Nuôi ăn tĩnh mạch sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Ngọc Chương - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Các chất dinh dưỡng như glucose, protein và chất béo khi được truyền trực tiếp vào máu qua đường tĩnh mạch gọi là nuôi ăn tĩnh mạch. Đây là cách thức nuôi dưỡng thay thế ở những trẻ sơ sinh non tháng do hệ tiêu hóa chưa trưởng thành hay đang mắc bệnh nặng.

1. Giới thiệu về phác đồ nuôi ăn tĩnh mạch sơ sinh

Nhiều trẻ sơ sinh khi chào đời vì một lý do nào đó như sinh non tháng, đang có các bệnh lý bẩm sinh hay mắc phải với mức độ nặng mà không thể đảm bảo có đủ dinh dưỡng bằng đường tiêu hóa thông thường sẽ được hỗ trợ nuôi ăn qua đường tĩnh mạch.

Dinh dưỡng toàn phần qua đường tĩnh mạch là một phương pháp cho ăn mà không can thiệp trên đường tiêu hóa. Chất lỏng dinh dưỡng sẽ được truyền trực tiếp vào tĩnh mạch để cung cấp hầu hết các chất dinh dưỡng và năng lượng mà cơ thể cần phù hợp với tình trạng và các đặc điểm bệnh lý của trẻ. Lúc này, các mục tiêu của nuôi ăn qua đường tĩnh mạch là nhằm thúc đẩy chuyển hóa các sản phẩm nitơ nhưng vẫn tiết kiệm được protein, cung cấp năng lượng cho các quá trình trao đổi chất và đảm bảo khả năng tăng trưởng trong giai đoạn sau.

Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được sử dụng khi trẻ không thể nhận được thức ăn đầy đủ qua đường miệng và sẽ được xem xét chấm dứt khi không còn chỉ định.

Suy hô hấp trẻ sơ sinh, sinh non
Hình ảnh trẻ sinh non được nằm trong lồng ấp

2. Chỉ định khi tiến hành nuôi ăn tĩnh mạch sơ sinh

  • Trẻ sinh non dưới 1500 gam lúc sinh là có chống chỉ định cho ăn qua đường ruột do nguy cơ viêm ruột hoại tử.
  • Trẻ sơ sinh non tháng và thể trạng yếu, không đảm bảo hấp thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng, năng lượng cần thiết qua đường ruột
  • Trẻ đang: trong bệnh cảnh nguy kịch (sốc , suy hô hấp), hay các bệnh lý không ăn bằng đường tiêu hóa.

3. Các con đường nuôi ăn tĩnh mạch sơ sinh

Việc nuôi ăn tĩnh mạch sơ sinh sẽ được tiến hành trên hai con đường như sau:

3.1. Đường truyền tĩnh mạch ngoại vi

Đường truyền tĩnh mạch ngoại vi sử dụng các tĩnh mạch nông trên da ở chi của trẻ hay cả trên da đầu.

Các con đường này chỉ được sử dụng khi nuôi ăn qua đường tĩnh mạch một phần hoặc bổ sung, tức là trẻ vẫn còn được nuôi dưỡng song song với đường miệng. Theo đó, các mạch máu ngoại biên chỉ được dùng để hỗ trợ dinh dưỡng ngắn hạn. Lúc này, nồng độ của thành phần dinh dưỡng sẽ không được vượt quá 12,5% đối với dextrose hoặc 3,5% đối với các axit amin. Việc nuôi dưỡng các chất có nồng độ cao hơn bằng tĩnh mạch ngoại vi sẽ làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối và việc thâm nhiễm canxi sẽ gây biến chứng nghiêm trọng nếu dịch dinh dưỡng có chứa canxi.

Sinh non có nên tiêm phế cầu sớm không
Các tĩnh mạch vùng chi của trẻ được dùng làm đường truyền

3.2. Đường truyền tĩnh mạch trung tâm

Đường truyền tĩnh mạch trung tâm sẽ được tiếp cận thông qua một ống thông tĩnh mạch ở vị trí trung tâm như tĩnh mạch cảnh, tĩnh mạch dưới đòn hay tĩnh mạch đùi.

Đây sẽ là con đường nuôi dưỡng phù hợp cho những trẻ sơ sinh cần hỗ trợ dinh dưỡng lâu dài hay nuôi tĩnh mạch toàn phần. Do thành của tĩnh mạch trung tâm thường vững chắc hơn và kích thước lòng mạch lớn, con đường này không là chống chỉ định cho bất kỳ nồng độ của dung dịch truyền.

4. Phác đồ nuôi ăn tĩnh mạch sơ sinh

Mặc dù trẻ sơ sinh đang mắc bệnh hay trẻ sinh non thường có nhu cầu calo tăng, việc nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, nhất là trên đối tượng là trẻ sơ sinh hay khi nuôi dưỡng hoàn toàn với đường tĩnh mạch, cần phải tuân thủ đúng các tiêu chuẩn về cân đối các thành phần và thể tích hợp lý để dung nạp được. Chi tiết của phác đồ nuôi ăn tĩnh mạch sơ sinh được trình bày như sau:

Dung dịch khởi đầu thường bao gồm đầy đủ các thành phần như glucose, ptotein, nitơ, axit amin và các chất khoáng như natri, kali, clo, canxi, phosphor, magne, kẽm... Chỉ định khởi đầu được sử dụng từ ngày 0 đến ngày thứ 2 hay thứ 3 ở trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 1000 gam khi chào đời. Thể tích dung dịch khởi đầu tối đa là 30 ml/kg/ngày với tốc độ là 1,25 ml/kg/giờ. Lúc này, trẻ sơ sinh sẽ được cung cấp lượng protein là 2 g/kg/ngày. Do có tính thẩm thấu cao, dung dịch khởi đầu cần phải được đưa vào cơ thể trẻ thông qua đường tĩnh mạch trung tâm.

Dịch truyền
Dung dịch nuôi trẻ cần đảm bảo đủ chất cần thiết

Dung dịch nuôi dưỡng tiếp nối sẽ có chỉ định được sử dụng ở trẻ sơ sinh lớn hơn hoặc ở những trẻ thiếu tháng nhưng không thể tiếp cận được đường tĩnh mạch trung tâm. Thành phần các chất trong dung dịch nuôi dưỡng tiếp nối nhìn chung là tương đồng với dung dịch khởi đầu nhưng nồng độ các chất thấp hơn, trong khi các loại điện giải cao hơn. Nếu dung dịch tiếp nối được sử dụng trong 2 ngày sau sinh đầu tiên, lượng tối đa cho phép truyền vào cơ thể trẻ là 51 ml/kg/ngày với tốc độ 2.1 ml/kg/giờ. Theo đó, trẻ sẽ được cung cấp lượng protein là 2 g/kg/ngày, tương đương với dung dịch khởi đầu nhưng vẫn có thể can thiệp qua đường tĩnh mạch ngoại vi.

Ngoài ra, đường truyền dextrose đơn độc có thể được bổ sung cùng lúc với một trong hai loại dung dịch nuôi dưỡng nêu trên. Điều này nhằm dự phòng khả năng hạ đường huyết sơ sinh ở trẻ non tháng hay đang mắc bệnh nặng, nhu cầu sử dụng glucose cao.

5. Các nguy cơ khi nuôi ăn tĩnh mạch sơ sinh

Nuôi ăn tĩnh mạch sơ sinh là phương pháp đem lại rất nhiều lợi ích trong việc nuôi dưỡng trẻ. Tuy nhiên, cách thức này chỉ đem lại lợi ích lớn cho những trẻ sơ sinh khi không thể có được nguồn dinh dưỡng theo cách tự nhiên. Bởi lẽ, nguy cơ khi nuôi ăn qua đường tĩnh mạch sơ sinh, nhất là trong thời gian dài gây thu hẹp chức năng tiêu hóa của gan, sẽ dẫn đến những rối loạn về chuyển hóa của chất đường, chất béo, chất đạm hoặc các chất điện giải khi chuyển về đường ăn qua miệng.

Đồng thời, thủ thuật truyền dịch cũng khó có thể tránh khỏi tổn thương mạch máu, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Hơn nữa, các ngõ vào trực tiếp thông qua tĩnh mạch vào máu có thể tạo điều kiện cho nhiễm trùng huyết và các biến chứng nghiêm trọng đi kèm. Chính vì vậy, việc nuôi ăn qua đường tĩnh mạch sơ sinh chỉ được thực hiện tại bệnh viện và được theo dõi chặt chẽ, đôi khi cần xét nghiệm máu mỗi ngày, nhằm tầm soát các rối loạn chuyển hóa và kịp thời điều chỉnh.

Tóm lại, khi không thể cho trẻ ăn qua đường ruột như thông thường, việc nuôi ăn qua đường tĩnh mạch ở trẻ sơ sinh là rất cần thiết trong việc chăm sóc trẻ, nhất là ở trẻ non tháng hay khi trẻ mắc bệnh nặng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, phải tuân thủ đúng phác đồ và theo dõi kỹ lưỡng; đồng thời cần nhanh chóng đưa về nuôi dưỡng theo con đường tự nhiên càng sớm càng tốt nhằm đảm bảo cho trẻ sự phát triển toàn diện bền vững về sau.

Khoa Nhi- sơ sinh
Khoa Nhi - Sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Khoa nhi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec chính là địa chỉ được nhiều bậc phụ huynh lựa chọn để thăm khám và điều trị các bệnh lý thường gặp ở trẻ như: Viêm tai giữa, sốt vi khuẩn, sốt virus, viêm phổi ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm chuyên môn sẽ giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Ngọc Chương đã từng làm việc tại Bệnh viện Nhi Đồng I, Bệnh viện Thủ Đức và Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Với thế mạnh trong việc chẩn đoán, khám bệnh lý sơ sinh - hồi sức sơ sinh, Bác sĩ Chương hiện đang là Bác sĩ Nhi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park và là thành viên hiệp hội Nhi khoa Thành phố Hồ Chí Minh.

XEM THÊM

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan