Siêu âm đầu dò có phát hiện thai ngoài tử cung?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lý Thị Thanh Nhã - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Nhã có thế mạnh và kinh nghiệm trong siêu âm tầm soát dị tật thai nhi, siêu âm thai 3D, 4D.

Thai ngoài tử cung là tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa tới tính mạng của thai phụ. Do đó, chẩn đoán, phát hiện sớm tình trạng này đóng vai trò rất quan trọng. Siêu âm đầu dò phát hiện thai ngoài tử cung chính là phương pháp được ứng dụng rộng rãi vì cho kết quả chính xác, nhanh chóng và an toàn, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh.

1. Tổng quan về thai ngoài tử cung và phương pháp siêu âm đầu dò

1.1 Thai ngoài tử cung là gì?

Thai ngoài tử cung là trường hợp trứng đã thụ tinh, làm tổ nhưng nằm ngoài vị trí bình thường (buồng nội mạc tử cung). Thai ngoài tử cung hay gặp nhất là nằm trong ống dẫn trứng (thường được gọi là thai trong ống dẫn trứng). Tuy vậy, thai ngoài tử cung cũng có thể xuất hiện ở những vị trí khác như buồng trứng, cổ tử cung, ổ bụng,... Theo thống kê, có khoảng 1 - 2% trường hợp mang thai ngoài tử cung.

Ở đa số các trường hợp, thai ngoài tử cung không thể phát triển bình thường ở bên ngoài tử cung. Kết quả là phôi hoặc thai nhi bị chết hoặc gây chảy máu trong ở nhiều mức độ khác nhau cho thai phụ.

Triệu chứng khi mang thai ngoài tử cung gồm:

  • Đau bụng;
  • Không có kỳ kinh nguyệt
  • Chảy máu âm đạo hoặc chảy máu từng thời điểm, không liên tục;
  • Triệu chứng khác: Buồn nôn, căng tức khó chịu ở vú;
  • Khi thai ngoài tử cung bị vỡ: Mệt mỏi, chóng mặt do chảy máu trong nghiêm trọng, huyết áp thấp;
  • Sốc: Huyết áp thấp, yếu, mạch nhanh, da tái,...

Những yếu tố làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung gồm: Tuổi tác (nữ giới 35 - 44 tuổi), bệnh sử (người từng bị thai ngoài tử cung), bị hư hại về cấu trúc vòi Fallope do bẩm sinh hoặc từng phẫu thuật phụ khoa trước đó, nhiễm trùng, nhiều bạn tình, mắc các bệnh phụ khoa (viêm nội mạc tử cung, u xơ, mô sẹo tiểu khung), sử dụng dụng cụ đặt trong tử cung, hút thuốc, vô sinh,...

Sảy thai do nội tiết tố
Thai ngoài tử cung thường bị chết hoặc gây chảy máu trong ở nhiều mức độ khác nhau cho thai phụ

1.2 Siêu âm đầu dò là gì?

Siêu âm đầu dò là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh đang được ứng dụng phổ biến với độ chính xác cao. Kỹ thuật thực hiện với đầu dò siêu âm chuyên dụng, cho phép bác sĩ đánh giá, phát hiện các dấu hiệu bất thường ở tử cung, buồng trứng, kiểm tra độ dày niêm mạc tử cung, đánh giá sự rụng trứng, sự phát triển của trứng, tình trạng ứ dịch vòi trứng, viêm dính phần phụ,... Ngoài ra, phương pháp này còn có giá trị trong chẩn đoán thai giai đoạn sớm, khám, hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn,...

Ưu điểm của phương pháp siêu âm đầu dò là giúp các bác sĩ quan sát rõ hơn các cơ quan sinh dục nằm trong cơ thể, dễ dàng phát hiện các bệnh lý ở vùng tiểu khung mà siêu âm đường bụng thường khó thấy. Hạn chế của phương pháp này là khó quan sát được các tầng cao hơn trong ổ bụng.

2. Siêu âm đầu dò có biết thai ngoài tử cung không?

Đối với những phụ nữ đang mang thai, siêu âm đầu dò là rất cần thiết và có tác dụng quan trọng trong việc nhận biết có thai ở giai đoạn đầu (khi phôi thai còn rất nhỏ, không hiển thị hình ảnh nếu chỉ siêu âm thành bụng).

Với nhóm phụ nữ khác, siêu âm đầu dò được chỉ định khi có dấu hiệu mang thai ngoài tử cung. Vậy siêu âm đầu dò có thấy thai ngoài tử cung? Câu trả lời là: Có. Khi siêu âm đầu dò, bác sĩ sẽ xác định vị trí chính xác của túi thai và phôi thai, giúp phát hiện thai ngoài tử cung. Về quy trình kỹ thuật, bác sĩ sẽ đưa một đầu dò nhỏ, dài vào âm đạo, cho phép định vị được vị trí làm tổ của thai, quan sát kĩ tử cung, buồng trứng và vòi tử cung. Đây là chẩn đoán có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phòng ngừa các biến chứng của việc mang thai ngoài tử cung như vỡ ống dẫn trứng, nhiễm trùng ổ bụng,...

Siêu âm đầu dò âm đạo
Siêu âm đầu dò giúp bác sĩ xác định được vị trí chính xác của túi thai và phôi thai ngoài tử cung

Ngoài ra, có thể dựa trên các phương pháp xét nghiệm khác như định lượng beta-hCG và công thức máu để khẳng định chẩn đoán.

3. Hình ảnh trên siêu âm đầu dò phát hiện thai ngoài tử cung

3.1 Dấu hiệu thai trong tử cung

Siêu âm đầu dò âm đạo có khả năng chẩn đoán phân biệt khá chính xác giữa tình trạng có thai trong tử cung bình thường, thai trong tử cung bất thường, thai ngoài tử cung. Siêu âm đầu dò có thể phát hiện túi thai trong tử cung có kích thước 2 - 4mm, tương đương với thai 33 - 34 ngày tuổi (kể từ ngày kinh cuối cùng).

  • Túi thai thật: Nằm không đối xứng trong lòng tử cung, có hình ảnh túi thai kép tạo bởi màng rụng thành và màng rụng bao. Với túi thai có kích thước dưới 5mm thì không có hình ảnh túi thai kép;
  • Túi thai giả: Xuất hiện do hiện tượng ứ máu trong lòng tử cung và phản ứng màng rụng của nội mạc tử cung. Túi thai giả nằm chính giữa lòng tử cung, không có hình ảnh túi thai kép.

Với thai phụ có thai trong tử cung, tỷ lệ có thai ngoài tử cung chỉ là 1 : 6000.

3.2 Dấu hiệu khối cạnh tử cung

Khối cạnh tử cung có thể là thai ngoài tử cung hoặc không.

  • Hình ảnh điển hình: Túi thai nằm ngoài tử cung, có phôi thai và hoạt động tim thai, có 17 - 21% chẩn đoán chắc chắn thai ngoài tử cung;
  • Hình ảnh không điển hình: Có hình ảnh giống túi thai và phôi thai nhưng không thấy hoạt động của tim thai, chỉ thấy hình ảnh giống túi thai và túi noãn hoàng, túi thai trống bên cạnh tử cung. Các trường hợp này chưa khẳng định chắc chắn là thai ngoài tử cung;
  • Khối nằm cạnh tử cung và buồng trứng, có cấu trúc phản âm dày, phản âm trống hoặc hỗn hợp: Chẩn đoán dương tính 63 - 100%;
  • Không tìm thấy khối cạnh tử cung: Không thể loại trừ trường hợp thai ngoài tử cung.
Các mốc khám sàng lọc dị tật thai nhi mẹ bầu cần nhớ
Siêu âm đầu dò giúp phát hiện túi thai trong tử cung có kích thước 2-4mm

Khối cạnh tử cung có thể được chỉ định siêu âm Doppler để tăng giá trị chẩn đoán xem có phải thai ngoài tử cung hay không.

Siêu âm đầu dò là một trong những kỹ thuật chẩn đoán thai ngoài tử cung hiệu quả, có độ chính xác cao và rất an toàn. Vì vậy, khi có dấu hiệu mang thai hoặc biểu hiện cảnh báo thai ngoài tử cung, thai phụ nên đến các cơ sở chuyên khoa để thăm khám, được tư vấn và phát hiện sớm các trường hợp bất thường của thai nhi để có biện pháp xử trí kịp thời.

3 tháng đầu là thời điểm nhạy cảm nhất trong suốt thai kỳ. Để mẹ và bé được khỏe mạnh, các bậc cha mẹ cần lưu ý:

Vinmec hiện có nhiều gói thai sản (12-27-36 tuần), trong đó chương trình thai sản trọn gói 12 tuần giúp theo dõi sức khỏe của mẹ và bé ngay từ đầu thai kỳ, phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các vấn đề sức khỏe. Ngoài các dịch vụ thông thường, chương trình theo dõi thai sản từ 12 tuần có các dịch vụ đặc biệt mà các gói thai sản khác không có như: xét nghiệm Double Test hoặc Triple Test tầm soát dị tật thai nhi; xét nghiệm định lượng yếu tố tân tạo mạch máu chẩn đoán tiền sản giật; xét nghiệm sàng lọc tuyến giáp; xét nghiệm Rubella; xét nghiệm ký sinh trùng lây từ mẹ sang con gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ và thể chất của bé sau sinh.

Mọi thông tin chi tiết về chương trình thai sản trọn gói 12 tuần và đăng ký khám, Quý Khách có thể liên hệ đến các phòng khám, bệnh viện thuộc hệ thống y tế Vinmec trên toàn quốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan