Sau chuyển phôi ăn gì để beta cao?

Chỉ số beta hCG là một xét nghiệm máu được thực hiện sau khi chuyển phôi trong thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Trên thực tế, có rất nhiều phương pháp hỗ trợ giúp làm tăng khả năng thụ tinh ống nghiệm sau chuyển phôi, một trong số đó chế độ dinh dưỡng hợp lý. Vậy sau chuyển phôi ăn gì để beta cao?

1. Thông tin chung

Human chorionic gonadotropin (hCG) là hoạt chất nội tiết tố đầu tiên từ nhau thai đi vào máu mẹ. Nó được gọi là hormone thai kỳ vì nó chỉ xuất hiện trong thai kỳ và có thể được phát hiện bằng cách thử thai qua que thử nước tiểu. Beta hCG (hay còn gọi là β-hCG) là một xét nghiệm huyết thanh định lượng để xác định mức độ hormone hCG có trong máu của mẹ. β-HCG huyết thanh tỉ lệ thuận với số lượng và hoạt động của các tế bào nguyên bào nuôi, và nghiên cứu cho thấy mức β-HCG huyết thanh cao có liên quan đến kết quả mang thai và sự thành công của thụ tinh trong ống nghiệm - IVF.

Không có mức Beta hCG hoặc ngưỡng giới hạn xác định một thai kỳ bình thường. Beta hCG sẽ thay đổi tùy thuộc vào loại phôi bạn đã chuyển (phôi tươi hay phôi đông lạnh) và thời điểm thực hiện xét nghiệm. Tuy nhiên, nhìn chung mức beta hCG trên 100 mIU thường được coi là một kết quả tốt và tích cực. Nhưng điều quan trọng hơn là tốc độ tăng của beta hCG theo thời gian, với một phôi thai phát triển bình thường thì nồng độ beta hCG sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 48 giờ. Phần trăm gia tăng nồng độ beta hCG được xác định sau hai ngày kể từ lần xét nghiệm đầu tiên càng cao, thì cơ hội chuyển phôi thành công càng cao.

2. Những chất dinh dưỡng hỗ trợ chuyển phôi thành công

Dưới đây là một số chất dinh dưỡng hỗ trợ cho quá trình chuyển phôi:

2.1. Sắt, Axit folic và vitamin B12

Sắt, Axit folicVitamin B12 hỗ trợ quá trình cấy ghép và sự phát triển của thai nhi. Cơ thể người mẹ cần Sắt và Vitamin B12 để tạo ra các tế bào hồng cầu, trong khi Axit Folic rất cần thiết cho sự phát triển của não và tủy sống sớm nhất của thai nhi, giúp ngăn ngừa những gì được gọi là dị tật ống thần kinh. Axit folic cũng có những vai trò khác như hỗ trợ mạch máu mới hình thành trong tử cung và là chất dinh dưỡng cần thiết để các tế bào phân chia đúng cách - điều mà phôi thai đang làm hàng ngày.

2.2. Vitamin D

Nội mạc tử cung có đầy đủ các thụ thể vitamin D, vì vậy điều quan trọng là phải có đủ vitamin D để hỗ trợ quá trình cấy ghép.

2.3. Vitamin E

Bổ sung vitamin E có thể giúp làm dày lớp nội mạc tử cung, chuẩn bị cho quá trình chuyển phôi. Ngoài ra, vitamin E còn giúp bảo vệ mạch máu và giữ cho chúng khỏe mạnh để máu lưu thông tốt đến tử cung (và cả nhau thai sau này).

2.4. Omega-3 và DHA

Với mỗi lần phân chia tế bào, phôi thai cần rất nhiều Omega-3 để tạo màng tế bào. Trước khi chuyển phôi, Omega-3 có thể giúp cải thiện lưu lượng máu đến tử cung và sau khi chuyển giao, thai nhi sẽ cần DHA cho não và hệ thần kinh khỏe mạnh. Trong một nghiên cứu về IVF, những bà mẹ có nồng độ Omega-3 trong máu cao hơn có khả năng thụ thai thành công cao hơn.

3. Sau chuyển phôi ăn gì để beta cao?

Với giá trị dự đoán của beta hCG về khả năng thành công của quá trình chuyển phôi trong thụ tinh ống nghiệm, nhiều câu hỏi được đặt ra như sau chuyển phôi ăn gì để beta cao hay chuyển phôi xong nên ăn gì để tăng tỉ lệ thành công.

  • Thực phẩm chứa Axit folic: Bà mẹ nên bắt đầu bổ sung Axit folic 400 mcg mỗi ngày, từ ít nhất 3 tháng trước khi thụ thai. Các loại rau lá xanh, các loại đậu như đậu đen, đậu xanh, đậu phộng, đậu lăng...các loại hạt như hạt hạnh nhân, đậu phộng, hướng dương,... gạo, măng tây, trứng và trái cây họ cam quýt như cam, bưởi, đu đủ, dâu tây,... là nguồn thực phẩm giàu Axit folic cho phụ nữ.
  • Thực phẩm chứa Sắt: Sắt cũng là một thành phần không thể thiếu giúp hỗ trợ quá trình chuyển phôi. Các loài động vật thân mềm như ốc, hàu, sò,... hoặc các loại gan động vật như gan ngỗng, gan lợn, gan bò,... các loại ngũ cốc, hạt bí ngô, bột ca cao, chocolate đen, thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu,... là những nguồn giàu chất sắt.
  • Kẽm: Kẽm cần thiết để cân bằng lượng hormone, rất quan trọng đối với quá trình sinh sản đặc biệt là hỗ trợ mang thai thành công bằng thụ tinh ống nghiệm. Nhu cầu kẽm hàng ngày ở phụ nữ mang thai là 15mg mỗi ngày. Thực phẩm giàu kẽm bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, thịt nạc, quả hạch, các sản phẩm từ sữa, thịt và khoai tây. Chế độ ăn có chứa kẽm sau khi chuyển phôi có thể mang lại cho bà mẹ kết quả tốt nhất.
  • Chất béo không bão hòa: Chất béo có vai trò dự trữ năng lượng trong cơ thể bà mẹ, đồng thời giúp tăng cường năng lượng cho mẹ trong quá trình thụ tinh ống nghiệm dài ngày. Các báo cáo khoa học đã chỉ ra rằng các chất béo không bão hòa có thể cải thiện khả năng sinh sản, nâng cao chất lượng tế bào trứng và phôi. Ngược lại, chất béo chuyển hóa ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản thông qua tăng đề kháng insulin. Các nguồn thực phẩm chất béo không bão hòa bao gồm các loại cá như các thu, cá ngừ, cá hồi,... quả óc chó, dầu ô liu, hạt chia, cây họ đậu, dầu hạt cải, dầu ô liu, dầu hạt lanh,... Phụ nữ nên tránh sử dụng bánh ngọt, đồ ăn nhanh và các loại bánh nướng khác,... vì các loại thực phẩm này đều giàu chất béo chuyển hóa ảnh hưởng xấu đến thai kỳ.
  • Thực phẩm giàu Protein: Protein là thành phần cấu tạo của cơ thể, chúng cũng rất cần thiết cho sự tăng trưởng và chức năng sinh sản, trong đó là hỗ trợ quá trình chuyển phôi thành công. Nhu cầu protein hàng ngày của phụ nữ trước mang thai là 1 - 2g cho mỗi kg trọng lượng cơ thể tùy thuộc vào hoạt động thể chất của một cá nhân. Các nguồn thực phẩm có chứa Protein tốt cho thai kỳ bao gồm cá, sữa, đậu phụ, pho mát, các loại hạt, các loại đậu, rau mầm, các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu, thịt dê...thịt trắng như gà, vịt,... và trứng nên ở mức vừa phải.
  • Trái cây và rau quả: Trái cây và rau củ là những thực phẩm có nhiều các chất chống oxy hóa quan trọng giúp giải độc cơ thể. Đây cũng là nguồn giàu vi chất dinh dưỡng khác như sắt, kali, kẽm, magiê và luôn là một phần của chế độ ăn uống hỗ trợ cho quá trình chuyển phôi trong thụ tinh ống nghiệm hàng ngày. Các loại rau như rau bina và bông cải xanh là nguồn cung cấp chất xơ, sắt và chất chống oxy hóa. Bông cải xanh là một nguồn cung cấp protein và vitamin C giúp cải thiện chất lượng phôi. Chuối là nguồn cung cấp vitamin B6 dồi dào giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Dứa rất giàu Mangan có tác dụng điều hòa hormone sinh sản.
  • Uống nhiều nước: Nước là thứ không thể thiếu để duy trì quá trình hydrat hóa của cơ thể. Uống từ 6 đến 8 cốc nước (2 - 3 lít/ ngày) sau khi chuyển phôi có nhiều lợi ích như giúp cho thuốc trước khi thụ tinh ống nghiệm đi vào hệ thống tuần hoàn máu, cân bằng nội tiết tố, tăng cường hệ thống miễn dịch, loại bỏ các tạp chất từ máu, cải thiện lưu lượng máu, làm dày thành tử cung và chuẩn bị cho tử cung làm tổ.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý là một phương pháp đơn giản giúp tăng nồng độ beta hCG, từ đó tăng khả năng thành công của quá trình chuyển phôi trong thụ tinh ống nghiệm. Ngoài ra, những yếu tố khác như chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, tâm lý,... cũng góp phần không nhỏ vào một thai kỳ thành công.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

28.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan