Xoắn tinh hoàn ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú, Bác sĩ Nguyễn Hùng Tiến - Bác sĩ Nội trú Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ đã có hơn 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội nhi - sơ sinh.

Bệnh xoắn tinh hoàn ở trẻ sơ sinh là căn bệnh khá nguy hiểm, bệnh có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Hiện nay, xoắn tinh hoàn đang ngày càng trở thành mối đe dọa lớn đến sức khỏe sinh sản và sự phát triển toàn diện của bé trai. Vì vậy bệnh xoắn tinh hoàn cần được phát hiện và điều trị kịp thời nhằm không để lại di chứng sau này.

1. Nguyên nhân gây xoắn tinh hoàn ở trẻ sơ sinh

Khi mới hình thành trong bào thai, tinh hoàn của bé trai nằm cạnh 2 thận rồi dần dần chui ra khỏi ổ bụng kể từ khi thai nhi được 3 tháng tuổi. Khi trẻ chào đời, mỗi tinh hoàn sẽ dính với bụng bằng một cuống mạch máu dài gọi là thừng tinh. Khi thừng tinh bị xoắn sẽ làm tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn, hay còn được gọi là hiện tượng xoắn tinh hoàn.

Hiện nay, chưa tìm được nguyên nhân chính xác của bệnh xoắn tinh hoàn ở trẻ sơ sinh mà còn tùy vào từng trường hợp cụ thể:

  • Một trong những yếu tố dễ dẫn đến hiện tượng này là do sự chuyển đổi đột ngột nội tiết tố trong cơ thể khi bước vào lứa tuổi dậy thì.
  • Ngoài ra là do tinh hoàn quá di động dẫn đến kết quả là tinh hoàn được treo lủng lẳng trong bìu như quả lắc đồng hồ, dễ bị xoắn hơn.

Dần về sau tinh hoàn sẽ càng được cố định vững chắc hơn. Đây cũng là lí do giải thích tại sao xoắn tinh hoàn thường xảy ra nhiều ở trẻ em và lứa tuổi dậy thì.

Vì vậy, để phòng tránh xoắn tinh hoàn ở trẻ sơ sinh cần kiểm tra tinh hoàn và bìu của bé thường xuyên. Nếu tinh hoàn chỉ có 1 bên thì cha mẹ cần phải đưa đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời.

Xoắn tinh hoàn
Xoắn tinh hoàn là tình trạng thừng tinh bị xoắn sẽ làm tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn

2. Triệu chứng xoắn tinh hoàn ở trẻ sơ sinh

Để nhận biết xoắn tinh hoàn ở trẻ sơ sinh, bố mẹ có thể dựa vào những triệu chứng điển hình như:

  • Nóng sốt cao: Trẻ bị xoắn tinh hoàn thường bị sốt cao (có thể sốt trên 39 độ C), sốt nhiều ngày, sốt về đêm, thậm chí còn kèm theo co giật.
  • Chán ăn, quấy khóc: Do các cơn đau kéo dài liên tục của bệnh khiến trẻ chán ăn, da dẻ xanh xao, cơ thể suy nhược và thường xuyên quấy khóc.
  • Sưng đau tinh hoàn: Trẻ bị sưng đau tinh hoàn bất thường (có thể sưng ở một hoặc cả hai tinh hoàn), nổi u cục và sờ thấy rắn. Nếu bố mẹ vô tình động vào hoặc thay đổi tư tế ngồi sẽ khiến trẻ đau và quấy khóc. Các cơn đau khác nhau ở từng giai đoạn, có thể âm ỉ, dữ dội lan khắp bụng và kéo xuống đùi.

Ngoài ra, bố mẹ có thể thấy vùng da bìu của trẻ đỏ sẫm, sưng đau, nhăn nheo và chảy xệ xuống, sờ vào da thấy nóng ran. Ngoài những lần bất ngờ đau, đau quặn thắt, trẻ thường kèm các biểu hiện buồn nôn, nôn ói, đau kéo lan sang vùng bụng, háng và 2 bên bẹn.

Vị trí tinh hoàn không cố định, có thể ngược cao lên trên theo hướng của thừng tinh. Bên cạnh đó, các mẹ rất dễ nhầm lẫn giữa xoắn tinh hoàn với thoát vị bẹn vì bệnh lý này cũng khiến tinh hoàn sưng to.

Nếu thấy những dấu hiệu này ở bé trai, cha mẹ nên nghĩ đến việc trẻ có thể bị xoắn tinh hoàn và nhanh chóng đưa con đến các cơ sở y tế để được khám và phẫu thuật cấp cứu.

Tháo xoắn tinh hoàn
Xoắn tinh hoàn gây sốt cao, nhất là về đêm ở trẻ

3. Điều trị xoắn tinh hoàn ở trẻ sơ sinh

Hiện nay, cách điều trị xoắn tinh hoàn hiệu quả nhất đó chính là phẫu thuật tháo xoắn tinh hoàn. Đây là phẫu thuật ít xâm lấn, ít phức tạp.

Phẫu thuật tháo xoắn sẽ giúp hồi phục cung cấp máu cho tinh hoàn. Các bác sĩ cũng ngăn ngừa xoắn tinh hoàn tái phát bằng cách cố định tinh hoàn, đồng thời phòng xoắn thừng tinh bên đối diện bằng cách cố định tinh hoàn đó. Riêng trẻ sơ sinh không cần mổ gấp để cố định tinh hoàn còn lại và có thể trì hoãn việc này trong vài tháng.

Quy trình mổ tháo xoắn tinh hoàn:

  • Gây mê nội khí quản hoặc gây tê khe cùng kết hợp mê hít bằng Sevoflurance.
  • Đường mổ: Thường là đường ngang ở nếp lằn bụng – mu cùng bên.
  • Đánh giá thể loại xoắn và thương tổn.
  • Tháo xoắn và cố định tinh hoàn: khi tinh hoàn sau tháo xoắn có màu sắc trở lại bình thường.
  • Cắt: khi tinh hoàn có dấu hiệu hoại tử.
  • Thăm dò bên đối diện: có thể tiến hành và cố định tinh hoàn.

Phát hiện bệnh xoắn tinh hoàn ở trẻ sơ sinh có ý nghĩa rất quan trọng vì điều này giúp mẹ nắm bắt được thời điểm chữa bệnh cho con, và chỉ cần với tiểu phẫu mổ tháo xoắn thì vẫn sẽ giữ nguyên được cấu trúc bình thường của tinh hoàn. Chỉ những trường hợp không phát hiện được các triệu chứng của bệnh xoắn tinh hoàn sớm mới dẫn đến nguy cơ bị hoại tử và phải làm phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan