Mẹo nhỏ cùng con học nói

Bài viết của Chuyên viên ngữ âm trị liệu Nguyễn Thị Yến - Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục

Thật tuyệt vời nếu con của bạn là một em bé khỏe mạnh và hoạt ngôn. Nhưng nếu em bé của bạn có dấu hiệu chậm nói hơn so với các bạn đồng trang lứa thì mẹ cũng không cần quá lo lắng. hãy tham khảo những mẹo cùng con học nói trong bài viết dưới đây.

1. Cùng con học nói hãy tạo cho trẻ nhiều cơ hội giao tiếp

Dạy con nói, thực chất là dạy con giao tiếp – dạy con sử dụng lời nói để giao tiếp hiệu quả với người khác. Giao tiếp được hình thành dựa trên sự tương tác, dựa trên nhu cầu và động lực giao tiếp của trẻ. Do vậy, hãy cố gắng tạo ra thật nhiều cơ hội để trẻ “được” giao tiếp và học cách sử dụng lời nói của mình một cách có ý nghĩa và tự nhiên nhất có thể. Ví dụ: con bạn thích ăn bim bim, thay vì để đồ ăn ở vị trí con dễ thấy, dễ lấy được (ví dụ: trên bàn), hãy để nó vào một cái hộp trong suốt, trẻ nhìn thấy nhưng không tự lấy được và sẽ cần bạn giúp. Khi đó, bạn nói mẫu “bim bim”; “giúp con” hoặc “mở ra” và chờ đợi con nói lại. Như vậy, bạn đã tạo ra thêm một cơ hội giao tiếp cho con mình ngay trong chính tình huống sinh hoạt hằng ngày ở nhà.

2. Nói vừa đủ với khả năng hiểu và khả năng nói của trẻ

Ở mỗi giai đoạn độ tuổi, khả năng chú ý, khả năng hiểu, khả năng diễn đạt của trẻ là khác nhau. Bạn không thể yêu cầu một trẻ 2 tuổi phải hiểu và nói như một trẻ 5 tuổi. Do vậy, trước khi bạn bắt tay vào dạy con, hãy tự đặt ra và trả lời câu hỏi “Các kỹ năng ngôn ngữ của con bạn đang như thế nào?”. Sau khi biết chính xác năng lực của con, bạn hãy chú ý điều chỉnh ngôn ngữ của mình sao cho con có thể hiểu và phản hồi lại được. Ví dụ: theo mốc phát triển ngôn ngữ ở trẻ em, trẻ 2 tuổi có thể nói được cụm 2 từ và bắt chước được cụm 4 từ; vì vậy, bạn chỉ nên sử dụng câu 4-5 từ để hướng dẫn con.

3. Khuyến khích trẻ giao tiếp nhiều hơn bằng cách khen ngợi mọi nỗ lực giao tiếp của trẻ

Động lực giao tiếp là sự kích thích, thúc đẩy trẻ chủ động giao tiếp với người khác nhiều hơn. Có 4 yếu tố trong giao tiếp cha mẹ cần chú ý khi dạy trẻ, đó là:

  • Lý do con giao tiếp với người khác là gì;
  • Động lực giao tiếp của con đang ở mức độ như thế nào;
  • Có ai đó đang sẵn sàng giao tiếp với con không;
  • Phương thức giao tiếp nào sẽ phù hợp với khả năng của trẻ.

Nếu thiếu đi động lực giao tiếp hoặc động lực giao tiếp không đủ, trẻ sẽ không hoặc ít chủ động giao tiếp và học hỏi. Do vậy, khuyến khích, động viên, khen ngợi mọi nỗ lực của trẻ là cách đơn giản để giúp trẻ giao tiếp nhiều hơn.

4. Sử dụng chiến lược quan sát – chờ đợi – lắng nghe

Đây là chiến lược quan trọng và phổ biến khi dạy trẻ học nói. Bạn quan sát cách trẻ chơi, nhận ra các cơ hội để hướng dẫn trẻ một từ hoặc một kỹ năng mới; sau đó chờ đợi trẻ đưa ra các tín hiệu để phản hồi, giao tiếp lại với bạn. Khi trẻ phản hồi, bạn hãy lắng nghe thật kỹ những gì trẻ cố gắng thể hiện và ghi nhận những nỗ lực đó. Chiến lược này giúp trẻ cảm thấy được thấu hiểu, được trao cơ hội trở thành người dẫn dắt hoạt động, từ đó làm tăng động lực giao tiếp của trẻ.

5. Biến ngôn ngữ của trẻ trở nên có ý nghĩa hơn

Trong quá trình cùng học nói, sẽ có những thời điểm các âm thanh trẻ phát ra dường như chưa đúng hoặc chưa phù hợp. Lúc này, bạn hãy xem xét đến các yếu tố:

  • Tình huống trẻ phát ra âm thanh đó là gì;
  • Các âm thanh của trẻ có nhằm mục đích giao tiếp với bạn hay không;
  • Các âm thanh đó có gần giống với từ mà bạn mong đợi trong tình huống giao tiếp đang diễn ra hay không.

Nếu câu trả lời là có, bạn hãy cố gắng gọi tên và gán ý nghĩa cho tất cả những gì trẻ đã nỗ lực nói ra. Ví dụ, trẻ đẩy xe ô tô và nói “i”, bạn có thể làm mẫu từ phù hợp “đi”. Điều này giúp trẻ hiểu được rằng, tất cả những gì trẻ đang nói ra đều có ý nghĩa và trẻ sẽ có xu hướng nói nhiều hơn để giao tiếp với mọi người xung quanh.

6. Sử dụng chiến lược 4S

Chiến lược 4S bao gồm:

  • Say less: Chiến lược này đòi hỏi bạn phải nói ít đi, một mặt để phù hợp với khả năng nghe hiểu của trẻ; mặt khác giúp trẻ có thêm cơ hội được nói. Khi bạn nói quá nhiều, trẻ có thể sẽ không hiểu hết được và cũng sẽ không có cơ hội để được nói.
  • Stress: Khi sử dụng chiến lược này, bạn cần nói nhấn mạnh từ đang muốn dạy trẻ. Cùng với sự cường điệu hóa trong lời nói, âm lượng của giọng nói, cử chỉ điệu bộ sẽ giúp thu hút trẻ và trẻ sẽ cảm thấy thú vị hơn khi học nói cùng bạn.
  • Slow: Khi dạy con, cùng con học nói, bạn hãy chú ý nói chậm, làm chậm lại để trẻ có thời gian nghe, xử lý thông tin và hiểu những gì bạn đang nói.
  • Show: Bạn hãy thể hiện cho trẻ biết điều bạn đang nói có ý nghĩa gì hoặc đồ chơi trẻ đang quan tâm có thể chơi như thế nào. Bạn có thể gọi tên và chỉ vào một đồ chơi thú vị mà bạn muốn trẻ chú ý hoặc bạn thể hiện cho trẻ thấy ánh mắt rạng rỡ, vui vẻ của chính mình khi bạn khoe với trẻ một tòa lâu đài bạn vừa ghép xong.

7. Giữ cho hoạt động luôn thật vui

Một mẹo cùng con học nói là cha mẹ hãy luôn giữ cho các hoạt động thật vui. Một hoạt động vui vẻ sẽ giúp giữ trẻ tham gia lâu hơn và có nhiều động lực hơn khi chơi. Khi chơi cùng trẻ, hãy ghi nhớ một điều “chơi là phải vui”. Do vậy, hãy để những điều bạn dạy trẻ trở nên tự nhiên nhất có thể, đừng cố gắng yêu cầu hoặc ép trẻ nói. Điều này sẽ làm mất động lực vui chơi tự nhiên của trẻ và trẻ sẽ không còn hứng thú để tiếp tục chơi cùng bạn nữa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

431 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan