Vì sao sốc mất nước do tiêu chảy cấp lại nguy hiểm?

Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Ngọc Chương - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Tiêu chảy ở trẻ em và người lớn đều rất nguy hiểm vì tiến triển nhanh, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc mất nước. Nếu không kịp thời can thiệp điều trị, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao.

1. Tìm hiểu về bệnh tiêu chảy cấp

1.1 Tiêu chảy cấp là gì?

Tiêu chảy là tình trạng đột ngột tăng lượng dịch trong phân, biểu hiện bằng hiện tượng đi tiêu phân lỏng, trên 2 lần trong vòng 24 giờ. Tiêu chảy cấp là tình trạng bị tiêu chảy với biểu hiện trên trong thời gian không quá 2 tuần.

Còn tiêu chảy kéo dài là đợt tiêu chảy khởi đầu cấp tính nhưng kéo dài 14 ngày hoặc hơn.

1.2 Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp

Tình trạng đi tiêu lỏng có thể đến từ nhiều rối loạn như:

  • Nhiễm trùng đường ruột do các tác nhân gây bệnh gồm: Virus (rotavirus, calcivirus, astrovirus,...), vi khuẩn (Salmonella, Escherichia Coli,...), ký sinh trùng (Giardia Lamblia, Cryptosporidium,...);
  • Nhiễm trùng ngoài ruột: Nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng huyết;
  • Dị ứng thức ăn: Protein đậu nành, protein sữa bò hoặc các loại thức ăn khác;
  • Do thuốc: Sử dụng kháng sinh và một số loại thuốc khác;
  • Nguyên nhân khác: Bệnh lý ngoại khoa (viêm ruột thừa cấp, lồng ruột), viêm ruột do hóa trị hoặc xạ trị, thiếu vitamin, uống kim loại nặng,...
Bé bị tiêu chảy cấp do virus phải điều trị, chăm sóc thế nào?
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tiêu chảy cấp ở trẻ

1.3 Triệu chứng tiêu chảy cấp

  • Tiêu chảy với thời gian kéo dài, trên 3 lần đi tiêu/ngày, phân có nhớt, có thể có lẫn máu, đau bụng từng cơn, hay nôn ói;
  • Tỉnh hoặc lừ đừ, mê man, sốt, mệt mỏi, co giật, tiểu ít hoặc không tiểu.

Có thể chẩn đoán bệnh thông qua triệu chứng lâm sàng, các loại thuốc đã sử dụng, yếu tố nguy cơ về dinh dưỡng, vệ sinh, vùng dịch,...

Triệu chứng tiêu chảy mất nước:

  • Mất nước nặng (9 - 15%): Bệnh nhân có 2 trong số các dấu hiệu sau:
    • Li bì hoặc hôn mê;
    • Mắt sâu trũng;
    • Không uống được hoặc uống được rất ít nước;
    • Nếp véo da mắt rất chậm: trên 2 giây;
  • Mát nước (6 - 10%): Có 2 trong số các dấu hiệu sau:
    • Kích thích, vật vã;
    • Mắt trùn;
    • Khát nước và uống háo hức;
    • Nếp véo da mắt chậm: dưới 2 giây;
  • Không mất nước (3 - 5%): Không có đủ các dấu hiệu được phân loại trong trường hợp mất nước hoặc mất nước nặng.

Ngoài ra, người bệnh cần chú ý tới các dấu hiệu đánh giá tình trạng tiêu chảy mất nước khác như:

  • Niêm mạc môi/miệng: Có bị khô, nứt nẻ không;
  • Nước mắt: Số lượng ít, bình thường hay không có nước mắt;
  • Thóp: Phẳng hay trũng.
Tiêu chảy cấp mất nước nhược trương khiến trẻ li bì
Tiêu chảy cấp có thể chẩn đoán thông qua triệu chứng lâm sàng

2. Sự nguy hiểm của sốc mất nước do tiêu chảy cấp

Tiêu chảy cấp gây ra tình trạng trẻ có tốc độ đào thải phân cao nên dễ dẫn đến tình trạng sốc mất nước, rối loạn điện giải, rối loạn thăng bằng kiềm toan, suy thận cấp, hạ đường huyết, suy hô hấp, trụy mạch, co giật, hôn mê,... Nếu không điều trị kịp thời, các biến chứng này có thể đe dọa tới tính mạng của trẻ.

3. Phương pháp điều trị và phòng ngừa tiêu chảy cấp

3.1 Điều trị tiêu chảy cấp

  • Bù nước và điện giải: Với bệnh nhi uống được thì cho uống dung dịch oresol, những trẻ dưới 2 tuổi uống 50 - 100ml sau mỗi lần đi tiêu, trẻ từ 2 tuổi trở lên cho uống 100 - 200ml sau mỗi lần đi tiêu;
  • Cho trẻ uống nước đun sôi để nguội, nước dừa tươi, nước hoa quả hoặc cháo, súp. Với trẻ đang bú mẹ thì tiếp tục cho bú bình thường;
  • Trường hợp bệnh nhân mất nước, nôn ói không uống được hoặc bị tiêu chảy đi kèm tình trạng sốt cao, phân xanh, có đàm hoặc lẫn máu thì cần đưa người bệnh nhập viện ngay để được khám, chẩn đoán và điều trị, tránh tình trạng mất nước nặng đe dọa tính mạng.
Bé 3 tuần tuổi uống bao nhiêu ml sữa là đủ?
Bù đủ nước và điện giải cho trẻ để phòng ngừa tình trạng sốc mất nước

3.2 Phòng ngừa tiêu chảy cấp

  • Nên nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ bú sữa mẹ ngay sau khi sinh để trẻ được bú sữa non có nhiều kháng thể;
  • Duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh nguy cơ suy dinh dưỡng;
  • Tiêm vắc-xin phòng ngừa tiêu chảy do Rotavirus - loại virus hay gặp, dễ gây mất nước nặng ở trẻ em. Vắc-xin Rotavirus được tiêm cho trẻ 2 - 6 tháng tuổi, uống 2 lần cách nhau tối thiểu 1 tháng;
  • Chọn thực phẩm sạch, đảm bảo ăn chín, uống sôi;
  • Vệ sinh thân thể sạch sẽ, rửa tay kỹ bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Sốc mất nước do tiêu chảy cấp là tình trạng nguy hiểm có thể đe dọa tới tính mạng của người bệnh. Do đó, chẩn đoán, phát hiện bệnh sớm, kịp thời điều trị tiêu chảy ở trẻ em chính là biện pháp mang tính quyết định đối với việc bảo vệ sức khỏe của trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

18.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan