9 cách để giảm căng thẳng khi bạn bị bệnh vẩy nến

Căng thẳng có thể kích hoạt bệnh vẩy nến bùng phát hoặc làm cho các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Đồng thời, sống chung với tình trạng da lâu năm như bệnh vảy nến có thể khiến bạn căng thẳng. Đó là lý do tại sao việc kiểm soát căng thẳng hàng ngày đặc biệt quan trọng khi bạn bị bệnh vẩy nến.

1. Tập luyện nhẹ nhàng để thư giãn

Các bài tập thể dục “thân thể - trí óc” như yoga và thái cực quyền có thể giúp giảm căng thẳng. Trong đó, người tập sẽ kết hợp các bài tập thở, các tư thế thể chất và thiền định. Bạn có thể tham gia một lớp học trực tiếp hoặc tìm các lớp học trực tuyến. Nếu bạn mới bắt đầu tập loại hình này, hãy hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước.

2. Massage

Chuyên viên mát-xa sẽ sử dụng các kỹ thuật để giảm căng cơ, thúc đẩy lưu thông máu và giảm stress gây vảy nến cho bạn. Trước khi bắt đầu liệu trình, hãy hỏi chuyên viên về loại dầu hoặc kem dưỡng da mà họ sử dụng bởi vì một số loại có thể gây kích ứng da của bạn. Tốt nhất là tìm một cơ sở xoa bóp trị liệu có kinh nghiệm về bệnh vảy nến.

3. Vận động thể chất

Các hoạt động thể chất như tập thể dục hoặc đi bộ nhanh giúp thúc đẩy hóa chất endorphins, giúp tạo cảm giác dễ chịu cho não. Nhờ đó bạn sẽ được giảm bớt căng thẳng và lo lắng. Giấc ngủ cũng có thể bị ảnh hưởng khi bạn căng thẳng, và tập thể dục sẽ cải thiện được vấn đề này. Đừng quên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bạn bắt đầu một chương trình tập thể thao cho người bệnh viêm khớp vảy nến.

đi bộ nhanh
Đi bộ nhanh là một trong các cách để giảm căng thẳng khi bạn bị bệnh vẩy nến

4. Thiền

Chỉ một vài phút thiền định mỗi ngày có thể làm giảm stress gây vảy nến và cải thiện cảm xúc của bạn. Bạn có thể thử thiền theo hướng dẫn ở lớp học trực tiếp, ứng dụng hoặc video trực tuyến. Thực hành kỹ thuật thở sâu là một lựa chọn đơn giản hơn. Bạn chỉ cần ngồi yên lặng ở một nơi thoải mái, sau đó tập trung vào hít vào và thở ra, chậm và sâu.

5. Sắp xếp thời gian nghỉ giải lao

Nghỉ ngơi thường xuyên, tạm gác lại các công việc hàng ngày ở cơ quan hoặc tại nhà sẽ giúp bạn cảm thấy sảng khoái và giảm căng thẳng. Cách này cũng có thể cải thiện tâm trạng, hiệu suất làm việc cũng như sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn. Ngay cả 5 phút giải lao cũng giúp bạn lấy lại năng lượng.

6. Ngủ đủ giấc

Triệu chứng da khô và ngứa ảnh hưởng của vảy nến có thể khiến bạn thao thức, trằn trọc cả đêm. Mất ngủ không chỉ tác động xấu đến sức khỏe thể chất của bạn, mà còn làm cho trạng thái căng thẳng và các vấn đề cảm xúc khác trở nên tồi tệ hơn. Cố gắng ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm; đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày; tạo ra một thói quen thư giãn trước khi đi ngủ; tránh uống rượu, caffein và tiếp xúc với thiết bị di động trước khi lên giường.

Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc có thể giảm căng thẳng khi bạn bị bệnh vẩy nến

7. Điều trị chuyên nghiệp

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát căng thẳng hoặc cảm thấy rất lo lắng, hãy đến gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần. Họ có thể hướng dẫn bạn những cách để giảm bớt stress gây vảy nến, cũng như đối phó với bất kỳ vấn đề cảm xúc nào đang tồn tại. Nếu bạn đang căng thẳng vì các triệu chứng bệnh vảy nến bùng phát không thể kiểm soát, hãy hỏi bác sĩ về các phương pháp điều trị hiệu quả mạnh hơn.

8. Tìm kiếm sự hỗ trợ

Khi bạn cảm thấy căng thẳng, hãy liên hệ với gia đình, bạn bè hoặc một nhóm cộng đồng những người bệnh để họ hiểu những gì bạn đang trải qua. Các thành viên trong nhóm có thể nghe bạn tâm sự và đưa ra những quan điểm hữu ích. Thậm chí họ có thể chia sẻ một số mẹo để giảm bớt căng thẳng thật sự hiệu quả.

9. Học cách chấp nhận

Bệnh vẩy nến là một tình trạng suốt đời. Bạn có thể được điều trị, tránh những tác nhân gây ra các triệu chứng và phối hợp với bác sĩ để đối phó với các đợt bùng phát. Nhưng không phải lúc nào bạn cũng có thể kiểm soát được ảnh hưởng của vảy nến. Vì vậy, hãy chăm sóc bản thân về cả thể chất lẫn tinh thần. Tập trung vào những gì đang diễn ra tốt đẹp trong cuộc sống của bạn. Cuối cùng là học cách yêu làn da không hoàn hảo của chính mình.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

564 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan