Phòng bệnh viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh

Viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh thường xảy ra ở những trẻ sinh non (nhưng cũng có thể gặp ở trẻ sinh đủ tháng). Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng của bé. Do đó, việc chủ động phòng bệnh đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc đảm bảo sức khỏe của trẻ.

1. Viêm ruột hoại tử là gì?

Đây là tình trạng ruột bị nhiễm trùng và bắt đầu có dấu hiệu hoại tử. Cụ thể, bệnh phát triển khi các mô nằm ở lớp lót của ruột non hoặc ruột già bị tổn thương, bắt đầu chết dần khiến cho ruột bị viêm. Bệnh lý đường ruột này thường gặp ở trẻ sinh non (tuổi thai thấp).

trẻ sơ sinh bị viêm ruột hoại tử, ban đầu tình trạng viêm chỉ ảnh hưởng tới lớp lót bên trong ruột nhưng dần dần, nếu không được điều trị kịp thời thì nó có thể ảnh hưởng tới toàn bộ độ dày của ruột. Trường hợp nặng nhất là thủng ruột, vi khuẩn bên trong ruột rò rỉ vào ổ bụng, làm lan rộng vùng nhiễm trùng và có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho rằng tình trạng này có thể do máu chảy vào ruột làm tổn thương mô. Ngoài ra, vi khuẩn trong ruột có thể là tác nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, sự mất cân bằng trong điều hòa miễn dịch có thể liên quan tới viêm ruột hoại tử. Đồng thời, sự tổn thương thiếu máu cục bộ, giảm lưu lượng máu tới ruột cũng gây thiếu oxy ở ruột, hình thành viêm ruột hoại tử.

2. Triệu chứng bệnh viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh bị viêm ruột hoại tử thường gặp các triệu chứng sau:

  • Đau bụng: Cơn đau bụng do viêm ruột hoại tử thường bắt đầu từng cơn, kéo dài âm ỉ, đau có xu hướng trầm trọng khi ăn uống. Cơn đau thường khởi phát ở vùng rốn hoặc thượng vị, một số trường hợp không xác định được vị trí đau. Thời gian đau do viêm ruột hoại tử thường khoảng 9 ngày, nếu kèm theo sốc thì thời gian có thể dài hơn, mức độ đau nặng hơn;
  • Sốt: Sau khi đau bụng, trẻ có biểu hiện sốt. Nếu bị sốt cao kéo dài thì cần thận trọng vì bệnh có thể gây biến chứng;
  • Nôn ói: Vào ngày 1 hoặc ngày 2 của bệnh viêm ruột hoại tử, trẻ thường có triệu chứng nôn và biểu hiện này thường chấm dứt vào ngày 3, ít khi kéo dài tới 7 ngày. Nếu nôn quá 7 ngày thì có nguy cơ trẻ gặp biến chứng tắc ruột;
  • Đại tiện ra máu: Ngay từ những ngày đầu tiên bị viêm ruột hoại tử, trẻ đã có biểu hiện phân thối khắm, lỏng, có màu đỏ lâu. Có trường hợp đại tiện dễ dàng nhưng có trường hợp trẻ không tự đại tiện được, cần dùng biện pháp hỗ trợ cho phân chảy ra ngoài;
  • Chướng bụng: Là triệu chứng tiên lượng bệnh đã trở nặng, thường xuất hiện khi bệnh đã bước sang ngày thứ 3;
  • Sốc: Trẻ có hiện tượng nổi vân tím trên da, nguy cơ tử vong rất cao.

3. Điều trị bệnh viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh

Viêm ruột hoại tử là một bệnh lý nặng, có diễn tiến phức tạp. Bệnh có thể gây viêm phúc mạc, thủng ruột,... dễ dẫn đến tử vong. Do đó, khi trẻ có triệu chứng viêm ruột hoại tử, cha mẹ nên đưa bé nhập viện ngay để được chẩn đoán, điều trị sớm. Những phương pháp kiểm tra thường được áp dụng gồm: Xét nghiệm máu đo số lượng bạch cầu và tiểu cầu, chụp X-quang tìm hình ảnh tổn thương hoặc dấu hiệu viêm, xét nghiệm phân tìm dấu hiệu của máu,... Tùy từng giai đoạn bệnh và mức độ biến chứng, trẻ có thể được bác sĩ chỉ định điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa. Cụ thể:

3.1 Điều trị nội khoa

Các phương pháp điều trị nội khoa được áp dụng ngay khi nghi ngờ viêm ruột hoại tử (giai đoạn I), không chờ tới khi có chẩn đoán chắc chắn vì đã muộn. Trẻ được điều trị bằng cách: Nhịn ăn đường miệng, đặt ống thông dạ dày dẫn lưu dịch dạ dày. Sau đó, chỉ cho ăn đường miệng trở lại khi diễn tiến lâm sàng tốt (bụng không chướng, hết tiêu máu) hoặc ít nhất 5 ngày sau X-quang bụng trở về bình thường (không còn hơi ở thành ruột).

Nếu đang đặt catheter tĩnh mạch rốn thì rút bỏ catheter tĩnh mạch rốn, bồi hoàn dịch điện giải, chống sống và điều trị DIC. Khi huyết động học ổn định thì chuyển sang dinh dưỡng qua tĩnh mạch toàn phần.

Sử dụng các kháng sinh ban đầu là: Ampicillin Cefotaxim/Gentamycin Metronidazol. Nếu bệnh nhi không đáp ứng thì thay đổi kháng sinh theo kháng sinh đồ. Trường hợp không có kháng sinh đồ thì dùng Pefloxacine phối hợp Metronidazol. Thời gian điều trị bằng thuốc kháng sinh là 10 - 14 ngày.

Trong quá trình điều trị nội khoa, cần theo dõi sát dấu hiệu lâm sàng của tắc ruột, kiểm tra vòng bụng, chụp X-quang bụng mỗi 8 - 12 giờ trong giai đoạn bệnh chưa ổn định để phát hiện kịp thời các biến chứng ngoại khoa.

3.2 Điều trị ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh:

  • Can thiệp phẫu thuật: Chỉ định khi bệnh nhi bị thủng ruột (có hơi tự do trong ổ bụng hoặc X-quang bụng), viêm phúc mạc (thành bụng nề đỏ, chọc dò dịch ổ bụng ra mủ hoặc máu hoặc soi tươi có vi trùng gram âm), quai ruột giãn bất động trên nhiều phim, tắc ruột, sờ thấy khối u trong ổ bụng. Cân nhắc phẫu thuật khi điều trị nội khoa sau 48 - 72 giờ nếu tình trạng bệnh không cải thiện, bệnh nhi tiếp tục bị giảm tiểu cầu, toan chuyển hóa, rối loạn đông máu;
  • Chế độ dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh: Có thể cho trẻ bú lại khi lâm sàng ổn định, bụng mềm không chướng, không ứ dịch dạ dày, không có máu ẩn trong phân. Cho bú sữa mẹ nếu bé bị viêm ruột hoại tử giai đoạn 1, có thể cho ăn sớm hơn sau 72 giờ. Với trẻ bị viêm ruột hoại tử giai đoạn 2 - 3 thì nên nhịn ăn tối thiểu 10 - 14 ngày. Sau đó, bắt đầu bú mẹ 10ml/kg, tăng dần 10ml/kg mỗi ngày và theo dõi sát dịch dư dạ dày, tình trạng bụng, máu ẩn trong phân.

4. Biện pháp phòng bệnh viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh

Công tác dự phòng bệnh viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh là rất cần thiết. Nếu phòng bệnh đúng cách thì sẽ giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh và không để xảy ra nguy cơ tử vong cho các bệnh nhi. Một số lời khuyên quan trọng gồm:

  • Các bà mẹ mang thai nên đi khám thai định kỳ. Cần phát hiện các bà mẹ có nguy cơ cao mắc các bệnh lý đi kèm khi có thai hoặc bệnh lý nền. Có chiến lược cụ thể trong điều trị và chăm sóc chu đáo nhằm giúp thai nhi trong bụng mẹ có sức khỏe tốt, phát triển phù hợp với từng giai đoạn bào thai;
  • Tránh để xảy ra tình trạng trẻ sinh non tháng. Cần nắm trước được những trường hợp sinh sớm so với ngày dự sinh để có phương án điều trị tốt, giúp thai nhi trưởng thành phổi đầy đủ và kịp thời bằng thuốc corticoid;
  • Giảm tối đa nguy cơ liên quan tới sản khoa: Sinh non, sinh ngạt, suy hô hấp kéo dài hoặc đa hồng cầu ở trẻ sinh non;
  • Trẻ sinh ra dù nhẹ cân, thiếu tháng hay đủ tháng cũng cần được bú mẹ ngay từ những giờ đầu sau sinh. Các bà mẹ nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn ngày - đêm. Để có nguồn sữa mẹ dồi dào, các bà mẹ nên ăn đầy đủ dinh dưỡng, chất đạm cần ăn tăng hơn 60% so với bữa ăn hằng ngày. Đồng thời, các bà mẹ cần được nghỉ ngơi nhiều hơn, ngủ đủ giấc để giúp tuyến sữa phát triển, tiết sữa nhiều nhất.

Sữa mẹ có nhiều yếu tố bảo vệ (IgA, IgG, IgM,...) giúp làm giảm nguy cơ viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh. Do đó, biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh này là các bà mẹ nên cho bé bú ngay từ khi sinh ra. Đồng thời, khi trẻ có bất kỳ triệu chứng nào cảnh báo viêm ruột hoại tử, cha mẹ cần đưa bé đi khám ngay để được can thiệp điều trị sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

101 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan