Vượt qua bệnh trĩ sau sinh

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trương Thị Phượng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Bệnh trĩ xảy ra khi các tĩnh mạch bị sưng bên trong trực tràng hoặc ở vùng da xung quanh hậu môn. Nguyên nhân là do tăng áp lực lên khu vực trực tràng. Khi bạn mang thai, thai nhi gây thêm áp lực cho khu vực này. Do đó, bệnh trĩ có thể phát triển cả trong và sau khi mang thai, đặc biệt phổ biến sau khi sinh thường. Vậy mẹ sau sinh bị trĩ phải làm sao?

1. Bệnh trĩ là gì?

Bệnh trĩ (tên tiếng Anh là Hemorrhoids) là các tĩnh mạch ở khu vực trực tràng bị phù nề. Khi các mạch máu này bị phù nề bất thường, bạn sẽ cảm thấy một khối mềm có thể tách ra khỏi hậu môn của bạn.

Bệnh trĩ có thể có kích thước từ nhỏ như nho khô đến lớn như quả nho tươi. Chúng có thể chỉ đơn thuần là ngứa hoặc đau và thậm chí có thể gây chảy máu trực tràng, đặc biệt là khi bạn đi đại tiện.

Mẹ sau sinh bị trĩ là tình trạng diễn ra phổ biến trong thời kỳ mang thai và thời kỳ hậu sản. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh trĩ phát triển trong thai kỳ sẽ tự hết ngay sau khi bạn sinh con, đặc biệt là nếu bạn cẩn thận để tránh táo bón (với một số biện pháp đơn giản được đề cập dưới đây).

Nhưng đôi khi bệnh trĩ vẫn tồn tại sau sinh: Khoảng 25 phần trăm phụ nữ mắc bệnh trĩ sau khi sinh và có thể kéo dài sáu tháng sau sinh. Búi trĩ có thể co lại, tuy nhiên và các triệu chứng có thể biến mất và xuất hiện trở lại.

Có hai loại bệnh trĩ gồm: trĩ nội (tĩnh mạch bị ảnh hưởng nằm bên trong cơ thắt) và trĩ ngoại (tĩnh mạch bị ảnh hưởng nhô ra ngoài lỗ hậu môn).

Bị trĩ nặng khi mang thai có cần phẫu thuật hay nên chờ sinh xong?
Bệnh trĩ là tình trạng diễn ra phổ biến ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai và hậu sản

2. Tại sao tôi bị bệnh trĩ?

Mang thai khiến bạn dễ bị trĩ (cũng như phù nề tĩnh mạch ở chân và đôi khi ngay cả ở âm hộ) vì nhiều lý do khác nhau.

Tử cung phát triển to để phù hợp với kích thước của thai nhi đang phát triển theo thời gian, điều này sẽ gây áp lực lên các tĩnh mạch chậu và tĩnh mạch chủ dưới, đây là tĩnh mạch lớn ở bên phải của cơ thể và nhận máu từ các chi dưới. Áp lực này có thể làm chậm quá trình quay trở lại của máu từ nửa dưới cơ thể của bạn, làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch bên dưới tử cung và khiến tĩnh mạch bị to ra.

Ngoài ra, sự gia tăng hormone progesterone khi mang thai làm giãn thành tĩnh mạch. Progesterone cũng góp phần gây táo bón bằng cách làm chậm nhu động ruột của bạn. Táo bón (một vấn đề phổ biến khác khi mang thai) có thể gây ra hoặc làm nặng thêm bệnh trĩ vì bạn có xu hướng tăng áp lực ổ bụng khi đi đại tiện khó khăn và càng tăng áp lực ổ bụng sẽ dẫn đến bệnh trĩ.

Bạn cũng có thể đã phát triển bệnh trĩ trong khi bạn đang thực hiện các động tác rặn đẻ trong khi chuyển dạ.

3. Bị trĩ sau khi sinh phải làm sao?

Dưới đây là một số cách để giảm đau do bệnh trĩ:

  • Tránh ngồi hoặc đứng trong thời gian dài để giảm áp lực lên tĩnh mạch trực tràng của bạn. Nằm xuống khi bạn đang cho con bú, đọc hoặc xem TV.
  • Để giảm đau tạm thời, bạn có thể dùng acetaminophen hoặc ibuprofen, ngay cả khi bạn đang cho con bú. Tuy nhiên, không dùng nhiều hơn số lượng được chỉ định và không dùng aspirin (hoặc các sản phẩm có chứa aspirin) nếu bạn đang cho con bú. Gọi cho bác sĩ nếu cơn đau vẫn kéo dài và các triệu chứng không thuyên giảm
Thuốc kháng sinh điều trị viêm amidan
Bạn có thể sử dụng thuốc có kê đơn để giảm cơn đau do bệnh trĩ

  • Chườm một túi nước đá (có quấn khăn mềm) vào khu vực bị ảnh hưởng nhiều lần trong ngày. Nước đá có thể làm giảm sưng và khó chịu.
  • Ngâm mông của bạn trong nước ấm trong bồn tắm sitz hoặc chậu nhựa cỡ nhỏ. Sử dụng bồn tắm sitz cho phép bạn ngâm khu vực trực tràng chỉ bằng cách ngồi xuống. Nếu bạn không tìm được loại bồn này tại bệnh viện, bạn có thể mua bồn tắm sitz tại bất kỳ nhà thuốc nào. Hãy thử ngâm vài lần một ngày trong 10 phút hoặc lâu hơn.
  • Sau mỗi lần đi tiêu, nhẹ nhàng làm sạch hoàn toàn đáy của bạn bằng cách sử dụng chai nhựa có đầu nhọn để xịt nước (plastic squirt bottle). Hoặc thử sử dụng khăn lau có chất làm se tự nhiên (witch hazel) được làm riêng cho những người mắc bệnh trĩ.
  • Sử dụng khăn giấy vệ sinh mềm, không mùi, ít gây kích ứng hơn các loại khác.
  • Hỏi ý kiến của bác sĩ về các loại thuốc gây tê hoặc thuốc đặt hậu môn. Có rất nhiều sản phẩm hỗ trợ người bệnh mắc bệnh trĩ trên thị trường, nhưng hãy tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ trước khi tự mình thử. Và hãy nhớ rằng hầu hết các sản phẩm này chỉ được sử dụng cho một đợt điều trị ngắn như một tuần hoặc ít hơn. Tiếp tục sử dụng có thể gây viêm nặng hơn.
  • Tránh ngồi trong nhà vệ sinh quá lâu. Khi bạn cố rặn quá nhiều sẽ làm tăng nhiều áp lực lên khu vực trực tràng của bạn. Để cho hậu môn có thời gian để chữa lành, bạn hãy chú ý là không cố gắng rặn hoặc ngồi trong nhà vệ sinh quá lâu.
  • Thêm chất xơ vào chế độ ăn uống của bạn. Chất xơ giúp làm mềm phân của bạn đồng thời giúp cho phân có khối lượng lớn hơn. Một chế độ ăn giàu chất xơ có thể giúp điều trị và ngăn ngừa táo bón hoặc khiến bệnh trĩ trở nên tồi tệ hơn. Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm trái cây, rau và ngũ cốc.
  • Uống nhiều nước. Uống đủ nước cũng giúp ngăn ngừa táo bón do có tác dụng làm mềm phân.
Mẹ nên uống nhiều nước để tăng tiết sữa
Uống đủ nước để giúp ngăn ngừa táo bón sau khi sinh

  • Giữ cho khu vực hậu môn sạch sẽ. Giữ cho khu vực hậu môn của bạn sạch sẽ sẽ giúp ngăn ngừa bất kỳ kích ứng thêm nào có thể cản trở quá trình hồi phục của cơ thể. Rửa sạch khu vực này bằng nước ấm là đủ.
  • Sử dụng khăn lau ẩm. Khăn lau ẩm khi thực hiện động tác lau vệ sinh vùng hậu môn sẽ mang lại cảm giác nhẹ nhàng hơn giấy vệ sinh khô. Bạn nên lựa chọn khăn lau không có mùi thơm để tránh các chất có thể gây kích ứng.
  • Thuốc bôi và chất bổ sung cũng có thể giúp điều trị các triệu chứng của bệnh trĩ. Nếu bạn có thai hoặc cho con bú, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ phương pháp điều trị không kê đơn mới nào.
  • Chất làm mềm phân. Chất làm mềm phân giúp làm ẩm phân của bạn để phân có thể dễ dàng đi qua ruột và đi ra ngoài.
  • Bổ sung chất xơ. Nếu điều chỉnh chế độ ăn uống đủ mà vẫn không đủ chất xơ, bạn có thể xem xét bổ sung chất xơ. Các sản phẩm bổ sung chất xơ có ở dưới một số dạng, bao gồm cả hỗn hợp nước uống. Nếu bạn mang thai hoặc cho con bú, hãy chắc chắn nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng sản phẩm này.
  • Khăn lau trĩ (Medicated wipes). Khăn lau trĩ thường chứa chất có tác dụng làm se, hydrocortison hoặc lidocaine, có thể giúp giảm ngứa, giảm đau và viêm.
  • Kem trĩ và thuốc đạn. Kem và thuốc đạn trĩ giúp giảm đau và viêm cả bên ngoài lẫn bên trong.

4. Tăng tốc quá trình hồi phục khi bị trĩ sau sinh làm thế nào?

Theo thói quen lành mạnh có thể tăng tốc quá trình lành bệnh ngay bây giờ và ngăn ngừa bệnh trĩ phát triển trong tương lai. Đầu tiên và quan trọng nhất, hãy thực hiện các bước để tránh táo bón:

  • Ăn chế độ ăn nhiều chất xơ bao gồm nhiều trái cây, rau, ngũ cốc và đậu.
Chất xơ giúp làm giảm cholesterol trong máu
Bổ sung chất xơ vào thực đơn hằng ngày để tránh tình trạng bị táo bón

  • Uống nhiều nước (tám đến 10 ly mỗi ngày).
  • Tập thể dục thường xuyên, ngay cả khi thời gian có hạn thì bạn chỉ cần đi bộ ngắn, nhanh. Đừng chờ đợi để đi vào phòng vệ sinh khi bạn cảm thấy muốn đi đại tiện. Chờ đợi có thể làm cho phân khô hơn và khó đi qua đường tiêu hoá. Ngoài ra, cố gắng không rặn khi bạn đi vệ sinh và không ngồi trong nhà vệ sinh lâu hơn mức cần thiết vì điều này gây thêm áp lực cho khu vực trực tràng. Bạn cũng có thể hỏi ý kiến của bác sĩ về việc bổ sung chất xơ hoặc chất làm mềm phân.
  • Thực hiện bài tập Kegel hàng ngày. Kegels làm tăng lưu thông ở khu vực trực tràng và tăng cường các cơ xung quanh hậu môn, làm giảm nguy cơ mắc bệnh trĩ. Bài tập này cũng tăng cường và làm săn chắc các cơ xung quanh âm đạo và niệu đạo, có thể giúp cơ thể bạn phục hồi sau khi sinh.

5. Khi nào tôi nên liên hệ với bác sĩ?

Liên hệ với bác sĩ nếu bạn đã thực hiện các biện pháp kể trên mà các triệu chứng của bệnh trĩ không thuyên giảm hoặc nếu bạn thấy chảy máu từ trực tràng.

Ngoài ra, bạn cũng nên liên hệ với bác sĩ nếu thấy khối búi trĩ bị cứng lại và trở nên đau đớn hơn. Đây là dấu hiệu có thể đã hình thành cục máu đông bên trong, hoặc "huyết khối", và bạn có thể cần tiểu phẫu để điều trị.

Trong một số trường hợp, bạn có thể cần gặp bác sĩ chuyên khoa để điều trị nhằm mục đích thu nhỏ búi trĩ.

Phẫu thuật trĩ Longo
Phẫu thuật thu nhỏ búi trĩ bằng phương pháp Longo

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan