Trẻ bị rối loạn tiêu hóa khi ăn dặm, phải làm sao?

Rối loạn tiêu hóa là tình trạng rất hay gặp ở trẻ bắt đầu ăn dặm, tình trạng này không chỉ làm nhiều cha mẹ hoang mang mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ nhỏ về lâu dài. Việc nhận biết những dấu hiệu và cách điều trị theo từng vấn đề sẽ giúp rối loạn tiêu hóa ở trẻ sớm được cải thiện.

1. Bé bị trào ngược dạ dày thực quản khi ăn dặm?

Trào ngược dạ dày thực quản là hiện tượng có sự di chuyển không tự chủ của các chất trong dạ dày vào thực quản. Khi trẻ tập ăn dặm, kết cấu thức ăn thay đổi có thể khiến trào ngược dạ dày thực quản tái phát từ tuổi sơ sinh hay nặng nề hơn.

Những thay đổi sau đây có thể giúp cha mẹ kiểm soát chứng rối loạn tiêu hóa khi ăn dặm này của trẻ tốt hơn:

  • Giữ trẻ ở tư thế thẳng đứng trong vòng tay trong 30 phút sau mỗi lần cho bú và cả cho ăn dặm. Luôn phải giữ thẳng bé bằng cách chỉ cho ăn dặm khi trẻ đã biết ngồi.
  • Cho ăn số lượng ít hơn và cho ăn thường xuyên hơi.
  • Đảm bảo trẻ đã ợ hơi sau mỗi bữa ăn trước khi cho nằm.
  • Đừng buộc tã của em bé quá chặt.

Trào ngược thường cải thiện hơn khi em bé lớn lên, nhất là khi trẻ biết ngồi vững chắc và thực hiện chế độ ăn dặm tự chỉ huy. Tuy vậy, cha mẹ đừng ngần ngại đến gặp bác sĩ nhi khoa nếu thấy các triệu chứng sau.

  • Nôn mửa đặc biệt nếu có màu xanh lá cây hoặc hơi đỏ
  • Biếng ăn hay quấy khóc khi cho ăn
  • Giảm cân hoặc không tăng cân
  • Âm thanh lạch cạch ở ngực và lưng của em bé
  • Khó thở khi cho trẻ ăn
  • Biểu hiện nghẹt thở hay nuốt nghẹn khi trẻ cố nuốt thức ăn
Rối loạn tiêu hóa khi ăn dặm
Nếu bé bị trào ngược dạ dày khi ăn dặm, bạn nên giảm khẩu phần ăn của bé

2. Làm sao khi bé bị nôn ói?

Nôn được định nghĩa là sự tống xuất với cường độ mạnh các chất chứa trong dạ dày ra ngoài qua miệng hoặc mũi. Ở tuổi tập ăn dặm, nôn ói có thể trở thành một chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em đáng ám ảnh cho các bà mẹ nếu như cho con ăn quá nhanh, ăn quá no hay nuốt phải không khí trong khi ăn. Lúc này, nôn ói vài lần có thể được chấp nhận là dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ. Tuy nhiên, nôn ói liên tục khi chuyển sang chế độ ăn dặm thì có thể là triệu chứng của bệnh lý. Lúc này, cha mẹ cần sớm liên hệ với bác sĩ nhi khoa để chẩn đoán nguyên nhân.

Thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau đây có thể giúp trẻ tránh được nôn ói khi ăn dặm, đôi khi có thể trở thành điều hạn chế khiến trẻ sợ hãi, không hợp tác khi tập ăn thức ăn đặc:

  • Luôn cho trẻ ăn khi ngồi vào ghế ngồi ăn
  • Tiếp tục giữ trẻ thẳng đứng sau khi ăn
  • Cho trẻ bú đủ sữa mẹ hoặc sữa công thức bù lại để ngăn ngừa mất nước và chất dinh dưỡng.
  • Giữ cho trẻ thoáng mát và thoải mái để chất lỏng dư thừa không bị mất do mồ hôi.

Vì nôn mửa lượng nhiều hay liên tục có thể gây mất nước, rối loạn điện giải ở trẻ nhỏ, về lâu dài khiến trẻ suy dinh dưỡng, vì thế cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ ngay lập tức khi có chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em xảy ra những trường hợp sau:

  • Nôn ói rất thường xuyên
  • Nôn ra mật xanh
  • Nôn ra máu
  • Nôn ói sau đó là trẻ lừ đừ, li bì, kém linh hoạt
  • Có dấu hiệu đau đớn và cáu gắt sau khi nôn

3. Làm sao khi bé bị tiêu chảy?

Khi trẻ đến tuổi ăn dặm, tần suất đi ngoài giảm xuống và phân sẽ đặc hơn so với lúc bú sữa hoàn toàn. Theo đó, tiêu chảy cũng là một chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em khi ăn dặm. Lúc này, tình trạng đi ngoài ra phân lỏng hoặc nước xảy ra từ ba lần trở lên trong 24 giờ và nếu trẻ tiêu chảy nặng có thể làm mất các chất điện giải và nước cần thiết trong cơ thể.

Cha mẹ cần thực hiện các biện pháp sau đây khi bé bị tiêu chảy:

  • Tạm ngưng tập trẻ ăn dặm trong vài ngày đến khi trẻ đi tiêu ổn định
  • Tiếp tục cho con bú, thậm chí tăng cữ bú và lượng sữa mỗi cữ
  • Bù dung dịch điện giải theo chỉ định của bác sĩ khi trẻ mất nước quá nhiều
  • Không tự ý cho con uống bất kỳ loại thuốc cầm tiêu chảy không kê đơn nào.

Nếu trẻ đã biết ăn dặm, hãy cho trẻ ăn thức ăn nhạt và dễ tiêu hóa như chuối, bánh quy giòn, bánh mì nướng và ngũ cốc. Không nên cho trẻ ăn thức ăn khó tiêu hóa như thức ăn chiên rán, nước táo, sữa, nước ép thức ăn cô đặc, thức ăn nhiều đường, mỡ.

Tiêu phân lỏng thường xuyên có thể gây hăm tã. Vì vậy, thay tã cho em bé thường xuyên, lau sạch mông bằng nước sạch thay vì khăn lau, kéo dài thời gian không mặc tã càng nhiều càng tốt và thoa kem chống hăm loại tốt.

Tiêu chảy khiến trẻ sơ sinh bị mất nước. Do đó, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu mất nước nào chẳng hạn như khô miệng, trẻ khóc không có nước mắt, không có nước tiểu và sốt hoặc nếu phân có lẫn chất nhầy hoặc vệt máu.

Rối loạn tiêu hóa khi ăn dặm
Nếu trẻ bị mất nước do tiêu chảy, bạn nên cho bé uống dung dịch điện giải để bù nước

4. Làm sao khi bé bị táo bón?

Ngược lại với tiêu chảy, trẻ táo bón khi ăn dặm thường gặp hơn. Táo bón xảy ra khi trẻ đi tiêu phân cứng hoặc khó đi ngoài, gây khó chịu cho trẻ. Tuy táo bón có thể thường xuyên gặp phải trong thời kỳ thơ ấu, nhưng nếu cha mẹ tuân thủ một số biện pháp phòng ngừa như sau có thể giúp trẻ đi tiêu khỏe mạnh:

  • Nếu trẻ còn bú sữa mẹ thì nên cho trẻ bú mẹ đều đặn.
  • Luôn chú ý bổ sung nước khi trẻ đã chuyển sang thức ăn đặc
  • Đối với trẻ từ sáu tháng tuổi, có thể cho trẻ bú thêm nước trái cây làm từ trái cây tươi như nho, lê, táo, anh đào hoặc mận khô khoảng 50 đến 100ml mỗi ngày thành từng ngụm nhỏ trong ngày.
  • Chế độ ăn dặm của trẻ cần có các loại thức ăn giàu chất xơ như đậu Hà Lan, mơ, lê, rau bina, đậu, mận khô, đào và mận, hai lần một ngày.
  • Tuyệt đối không cho bất kỳ loại thuốc nhuận tràng nào mà không có ý kiến của bác sĩ.

Đặc biệt trong một vài trường hợp sau, cha mẹ nên cho trẻ tới gặp bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời.

  • Khi trẻ không đi ngoài trong hơn ba ngày liên tiếp và có kèm nôn ói hoặc quấy khóc liên tục, đau bụng
  • Có máu trong phân
  • Đau, quấy khóc khi đi ngồi cầu
  • Đi ngoài phân sống

5. Làm sao khi bé bị đau bụng?

Đường ruột của bé khi chuyển đổi chức năng từ tiêu thụ thức ăn lỏng hoàn toàn sang thức ăn đặc là một sự thử thách. Theo đó, đau bụng cũng là một biểu hiện rối loạn tiêu hóa khi ăn dặm lành tính, trong đó trẻ hay có những cơn khóc không thể dỗ được trong hơn ba giờ mỗi ngày, hơn ba ngày mỗi tuần và kéo dài trong hơn ba tuần.Các bước sau đây có thể giúp kiểm soát các triệu chứng đau bụng của trẻ khi ăn dặm:

  • Nếu trẻ mới bắt đầu ăn dặm, tránh cho trẻ ăn những thức ăn thường dễ gây đau bụng như thức ăn còn sống, vệ sinh kém, bị ôi thiu...
  • Các bà mẹ còn cho con bú nên tránh dùng thuốc mà không có sự tư vấn của bác sĩ vì thuốc cũng có thể gây ra đau bụng cho trẻ bú mẹ.
  • Khi trẻ trông như không dung nạp một loại sữa công thức cụ thể, hãy tham vấn bác sĩ và mạnh dạn thay đổi một nhãn hiệu khác.
  • Tránh cho trẻ ăn quá no hay cho trẻ ăn quá nhanh.

Nếu em bé khóc lóc vô cớ, hãy cố gắng dỗ dành em bé bằng cách bồng ẵm, chơi bập bênh, nghe nhạc hay mọi cách nhằm đánh lạc hướng trẻ.Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám nếu không thể kiểm soát cơn đau bụng hoặc nếu trẻ khóc dữ dội hơn. Ngoài ra, cần đi khám ngay bé đau bụng kèm với các triệu chứng khác như sốt, nôn ói, tiêu chảy, phân có máu và kém ăn.

Rối loạn tiêu hóa khi ăn dặm
Bạn cần chế biến thức ăn cho bé mới ăn dặm cẩn thận để bé không bị đau bụng

6. Làm sao khi bé bị đầy hơi?

Hơi trong đường ruột được tạo ra bởi vi khuẩn thường trú trong quá trình chuyển hóa thức ăn và cũng có thể do được trẻ nuốt khi ăn. Trẻ thường nuốt nhiều không khí hơn khi khóc, khi ăn với tư thế nằm và khí thừa sẽ bị giữ lại trong dạ dày, do đó gây ra đau bụng. Việc xì hơi (trung tiện) khi trẻ cử động như bò, lăn lộn sẽ giúp trẻ thoải mái hơn.

Với các biện pháp sau đây cha mẹ có thể giúp trẻ tránh xa cơn đầy bụng dễ dàng:

  • Mát-xa bụng nhẹ nhàng cho bé theo vòng tròn từ rốn ra xung quanh và theo chiều kim đồng hồ.
  • Để trẻ có thời gian nằm sấp, bò, chơi đùa khi thức.
  • Tập đạp chân cho trẻ trên giường khi trẻ nằm ngửa.
  • Nếu trẻ bú bình, hãy kiểm tra để biết trẻ không hút không khí thừa trong bình.

Khí trong đường tiêu hóa thường tự đào thoát. Tuy nhiên, nếu bé có vẻ khó chịu và đau đớn, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được can thiệp một số biện pháp để giúp em bé cảm thấy dễ chịu hơn.

7. Các rối loạn tiêu hóa khi ăn dặm thường gặp khác

Viêm ruột kết là khi trẻ tiếp xúc với một loại protein trong chế độ ăn uống gây kích ứng đường ruột. Khi trẻ ăn đạm, các chất nghi ngờ thông thường là sữa bò, sữa công thức, đậu nành và trứng. Các triệu chứng nghi ngờ viêm ruột kết là trẻ quấy khóc, chướng bụng và có máu trong phân. Lúc này, việc cần làm là cha mẹ cần ngưng loại thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng cho con.

Phản ứng dị ứng với thức ăn cũng là một chứng rối loạn tiêu hóa khi ăn dặm. Khi trẻ có biểu hiện phát ban hoặc nổi mề đay sau ăn thì cần nghĩ tới trẻ có phản ứng với một thứ gì đó trong chế độ ăn uống của mình. Tám loại thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất là sữa, trứng, cá, động vật có vỏ, hạt cây, đậu phộng, lúa mì và đậu nành. Chính vì nguy cơ này, không cùng lúc giới thiệu cho con nhiều loại thức ăn mới. Nếu nghi ngờ một loại thức ăn bất kì, cần ngưng cho trẻ ăn sau một khoảng thời gian và chỉ bắt đầu lại với số lượng rất ít khi tình trạng bé hoàn toàn ổn định.

Cha mẹ cần lưu ý để hạn chế các rối loạn tiêu hóa ở trẻ ăn dặm, cha mẹ cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Tóm lại, trẻ chuyển sang ăn dặm là một giai đoạn đầy lo lắng cho cha mẹ. Tuy vậy, các rối loạn tiêu hóa khi ăn dặm thường gặp đa số là lành tính và dễ dàng điều chỉnh nếu cha mẹ có kiến thức và kỹ năng nhất định. Từ đó, những kinh nghiệm này chính là nền tảng xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ khi lớn lên.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan