Tuổi dậy thì có nên dùng thuốc trị mụn không?

Mụn trứng cá ở tuổi dậy thì là tình trạng thường gặp ở cả nam và nữ. Việc thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt và chăm sóc da có tác dụng đáng kể trong điều trị mụn nhẹ. Vậy với trường hợp nổi mụn nặng thì các bạn nam nữ đang ở tuổi dậy thì có nên dùng thuốc trị mụn không?

1. Dấu hiệu nhận biết mụn trứng cá ở tuổi dậy thì

Mụn trứng cá có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng tuổi dậy thì (8 - 19 tuổi) là giai đoạn thường gặp nhất. Nguyên nhân hầu như ai ở tuổi dậy thì cũng bị mụn trứng cá thường là do:

  • Gia tăng hormone androgen (1 loại hormone sinh dục), gây kích thích hoạt động của các tuyến dầu nhờn trên da. Điều này khiến da sản sinh bã nhờn quá mức, thừa dầu. Lâu ngày lỗ chân lông bị bít tắc, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây mụn phát triển;
  • Vệ sinh da mặt kém: Khí hậu nóng ẩm của nước ta kết hợp với hoạt động mạnh khiến trẻ đổ mồ hôi nhiều. Nếu không chú ý giữ gìn vệ sinh da mặt hoặc chọn sản phẩm làm sạch không phù hợp thì trẻ dậy thì dễ bị mụn trứng cá;
  • Nguyên nhân khác: Tâm trạng căng thẳng, nhuộm tóc, uống ít nước, hay thức khuya, ăn nhiều đồ dầu mỡ,... đều có thể làm tăng nguy cơ nổi mụn ở tuổi dậy thì.

Với những mức độ khác nhau, tình trạng mụn trứng cá ở tuổi dậy thì cũng có nhiều triệu chứng khác nhau. Dấu hiệu điển hình là bít tắc lỗ chân lông và xuất hiện mụn tập trung nhiều ở những vùng da có các tuyến dầu nhờn (mặt, lưng, ngực, vai, cánh tay trên). Trẻ có thể mọc mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn mủ, mụn nhọt, u nang (chứa mủ hoặc dịch),...

2. Nam nữ tuổi dậy thì có nên dùng thuốc trị mụn không?

Ở tuổi dậy thì, do rối loạn hormone nên trẻ dễ bị nổi mụn trứng cá. Tuy nhiên, các loại thuốc trị mụn tuổi dậy thì có thể gây ảnh hưởng tới quá trình phát triển sinh lý tự nhiên của trẻ. Do đó, các bạn nam, nữ tuổi dậy thì nên thay đổi lối sống, tập luyện thể thao đều đặn, tránh căng thẳng, tránh thức khuya, ăn nhiều đồ mát,... Bên cạnh đó, trẻ nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể để da được khỏe mạnh. Trẻ cũng nên rửa mặt đúng cách, không lạm dụng sữa rửa mặt để tránh làm da bị khô, mất đi lớp bảo vệ.

Trẻ nên hạn chế tối đa việc nặn mụn hoặc kích thích lên vùng da nổi mụn. Vì mụn trứng cá ở tuổi dậy thì tuy nhiều và mất thẩm mỹ nhất thời nhưng có thể biến mất hoàn toàn nếu biết cách chăm sóc da. Ngược lại, nếu mụn bội nhiễm, gây sẹo hoặc thâm da do thao tác chăm sóc da sai lầm thì sẽ rất khó để loại bỏ hoàn toàn.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp mụn trứng cá không thể tự kiểm soát tại nhà mà phải có sự giúp đỡ từ bác sĩ để nhanh chóng điều trị dứt điểm mụn, hạn chế nguy cơ viêm nhiễm. Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ khi:

  • Tình trạng mụn nặng, số lượng mụn viêm, mụn bọc, mụn mủ nhiều, thời gian bị mụn kéo dài và khó điều trị dứt điểm;
  • Không hiệu quả khi áp dụng các phương pháp trị mụn không kê đơn sau vài tháng;
  • Xuất hiện mụn do tác dụng phụ của thuốc trị trầm cảm, lo âu,...;
  • Mụn trứng cá để lại nhiều sẹo mụn;
  • Tâm lý bị ảnh hưởng mạnh vì mụn trứng cá khiến trẻ tự ti hoặc lo âu quá mức.

3. Dậy thì bị mụn dùng thuốc gì?

Ngoài câu hỏi tuổi dậy thì có nên dùng thuốc trị mụn không thì nhiều người cũng băn khoăn trước vấn đề nếu phải sử dụng thuốc thì nên chọn loại thuốc nào. Thông thường, với các tình trạng mụn nhẹ thì chỉ cần dùng thuốc bôi ngoài da kết hợp với lấy nhân mụn chuẩn y khoa thường xuyên là được. Tuy nhiên, với tình trạng mụn trung bình hoặc nặng thì có thể trẻ cần sử dụng thuốc uống kết hợp nhằm điều trị mụn dứt điểm. Các thuốc này giúp kháng khuẩn, tiêu diệt ổ viêm và kiểm soát dầu nhờn trên da.

Tuy nhiên, việc sử dụng loại thuốc nào với liều lượng ra sao cần có sự tư vấn của bác sĩ. Bởi dậy thì là lứa tuổi cơ thể trẻ đang phát triển dần hoàn thiện nên việc sử dụng thuốc trị mụn bừa bãi có thể ảnh hưởng tới làn da và sức khỏe của trẻ.

Các loại thuốc bôi ngoài da thường được chỉ định trị mụn cho tuổi dậy thì là:

  • Acid Salicylic: Có khả năng ngăn ngừa tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông, giúp nang lông thông thoáng hơn và kiểm soát những tác nhân gây mụn như da chết/bã nhờn;
  • Benzoyl Peroxide: Có công dụng diệt khuẩn và làm bong lớp sừng, thường được sử dụng trong điều trị mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn bọc, mụn viêm,...;
  • Acid Azelaic: Giúp làm sạch lỗ chân lông, gom cồi mụn và hạn chế nguy cơ tái phát mụn. Tuy nhiên thành phần này chỉ có tác dụng tốt trong những trường hợp mụn trứng cá dậy thì mức độ từ nhẹ tới trung bình;
  • Retinol: Là một chất dẫn xuất từ vitamin A, có công dụng trị mụn trứng cá ở tuổi dậy thì nhờ khả năng làm giảm dầu thừa, giúp nang lông thông thoáng, kiểm soát và giảm mụn. Ngoài ra hoạt chất này còn có tác dụng chống lão hóa, giúp da sáng và đều màu, giữ ẩm cho da. Khi sử dụng Retinol, cần chú ý chống nắng cho da vì các yếu tố liên quan tới vitamin A sẽ khiến da dễ bị tổn thương bởi tia UV;
  • Clindamycin: Là 1 loại thuốc kháng sinh có công dụng ức chế hoạt động của vi khuẩn, làm giảm tổn thương da do viêm. Trong việc điều trị mụn trứng cá mức độ trung bình tới nặng ở tuổi dậy thì, Clindamycin có thể sử dụng ở cả dạng bôi và dạng uống.

Tình trạng mụn trứng cá ở tuổi dậy thì không chỉ là vấn đề da liễu mà còn có thể gây nhiều ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ nếu không theo dõi, điều trị kịp thời. Trong trường hợp trẻ mọc mụn nhiều, đặc biệt là mụn nang, mụn bọc kết hợp với tình trạng da tổn thương nghiêm trọng như đau nhức, sưng đỏ, có dịch mủ,... thì cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Khi đi khám, bác sĩ sẽ giải đáp cho các bậc phụ huynh về vấn đề tuổi dậy thì có nên dùng thuốc trị mụn không. Với trường hợp nặng, việc điều trị chuyên sâu da liễu là cần thiết. Tuyệt đối không nên cho trẻ áp dụng các phương pháp trị mụn truyền miệng vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan