Phòng ngừa viêm mao mạch dị ứng ở trẻ em

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thành Tâm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Viêm mao mạch dị ứng ở trẻ em là bệnh lý tự dị ứng khá hiếm gặp nên thường gây hoang mang cho cha mẹ. Thực tế, viêm mao mạch dị ứng ở trẻ em hoàn toàn có thể được phòng ngừa và giảm nhẹ triệu chứng nếu được phát hiện sớm tại các cơ sở y tế.

1. Bệnh viêm mao mạch dị ứng ở trẻ em là gì?

Viêm mao mạch dị ứng được xác định là bệnh dị ứng thứ phát cấp tính gây viêm mạch hệ thống thường gặp nhất ở trẻ em. Bệnh tuy chưa tìm được nguyên nhân chính xác nhưng thường thấy sau một đợt nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Cơ chế gây bệnh được nghiên cứu là do phản ứng miễn dịch giữa kháng nguyên và kháng thể trên lớp nội mạc mạch, giải phóng ra các chất trung gian hóa học lắng đọng tại các lớp niêm mạc của mao mạch, gây tổn thương và tăng tính thấm thành mao mạch với biểu hiện lâm sàng xuất huyết đặc trưng.

Viêm mao mạch dị ứng xảy ra nhiều nhất ở người trẻ dưới 16 tuổi với 75% ca mắc. Tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái 2 lần và thường gặp vào mùa xuân.

Viêm mao mạch dị ứng có di truyền không? Hiện vẫn chưa có bằng chứng về mối quan hệ giữa di truyền và viêm mao mạch dị ứng ở trẻ em mà nguyên nhân liên quan đến viêm da cơ địa dị ứng, thay đổi thời tiết hoặc ăn các thức ăn lạ. Ngoài ra, nguyên nhân bệnh còn có thể đến từ nhiễm một số chủng vi khuẩn hoặc virus sau: liên cầu nhóm A, Mycoplasma, Varicella virus hoặc Cytomegalovirus,...

2. Triệu chứng của viêm mao mạch dị ứng

Triệu chứng của viêm mao mạch dị ứng sẽ biểu hiện bằng tổn thương lan tỏa hệ thống vi mạch tại các cơ quan của cơ thể tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh. Tuy nhiên triệu chứng thường gặp nhất là ở 4 cơ quan gồm: da, khớp, tiêu hóa và thận. Các biểu hiện của bệnh cụ thể như sau:

Phòng ngừa viêm mao mạch dị ứng ở trẻ em
Triệu chứng của viêm mao mạch dị ứng
  • Tại da: Triệu chứng xuất hiện đầu tiên và nổi trội nhất thường là tại da, khi bệnh nhân xuất huyết dưới da thành ban xuất huyết dạng chấm và nốt ở mặt gấp của cẳng tay, cẳng chân, mông và đùi. Các ban này không ngứa, có gờ cao hơn mặt da và có thể thể hiện ra bọng nước hoặc bầm máu, hay thậm chí ban hoại tử, dễ nhầm lẫn với xuất huyết giảm tiểu cầulupus ban đỏ;
  • Tại khớp: Trẻ có thể gặp hiện tượng sưng đau các khớp, hạn chế vận động hoặc phù quanh khớp cổ chân, gối và khuỷu;
  • Tại hệ thống tiêu hóa: Triệu chứng liên quan đến đường tiêu hóa thường là đau bụng quanh rốn, nôn và buồn nôn, có thể kèm triệu chứng xuất huyết như đi ngoài phân đen, nôn ra máu và đau bụng dữ dội;
  • Tại thận: Triệu chứng tại thận thể hiện ở giai đoạn khá muộn của bệnh khi trẻ đã có biểu hiện đái máu đại thể hoặc vi thể.

Ngoài ra, trẻ còn có thể mắc viêm tinh hoàn hoặc viêm cơ tim rất nguy hiểm.

3. Làm thế nào để phòng ngừa viêm mao mạch dị ứng ở trẻ em?

Như đã đề cập, nguyên nhân của viêm mao mạch dị ứng chưa được khẳng định cụ thể nên việc phòng ngừa viêm mao mạch dị ứng ở trẻ chủ yếu theo các phương pháp sau:

  • Trẻ cần có một sức đề kháng tốt đề phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn, do viêm mao mạch dị ứng thường xuất hiện sau những đợt nhiễm khuẩn. Nâng cao sức đề kháng bằng cách cho trẻ ăn chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên tập thể dục nâng cao sức khỏe;
  • Khi trẻ có biểu hiện nhiễm khuẩn cần đến ngay các cơ sở y tế để điều trị sớm và triệt để, tránh các biến chứng nguy hiểm;
  • Khi trẻ xuất hiện triệu chứng đầu tiên của viêm mao mạch dị ứng chính là ban xuất huyết trên da thì cần đưa trẻ tới ngay bệnh viện để xác định nguyên nhân chính xác và điều trị sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan