Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cổ tử cung là gì?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Tô Kim Sang - Bác sĩ Nội Ung bướu - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Trên Thế Giới, ung thư cổ tử cung là ung thư đứng hàng thứ bảy và là ung thư thường gặp thứ tư ở nữ giới. Trong một năm có hơn nửa triệu người mới mắc. Đây là căn bệnh nguy hiểm, chiếm tỉ lệ cao ở các nước đang phát triển, nơi mà người dân chưa được tiêm phòng HPV rộng rãi cũng như tầm soát ung thư cổ tử cung thường quy. Vậy ung thư cổ tử cung là gì? Tại sao bệnh này lại nguy hiểm? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

1. Ung thư cổ tử cung là gì?

Cổ tử cung là một phần của cơ quan sinh dục nữ, tiếp nối giữa âm đạo và thân tử cung.

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính của các tế bào ở vùng cổ tử cung. Bệnh thường xảy ra ở vùng chuyển tiếp giữa tế bào biểu mô gai (biểu mô vảy) ở cổ ngoài và tế bào biểu mô tuyến ở cổ trong. Ung thư là khi các tế bào phát triển, tăng sinh một cách bất thường, vô kiểm soát, xâm lấn sang khu vực xung quanh cũng như di căn tới các bộ phận khác của cơ thể.

Nữ giới mắc ung thư cổ tử cung thường ở độ tuổi sinh hoạt tình dục (30-45 tuổi), người dưới 20 tuổi hiếm khi mắc bệnh, trong khi đó những trường hợp trên 65 tuổi phát hiện bệnh thường do tầm soát không tốt ở độ tuổi trước đó.

2. Nguyên nhân ung thư cổ tử cung

Đa số các trường hợp mắc ung thư cổ tử cung có nguyên nhân từ nhiễm virus gây u nhú ở người (Human Papillomavirus-HPV) phân nhóm nguy cơ cao.

Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cổ tử cung là gì?
Human Papillomavirus (HPV) là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung.

Human Papillomavirus (HPV) là một nhóm gồm hơn 200 virus liên quan, một phần trong số đó lan truyền qua đường sinh dục. Virus HPV được phân loại thành HPV nguy cơ thấp và HPV nguy cơ cao. Có khoảng 16 type HPV nguy cơ cao, trong đó HPV16 và HPV18 đã được xác định là nguyên nhân của hơn 70% trường hợp ung thư cổ tử cung.

Hầu như tất cả mọi người trong độ tuổi sinh hoạt tình dục đều nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp nhiễm HPV là sẽ mắc ung thư cổ tử cung. Khi HPV xâm nhập cơ thể, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ được kích hoạt để chống lại virus và đa số các trường hợp HPV sẽ được loại bỏ. Nhiễm HPV bất kỳ thuộc nhóm nào đều có khả năng tự lui bệnh đến hết hẳn và không để lại di chứng gì. Khoảng hơn 90% HPV bị loại bỏ tự nhiên trong năm đầu sau nhiễm và 70% xảy ra trong năm thứ hai.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cơ thể cũng phòng vệ thành công. Một tỷ lệ nhỏ trường hợp HPV có thể tồn tại dai dẳng ở lớp tế bào đáy cổ tử cung, nhất là khi nhiễm virus thuộc nhóm nguy cơ cao. Chính tình trạng nhiễm HPV kéo dài và viêm mạn tính gây ra các tổn thương tiền ung thư của cổ tử cung (như dị sản xếp theo thứ tự nhẹ, vừa, nặng). Hơn 50% các trường hợp dị sản nhẹ có khả năng tự thoái lui, 10% các trường hợp dị sản vừa có khả năng tiến triển nặng hơn trong 2-4 năm và khoảng 50% dị sản nặng sẽ trở thành ung thư tại chỗ cổ tử cung, tuy nhiên khả năng này ít gặp ở người trẻ tuổi.

Bên cạnh HPV, một số yếu tố nguy cơ khác có thể tăng khả năng mắc bệnh ung thư cổ tử cung bao gồm:

  • Hút thuốc lá: Phụ nữ hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung tăng gấp đôi so với những phụ nữ không hút thuốc. Các chất độc hại có trong thuốc lá đã được chứng minh là nguyên nhân gây nhiều loại ung thư khác nhau, trong đó có ung thư cổ tử cung.
  • Quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục với nhiều người, quan hệ tình dục không an toàn.
  • Sinh đẻ nhiều lần (có trên 5 đứa con).
  • Sinh con khi còn quá trẻ (< 17 tuổi).
  • Vệ sinh vùng sinh dục không đúng cách.
  • Viêm cổ tử cung mãn tính.
  • Suy giảm hệ miễn dịch: Trên cơ thể suy giảm miễn dịch, nguy cơ nhiễm HPV nguy cơ cao tăng lên, dẫn tới tăng khả năng bị ung thư cổ tử cung.
  • Sử dụng thuốc tránh thai đường uống kéo dài trên 5 năm.

3. Các dấu hiệu ung thư ngoài tử cung

Khi gặp một trong các dấu hiệu ung thư cổ tử cung sau, bạn nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt:

Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cổ tử cung là gì?
Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu không biểu hiện triệu chứng, khiến bệnh nhân chủ quan.
  • Xuất huyết âm đạo bất thường (ví dụ như xuất huyết âm đạo trong hoặc sau giao hợp, xuất huyết âm đạo giữa các kì kinh, xuất huyết sau mãn kinh hoặc chu kỳ kinh nguyệt bất thường).
  • Âm đạo tăng tiết dịch bất thường.
  • Đau vùng chậu không liên quan tới kinh nguyệt.
  • Đau khi giao hợp.
  • Thay đổi thói quen đi tiểu.
  • Thiếu máu, sụt cân không rõ nguyên nhân.

Điều đáng lưu ý rằng khi bệnh ở giai đoạn sớm, hầu như không có biểu hiện triệu chứng gì. Điều này khiến mọi người chủ quan, trong khi đây chính là giai đoạn mà các phương pháp điều trị mang lại hiệu quả rất cao, với tỷ lệ thành công lên đến hơn 90% nếu bệnh còn khu trú ở cổ tử cung hay thậm chí có thể đạt tới gần 100% nếu bệnh giai đoạn tiền ung thư. Do vậy, việc chích ngừa nhiễm HPV và việc tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ là hai cách làm hiệu quả nhất để phòng bệnh và phát hiện sớm bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

18.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan