Sự phát triển của trẻ sinh non ở tuần 30 - 33

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Linh Chi - Phó trưởng khoa nhi sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Trẻ sinh trước tuần thứ 37 của thai kỳ được gọi là trẻ sinh non. Với sự phát triển của y học hiện đại, những đứa trẻ sinh non 8 tháng vẫn có thể sống và phát triển một cách toàn diện, tuy nhiên, cần phải có chế độ chăm sóc và theo dõi đặc biệt.

1. Những nguyên nhân gây nên tình trạng sinh non ở tuần 30-33 của thai kỳ

Thai phụ có thể sinh non ở tuần 30 - 33 của thai kỳ do một số nguyên nhân như:

  • Đa thai, chẳng hạn như sinh đôi hoặc sinh ba
  • Các vấn đề ở bánh nhau có thể khiến chúng bị thoái hoá hoặc bong ra sớm
  • Nhau thai không thể cung cấp đủ oxy và dinh dưỡng cho em bé
  • Sản phụ bị nhiễm trùng
  • Sử dụng ma túy, uống đồ uống có cồn hoặc hút thuốc khi đang mang thai
  • Tử cung bị kích thích hoặc cổ tử cung suy yếu, không đủ khả năng bảo vệ thai nhi dẫn đến sinh non do cổ tử cung ngắn

2. Sự phát triển của một đứa trẻ sinh non ở 30-33 tuần

Ở độ tuổi này, các cơ quan của trẻ đều đang hoàn thiện. Một đứa trẻ sinh ra ở tuần 30 của thai kỳ có thể không cần nhiều sự hỗ trợ về mặt y tế như những trẻ ở độ tuổi nhỏ hơn.

Thai nhi tuần thứ 30
Các cơ quan của trẻ đều đang hoàn thiện ở tuần 30 của thai kỳ

Trẻ sinh ra ở tuần thứ 30 - 33 của thai kỳ thường nặng khoảng 1523 – 2103 gram và có chiều dài 38.9 – 42.9 cm. Hầu hết các bé đều có thể tự thở mặc dù lúc này phổi của bé chưa phát triển hoàn thiện. Tuy vậy, trẻ vẫn cần bổ sung một nguồn cung cấp oxy để giúp duy trì mức oxy khỏe mạnh trong cơ thể. Đây là lý do tại sao trẻ sinh non tháng phải nằm tại đơn vị chăm sóc sơ sinh tích cực (NICU) của bệnh viện.

Mặc dù vẫn chưa trưởng thành và sẽ cần vài tuần chăm sóc NICU nhưng hầu hết trẻ sơ sinh từ 30 đến 33 tuần đều nhanh chóng bắt kịp tốc độ phát triển của những trẻ khác cùng lứa tuổi và ít mang các biến chứng lâu dài của việc sinh non.

Trong khoảng thời gian từ 30 đến 33 tuần, trẻ sơ sinh tăng nhiều chất béo trong cơ thể. Trẻ sinh non ở độ tuổi này bắt đầu trông bụ bẫm hơn và có thể duy trì thân nhiệt tốt mà không cần đến sự trợ giúp của lồng ấp. Chuyển động của trẻ sẽ mượt mà hơn và có kiểm soát hơn, đồng thời bé sẽ bắt đầu co tay và co chân.

Vì phản xạ nuốt và mút chưa phát triển ở trẻ sơ sinh cho đến khoảng tuần thứ 34 của thai kỳ, nên chúng không thể ăn hay nói đúng hơn là tự bú. Do đó, trẻ cần nhận được dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch hoặc qua sonde dạ dày.

Ở một số trẻ sinh non sẽ có tóc với số lượng nhiều, trong khi những trẻ khác có thể chỉ có một ít hơn. Ở trẻ sơ sinh nam, tinh hoàn thường đã di chuyển xuống bìu nhưng đối với một số trẻ, tình trạng này có thể xảy ra trong thời gian sau đó. Vì vậy, cần theo dõi để phát hiện sớm những trẻ có tinh hoàn ẩn để có những can thiệp kịp thời.

Một em bé được sinh ra ở tuần thứ 32 đã hoàn toàn nhận thức được môi trường xung quanh, vì tất cả các giác quan đều đã hoàn thiện và hoạt động khá tốt, hiếm khi có bất kỳ khuyết tật nào liên quan đến nhận thức giác quan. Trẻ ở độ tuổi này có thể sử dụng được cả 5 giác quan để tìm hiểu về môi trường của chúng nhưng vẫn có thể bị kích thích bởi ánh sáng chói và tiếng ồn lớn. Sự kích thích quá mức bởi môi trường của chúng có thể được thể hiện qua tiếng nấc, hắt hơi hoặc khóc.

Mặc dù ở độ tuổi này, trẻ sinh non từ 30 – 33 tuần sẽ trông giống như một phiên bản nhỏ hơn của một em bé đủ tháng, tuy vậy chúng vẫn cần được chăm sóc đặc biệt cho đến khi sức khỏe miễn dịch tiếp tục trưởng thành và phát triển được phản xạ bú.

Thuốc trợ phổi được sử dụng cho những trường hợp sinh non
Bé sinh non từ 30-33 tuần vẫn cần được chăm sóc đặc biệt

Vì chu kỳ giấc ngủ đã được hình thành nên trẻ bắt đầu sẽ thức nhiều hơn và giấc ngủ sâu cũng sẽ tăng lên. Khi thức, trẻ có thể tập trung vào khuôn mặt của cha mẹ hoặc một vật thể mà trẻ cảm thấy thú vị khác và bé có thể biểu hiện những phản ứng rõ ràng khi nghe giọng nói quen thuộc. Trẻ có thể thích giao tiếp bằng mắt, ôm ấp hoặc nói chuyện trong những khoảng thời gian này, cha mẹ nên học cách quan sát những cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể của trẻ để nhận biết các dấu hiệu trẻ đang cảm thấy căng thẳng.

Ở độ tuổi này, một số trẻ có thể bắt đầu bú nhịp nhàng và có thể cho thấy rằng trẻ đã có phản xạ bú và có thể bú được. Hãy cho trẻ ngửi và nếm sữa mẹ để giúp chúng sẵn sàng hơn.

3. Các biến chứng về sức khỏe ở trẻ sinh non 30-33 tuần

Cơ hội sống sót của trẻ sinh tháng thứ 7 là khá cao. Sự tiến bộ của khoa học và công nghệ y tế đã cho phép sử dụng các thiết bị và kỹ thuật tiên tiến để giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và đảm bảo rằng trẻ sinh non ở thời điểm này có thể lớn lên một cách khỏe mạnh. Tuy nhiên, kết quả vẫn phụ thuộc nhiều vào tình trạng sức khỏe của trẻ.

Đối với một em bé được sinh ra ở tuần thứ 32, các biến chứng vẫn có thể xảy ra nếu không thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay lập tức và không áp dụng đúng phương pháp chăm sóc trẻ sinh non. Em bé chào đời ở tuần thứ 30-33 của thai kỳ có thể gặp phải những vấn đề sức khỏe sau đây.

3.1. Bé có khả năng sinh ra nhẹ cân

Trẻ sinh non có thể bị thiếu cân hoặc nhẹ cân. Vì cân nặng của trẻ không ở mức như mong muốn nên việc nuôi dưỡng trẻ là rất quan trọng để giúp trẻ tăng cân. Nếu trẻ không tăng cân, trẻ sẽ có nhiều nguy cơ bị hạ thân nhiệt. Do đó, trẻ sẽ được đặt trong lồng ấp cho đến khi tăng cân bình thường trong vài tuần tiếp theo.

Nằm lồng ấp
Bé sinh non sẽ được đặt trong lồng ấp để duy trì cân nặng đến mức bình thường

3.2. Trẻ có thể không có khả năng bú

Khi phản xạ bú phát triển ở trẻ khoảng 34 tuần tuổi thai, trẻ sơ sinh được sinh ra ở tuần thứ 30-33 có thể không bú vú mẹ được. Đôi khi, những trẻ kém phát triển cũng khó khăn trong việc tiêu hóa sữa mẹ hiệu quả, có thể dẫn đến các biến chứng về sức khỏe. Trong trường hợp này, em bé sẽ được cung cấp dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch.

3.3. Trẻ có thể có vấn đề về phát triển não bộ

Một em bé được sinh ra ở tuần thứ 30-33 có thể gặp các vấn đề về học tập và hành vi vì não của trẻ có thể chưa phát triển đầy đủ vào lúc này. Vào tuần thứ 32 của thai kỳ, não của em bé chỉ được phát triển 66% so với những trẻ đủ tháng, đó là lý do tại sao các bác sĩ có thể giữ trẻ nằm lại trong NICU.

3.4. Trẻ có thể có hệ thống miễn dịch yếu

Khả năng miễn dịch của trẻ được sự tăng cường vượt bậc nhờ vào người mẹ trong giai đoạn cuối của thai kỳ. Tuy nhiên, có thể vì sinh non mà trẻ không có hệ miễn dịch mạnh, do đó dễ khiến trẻ trở thành mục tiêu của các bệnh nhiễm trùng. Các ống và thuốc tiêm được sử dụng để hỗ trợ trẻ cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng cho trẻ.

4. Cách chăm sóc con non sinh ra ở tuần thứ 30-33

Bằng các phương pháp chăm sóc trước sinh đúng cách, có thể giảm thiểu rủi ro sinh non và có thể ngừng hoặc trì hoãn quá trình chuyển dạ sinh non. Nhưng nếu trẻ sinh ra ở tuần thứ 30-33 của thai kỳ thì việc nuôi dưỡng trẻ trong giai đoạn tiếp theo là rất quan trọng. Vì sữa mẹ là cực kỳ quan trọng, trẻ có thể nhận được nguồn sữa mẹ qua ống thông dạ dày. Trẻ có thể sẽ được chăm sóc tại NICU, điều này rất có lợi cho sức khỏe của trẻ.

Sinh non  - bé Diệp 600g
Chăm sóc tại NICU mang lại hiệu quả tích cực cho sức khỏe của trẻ sinh non

Các bác sĩ cũng khuyên cha mẹ nên chăm sóc bằng phương pháp kangaroo cho trẻ vì nó giúp ích cho sự phát triển. Chăm sóc Kangaroo về cơ bản có nghĩa là cho trẻ tiếp xúc da kề da vì giúp tăng cường khả năng miễn dịch và cân nặng của trẻ. Nếu trẻ được sinh ra ở tuần thứ 30-33, bạn có thể ôm con vào ngực trần càng lâu càng tốt để giữ ấm tự nhiên và tạo cảm giác an toàn cho con.

Bạn nên chú ý cẩn thận về việc đưa trẻ về nhà sau khi trẻ được xuất viện khỏi NICU. Giữ môi trường trong và xung quanh nhà của bạn an toàn và được khử trùng. Em bé sinh non cũng có thể phải đối mặt với sự chậm phát triển, vì vậy bạn có thể tìm kiếm các chương trình đặc biệt có thể giúp con bạn học tập đúng cách và giúp trẻ phát triển càng sớm càng tốt.

5. Trẻ sơ sinh 30-33 tuần sẽ ở trong NICU bao lâu?

Nếu trẻ sinh non ở tuần thứ 30-33 sẽ cần phải ở lại NICU cho đến khi sức khoẻ của trẻ thật sự ổn định. Trẻ sinh non đôi khi có xu hướng giống trẻ sơ sinh đã trưởng thành nhưng chúng chưa phát triển hoàn thiện và chưa đạt đến mức độ mà chúng có thể tự duy trì.

Trước khi xuất viện, có một số cột mốc mà trẻ sinh non phải đạt được: Chúng cần có thể ăn, thở và giữ ấm mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào từ nhân viên hoặc thiết bị y tế. Những đứa trẻ sinh non ở tuần thứ 30 - 33 có thể làm được một hoặc hai điều này khi mới sinh, nhưng sẽ mất thời gian để đạt được cả ba yếu tố quan trọng này. Một khi bé phát triển hoàn thiện và đáp ứng đầy đủ các mốc phát triển như tự bú, tự thở, có thể giữ ấm mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào từ bên ngoài thì bác sĩ mới cho bé xuất viện.

Cơn ngừng thở ở trẻ sinh non
Bé sinh non được xuất viện khi có thể tự bú, tự thở và tự giữ ấm

Để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ sơ sinh hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: raisingchildren.net.au, verywellfamily.com, parenting.firstcry.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

51.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan