Tập thể dục trong tiểu đường thai kỳ

Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Thu Hà - Bác sĩ Sản Phụ Khoa - Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Tiểu đường thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và thai nhi. Trong các phương pháp giảm nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ và hỗ trợ điều trị tiểu đường thai kỳ thì tập thể dục hàng là biện pháp không thể thiếu và đem lại hiệu quả đáng kinh ngạc.

1. Việc luyện tập thể dục hàng ngày rất tốt với bà bầu

Luyện tập hàng ngày không những giúp thai phụ chuẩn bị cho cuộc sinh nở sắp tới được thành công, nhanh chóng, nhẹ nhàng, tăng khả năng chịu đựng mà nó còn giúp bản thân quản lý được cân nặng và duy trì đường huyết ổn định.

Bà bầu tập thể dục không những giúp tiêu hao năng lượng dư thừa, ổn định đường huyết, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ mà còn giúp máu được lưu thông dễ dàng, tránh hình thành huyết khối.

Thời gian tập tùy thuộc vào sức khỏe của từng thai phụ, trung bình duy trì khoảng thời gian luyện tập từ 20-40 phút/ ngày và ít nhất 3 ngày/tuần, tuy nhiên luyện tập đều hàng ngày sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều.

Khi bà bầu không có những chống chỉ định trong việc vận động thì những môn thể thao dưới đây rất tốt cho bà bầu, nhất là những bà bầu bị tiểu đường thai kỳ.

2. Những môn thể thao tốt cho bà bầu mắc bệnh tiểu đường thai kỳ

2.1. Đi bộ

Đi bộ là hoạt động rất tốt cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, bạn không nên cố gắng đi bộ khi cơ thể đã mệt mỏi và có thể nghỉ ngơi bất cứ lúc nào mình muốn. Thời gian đi bộ mỗi ngày khoảng từ 20-40 phút, tùy vào sức khỏe mẹ bầu.

đi bộ
Đi bộ là một trong các hoạt động rất tốt cho phụ nữ mang thai

Tác dụng của việc đi bộ:

  • Giúp cơ thể khỏe mạnh, hệ cơ săn chắc, tăng sức dẻo dai, đốt cháy calo, kiểm soát cân nặng.
  • Giúp thai phụ ngon miệng, dễ tiêu, giảm nguy cơ táo bón thai kỳ.
  • Giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật.
  • Là cách tốt nhất giúp hỗ trợ tim mạch, giúp giảm thiểu bệnh lý tim mạch do tiểu đường thai kỳ gây ra.
  • Giúp tử cung co bóp theo sinh lý giúp bình chỉnh ngôi thai tốt, giúp quá trình chuyển dạ thuận lợi.

2.2 Chạy bộ nhẹ nhàng

Tuân thủ nguyên tắc: tập nhẹ nhàng, vừa sức, tránh thở dốc, chọn đoạn đường bằng phẳng. Thông báo cho bác sĩ sản khoa theo dõi thai kỳ biết về chế độ tập chạy của mình để nhận được lời khuyên về chế độ tập hợp lý.

Chạy bộ nhẹ nhàng có tác dụng như sau:

  • Giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, viêm tĩnh mạch chân, tăng huyết ápbệnh trĩ.
  • Củng cố cơ cột sống giúp hỗ trợ duy trì tư thế cần thiết trong thời gian mang thai.

2.3. Bơi lội

Phụ nữ mang thai đi bơi sẽ đem lại các lợi ích như sau:

  • Giảm chứng bệnh đau lưng, cơ bắp vận động, các mạch máu được nước massage, thúc đẩy máu lưu thông tốt cho mẹ và con, phòng ngừa táo bón, phù chân.
  • Giúp phổi khỏe, hít sâu tốt
  • Giúp tiêu hao năng lượng thừa, phòng tránh tiền sản giật và đái tháo đường.
  • Tiếp xúc ánh nắng mặt trời, giúp sát khuẩn và cholesterol dưới da chuyển hóa thành vitamin D3 (vitamin giúp hấp thụ canxi, phốt pho tốt cho xương của thai nhi).
  • Giảm đau đầu, giúp hệ thống thần kinh bé phát triển khỏe mạnh.
Bơi lội
Mẹ bầu có thể bơi lội giúp đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe

2.4 Yoga

Bà bầu tập yoga sẽ đem lại các lợi ích như sau:

  • Giúp bà bầu luyện cách thở, cung cấp lượng oxy dồi dào và đào thải khí cacbonic.
  • Giúp hệ xương khớp được dẻo dai, kiểm soát trọng lượng cơ thể, giảm nguy cơ đái tháo đường.
  • Giúp thư giãn, giải tỏa stress và mệt mỏi.

2.5. Khiêu vũ

  • Giúp tránh căng thẳng, tinh thần vui vẻ và thoải mái.
  • Giúp cho cơ thể nhẹ nhàng và uyển chuyển hơn, hạn chế nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và cao huyết áp trong thai kỳ

Bà bầu tập thể dục không chỉ giúp cơ thể trở nên dẻo dai hơn, giúp quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi, mà còn giúp ổn định mức đường huyết, tránh những nguy cơ biến chứng do tiểu đường thai kỳ gây ra.

2.6. Thể dục nhẹ nhàng

Tập thể dục nhịp điệu tăng cường tim và phổi và giúp duy trì trương lực cơ. Thể dục nhịp điệu tác động thấp không bao gồm nhảy, đá cao, hoặc chạy nhanh. Trong bài tập tác động thấp, một chân phải luôn ở trên mặt đất.

2.7. Đạp xe trong nhà

Đạp xe trên một chiếc xe đạp đứng yên, còn được gọi là xoay tròn, thường an toàn ngay cả đối với những người tập thể dục lần đầu. Bộ môn này giúp tăng nhịp tim mà không gây căng thẳng cho khớp. Theo đó, chiếc xe đạp đứng yên giúp hỗ trợ trọng lượng cơ thể, do đó nguy cơ té ngã là thấp.

Đạp xe trong nhà
Đạp xe trong nhà không gây căng thẳng cho khớp của mẹ bầu

3. Chuẩn bị chuyển dạ

Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ khuyến nghị một số bài tập dành riêng cho bà bầu, vì họ chuẩn bị cho cơ thể chuyển dạ và sinh nở. Trong khi chuyển dạ, ngồi xổm có thể giúp mở khung xương chậu, vì vậy nó có thể là một ý tưởng tốt để thực hành trong khi mang thai. Bạn có thể thực hành với các bước sau đây:

  • Đứng với hai bàn chân bằng phẳng trên sàn, rộng ngang vai và lưng thẳng.
  • Từ từ hạ thấp người xuống, giữ cho bàn chân bằng phẳng và đầu gối của bạn không tiến về phía trước hơn bàn chân của bạn.
  • Giữ trong 10 đến 30 giây, sau đó từ từ đẩy lên.

Bài tập khung xương chậu:Những động tác này có thể làm săn chắc cơ bụng và giúp giảm đau lưng. Bạn có thể thực hiện bằng cách:

  • Đứng thẳng vai và dựa người vào tường
  • Giữ cơ thể thoải mái.
  • Hít vào và giữ trong 4 giây, sau đó thở ra từ từ.
  • Lặp lại điều này tới 10 lần.

Bà bầu tập thể dục không chỉ giúp cơ thể trở nên dẻo dai hơn, giúp quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi, mà còn giúp ổn định mức đường huyết, tránh những nguy cơ biến chứng do tiểu đường thai kỳ gây ra. Chú ý mọi mọi bài tập đều phải nhẹ nhàng và nên hỏi ý kiến bác sĩ sản khoa về tình trạng sức khỏe của mình trước khi tập luyện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan