Các nguyên nhân gây suy giảm sức đề kháng

Sức đề kháng là cơ chế phòng thủ bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài như virus, vi khuẩn hay ký sinh trùng. Sức đề kháng của cơ thể bị suy yếu sẽ dẫn đến suy giảm hệ thống miễn dịch và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý truyền nhiễm.

1. Thế nào là suy giảm sức khỏe

Suy giảm sức khỏe hay suy giảm sức đề kháng là tình trạng cơ thể bị suy giảm hay hoàn toàn không có khả năng chống lại sự tấn công của các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng.

Người bệnh bị suy giảm sức đề kháng, suy giảm hệ miễn dịch sẽ tăng nguy cơ bị nhiễm trùng nặng hơn so với người bình thường. Sự khác biệt giữa tình trạng nhiễm trùng ở người bị suy giảm miễn dịch so với người bình thường là thời gian ngủ bệnh ngắn hơn, tần suất xảy ra cao hơn, thời gian toàn phát và mức độ nặng của bệnh lớn hơn. Nhiễm trùng có thể xảy ra ở bất kỳ cơ quan nào trên cơ thể và có thể xảy ra cùng lúc trên nhiều hệ cơ quan nên dễ làm cho cơ thể bị suy sụp trong thời gian ngắn. Một số triệu chứng nhiễm trùng điển hình theo hệ cơ quan như sau:

  • Hệ hô hấp: Đau ngực, khó thở, ho có đờm kéo dài, khò khè, sốt cao...
  • Hệ tim mạch: Nhịp tim nhanh, hồi hộp, đau ngực, khó thở khi thực hiện các hoạt động gắng sức...
  • Hệ tiêu hóa: Đau bụng, tiêu chảy có thể xuất hiện máu hoặc phân sống, buồn nôn và nôn...
  • Hệ thần kinh: Chậm chạp, yếu liệt tay chân, hôn mê, co giật...
  • Da và niêm mạc: Có thể xuất hiện viêm loét, chảy mủ, sang thương da, bóng nước...

Nhiễm trùng kéo dài làm cho người bệnh mệt mỏi, sút cân, gầy ốm, xanh xao, đôi khi không thể thực hiện các hoạt động sinh hoạt và chăm sóc cho bản thân. Tình trạng này nếu không được điều trị sẽ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng tại các cơ quan và có thể gây tử vong.

2. Nguyên nhân suy giảm sức đề kháng

Nhận biết được các nguyên nhân suy giảm sức đề kháng sẽ giúp mọi người có biện pháp phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe, nâng cao hệ miễn dịch và phòng tránh được sự tấn công của các tác nhân gây bệnh bên ngoài. Các nguyên nhân gây suy giảm sức đề kháng có thể kể đến như sau:

2.1. Ô nhiễm không khí và môi trường sống

Cùng với sự phát triển xã hội các nhà máy công nghiệp được xây dựng ngày càng nhiều, điều này dẫn đến lượng khí carbon thải ra không khí ngày càng tăng. Các phương tiện máy móc như ô tô, xe máy cũng tăng cao, việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón... làm tình trạng ô nhiễm không khí và môi trường sống ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh đó khói thuốc lá cũng là một trong những nguồn ô nhiễm nguy hiểm trong không khí, bởi chúng chứa nhiều chất độc hại như carbon monoxide, nitơ oxit và các chất gây ung thư. Hầu hết các chất gây hại từ khói thuốc lá đều có thể kích thích hoặc tiêu diệt các tế bào bên trong cơ thể, gây ra những thay đổi trong chức năng miễn dịch và làm suy giảm hệ miễn dịch.

Con người hít không khí bị nhiễm bụi bẩn và hơi hóa chất sẽ dễ mắc các bệnh lý về phổi. Nghiên cứu từ các nhà khoa học chỉ ra rằng không khí nhiễm bụi bẩn và hóa chất làm ngăn chặn sự hoạt động của các tế bào lympho T (các tế bào thuộc hệ miễn dịch của cơ thể) dẫn đến viêm nhiễm đường hô hấp.

2.2. Công việc bận rộn

Thời gian nghỉ ngơi và làm việc chưa hợp lý, áp lực công việc lớn và căng thẳng thường xuyên, thời gian nghỉ ngơi không đầy đủ, môi trường làm việc độc hại là một trong những yếu tố làm suy giảm sức khỏe. Vì vậy, để bảo vệ và nâng cao sức khỏe, bạn cần sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, chế độ ăn uống cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên.

nguyên nhân suy giảm sức đề kháng
Công việc bận rộn, căng thẳng thường xuyên là một trong những nguyên nhân suy giảm sức đề kháng

2.3. Uống ít nước

Nước đóng vai trò quan trọng đối với con người. Bên cạnh vai trò cung cấp khoáng chất, vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng đến nuôi dưỡng các tế bào trong cơ thể, nước còn giúp loại bỏ các chất độc hại ra khỏi cơ thể. Vì vậy, các bác sĩ thường khuyên người bệnh uống nhiều nước khi bị ốm để thải trừ độc tố.

Thói quen uống ít nước hoặc công việc bận rộn làm cho bạn quên phải uống đủ nước mỗi ngày cũng là một trong những nguyên nhân làm cho hệ miễn dịch bị suy giảm.

2.4. Stress

Tình trạng căng thẳng, stress kéo dài làm giảm và mất cân bằng nồng độ hormon testosteron ở nam giới và estrogen ở nữ giới, từ đó làm giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh của cơ thể. Vì vậy, bạn cần xây dựng các biện pháp giúp thư giãn và giải trí đầu óc, giảm tình trạng căng thẳng và stress.

2.5. Ngồi nhiều

Ngồi nhiều là một trong những nguyên gây suy giảm sức đề kháng. Nghiên cứu từ các nhà khoa học chỉ ra rằng ngồi trong thời gian dài làm tốc độ trao đổi chất của cơ thể bị suy giảm, làm chậm sự hấp thu các chất dinh dưỡng. Vì vậy để tránh tình trạng suy giảm hệ miễn dịch do ngồi quá lâu, bạn cần đứng dậy khoảng 5 – 10 phút sau 45 phút đến 1 giờ ngồi làm việc, phương pháp vận động này giúp thúc đẩy sự trao đổi chất và kích hoạt cơ bắp.

2.6. Dùng nhiều thức ăn chế biến sẵn

Các loại thức ăn chế biến sẵn như bánh kẹo, khoai tây chiên, snack, nước ngọt... chứa nhiều các hợp chất không tốt cho cơ thể như lipid, đường... Các loại thực phẩm này làm suy yếu các tế bào lympho B và lympho T là những thành phần chủ yếu của hệ miễn dịch. Vì vậy, theo khuyến cáo từ các bác sĩ, thay vì ăn thức ăn chế biến sẵn, bạn nên ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều chất xơ giúp bảo vệ hệ miễn dịch của cơ thể.

2.7. Ăn quá nhiều

Ăn quá nhiều protid làm cho cơ thể sản xuất lượng lớn hormon tăng trưởng IGF1, từ đó thúc đẩy nhanh quá trình lõa hóa của cơ thể cũng như cản trở hệ thống miễn dịch. Thay vào đó, bạn nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cần thiết, không bổ sung quá nhiều một dưỡng chất và làm thiếu các dưỡng chất còn lại. Chất béo nên được bổ sung qua các thực phẩm như cá mòi, cá hồi, cải xoăn, hạnh nhân... bởi các loại thực phẩm này chứa nhiều chất béo có lợi cho cơ thể và tránh ăn chất béo bão hòa hay chất béo trans bằng cách hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn.

2.8. Thức quá khuya

Đồng hồ sinh học của cơ thể luôn hoạt động theo một quy trình nhất định, vì vậy nếu bạn thức quá khuya cơ thể sẽ không sản xuất đủ melatonin trong thời gian ngủ. Hệ miễn dịch của cơ thể từ đó cũng không tạo đủ các tế bào bạch cầu để chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh bên ngoài. Thời gian ngủ hợp lý mỗi ngày nên từ 7 – 8 tiếng để giúp cơ thể nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt mỏi và chuẩn bị năng lượng cho ngày làm việc mới.

nguyên nhân suy giảm sức đề kháng
Thức quá khuya là nguyên nhân suy giảm sức đề kháng

2.9. Sử dụng nhiều mỹ phẩm

Nhiều loại mỹ phẩm chứa các chất gây hại cho cơ thể như sodium lauryl... Vì vậy nếu bạn lạm dụng và sử dụng nhiều loại mỹ phẩm, các chất này sẽ xâm nhập vào trong cơ thể và gây ra các tác hại xấu cho sức khỏe và hệ miễn dịch. Để giảm thiểu các tác hại, bạn nên sử dụng các loại mỹ phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, an toàn cho làn da và sức khỏe.

Như vậy, có nhiều nguyên nhân gây suy giảm sức đề kháng của cơ thể và hầu hết trong số đó đều bắt nguồn từ lối sống, sinh hoạt và vận động. Vì vậy để bảo vệ sức khỏe và nâng cao sức đề kháng của cơ thể, bạn nên xây dựng cho mình chế độ làm việc, nghỉ ngơi và chế độ dinh dưỡng điều độ, ngủ đúng giờ và đủ giấc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

22.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan