Sặc sữa, sặc thức ăn có thể đe dọa tính mạng trẻ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Hà - Bác sĩ Nhi - Sơ Sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Bác có trên 11 năm làm việc trong lĩnh vực Nhi - Sơ sinh và có thế mạnh trong lĩnh vực cấp cứu hồi sinh tim phổi nhi, sơ sinh, tiếp cận chẩn đoán, điều trị, các bệnh lý sơ sinh như đẻ non, bệnh màng trong, suy hô hấp, nhiễm trùng sơ sinh.

Sặc là một tai nạn khá phổ biến thường xảy ra ở trẻ em từ một đến ba tuổi. Các tình trạng sặc thường gặp là sặc sữa ở trẻ sơ sinh, sặc thức ăn, sặc nước, đôi khi có thể gặp sặc dịch dạ dày hoặc sặc chất trào ngược.

Đây là một tình trạng rất nguy hiểm, có thể gây tắc nghẽn nhanh chóng đường hô hấp, nếu không được xử trí kịp thời có thể đe dọa tính mạng của trẻ.

1. Những nguyên nhân gây sặc sữa, sặc thức ăn ở trẻ

1.1. Nguyên nhân thường gây sặc sữa ở trẻ sơ sinh

Bé sử dụng bình sữa có núm cao su lỗ quá to làm sữa chảy ra nhiều hoặc do mẹ nhiều sữa, sữa xuống nhanh làm bé nuốt không kịp gây sặc. Mẹ cho bé bú sai tư thế, bé vừa ngủ vừa ngậm vú nhưng không nuốt, khi bé thở mạnh sẽ gây sặc sữa lên mũi hoặc bé bị sặc sữa vào phổi. Khi bé vừa bú vừa hóng chuyện, cười đùa sẽ làm sữa tràn vào khí quản, gây sặc sữa.

1.2. Nguyên nhân gây sặc thức ăn ở trẻ

Do cha mẹ cho trẻ ăn những thức ăn chưa phù hợp với khả năng nhai, nuốt của trẻ. Cha mẹ cho trẻ ăn không đúng tư thế, trẻ không ngồi một chỗ khi ăn mà liên tục di chuyển, chạy nhảy, cười đùa. Cha mẹ cho trẻ ăn khi trẻ đang khóc, ép ăn nhanh, trẻ nuốt vội dễ dẫn đến sặc.

2. Sặc sữa ở trẻ sơ sinh, sặc thức ăn ở trẻ em nguy hiểm như thế nào?

Khi trẻ bị sặc, sữa hoặc thức ăn sẽ vào đường thở, tràn vào khí quản, phế quản, phế nang làm cản trở quá trình trao đổi oxy, gây tắc đường hô hấp. Trẻ sẽ nhanh chóng bị thiếu oxy, suy hô hấp và có thể ngừng thở.

Các triệu chứng điển hình khi trẻ bị sặc là: trẻ đang ăn bú hoặc ăn bỗng ho sặc sụa, tím tái, bé bị sặc sữa thở khò khè, thở rít, khó thở, mắt trợn ngược. Da trẻ tái xanh, người hốt hoảng, cơ thể mềm nhũn hoặc co cứng.

Sặc là một cấp cứu tối khẩn ở trẻ em, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong nhanh chóng do suy hô hấp hoặc trẻ sẽ bị những di chứng nặng nề về thần kinh do não bộ bị thiếu oxy trong thời gian lâu.

Sặc sữa, sặc thức ăn có thể đe dọa tính mạng trẻ
Trẻ sơ sinh bị sặc sữa

3. Cách xử trí khi trẻ bị sặc sữa, sặc thức ăn

3.1 Xử trí sặc sữa ở trẻ sơ sinh

  • Làm thông thoáng đường thở trẻ: Dùng dụng cụ hút để hút sữa trong miệng và mũi trẻ càng nhanh càng tốt, nếu để lâu sữa sẽ vào sâu bên trong phổi gây tắc đường hô hấp gây nguy hiểm cho tính mạng trẻ. Nếu không có dụng cụ hút có thể dùng miệng để hút, nên hút miệng trước, hút mũi sau.
  • Kích thích mạnh để trẻ khóc và tự thở:
    • Vỗ lưng: đặt trẻ nằm sấp xuống đùi, đầu thấp hơn ngực, dùng bàn tay vỗ liên tiếp mạnh vào vùng lưng giữa hai vai của trẻ theo hướng xuống dưới và ra trước khoảng 5 cái. Sau đó, lật nhẹ nhàng về tư thế ngửa xem trẻ đã tự thở được chưa.
    • Ấn ngực: nếu sau khi vỗ lưng mà trẻ vẫn chưa thở được, giữ trẻ ở tư thế ngửa, giữ đầu thấp hơn ngực. Ấn vuông góc khoảng 5 lần liên tiếp, tốc độ 1 lần ấn/ giây vào vị trí 1/3 dưới xương ức (cách khoảng 1 đốt ngón tay dưới đường nối hai 2 núm vú).

Nếu trẻ vẫn chưa hồi phục thì tiếp tục thực hiện luân phiên 5 lần vỗ lưng, 5 lần ấn ngực cho đến khi trẻ thở được.

Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu ngay sau đó.

3.2. Xử trí khi trẻ bị sặc thức ăn

Cha mẹ nên bình tĩnh đánh giá tình hình của trẻ:

  • Nếu trẻ ho hoặc khóc và vẫn thở được được thì tình trạng của trẻ chưa nghiêm trọng. Cha mẹ nên động viên, cổ vũ bé tiếp tục ho, ọe để tống thức ăn, dị vật ra ngoài. Kiểm tra miệng bé và móc ra những thức ăn có thể nhìn thấy. Nếu không thấy mẩu thức ăn, không nên tự dùng ngón tay mò mẫm trong miệng trẻ vì có thể vô tình đẩy thức ăn vào sâu hơn trong đường hô hấp. Theo dõi tình trạng của bé, xem sau khi ho bé có dễ thở hơn không, đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu khi bé có hiện tượng thở khó khăn.
  • Nếu trẻ tỉnh táo và khó thở: kiểm tra miệng bé, lấy ra tất cả những mẫu thức ăn có thể nhìn thấy được, sau đó thực hiện động tác vỗ ngực và ấn lưng như khi sặc sữa ở trẻ sơ sinh.
  • Nếu trẻ bất tỉnh và ngưng thở: tiến hành hà hơi thổi ngạt và thực hiện ấn tim ngoài lồng ngực, gọi ngay xe cấp cứu.

4. Phòng ngừa tình trạng sặc sữa ở trẻ sơ sinh, sặc thức ăn ở trẻ em

Để phòng ngừa sặc sữa ở trẻ sơ sinh, đối với trẻ bú mẹ, nếu mẹ sữa nhiều nên kẹp đầu ti để hạn chế tốc độ sữa khi bé bú. Nếu mẹ cho bé bú bình, nên chọn núm vú có kích cỡ phù hợp, hiện trên thị trường có các loại bình sữa có van chống sặc, sữa chỉ chảy khi bé mút giúp hạn chế tình trạng sữa chảy quá nhanh, giảm nguy cơ sặc cho bé.

Không cho trẻ bú khi đang nằm, vừa bú vừa ngủ, mẹ cũng không nên vừa cho bé bú vừa cười đùa với bé. Khi cho bé bú, mẹ nên bế bé đúng cách, đảm bảo sao cho đầu - lưng và mông bé nằm trên một đường thẳng, đầu bé đối diện với ngực mẹ, bụng bé chạm bụng mẹ. Tư thế bú đúng cách sẽ giảm nguy cơ sặc sữa ở trẻ sơ sinh.

Sặc sữa, sặc thức ăn có thể đe dọa tính mạng trẻ
Tư thế bú đúng cách sẽ giảm nguy cơ sặc sữa ở trẻ sơ sinh

Để phòng ngừa nguy cơ sặc thức ăn ở trẻ em, ngay từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm, cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen ngồi một chỗ khi ăn, trẻ được ngồi trong ghế tập ăn ngay từ sớm để tránh tình trạng khi lớn lên trẻ không chịu ngồi ăn mà vừa ăn vừa di chuyển, vừa vất vả cho cha mẹ vừa tăng nguy cơ sặc thức ăn cho trẻ.

Cha mẹ tuyệt đối không ép trẻ ăn, không đút quá nhanh, không cho trẻ ăn khi đang khóc hay đang đùa giỡn. Không đút một lượng lớn thức ăn cùng lúc mà nên chia ra từng thìa nhỏ, khi trẻ có các biểu hiện bất thường, nhanh chóng kiểm tra xem trẻ có đang bị sặc không.

Việc xử lý cấp cứu sặc sữa trẻ sơ sinh đúng cách sẽ giúp trẻ nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nguy hiểm. Và nếu đã xử trí theo các cách trên nhưng trẻ vẫn có biểu hiện ho sặc sụa, tím tái, ngưng thở,... các bậc phụ huynh cần ngay lập tức đưa trẻ tới bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời.

Ở Việt Nam hiện nay cứ 10 trẻ dưới 5 tuổi có đến 7 trẻ thiếu kẽm và 10 bà mẹ có thai có đến 8 người bị thiếu kẽm. Tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai là 80,3%, phụ nữ tuổi sinh đẻ 63,6% và trẻ em dưới 5 tuổi là 69,4%. Biểu hiện bé thiếu kẽm thường thấy đó chính là chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng nhẹ và vừa, chậm tăng trưởng chiều cao, và có 1 số triệu chứng quan sát được như trẻ chán ăn hoặc giảm ăn, giảm bú, không ăn thịt cá, chậm tiêu, táo bón nhẹ, buồn nôn và nôn kéo dài ở trẻ. Bên cạnh việc bổ sung kẽm hợp lý, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... cho con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Hãy thường xuyên truy cập website vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

66.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan