹ cũng nên đến bác sĩ nếu nhận thấy bất kỳ vấn đề nào trong thói quen ăn uống của trẻ, nghi ngờ trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng hoặc có các vấn đề liên quan đến cân nặng. Bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng sẽ theo dõi dấu hiệu của các vấn đề liên quan đến cân nặng, chẳng hạn như:

  • Suy dinh dưỡng: trẻ bị suy dinh dưỡng nếu không được cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển. Suy dinh dưỡng có thể được gây ra bởi thiếu thức ăn hoặc ăn không đủ các loại thực phẩm giàu dưỡng chất, bổ dưỡng hoặc ăn quá nhiều thực phẩm không lành mạnh và không mang lại giá trị dinh dưỡng.
  • Thừa cân hoặc béo phì: trẻ bị thừa cân hoặc béo phì nếu cân nặng của trẻ vượt ngưỡng bình thường so với tiêu chuẩn chung cho các trẻ cùng độ tuổi.
  • Trẻ bú ít hoặc ăn ít
  • Sụt cân hoặc tăng cân đột ngột
  • Không phát triển với tốc độ mong đợi bình thường (cả về chiều cao và cân nặng), tính theo tuổi của trẻ.
  • Bệnh tiêu hóa hoặc hội chứng kém hấp thu
  • Thay đổi hành vi, chẳng hạn như chậm chạp hoặc cáu kỉnh
  • Thay đổi màu da ví dụ như da xanh xao, nhợt nhạt; tóc rụng
  • Chỉ số khối cơ thể bất thường hoặc không cân xứng
  • Nhiễm trùng tái phát, hay ốm vặt
kinh nghiệm khám dinh dưỡng cho bé
Cha mẹ cần đưa bé đi khám nếu nghi ngờ bé mắc bệnh tiêu hóa hoặc hội chứng kém hấp thu

2. Kinh nghiệm khám dinh dưỡng cho bé

Khám dinh dưỡng trẻ em là một quá trình theo dõi sức khoẻ từ lúc trẻ mới sinh cho đến khi lớn. Do đó, các cha mẹ cần biết được kinh nghiệm khám dinh dưỡng cho bé.

Các bác sĩ dinh dưỡng thường bắt đầu kiểm tra sức khỏe dinh dưỡng bằng một cách tiến hành khám sức khỏe tổng thể, bao gồm:

  • Kiểm tra chỉ số cân nặng, chiều cao và chỉ số khối cơ thể của trẻ
  • Kiểm tra huyết áp, được thực hiện bắt đầu từ 3 tuổi
  • Kiểm tra tầm nhìn
  • Kiểm tra mắt
  • Khám răng
  • Nghe tim và phổi
  • Xem lại lịch trình tiêm chủng theo tiêu chuẩn

Khám sức khỏe tổng thể sẽ giúp bác sĩ phát hiện bất kỳ vấn đề thể chất hoặc thiếu hụt tăng trưởng nào. Sau đó, bác sĩ sẽ hỏi phụ huynh về thói quen ăn uống của trẻ để đánh giá xem trẻ có được bổ sung đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng hay không. Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em có xu hướng thay đổi khi trẻ lớn lên, điều này giải thích sự cần thiết phải kiểm tra sức khỏe dinh dưỡng hàng năm. Ví dụ, đến 3 tuổi, chế độ ăn của trẻ nên bao gồm chủ yếu là thức ăn đặc. Đến tuổi 4 và 5, trẻ nên bắt đầu có một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm ba bữa ăn mỗi ngày cũng như hai bữa ăn nhẹ bổ dưỡng. Khi trẻ trở nên năng động hơn, trẻ cũng sẽ có nhu cầu dinh dưỡng lớn hơn. Nói chung, các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em khuyên cha mẹ nên cho trẻ ăn một lượng cân bằng trái cây và rau quả, nguồn protein lành mạnh và thực phẩm giàu chất xơ. Thức ăn nên được nướng hoặc hấp hơn là chiên. Cha mẹ cũng sẽ được hướng dẫn về những món ăn gì nên hạn chế, chẳng hạn như thức ăn nhanh, đồ ăn vặt, nước ngọt và đồ uống có đường.

Nếu cha mẹ gặp một số vấn đề khi cho trẻ ăn, chẳng hạn như khi trẻ kén ăn hay trẻ biếng ăn, bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng có thể đưa ra một số lời khuyên về cách khuyến khích trẻ ăn nhiều hơn và nên cho trẻ ăn những gì tốt nhất để đảm bảo trẻ nhận được đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho sự phát triển.

Bác sĩ sẽ hướng dẫn về các chủ đề quan trọng như phòng ngừa bệnh tật, chế độ ăn uống, hoạt động thể chất, kỹ năng xã hội và cách xử lý các trường hợp khẩn cấp hoặc những thay đổi đột ngột về sức khỏe của trẻ.

Nếu có bất kỳ sự thiếu hụt dinh dưỡng, chuyên gia dinh dưỡng có thể kê đơn một số chất bổ sung dinh dưỡng, chẳng hạn như vitamin và khoáng chất. Nếu phát hiện bất kỳ điều gì bất thường, bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm bổ sung.

Các phụ huynh sẽ có cơ hội để đặt câu hỏi và trao đổi trực tiếp với bác sĩ. Bác sĩ là người có kiến ​​thức và kinh nghiệm để quản lý sức khỏe của trẻ em, nhưng cha mẹ là người trực tiếp nuôi dạy trẻ nên cần có kiến ​​thức và kinh nghiệm đúng đắn.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan