Vì sao trẻ bổ sung đủ kẽm sẽ ăn ngon miệng?

Kẽm tham gia vào rất nhiều thành phần, đặc biệt là trong các enzyme có trong cơ thể, giúp tăng tổng hợp protein, thúc đẩy sự tăng trưởng, tăng cảm giác ngon miệng. Do đó, trẻ bổ sung kẽm đầy đủ có xu hướng ăn ngon miệng và phát triển tốt hơn so với những trẻ thiếu kẽm.

1. Vai trò của kẽm với hệ tiêu hóa

Mẹ có biết, thiếu kẽm là một trong những nguyên nhân chính gây nên biếng ăn ở trẻ nhỏ. Vì vậy, cần bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn là một cách hữu hiệu để phòng ngừa và cải thiện được tình trạng biếng ăn, giúp bé ăn ngon hấp thu tốt.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ thiếu kẽm sẽ dễ bị mắc các bệnh lý nguy hiểm như biếng ăn, suy dinh dưỡng, chậm dậy thì, vận động kém, rối loạn tiêu hóa... Trẻ thiếu kẽm thường sẽ có các biểu hiện như ăn ít, chán ăn, hay nôn trớ, ngủ không ngon, hay quấy khóc về đêm, chậm lớn..

Kẽm tham gia vào rất nhiều thành phần, đặc biệt là trong các enzyme có trong cơ thể, giúp tăng tổng hợp protein, phân chia tế bài, thúc đẩy sự tăng trưởng, tăng cảm giác ngon miệng nên sẽ rất quan trọng đối với trẻ nhỏ. Kẽm là nguyên tố có khả năng kích thích hoạt động của khoảng 100 enzyme trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong những phản ứng sinh hóa của cơ thể con người. Kẽm cũng có khả năng giúp phát triển và duy trì hoạt động của hệ thống miễn dịch, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các yếu tố nguy cơ từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, kẽm cũng giúp bảo vệ khứu giác và vị giác của chúng ta. Do đó, nếu thiếu kẽm thì sự chuyển hóa các tế bào vị giác bị ảnh hưởng, gây rối loạn vị giác hay rối loạn mùi vị dẫn đến trẻ chán ăn, biếng ăn.

trẻ bổ sung kẽm
Trẻ bổ sung kẽm đầy đủ sẽ cải thiện được tình trạng biếng ăn

2. Vì sao trẻ bổ sung kẽm đủ và đúng cách sẽ ăn ngon miệng?

Những công trình nghiên cứu thời gian gần đây đã chứng minh kẽm có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của trẻ về nhiều mặt.

Kẽm đóng một vai trò sinh học rất quan trọng đối với sức khỏe của con người, cho dù kẽm chỉ chiếm tỷ lệ khoảng vài phần triệu trọng lượng khô của cơ thể. Sự thiếu hoặc thừa kẽm có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng, đặc biệt là đối với trẻ em.

Trẻ bổ sung kẽm đủ và đúng cách sẽ mang lại một số tác động tích cực cho sự phát triển của trẻ như sau:

  • Kẽm tác động tích cực đến sự tăng trưởng của cơ thể trẻ: Kẽm giúp trẻ ăn ngon ngủ ngon, tăng hấp thu, tăng tổng hợp chất đạm, hỗ trợ quá trình phân bào, bảo vệ vị giác nên đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bé. Việc thiếu kẽm có thể dẫn đến chậm phát triển cả về chiều cao và cân nặng, ảnh hưởng đến sự phát triển của xương. Những nghiên cứu thời gian gần đây còn cho thấy thiếu kẽm sẽ khiến trẻ dậy thì muộn và giảm chức năng sinh dục.
  • Kẽm giúp bé ăn ngon hấp thu tốt: Như đã nói, kẽm có khả năng duy trì và bảo vệ các tế bào vị giác cũng như khứu giác. Thiếu kẽm, sự chuyển hóa các tế bào này bị ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng trẻ biếng ăn, chán ăn do rối loạn vị giác. Biếng ăn kéo dài có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của bé. Trẻ bổ sung kẽm đầy đủ có xu hướng ăn ngon miệng và phát triển tốt hơn so với những trẻ thiếu kẽm.

Kẽm hỗ trợ và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch trong cơ thể: Đây là điều rất cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, giúp các vết thương mau lành. Thiếu kẽm sẽ làm giảm sự phát triển và chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch, bao gồm cả tế bào T, tế bào B và đại thực bào. Thiếu kẽm kéo dài có thể làm tổn thương chức năng hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, từ đó làm giảm mức tăng trưởng cũng như sự phát triển của trẻ, làm tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng, thậm chí tử vong ở trẻ.

trẻ bổ sung kẽm
Trẻ bổ sung kẽm đầy đủ có xu hướng ăn ngon miệng và phát triển tốt hơn

3. Những phương pháp bổ sung kẽm giúp bé ăn ngon hấp thu tốt

Trên thực tế, những loại thức ăn giàu kẽm nhất là tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các loại hạt có dầu (chẳng hạn như hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng...). Với trẻ sơ sinh, nguồn cung cấp kẽm chủ yếu đến từ sữa mẹ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò. Lượng kẽm trong sữa mẹ tháng đầu tiên là khoảng 2-3 mg/l, sau 3 tháng là khoảng 0,9 mg/l. Do đó trong quá trình cho con bú, các mẹ nên chú ý bổ sung các thực phẩm giàu kẽm vào bữa ăn hàng ngày để có thể cung cấp đủ kẽm cho cả mẹ và bé.

Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới (WHO) việc bổ sung lượng kẽm cần thiết cho trẻ tùy thuộc vào từng lứa tuổi của trẻ:

  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi cần bổ sung khoảng 3 mg kẽm mỗi ngày, trẻ từ 5 tháng - 12 tháng tuổi là 5 – 8 mg/ngày, ở trẻ từ 1 tuổi - 10 tuổi cần khoảng 10 – 15 mg/ngày. Đây là lượng kẽm được khuyến nghị để giúp trẻ đạt mức phát triển tối đa về thể chất.
  • Thanh niên và người trưởng thành cũng cần bổ sung một lượng kẽm cần thiết là 15 mg/ngày đối với nam, 12 mg/ngày đối với nữ để cơ thể có thể phát triển một cách khỏe mạnh nhất.
  • Phụ nữ mang thai cần khoảng 15 mg kẽm trong khẩu phần ăn hàng ngày.
  • Đối với trẻ lớn hơn thì các bà mẹ có thể bổ sung kẽm qua thức ăn, ví dụ như: trong 50g thịt thăn heo chứa khoảng 2mg kẽm, 250g sữa chua chứa 1,6mg kẽm, và nửa cái ức gà chứa 1mg kẽm... Ngoài ra, để bé có thể hấp thụ kẽm , người mẹ còn nên bổ sung vitamin C cho trẻ từ chính các loại trái cây tươi giàu lượng vitamin C sẵn có như cam, chanh, quýt, bưởi...

Tóm lại, kẽm là một trong những nguyên tố quan trọng nhất trong quá trình lớn lên và phát triển của cơ thể trẻ. Do đó, bổ sung kẽm đủ và đúng cách là cách giúp trẻ ăn ngon, duy trì nhịp độ phát triển, tăng cường hệ thống miễn dịch và tổng hợp protein....

Ngoài việc bổ sung kẽm, bé cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết như selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan