Cẩn trọng với thuốc làm suy giảm trí nhớ

Có nhiều nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ như tổn thương não, lạm dụng chất kích thích, mắc một số bệnh lý,... Ngoài ra, tác dụng phụ của một số loại thuốc cũng có thể gây tác dụng phụ là suy giảm trí nhớ.

1. Các nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ/mất trí nhớ

Cùng với quá trình lão hóa của cơ thể, ngày càng nhiều tế bào thần kinh chết đi, khiến trí nhớ của con người suy giảm theo thời gian. Đây là tình trạng hoàn toàn bình thường của cơ thể. Ở người cao tuổi, tình trạng suy giảm trí nhớ gây khó khăn cho việc tiếp thu những kiến thức mới nhưng không ảnh hưởng nhiều tới công việc và sinh hoạt thường ngày.

Mất trí nhớ là tình trạng suy giảm trí nhớ bất thường, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Khi bị mất trí nhớ, người bệnh không thể nhớ rõ những sự việc mới xảy ra hay những sự việc đã xảy ra trong quá khứ (hoặc cả hai). Mất trí nhớ thường xảy ra đột ngột, chủ yếu là tạm thời trong thời gian ngắn hoặc diễn ra từ từ, mức độ ngày càng tăng, gây ảnh hưởng nhiều tới công việc cũng như sinh hoạt hằng ngày.

Những nguyên nhân gây mất trí nhớ gồm:

  • Tổn thương não do u não, chấn thương sọ não, đột quỵ,...;
  • Lối sống: Lạm dụng rượu bia, ma túy, hút thuốc lá, stress, thiếu ngủ,...;
  • Bệnh lý: Mắc các bệnh gây mất trí nhớ như bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, bệnh động kinh, trầm cảm hoặc cơ thể thiếu vitamin B12,...;
  • Thuốc: Việc sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài có thể gây ra một số tác dụng phụ gây mất trí nhớ.

2. Các loại thuốc làm suy giảm trí nhớ

Việc sử dụng một số loại thuốc dưới đây trong thời gian dài có thể gây ra tác dụng phụ làm suy giảm trí nhớ, mất trí nhớ:

  • Nhóm thuốc an thần Benzodiazepin (diazepam, lorazepam, triazolam,...): Đây là nhóm thuốc được chỉ định sử dụng để điều trị mất ngủ, rối loạn lo âu,... Thuốc làm suy giảm hoạt động của não bộ, suy yếu các tế bào thần kinh, ảnh hưởng tới quá trình chuyển đổi trí nhớ ngắn hạn sang dài hạn nên khi sử dụng thuốc này trong thời gian dài có thể gây suy giảm trí nhớ, mất trí nhớ;
  • Nhóm thuốc chống trầm cảm 3 vòng (amitriptyline, nortriptyline, imipramine,...): Đây là nhóm thuốc có tác dụng ức chế hoạt động của serotonin và norepinephrine (các chất dẫn truyền thần kinh trong não). Khi sử dụng nhóm thuốc này trong một thời gian dài có thể dẫn tới tác dụng phụ là mất trí nhớ;
  • Nhóm thuốc statin giảm mỡ máu (atorvastatin, lovastatin, simvastatin,...): Là nhóm thuốc có tác dụng làm giảm lượng cholesterol trong máu và trong não. Cholesterol trong não đóng vai trò kết nối các tế bào thần kinh với nhau. Do đó, khi sử dụng nhóm thuốc này trong một thời gian dài thì nó sẽ làm giảm lượng cholesterol trong não, ảnh hưởng tới trí nhớ của bệnh nhân;
  • Nhóm thuốc cao huyết áp chẹn (atenolol, propranolol, timolol,...): Nhóm thuốc này thường chỉ định sử dụng trong điều trị cao huyết áp, đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim,... Khi sử dụng thuốc trong một thời gian dài, nó ức chế hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh là norepinephrine và epinephrine trong não, dẫn tới mất trí nhớ;
  • Nhóm thuốc chống động kinh (carbamazepine, gabapentin,...): Các thuốc thuộc nhóm này hạn chế hiện tượng co giật, làm giảm dòng tín hiệu tại hệ thống thần kinh trung ương và đây có thể là một nguyên nhân gây mất trí nhớ;
  • Nhóm thuốc giảm đau gây nghiện opioid (hydrocodone, tramadol,...): Các thuốc này ức chế các điểm chốt trên đường dẫn truyền cảm giác đau của hệ thần kinh trung ương, làm mất cảm giác đau. Chính tác dụng này của thuốc cũng làm tăng nguy cơ mất trí nhớ ở người bệnh;
Opioid là một trong các nhóm thuốc làm suy giảm trí nhớ
Opioid là một trong các nhóm thuốc làm suy giảm trí nhớ

  • Thuốc đồng vận dopamin trị bệnh Parkinson (apomorphine, pramipexole,...): Nhóm thuốc này làm tăng nồng độ dopamin trong não bằng cách ức chế các enzyme phân hủy dopamin. Đồng thời, nó làm giảm nồng độ chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine - gây suy giảm khả năng nhận thức. Do đó, nhóm thuốc này có thể gây các tác dụng phụ như lú lẫn, hoang tưởng, mất trí nhớ,...;
  • Thuốc điều trị tiểu tiện không tự chủ: Nhóm thuốc kháng cholinergic có thể gây mất trí nhớ vì tác dụng ức chế hoạt động của acetylcholin - chất hóa học truyền tin. Nguy cơ suy giảm nhận thức và mất trí nhớ tăng cao nếu bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị tiểu tiện không tự chủ trong thời gian dài hoặc kết hợp với các thuốc kháng cholinergic khác;
  • Thuốc kháng histamin trị dị ứng (clorpheniramin, dexclorpheniramin,...): Nhóm thuốc này ức chế hoạt động của acetylcholin - chất hóa học truyền tin điều hòa các chức năng của cơ thể.

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc giảm trí nhớ

Tác dụng phụ của một số loại thuốc có thể gây suy giảm trí nhớ hoặc mất trí nhớ. Do đó, khi sử dụng các nhóm thuốc trên, bệnh nhân cần hết sức thận trọng và tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ. Trong quá trình dùng thuốc, nếu thấy bị suy giảm trí nhớ một cách bất thường, người bệnh cần kịp thời thông báo cho bác sĩ để có hướng can thiệp, xử lý. Đó có thể là giảm liều dùng thuốc hoặc thay thế bằng một loại thuốc khác không có tác dụng phụ gây suy giảm trí nhớ.

Ngoài các vấn đề về bệnh lý, thói quen sinh hoạt thì một số loại thuốc cũng có thể gây suy giảm trí nhớ, mất trí nhớ. Do đó, khi sử dụng các loại thuốc kể trên, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời, nếu thấy có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe, trí nhớ, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan