Cách dùng viên thuốc tránh thai chỉ có progestin

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Sản Phụ Khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Sử dụng thuốc tránh thai giúp làm giảm nguy cơ mang thai ngoài ý muốn. Đặc biệt với những phụ nữ sau sinh, cơ thể chưa phục hồi hoàn toàn không đủ sức khỏe để có thai lại quá sớm thì việc sử dụng các biện pháp tránh thai là rất quan trọng.

Viên thuốc tránh thai chỉ có progestin là một biện pháp tránh thai tạm thời, hiệu quả mà không làm ảnh hưởng tới quá trình tiết sữa của phụ nữ sau khi sinh.

1. Viên thuốc tránh thai chỉ có progestin là gì?

Là loại viên thuốc tránh thai mà trong thành phần chỉ có progestin, mà không có estrogen, vì chỉ có progestin nên tác dụng phụ ít hơn loại kết hợp.

Cơ chế tác động của loại thuốc tránh thai này là ức chế quá trình rụng trứng, làm teo niêm mạc tử cung không thuận lợi cho việc thụ thai, ngoài ra loại thuốc này còn làm cho chất nhầy giữa tử cung và âm đạo nhiều, đặc hơn làm cản trở sự di chuyển của tinh trùng, từ đó làm giảm khả mang thai.

Thuốc tránh thai chỉ có progestin có ít tác dụng phụ hơn các loại thuốc phối hợp
Thuốc tránh thai chỉ có progestin có ít tác dụng phụ hơn các loại thuốc phối hợp

Chỉ định dùng thuốc tránh thai chỉ có progestin cho hầu hết mọi phụ nữ bao gồm:

  • Phụ nữ có chống chỉ định dùng thuốc tránh thai có estrogen
  • Đặc biệt còn được chỉ định phụ nữ đang cho con bú không làm ảnh hưởng tới sự tiết sữa.

Chống chỉ định tuyệt đối:

  • Phụ nữ có thai
  • Đang mắc bệnh ung thư vú.

Một số chống chỉ tương đối bào gồm:

  • Người đang bị tắc tĩnh mạch sâu
  • Xơ gan, suy giảm chức năng gan nặng, u gan
  • Ung thư vú đã điều trị, sau 5 năm không tái phát
  • Bị bệnh lupus ban đỏ hệ thống hoặc đang trong tình trạng giảm tiểu cầu nghiêm trọng.

2. Cách dùng viên thuốc tránh thai chỉ có progestin

2.1 Thời điểm bắt đầu sử dụng thuốc tránh thai

  • Nếu sau khi sinh: Dùng ngay khi có sữa.
  • Nếu có kinh nguyệt: Uống thuốc bắt đầu sau ngày thứ 5 của chu kỳ kinh, nhưng cần sử dụng biện pháp tránh thai khác trong vòng 48h tới.
  • Sau sảy thai, nạo phá thai: Sử dụng trong vòng 7 ngày sau đó.
  • Hoặc có thể sử dụng ở bất kỳ thời điểm nào nhưng phải chắc chắn không có thai và phải sử dụng biện pháp tránh thai khác trong 48h tiếp theo.

2.2 Cách uống thuốc

Cũng giống như các loại viên tránh thai khác, loại thuốc này cũng cần được sử dụng đúng giờ, đều đặn mới đem lại hiệu quả cao.

  • Uống mỗi ngày 01 viên, vào một giờ cố định, theo chiều mũi tên trên vỉ thuốc. Nếu uống thuốc muộn 3 giờ so với những ngày trước thì sau khi uống sần sử dụng biện pháp tránh thai khác trong vòng 2 ngày tiếp theo, các ngày tiếp theo uống 01 viên như thường lệ.
  • Dùng vỉ thuốc kế tiếp ngay sau khi hết vỉ trước, không ngừng giữa hai vỉ.

3. Cách xử lý những vấn đề khi sử dụng thuốc tránh thai

3.1 Quên uống thuốc

  • Uống một viên ngay khi nhớ và tiếp tục uống mỗi ngày một viên nhưng các ngày bình thường.
  • Sử dụng thêm biện pháp tránh thai hỗ trợ khác trong 2 ngày tiếp theo, nếu có nguy có cao có thai cần dùng viên tránh thai khẩn cấp.

3.2 Nôn sau khi uống thuốc

  • Nếu sau 2h uống thuốc thì uống lại một viên khác.
  • Nếu nôn xảy ra trong 24h thì tiếp tục uống thuốc đúng lịch.
  • Nếu nôn 2 ngày liên tiếp trở lên, uống lại thuốc và thực hiện giống với trường hợp quên thuốc.

3.3 Rối loạn kinh nguyệt

Khi sử dụng thuốc tránh thai chỉ có progestin có thể xảy ra một số vấn đề liên quan tới kinh nguyệt như: Vô kinh, kinh nguyệt không đều, rong kinh hay lượng máu ra mỗi chu kỳ quá nhiều.

Tình trạng này xảy ra ở nhiều phụ nữ uống thuốc tránh thai, có thể hết sau vài tháng sử dụng thuốc, tuy nhiên nếu kéo dài cần được theo dõi hướng dẫn cách điều trị hoặc nếu không cải thiện có thể sử dụng một loại thuốc tránh thai khác.

Xử lý kịp thời nếu bị nôn sau khi uống thuốc tránh thai
Cần có biện pháp xử lý kịp thời nếu bị nôn sau khi uống thuốc tránh thai

3.4 Một số vấn đề khác

Ngoài những vấn đề hay gặp trên thì bạn còn có thể gặp phải tình trạng:

  • Đau đầu: Nếu liên quan tới sử dụng thuốc tránh thai thì có thể sử dụng các thuốc giảm đau (paracetamol, ibuprofen...) làm giảm đau đầu; Nếu nghiêm trọng cần khám bệnh lý toàn thân; Trường hợp nếu đau nửa đầu kèm mờ mắt nên dừng thuốc và chuyển sang các biện pháp tránh thai không dùng nội tiết.
  • Căng tức ngực: Nếu cho con bú vẫn uống thuốc đều và theo dõi cần kiểm tra xem có bị tắc tia sữa hay không; Nếu không cho con bú thì có thể giảm căng ngực bằng cách chườm ấm hay chườm lạnh.
  • Buồn nôn, chóng mặt: Nên dùng thuốc trong bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ.
  • Nghi ngờ có thai: Không có biện pháp tránh thai tạm thời nào có thể đảm bảo tỷ lệ 100% không mang thai, nên kể cả khi dùng thuốc đúng hướng dẫn nhưng khi nghi ngờ mang thai cần xác định tình trạng mang thai, và dừng thuốc ngay khi chắc chắn có thai.
  • Viên thuốc tránh thai không phòng ngừa các bệnh lây qua đường tình dục, nên chủ động sử dụng thêm bao cao su khi bản thân hoặc bạn tình mắc bệnh lây truyền qua tình dục

Sử dụng viên thuốc tránh thai là biện pháp đơn giản, mang lại hiệu quả cao. Viên thuốc tránh thai chỉ có progestin được chỉ định rộng rãi, ít tác dụng phụ lên tim mạch hơn so với loại kết hợp. Tuy nhiên dùng thuốc tránh thai chỉ có progestin có thể gây ra một số tác dụng phụ nhất là liên quan tới kinh nguyệt, nếu kéo dài bạn cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khắc phục.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan