Chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm HIV

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Quá trình chăm sóc trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những đứa trẻ bình thường khác. Có khá nhiều vấn đề cần được quan tâm và định hướng rõ ràng trong quá trình nuôi dưỡng để giúp hạn chế khả năng lây truyền virus HIV từ mẹ sang con.

1. Chăm sóc trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV như thế nào?

Hiện nay, theo lời khuyên của chuyên gia, khi chăm sóc trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV, nếu như gia đình có điều kiện thì nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa công thức. Mặc dù trên thực tế, sữa mẹ vẫn là nguồn thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh, có chứa nguồn dưỡng chất quý giá, nhưng nếu cho trẻ sơ sinh ăn sữa mẹ bị nhiễm HIV thì khả năng lây nhiễm là rất cao, chiếm khoảng 30%. Chính vì thế, để đảm bảo an toàn và giúp hạn chế khả năng lây nhiễm HIV ở trẻ sơ sinh thì nên sử dụng nguồn sữa thay thế hợp lý.

Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi chỉ cần sử dụng sữa công thức là đủ, tuyệt đối không được kết hợp sữa công thức và sữa mẹ bị nhiễm HIV vì sẽ làm tăng cao hơn nguy cơ lây nhiễm. Ở giai đoạn này, trẻ cũng chưa có nhu cầu sử dụng các thức ăn khác ngoài sữa như cháo, bột hay nước hoa quả. Từ 7, 8 tháng trở đi, có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế để xây dựng chế độ dinh dưỡng với các thức ăn phù hợp với trẻ trong thời điểm này.

Để đảm bảo an toàn khi chăm sóc trẻ sinh ra từ phụ nữ mang thai nhiễm HIV, khi cho trẻ sử dụng sữa thay thế hoàn toàn thì cần áp dụng đúng cách pha sữa, theo dõi sự tăng trưởng của trẻ và thực hiện tiêm chủng đầy đủ, thăm khám sức khỏe định kỳ.... Đứa trẻ cần được theo dõi ngay cả khi rời khỏi nhà hộ sinh.

2. Điều trị thuốc kháng virus ARV cho trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm HIV

Một điều rất quan trọng để giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV ở trẻ sơ sinh chính là điều trị bằng thuốc kháng virus ARV. Những người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV cần lưu ý điều này.

Chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm HIV
Điều trị thuốc kháng virus ARV cho trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm HIV

Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Y tế, việc xét nghiệm để khẳng định đứa trẻ được sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV phải được thực hiện trong phòng xét nghiệm chuẩn quốc gia. Tính đến thời điểm hiện tại tỷ lệ nhiễm HIV ở trẻ sơ sinh bị lây từ mẹ sang chưa nhiều, nhưng điều đáng buồn là có khoảng một nửa những đứa trẻ trong số này sẽ tử vong trong vòng 2 năm đầu đời nếu như không được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV.

Hiện nay, một số địa phương đã thành lập các cơ sở nhận nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV bị bỏ rơi. Điều này giúp cho những đứa trẻ được chăm sóc đúng cách theo đúng phác đồ của Bộ Y tế và có một sức khỏe tốt hơn.

3. Lựa chọn thức ăn thay thế cho trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm HIV

Sử dụng thức ăn thay thế là điều cần thiết khi chăm sóc trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm mầm bệnh từ mẹ sang con. Đối với trẻ dưới 6 tháng thì sữa công thức là thức ăn duy nhất, có thể dùng sữa bò làm thành bột có bổ sung các chất dinh dưỡng gần giống với sữa mẹ (nên sử dụng loại này) hoặc sữa làm đông khô và sữa bột nguyên kem - được chế biến tương tự như sữa tươi, các vi chất dinh dưỡng cũng đạt nhu cầu nhưng không có sự cân đối như sữa mẹ (loại này có thể sử dụng).

Đối với trường hợp gia đình không có điều kiện thì người mẹ bị nhiễm HIV có thể lựa chọn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ nhưng phải đảm bảo cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, mẹ và trẻ không có biểu hiện của nhiễm trùng da hay khoang miệng (nếu có thì phải điều trị khỏi rồi mới cho trẻ bú mẹ). Tuyệt đối không được cho trẻ vừa ăn sữa mẹ vừa ăn sữa công thức. Khi trẻ được 7 tháng trở lên và có khả năng ăn bổ sung thì phải cho trẻ ngừng bú mẹ ngay và chuyển sang ăn dặm bổ sung, kết hợp uống thêm sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh.

Chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm HIV
Cho trẻ ăn dặm khi đủ 7 tháng tuổi trở lên

Ngoài ra, nếu trong gia đình cũng có người sinh em bé cùng thời điểm thì mẹ có thể cho trẻ bú trực, việc làm này vừa giúp giảm khả năng nhiễm HIV ở trẻ sơ sinh vừa giúp trẻ được tận hưởng dòng sữa mẹ ngọt ngào với các chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ. Tuy nhiên, khi áp dụng cách này thì phải đảm bảo người cho bé bú trực hoàn toàn khỏe mạnh.

Quá trình nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cần phải được lên kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ và quan tâm hơn. Trẻ không chỉ cần đáp ứng đủ chất dinh dưỡng mà còn phải được thăm khám sức khỏe định kỳ và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong những tháng đầu đời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan