Vì sao trẻ dưới 6 tháng tuổi không cần uống thêm nước lọc?

Theo các chuyên gia, cho trẻ sơ sinh uống nước lọc có thể khiến cho bé bị no, bú mẹ ít đi, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng còi cọc, chậm tăng cân và dễ mắc bệnh. Bởi uống nhiều nước có thể gây cản trở khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ và sữa bột.

1. Có nên cho trẻ sơ sinh uống nước lọc không?

Chúng ta đều biết rằng nước chính là một trong những thành phần vô cùng quan trọng của cơ thể người. Ở người lớn, khi bị mất nước sẽ dẫn đến rất nhiều hậu quả, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe mỗi người. Vì vậy mà bổ sung nước là việc không thể thiếu hàng ngày của mỗi người. Vậy còn trẻ nhỏ thì sao, mẹ có cho trẻ sơ sinh uống nước lọc được không?

Chúng ta nên biết rằng trẻ sơ sinh không giống như là một người lớn thu nhỏ. Nhu cầu về dinh dưỡng của bé không chỉ đơn giản là gia giảm những nhu cầu của người lớn rồi áp lên cơ thể của con. Vậy mẹ có thể cho trẻ 2 tháng uống nước lọc được không? Theo các chuyên gia khuyến cáo, chỉ nên cho trẻ uống nước khi con từ 6 tháng trở lên.

Khoa học đã chứng minh, trong ít nhất 6 tháng đầu đời, lượng nước được cung cấp từ sữa mẹ hoặc sữa công thức mà bé sử dụng hàng ngày hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu nước cho cơ thể của bé. Mẹ nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, sau đó bắt đầu cho con ăn dặm bổ sung và kết hợp với việc bú mẹ đến ít nhất 12 tháng tuổi.

2. Những nguy cơ có thể gặp khi cho trẻ sơ sinh uống nước lọc:

2.1. Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và sự phát triển của con.

Trong sữa mẹ có khoảng 88% nước, có thể cung cấp đầy đủ lượng chất lỏng mà bé cần. Cho trẻ sơ sinh uống nước lọc sớm có thể cản trở khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ và sữa bột.

Kích thước dạ dày của trẻ sơ sinh còn rất nhỏ, việc mẹ cho con uống thêm nước thì sẽ làm đầy dạ dày, khiến bé no và không chịu bú sữa mẹ nữa. Bé được cho uống một lượng nước dù nhỏ cũng gây đầy bụng và không còn cảm giác thèm sữa như trước. Khi đó, lượng hấp thu sữa của con cũng giảm. Ngoài ra, nếu cho bé uống thêm nước sau khi bú sữa mẹ cũng có thể khiến cho bé bị ọc sữa.

Với trẻ bú sữa công thức, có thể cho uống ngụm nhỏ để tráng lưỡi sau ăn. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia nhi khoa thì lượng nước không nên quá 30ml nước một ngày. Việc mẹ pha loãng sữa công thức để tránh táo bón cho trẻ hay để tiết kiệm sữa sẽ khiến bé nhận được ít chất dinh dưỡng hơn so với nhu cầu cơ thể.

2.2. Trẻ bị nhiễm độc nước, co giật, thậm chí hôn mê.

Theo các bác sĩ Nhi khoa, cho trẻ sơ sinh uống nước lọc nhiều sẽ làm loãng nồng độ natri trong cơ thể. Vì chức năng lọc của thận trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện, khiến cho lượng natri đó sẽ theo nước thoát ra bên ngoài cơ thể bé, từ đó dẫn đến thiếu hụt natri. Việc thiếu natri ở trẻ sơ sinh có thể ảnh hưởng đến hoạt động của não. Do đó, triệu chứng đầu tiên của nhiễm độc nước ở trẻ sẽ là cảm giác khó chịu, buồn ngủ và các dấu hiệu thay đổi tâm thần khác.

2.3. Dễ mắc bệnh

Nước dùng hàng ngày vẫn có thể là mầm gây bệnh cho trẻ nếu nguồn nước không an toàn, sạch sẽ. Dù nước đã được lọc hay đun sôi thì có thể vẫn không loại bỏ được hoàn toàn các mầm bệnh. Thêm vào đó, hệ miễn dịch của trẻ còn quá non nớt, khiến cho nguy cơ bị tiêu chảy do môi trường thiếu vệ sinh ở trẻ sơ sinh sẽ cao hơn người lớn rất nhiều. Mà khi đó, nguồn nước mà bé hấp thu từ sữa mẹ là sạch sẽ và đầy đủ nhất.

Hơn thế nữa, trong sữa mẹ có chứa một lượng lớn kháng thể quý giá giúp trẻ tăng sức đề kháng, chống lại một số bệnh thường gặp trong những tháng đầu đời. Nếu trẻ vì no nước mà uống ít sữa đi thì có thể trẻ sẽ không hấp thu được đầy đủ lượng kháng thể này. Vì vậy cho trẻ sơ sinh uống nước lọc sớm sẽ khiến cho bé có nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cao hơn hai đến ba lần so với những trẻ chỉ bú sữa mẹ.

Bên cạnh đó, thận của trẻ sơ sinh vẫn chưa hoàn thiện chức năng. Việc bổ sung dư lượng nước cần thiết sẽ khiến thận của bé phải làm việc nhiều hơn. Tình trạng này nếu kéo dài thì có thể khiến chức năng thận của bé bị tổn thương quá sớm.

2.4. Ảnh hưởng lên người mẹ

Khi cho trẻ sơ sinh uống nước lọc quá sớm, trẻ bú ít, ngoài việc thiếu dinh dưỡng cho trẻ thì cơ thể mẹ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Động tác bú của trẻ sẽ kích thích hormone Oxytocin trong cơ thể mẹ. Hormon này có tác dụng quan trọng trong việc tiết sữa mẹ. Nếu trẻ không bú hết sữa, sự kích thích không được tạo ra đủ, mẹ sẽ tiết sữa ít đi. Kết quả là bé lại không được bú từ sữa mẹ, dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng. Lúc này nhiều mẹ lại có xu hướng thay sữa m bằng sữa công thức, dẫn đến việc trẻ đã bú ít nay lại càng ít hơn. Khi đó cơ thể sẽ càng tiết ít sữa hơn, thậm chí dẫn đến mất sữa.Về lâu dài, tình trạng này sẽ tạo thành một vòng lặp khó cải thiện, khiến trẻ thiếu dinh dưỡng và mẹ cũng cảm thấy mệt mỏi, áp lực khi cho bú.

3. Cách bổ sung nước cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Để đảm bảo an toàn cho con, mẹ tuyệt đối không nên cho trẻ sơ sinh uống nước lọc. Các mẹ cũng nên tránh cho con dùng sữa bột pha quá loãng hay dung dịch chứa chất điện phân. Tuy nhiên, khi bé bị táo bón hoặc thời tiết quá nóng, mẹ vẫn có thể cho trẻ uống một chút nước, nhưng mỗi lần cũng chỉ nên cho con uống khoảng 28-56 gram (khoảng 30-60ml).

Vậy nếu không nên cho trẻ sơ sinh uống nước lọc thì mẹ có thể bổ sung thêm nước cho con vào khi nào? Khi trẻ vừa mới bắt đầu ăn dặm (khoảng 6 - 8 tháng), hãy bắt đầu với một vài ngụm nước bổ sung giữa bữa ăn. Mẹ cũng không nên thay thế hoàn toàn chế độ dinh dưỡng của con từ sữa mẹ ăn dặm quá sớm. Sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn nên là bữa ăn chính của trẻ đến ít nhất 12 tháng tuổi.

Trẻ sơ sinh nên được cung cấp dinh dưỡng theo đúng nhu cầu và đảm bảo an toàn, vệ sinh. Mẹ không cần phải cho trẻ sơ sinh uống nước lọc quá sớm bởi sữa mẹ hoặc sữa công thức hoàn toàn là thức uống tốt cho trẻ trong ít nhất 12 tháng đầu, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Đây cũng chính là khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO và các chuyên gia dinh dưỡng. Khi trẻ không thể bú mẹ hoặc sữa mẹ không đủ cho nhu cầu của con, hãy liên hệ bác sĩ để được hướng dẫn cách xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp và pha sữa công thức đúng cách, đảm bảo nhu cầu của trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

34.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan