Trẻ 7 tháng tuổi: Phát triển thể chất, vận động, nhận thức và cảm xúc

Bài viết được duyệt chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Bác sĩ Nhi - Sơ Sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Trẻ 7 tháng tuổi đạt được sự phát triển nhất định về thể chất, vận động, nhận thức và cảm xúc. Do đó, những câu hỏi như: Trẻ em 7 tháng tuổi cân nặng bao nhiêu là bình thường và đạt chuẩn, mức độ phát triển giao tiếp, kỹ năng xã hội của trẻ 7 tháng tuổi như thế nào? được rất nhiều phụ huynh quan tâm và muốn tìm hiểu.

1. Trẻ em 7 tháng tuổi cân nặng bao nhiêu?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chiều cao và cân nặng của trẻ 7 tháng tuổi cần đạt được trong khoảng từ 65 - 69cm và 6,8 - 8,6kg (đối với bé gái) và 67 - 71cm và 7,4 - 9,2kg (đối với bé trai).

2. Bé 7 tháng phát triển như thế nào?

2.1 Mức độ phát triển vận động của trẻ 7 tháng tuổi

Kỹ năng vận động của trẻ 7 tháng tuổi đã phát triển đáng kể. Trong đó, các kỹ năng vận động thô (khả năng điều khiển và phối hợp các nhóm cơ lớn) đã được trẻ thực hiện nhuần nhuyễn hơn.

Song song với đó trẻ bắt đầu phát triển các kỹ năng vận động tinh (khả năng điều khiển và phối hợp các ngón tay, bàn tay). Dưới đây là một số kỹ năng mà trẻ 7 tháng tuổi có thể thực hiện được và cha mẹ cũng cần theo dõi, quan sát để khuyến khích trẻ phát triển những kỹ năng này.

  • Dùng và phối hợp ngón trỏ và ngón cái để cầm, nắm đồ vật nhỏ hoặc mẩu thức ăn có hình dáng dài.
  • Đưa thức ăn, đồ vật lên miệng để liếm, ném.
  • Nhặt đồ vật hoặc đồ chơi, ném đi rồi nhặt lại.
  • Với lấy đồ vật ở gần bằng một hoặc hai tay, cầm đồ vật bằng tay chắc chắn hơn.
  • Lật người để nằm sấp hoặc nằm ngửa. Khi trẻ 7 tháng tuổi lặp đi lặp lại động tác này có thể báo hiệu trẻ đã sẵn sàng tập bò. Vì vậy, cha mẹ cần hỗ trợ để trẻ có thể bò trong những tháng tiếp theo.
  • Trẻ có thể tự ngồi dậy
Trẻ 13 tháng tuổi chưa thể tự ngồi dậy có sao không?
Trẻ 7 tháng tuổi có thể tự ngồi dậy được

2.2 Mức độ phát triển nhận thức của trẻ 7 tháng tuổi

Bộ não của trẻ trong giai đoạn này phát triển với tốc độ cực kỳ nhanh và nhanh hơn so với sự phát triển về thể chất để giúp trẻ đạt được những kỹ năng nhất định nhằm thích ứng với môi trường và tác động bên ngoài. Cha mẹ sẽ thấy trẻ phát triển nhận thức với mức độ cụ thể như sau:

  • Nhận biết sự tồn tại của đồ vật xung quanh như đồ chơi của trẻ. Do đó, trẻ rất thích chơi trò “ú òa” hoặc tìm kiếm món đồ chơi, đồ vật bị giấu đi.
  • Trẻ biết thể hiện sự yêu thích đối với những đồ vật, món đồ chơi bắt mắt. nhiều màu sắc và tìm cách lấy được chúng. Trẻ cũng thể hiện sự tò mò đối với đồ vật xung quanh trẻ và về thế giới bên ngoài hơn.
  • Trẻ có thể di chuyển mắt và nhìn theo các thiết bị, đối tượng đang di chuyển.
  • Trẻ có thể nhận dạng giọng nói cũng như phát hiện tên mình khi có ai đó nhắc đến.
  • Trẻ 7 tháng tuổi cũng đã có thể bập bẹ phát ra âm thanh là nguyên âm như “a” hoặc “o”. Ngoài ra, trẻ hiểu được giao tiếp là nói chuyện với nhau. Do đó trẻ cũng bập bẹ nói chuyện với cha mẹ hoặc trẻ cũng cố gắng bắt chước các từ mà cha mẹ, ông bà hoặc người chăm sóc nói với trẻ.
  • Trẻ hiểu và dùng âm thanh hoặc cử chỉ để thu hút sự chú ý khi có nhu cầu hoặc muốn giao tiếp.

2.3 Mức độ phát triển cảm xúc của trẻ 7 tháng tuổi

Về mặt cảm xúc, trẻ 7 tháng tuổi có thể đạt được mức phát triển như sau:

  • Phân biệt được người thân quen của trẻ và người lạ hoặc mới lần đầu gặp. Trẻ sẽ tỏ ra vui vẻ hoặc thích thú khi gặp người quen, đồng thời thể hiện sự e ngại, sợ đối với người lạ.
  • Bày tỏ cảm xúc và biết điều gì thích, điều gì không thích.
  • Trẻ thể hiện cảm xúc rõ ràng hơn các tháng trước như cười hoặc khó chịu, ...
  • Trẻ quan sát cảm xúc của những người xung quanh và cố gắng bắt chước, ví dụ như khóc theo những trẻ khác đang khóc, hoặc cười khi thấy cha mẹ cười.

Sự phát triển về nhận thức và cảm xúc của trẻ 7 tháng tuổi khá mạnh mẽ và nhanh hơn so với thể chất để giúp trẻ sớm thích nghi với cuộc sống bên ngoài. Ở giai đoạn này, kỹ năng vận động của trẻ cũng có bước chuyển biến vượt bậc, trẻ có thể tự ngồi và cho thấy dấu hiệu chuẩn bị tập bò.

Trẻ khóc
Trẻ 7 tháng tuổi với mức độ phát triển cảm xúc mạnh mẽ

Ngoài những trẻ phát triển bình thường ở giai đoạn này trẻ rất hay gặp phải các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, nhiễm trùng, chậm nói, chậm vận động; các vấn đề về còi xương, suy dinh dưỡng, biếng ăn, chậm lên cân... Vì vậy cha mẹ cần thật sự lưu tâm, một khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín khám và điều trị.

Ngoài ra, trẻ 7 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Video đề xuất

Dấu hiệu, cách chăm sóc trẻ em viêm đường hô hấp trên tại nhà

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan