Trẻ sơ sinh ngủ ít có đáng lo?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác đã có trên 10 năm làm việc trong lĩnh vực Nhi khoa và có thế mạnh trong việc khám, chẩn đoán, điều trị bệnh lý hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, dinh dưỡng trẻ em.

Trẻ sơ sinh cần phải được ngủ ít nhất 16 giờ mỗi ngày, trong giai đoạn đầu đời trẻ sẽ luôn có những giấc ngủ ngắn khoảng 2-3 giờ và tỉnh giấc để bú sữa. Nếu trẻ ngủ ít hơn thời gian trung bình chuẩn mỗi ngày có thể nghĩ đến các nguyên nhân do bản thân trẻ đang có vấn đề hoặc do các tác nhân bên ngoài.

1. Tại sao trẻ sơ sinh ngủ ít?

Trẻ sơ sinh ngủ ít có rất nhiều lý do, những nguyên nhân thường gặp khiến trẻ khó ngủ và ngủ không ngon giấc là:

  • Trẻ bị đói: Dạ dày trẻ sơ sinh khá nhỏ nên không thể chứa được nhiều thức ăn, trẻ cần phải thức dậy để nạp thêm năng lượng cho cơ thể. Nếu trẻ không được cho bú đủ thì khả năng cao trẻ sẽ ngủ không sâu và dễ thức giấc
  • Trẻ bị thiếu chất: Trẻ thiếu canxi, kẽm thường sẽ không có một giấc sâu, hay bị giật mình và bứt rứt khó chịu khi ngủ
  • Trẻ bị ướt tã: Tã ướt là nguyên nhân dễ khiến trẻ không thoải mái và dễ thức giấc
  • Trẻ bị môi trường xung quanh tác động: Tiếng ồn và ánh sáng mạnh là những tác nhân làm trẻ khó ngủ. Do đó, khi trẻ ngủ người chăm sóc cần giữ không gian yên tĩnh, thoải mái với ánh sáng phù hợp
  • Trẻ mắc bệnh: Trẻ sơ sinh dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, cúm,... bị bệnh sẽ khiến trẻ mệt mỏi và bú kém, các tác nhân dẫn tới việc khó ngủ không thể tránh khỏi ở trẻ.
Trẻ sơ sinh ngủ ít
Nếu trẻ không được cho bú đủ thì khả năng cao trẻ sẽ ngủ không sâu và dễ thức giấc

2. Trẻ sơ sinh ngủ ít vào ban ngày có đáng lo hay không?

Thực tế trẻ sơ sinh bình thường dành cả ngày lẫn đêm để ngủ và chỉ thức dậy xen kẽ giữa các lần bú. Số giờ ngủ ban ngày và ban đêm thường là xấp xỉ nhau 8-9 tiếng ban ngày và 8 tiếng vào ban đêm. Giấc ngủ của trẻ thường ngắn 2-3 giờ và trẻ thường ngủ lại ngay sau khi bú no. Mỗi trẻ sơ sinh sẽ có thời gian ngủ khác nhau vì vậy để xác định trẻ ngủ nhiều hay ít cần nhìn vào tổng thời gian ngủ của trẻ, nếu trẻ sơ sinh ngủ ít hơn 10 tiếng một ngày thì trẻ đang gặp tình trạng ngủ ít.

3. Mẹ cần làm gì khi trẻ sơ sinh ngủ ít?

Giấc ngủ có vai trò đặc biệt quan trọng với sự phát triển hệ thần kinh và cảm xúc của trẻ sơ sinh. Do đó, đối với trẻ sơ sinh ngủ ít mẹ cần áp dụng một số phương pháp để giúp trẻ ngủ ngon và ít giật mình hơn:

  • Giúp trẻ phân biệt ngày và đêm: Trẻ em khi chào đời chưa thể phân định rõ ngày và đêm dẫn tới sự lộn xộn về giấc ngủ, mẹ có thể giúp trẻ phân định điều này bằng cách mở cửa vào ban ngày để ánh nắng tràn vào nhà cũng như chơi với trẻ nhiều hơn. Ngược lại, về đêm thì mọi thứ sẽ được giữ yên tĩnh với ánh sáng dịu nhẹ và đáp ứng nhu cầu của trẻ nhanh chóng cho trẻ đi vào giấc ngủ
Trẻ sơ sinh ngủ ít
Mở cửa vào ban ngày để ánh nắng tràn vào nhà cũng như chơi với trẻ nhiều hơn và ngược lại vào ban đêm để giúp trẻ phân biệt ngày và đêm

  • Cho trẻ bú no trước khi đi ngủ: Trẻ sơ sinh quấy khóc và ít ngủ thường là do bị đói, mẹ cần chú ý quan sát và canh chừng thời điểm cho trẻ bú để đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ, điều này sẽ giúp trẻ có giấc ngủ dài và sâu hơn
  • Đặt trẻ xuống giường khi trẻ vừa thiu thiu ngủ: Việc làm này giúp tránh tạo thói quen ngủ trên tay mẹ của trẻ, giúp trẻ học cách tự ngủ và không phụ thuộc vào mẹ
  • Chú ý tới không gian ngủ: Trẻ khó ngủ có thể do không gian quá bí bách hoặc quá lạnh hay quá nóng. Cần đặt trẻ vào một không gian thoải mái, nhiệt độ thích hợp và yên tĩnh để trẻ dễ ngủ và có giấc ngủ sâu hơn
  • Thay tã cho trẻ thường xuyên: Tã ướt cũng là một nguyên nhân thường gặp khiến trẻ khó chịu dẫn tới thức giấc. Kiểm soát được điều này cũng chính là tạo ra môi trường dễ chịu cho trẻ ngủ sâu hơn
  • Sử dụng âm nhạc: Cách làm này không chỉ giúp trẻ ngủ ngon và sâu hơn mà còn kích thích tư duy cho trẻ, cần mở nhạc ở âm lượng vừa phải
  • Chú ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ: Trẻ sơ sinh bị thiếu canxi rất dễ quấy khóc vào ban đêm, cần bổ sung sữa cũng như tắm nắng cho trẻ đều đặn để tăng cường canxi cho trẻ.

Trẻ cần cung cấp đủ lượng kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

309.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan