Những mong đợi ở lần siêu âm thai đầu tiên của bạn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Hồng Liên - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Giây phút được nhìn thấy thai nhi trên màn hình máy siêu âm là một trong những khoảnh khắc thú vị nhất của bố và mẹ. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng có rất nhiều câu hỏi về lần siêu âm thai đầu tiên. Vậy, những mong đợi ở lần siêu âm thai đầu tiên của họ là gì?

1. Siêu âm thai nhi

Tương tự những loại siêu âm khác, siêu âm thai nhi cũng dựa trên cơ chế phát và nhận lại sóng phản xạ từ một sóng âm tạo ra bởi đầu dò qua đó hình thành nên hình ảnh của thai nhi. Hình thức siêu âm và tần suất các lần siêu âm phụ thuộc vào những chỉ định của bác sĩ khám thai và mong muốn của các bậc cha mẹ.

Nếu người mẹ gặp phải một số vấn đề trong lần khám thai đầu tiên, chẳng hạn như chảy máu bất thường không rõ nguyên nhân, các bác sĩ có thể chỉ định thực hiện siêu âm ngay lập tức. Trong trường hợp này, kỹ thuật được chỉ định là siêu âm qua đường âm đạo vì kỹ thuật này có thể cung cấp những hình ảnh về thai nhi cũng như những bộ phận sinh sản của bà mẹ rõ ràng hơn so với kỹ thuật siêu âm qua đường bụng . Siêu âm sớm sẽ giúp chẩn đoán chính xác về tình hình của cả mẹ và bé để có hướng chăm sóc, điều trị phù hợp.

Nhiều bà mẹ lần đầu đi khám thai hoặc lần đầu siêu âm thai sẽ cảm thấy ngại và lo lắng, đặc biệt trong trường hợp được yêu cầu siêu âm qua đường âm đạo. Trong trường hợp này, một số cách sau có thể khiến họ cảm thấy tự tin hơn:

  • Tâm sự với bác sĩ và kỹ thuật viên một số điều liên quan đến thai nhi cũng như bản thân trong lần mang thai đầu tiên này và điều mình mong đợi từ kết quả siêu âm
  • Có chồng đi cùng: Luôn là một sự trấn an tinh thần rất lớn đối với người phụ nữ khi có chồng đi cùng không chỉ trong lần khám thai hay siêu âm đầu tiên
  • Yêu cầu kỹ thuật viên nữ thực hiện quy trình siêu âm: Giúp giảm cảm giác ngại ngùng trong khi tiến hành các thủ thuật.
Thủng tạng rỗng được chẩn đoán bằng kỹ thuật siêu âm
Siêu âm thai nhi là kỹ thuật an toàn, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi

Trong trường hợp không có tình trạng bất thường nào xảy ra trong những lần khám thai, mỗi bà mẹ sẽ có 3 mốc thời gian siêu âm thai định kỳ cần lưu ý bao gồm:

  • Siêu âm khi thai được 11 tuần đến 13 tuần và 6 ngày nhằm tầm soát bệnh donw , xác định các dị tật thai, sàng lọc các trường hợp xuất hiện nhiễm sắc thể bất thường, xác định sinh một hay sinh đôi, sinh ba,...
  • Siêu âm khi thai đạt 18 đến 22 tuần tuổi: Quan sát và đánh giá hình thái, cấu trúc của hộp sọ, não, xương, tim thai, hệ thống mạch máu (siêu âm Doppler),...
  • Siêu âm khi thai đạt 30 đến 32 tuần tuổi: Đây là thời kỳ thai nhi gần như đã hoàn thiện về mặt cấu trúc. Mục đích của siêu âm trong giai đoạn này nhằm đánh giá sức khỏe thai nhi ,chức năng các cơ quan, bộ phận của thai như hệ tuần hoàn, hô hấp, tim, mạch máu,...

Siêu âm định kỳ là cách để tính toán chính xác ngày sinh cũng như theo dõi, phát hiện sớm những bất thường về cấu trúc và chức năng các bộ phận của thai nhi. Hiện nay ngoài 3 mốc thời gian siêu âm định kỳ nói trên, nhiều bậc cha mẹ cũng có thể tiến hành thêm nhiều lần siêu âm xen kẽ để tiện trong việc theo dõi quá trình phát triển của bé.

Siêu âm thai nhi
Siêu âm thai nhi định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh

2. Những mong đợi ở lần siêu âm thai đầu tiên

Chu kỳ bình thường của thai nhi diễn ra trong khoảng 40 tuần, tính từ ngày có kinh cuối cùng của chu kỳ kinh nguyệt gần nhất. Nhiều bà mẹ khi biết mình có thai nôn nóng muốn đi khám và siêu âm thai để sớm quan sát được hình hài em bé của mình. Tuy nhiên nếu siêu âm trong 2-5 tuần đầu của chu kỳ sẽ khó thấy được hình dạng của thai nhi hoặc có thấy kích thước cũng vô cùng nhỏ kể cả siêu âm qua thành bụng hay siêu âm qua đường âm đạo, thậm chí trong tuần thứ 2 hợp tử có thể còn chưa tiến vào làm tổ trong tử cung.

Thời điểm lý tưởng nhất để siêu âm thai lần đầu tiên là khi thai đạt từ 6 đến 10 tuần tuổi. Khoảng thời gian này các bà mẹ thường sẽ được chỉ định làm siêu âm qua đường âm đạo do thai nhi còn nhỏ, siêu âm qua thành bụng khó cung cấp được những hình ảnh rõ ràng của bé. Các bà mẹ cũng không nên lo lắng bởi kỹ thuật siêu âm này hoàn toàn an toàn đối với cả mẹ và thai nhi nếu kỹ thuật viên thực hiện đúng, đủ các bước trong quy trình kỹ thuật.

Siêu âm thai nhi
Siêu âm thai đầu tiên nên ở thời điểm thai đạt từ 6 dến 10 tuần tuổi

Siêu âm thai lần đầu tiên cũng là cơ sở để các bác sĩ đánh giá:

  • Xác nhận sự tồn tại của thai, xác định là thai đơn, thai đôi hay thai 3?
  • Dự sinh một cách tương đối về ngày sinh của bé
  • Kiểm tra nhịp tim thai
  • Kiểm tra các cơ quan sinh dục của người mẹ như nhau thai, tử cung, buồng trứng...
  • Chẩn đoán thai ngoài tử cung
  • Sàng lọc những bất thường về cấu trúc các bộ phận của thai như não, xương,... hoặc các dị dạng bẩm sinh có thể mắc phải.

Khám và siêu âm thai là cách các bậc cha mẹ quan sát sự phát triển từng ngày của đứa con trong bụng mình và cung cấp thông tin để các bác sĩ có thể đánh giá cấu trúc, chức năng các bộ phận của thai nhi, sàng lọc và thông báo với cha mẹ những bất thường của bé qua từng giai đoạn thai kỳ. Thời điểm siêu âm thai lần đầu lý tưởng nhất là khi bé được khoảng 6 đến 10 tuần tuổi và kỹ thuật được áp dụng trong thời kỳ này thường là siêu âm qua đường âm đạo hay siêu âm đầu dò âm đạo.

Nguồn: parents.com & baby.center

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

835 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan