Thông tin về thuốc kích trứng Follitrope 300

Thuốc Follitrope 300 có thành phần chính là Follitropin, được sử dụng phổ biến như một thuốc kích trứng trong điều trị hội chứng buồng trứng đa nang, sử dụng trong điều trị bằng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như Chuyển giao tử vào vòi trứng, thụ tinh ống nghiệm, chuyển phôi vào vòi trứng... Tìm hiểu các thông tin chung của thuốc kích trứng Follitrope 300 sẽ giúp bệnh nhân nâng cao hiệu quả điều trị.

1. Follitrope 300 là thuốc gì?

Thuốc Follitrope 300 được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm trong suốt, không màu hoặc vàng nhạt và đựng trong bơm tiêm đóng sẵn, có thành phần chính bao gồm:

  • Hoạt chất: Follitropin (dạng Follitropin alfa người tái tổ hợp) hàm lượng 300 IU (tương đương với 22 μg)/0,6 mL.
  • Tá dược : Glycin, Polysorbate 20, Methionine Natri hydrophosphat, Natri hydroxide, Natri dihydrophosphate, Axit phosphoric, Nước pha tiêm.

Follitropin alfa người tái tổ hợp là hormon kích thích nang noãn (FSH) được tạo ra từ các tế bào buồng trứng của loài chuột đồng. Chức năng sinh học của FSH là phối hợp cùng với hormon LH điều hòa quá trình trưởng thành của noãn. Ở phụ nữ, tác dụng chính khi dùng tiêm Follitropin là sự phát triển các nang de Graaf. Đối với những phụ nữ không rụng trứng, mục tiêu của điều trị Follitropin là kích thích nang de Graaf một cách đơn lẻ, từ đó trứng sẽ phóng ra sau khi tiêm hCG vào cơ thể.

2. Thuốc Follitrope 300 có tác dụng gì?

Thuốc kích trứng Follitrope 300 được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Giúp xảy ra sự rụng trứng bao gồm trong hội chứng buồng trứng đa nang ở phụ nữ không thể rụng trứng và không đáp ứng với điều trị bằng thuốc Clomiphene citrate.
  • Sử dụng cùng với hoạt chất Lutropin alfa ( giống hormone LH) để giúp giải phóng trứng từ buồng trứng ở phụ nữ không rụng trứng do cơ thể sản xuất ít Gonadotropins là FSH và LH.
  • Giúp phát triển nhiều nang trứng ở phụ nữ được điều trị bằng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như chuyển giao tử vào vòi trứng (GIFT), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), bơm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI), chuyển phôi vào vòi trứng (ZIFT).

Tuy nhiên, trong các trường hợp sau đây, thuốc Follitrope 300 không được phép sử dụng:

  • Dị ứng quá mẫn với bất cứ thành phần của thuốc Follitrope 300.
  • Tiền sử dị ứng với các thuốc khác có chứa hoạt chất Follitropin.
  • Bệnh nhân có khối u ở tuyến yên và vùng dưới đồi.
  • U nang buồng trứng hoặc buồng trứng lớn không rõ nguyên nhân và không phải từ hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Xuất huyết âm đạo chưa rõ nguyên nhân.
  • Ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư tử cung hoặc u xơ tử cung.
  • Phụ nữ không thể mang thai như trong trường hợp suy buồng trứng hoặc dị tật các cơ quan sinh sản.
  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
  • Bệnh nhân có các rối loạn nội tiết khác ngoài cơ quan sinh dục không kiểm soát được như các rối loạn tuyến thượng thận, tuyến giáp hoặc tuyến yên.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Follitrope 300

3.1. Cách dùng

  • Điều trị Follitrope 300 phải được chỉ định và giám sát bởi các bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm trong điều trị bệnh lý sinh sản.
  • Follitrope 300 được sử dụng tiêm bắp hoặc tiêm dưới da.

3.2. Liều dùng thuốc Follitrope 300

Phụ nữ không rụng trứng trong hội chứng buồng trứng đa nang, không hoặc có kinh nghiệm không đều:

  • Liều khởi đầu: Tiêm thuốc kích trứng Follitrope 75 IU – 150 IU mỗi ngày, trong vòng 7 ngày liên tục kể từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt.
  • Tăng liều: Tăng liều Follitrope thêm 75 IU tại thời gian 7 hoặc tốt nhất là 14 ngày trong trường hợp cần thiết cho đến khi đạt được đáp ứng mong muốn.
  • Liều tối đa: Sử dụng Follitrope hằng ngày không quá 225 IU.
  • Khi đã đạt được đáp ứng mong muốn, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thêm một liều tiêm duy nhất hCG liều 5000 IU-10000 IU tại thời điểm 24 - 48 giờ sau khi tiêm liều Follitrope cuối cùng. Thời gian tốt nhất để cặp đôi quan hệ tình dục là vào ngày tiêm hCG hoặc ngày hôm sau khi tiêm.
  • Nếu bác sĩ không thấy được những đáp ứng mong muốn sau 4 tuần điều trị bằng Follitrope, chu kỳ điều trị nên dừng lại. Đối với chu kỳ điều trị tiếp theo, bệnh nhân sẽ sử dụng liều Follitrope cao hơn so với trước.
  • Một số bệnh nhân đáp ứng quá mức sẽ được ngừng lại và sẽ không tiêm thêm hCG. Ở chu kỳ tiếp theo, bác sĩ sẽ cung cấp liều Follitrope thấp hơn so với trước.

Phụ nữ không rụng trứng hoặc không có hành kinh và được chẩn đoán có hormone FSH và LH với nồng độ rất thấp:

  • Liều khởi đầu: Tiêm thuốc Follitrope 75 IU – 150 IU mỗi ngày cùng với Lutropin alfa liều 75 IU, sử dụng kết hợp hai loại thuốc này mỗi ngày cho đến 5 tuần.
  • Tăng liều: Liều Follitrope có thể tăng thêm từ 37,5 IU – 75 IU tại thời gian 7 hoặc tốt nhất là 14 ngày trong trường hợp cần thiết cho đến khi đạt được đáp ứng mong muốn.
  • Khi đã đạt được đáp ứng mong muốn, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thêm một liều tiêm duy nhất hCG liều 5000 IU-10000 IU tại thời điểm 24 - 48 giờ sau khi tiêm liều Follitrope cuối cùng. Thời gian tốt nhất để cặp đôi quan hệ tình dục là vào ngày tiêm hCG hoặc ngày hôm sau khi tiêm.
  • Nếu bác sĩ không thấy được những đáp ứng mong muốn sau 5 tuần điều trị bằng Follitrope, chu kỳ điều trị nên dừng lại. Đối với chu kỳ điều trị tiếp theo, bệnh nhân sẽ sử dụng liều Follitrope cao hơn so với trước.
  • Nếu bác sĩ không thấy được những đáp ứng mong muốn sau 4 tuần điều trị bằng Follitrope, chu kỳ điều trị nên dừng lại. Đối với chu kỳ điều trị tiếp theo, bệnh nhân sẽ sử dụng liều Follitrope cao hơn so với trước.

Phụ nữ cần phải phát triển nhiều nang trứng trước khi thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản:

  • Liều khỏi đầu: thuốc kích trứng Follitrope 150 IU – 300 IU mỗi ngày và vào ngày thứ 2 - 5 của chu kỳ kinh nguyệt.
  • Tăng liều: Có thể tăng Follitrope tùy thuộc vào đáp ứng của bệnh nhân.
  • Liều tối đa: Sử dụng Follitrope hằng ngày không quá 400 IU.
  • Liệu pháp hỗ trợ sinh sản sẽ được tiếp tục cho đến khi nang noãn đạt được kích thước phù hợp. Thông thường thì kích thước noãn thích hợp sẽ đạt được vào ngày thứ 10 nhưng có thể trong khoảng 5 - 20 ngày. Bác sĩ sau đó sẽ đánh giá bằng việc thay đổi nồng độ Estrogen máu và/hoặc siêu âm. Khi kích thước noãn đạt đến kích thước thích hợp, bác sĩ sẽ chỉ định cung cấp thêm một liều tiêm hCG 1000 IU duy nhất tại thời điểm 48 giờ sau khi tiêm liều Follitrope cuối cùng, lúc đó trứng đã sẵn sàng cho quá trình thụ tinh.

Nhóm bệnh nhân đặc biệt:

  • Người già, trẻ em không được khuyến cáo sử dụng Follitrope.
  • Mức độ an toàn và hiệu quả của Follitrope ở bệnh nhân suy gan, suy thận chưa được thiết lập.

4. Tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng Follitrope 300

Việc điều trị bằng Follitrope 300 có thể gặp phải những tác dụng không mong muốn như:

  • Rất phổ biến: Tình trạng đau đầu, phản ứng tại chỗ tiêm như đỏ, đau, sưng, bầm tím hoặc bị dị ứng. Đau bụng dưới rốn kèm với buồn nôn, nôn là các triệu chứng của hội chứng quá kích buồng trứng. Điều này cho thấy buồng trứng phản ứng quá mức với Follitrope và có u nang buồng trứng lớn phát triển quá nhanh.
  • Phổ biến: Hội chứng quá kích buồng trứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn với buồng trứng phóng to rõ, tăng cân, khó thở, giảm sản xuất nước tiểu do tích tụ chất lỏng trong bụng hoặc ngực.
  • Không phổ biến: Hội chứng quá kích buồng trứng như đông máu hoặc xoắn buồng trứng.
  • Hiếm gặp: Phản ứng dị ứng như phát ban, đỏ da, sưng của khuôn mặt, khó thở có thể xảy ra. Những phản ứng đôi khi có thể nghiêm trọng chuyển thành sốc phản vệ, hen suyễn trở nặng hơn.

Việc điều trị bằng thuốc Follitrope 300 thường được thực hiện ở các cơ sở y tế chuyên về sản khoa. Vì vậy, khi gặp các tác dụng phụ không mong muốn trên sau khi sử dụng thuốc Follitrope 300, bệnh nhân và người thân cần báo ngay với nhân viên y tế, để được xử trí và ngưng thuốc kịp thời.

5. Lưu ý sử dụng thuốc Follitrope 300 ở các đối tượng

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Follitrope 300 ở những bệnh nhân có tiền sử gia đình rối loạn chuyển hóa Porphyrin, bệnh nhân có tiền sử bệnh lý về ống dẫn trứng có nguy cơ mang thai lạc chỗ.
  • Nên thực hiện siêu âm để theo dõi sự phát triển của nang noãn và định lượng nồng độ Estradiol trước và trong quá trình điều trị bằng thuốc Follitrope 300 một cách đều đặn.
  • Phụ nữ có thai: Chưa xác định được tính an toàn cho mẹ và thai trong việc sử dụng thuốc Follitrope 300 trên phụ nữ mang thai. Vì thế, cần hạn chế sử dụng thuốc Follitrope 300 cho đối tượng này.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Chưa có dữ liệu khẳng định liệu Follitropin có thể đi qua sữa mẹ hay không. Vì thế, không sử dụng thuốc Follitrope 300 ở phụ nữ đang cho con bú, hoặc cân nhắc ngừng cho con bú trong thời gian điều trị bằng Follitrope.

6. Tương tác thuốc Follitrope 300

Tương tác với các thuốc khác: Sử dụng thuốc Follitrope cùng với thuốc Clomiphene citrate có thể làm tăng lên đáp ứng phát triển của nang noãn.

Trên đây là thông tin cần thiết về thành phần, chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, cách sử dụng và những tác dụng không mong muốn của thuốc Follitrope 300 . Lưu ý, Follitrope 300 là thuốc điều trị kích trứng cần có sự chỉ định, theo dõi của bác sĩ chuyên ngành sản khoa trong quá trình điều trị. Việc phối hợp nhịp nhàng giữa bệnh nhân và nhân viên y tế trong quá trình điều trị bằng Follitrope 300 sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị, đồng thời phòng tránh được những tác dụng không mong muốn của thuốc.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan