Cảnh giác mắt bị mờ đột ngột

Mắt mờ đột ngột khó khiến bạn không thể nhìn rõ hay làm các công việc thông thường. Mặc dù không phải tất cả các trường hợp đều là nguyên nhân đáng lo ngại, nhưng một số trường hợp có thể cần biện pháp chăm sóc y tế kịp thời. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn biết thêm thông tin về một số nguyên nhân có thể gây ra mất thị lực đột ngột, khi nào cần đến cơ sở y tế và một số phương pháp điều trị.

1. Bong võng mạc khiến mắt mờ đột ngột

Bong võng mạc xảy ra khi các tế bào võng mạc (lớp mỏng ở phía sau của mắt) bị tách ra khỏi mạch máu cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho võng mạc. Các triệu chứng có thể xuất hiện nhanh chóng. Nếu không điều trị nhanh chóng và kịp thời, tổn thương mắt vĩnh viễn và mất thị lực có thể xảy ra. Một số triệu chứng của bong võng mạc:

  • Đột ngột xảy ra hiện tượng ruồi bay, là các đốm màu xám hoặc đen lơ lửng;
  • Ánh sáng loé lên ở 1 hoặc 2 bên mắt;
  • Mờ mắt đột ngột;
  • Giảm dần thị lực ở vùng ngoại vi hoặc ở một phía nào đó của thị trường.

Bong võng mạc có thể làm tổn thương thị lực vĩnh viễn nếu không được điều trị nhanh chóng. Điều trị sẽ bao gồm việc gắn lại võng mạc. Một số phương pháp điều trị thường được bác sĩ áp dụng như phẫu thuật hoặc phẫu thuật laser, lạnh đông võng mạc.

2. Chấn động não gây mờ mắt

Chấn động não xảy ra khi một người bị chấn thương ở đầu. Chấn động não ngoài gây ra thay đổi về thị giác là mắt mờ đột ngột, các triệu chứng sau cũng có thể xảy ra như thay đổi tâm trạng, hay quên, đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ.

Khi bị chấn thương ở đầu, đến khám và được bác sĩ đảm bảo rằng chấn thương không nghiêm trọng, việc điều trị tập trung vào việc thuyên giảm các triệu chứng. Người bị chấn động não cần nghỉ ngơi trong khoảng 24–48 giờ, có thể dùng kèm thuốc giảm đau không kê đơn để giúp giảm các triệu chứng đau đầu.

Mắt mờ đột ngột
Mắt mờ đột ngột khó khiến bạn không thể nhìn rõ hay làm các công việc thông thường

3. Đột quỵ gây mắt mờ đột ngột

Đột quỵ có thể khiến mắt bạn bị mờ ở một hoặc cả hai bên. Các triệu chứng khác có thể có của đột quỵ bao gồm:

  • Tê ở mặt, chân hoặc cánh tay, thường ở một bên của cơ thể;
  • Nhầm lẫn và khó nói hoặc hiểu;
  • Mờ đột ngột ở một hoặc cả hai mắt;
  • Đi lại khó khăn, chóng mặt và thiếu phối hợp tay chân;
  • Đau đầu đột ngột và dữ dội.

Khi nghi ngờ một bệnh nhân xảy ra đột quỵ, bạn nên gọi dịch vụ cấp cứu ngay lập tức và làm theo quy trình viết tắt bằng từ FAST:

  • F (Face) cho khuôn mặt: Yêu cầu bệnh nhân mỉm cười và lưu ý xem nụ cười của họ có bị méo về một bên hay không;
  • A (Arm) cho cánh tay: Yêu cầu bệnh nhân nâng cả 2 cánh tay lên và lưu ý xem 1 cánh tay có bị rũ xuống hay không;
  • S (Speech) cho lời nói: Yêu cầu nói một cụm từ đơn giản xem bệnh nhân có đột nhiên khó nói hay nói ngọng không;
  • T (Time) cho thời gian: Nếu bất kỳ dấu hiệu nào ở trên xảy ra, hãy gọi dịch vụ cấp cứu ngay lập tức.

Điều trị sẽ đạt được kết quả cao hơn nếu bệnh nhân được điều trị sớm trong vòng 3 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Điều trị đột quỵ sẽ phụ thuộc vào loại, phần nào của não ảnh hưởng đến và nguyên nhân gây ra.

4. Triệu chứng mất thị lực đột ngột do viêm nội nhãn

Viêm nội nhãn là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng của mô và chất dịch bên trong mắt. Bên cạnh triệu chứng mất thị lực đột ngột, các triệu chứng khác như đau mắt, đỏ, nhạy cảm với ánh sáng.

Biến chứng nghiêm trọng của viêm nội nhãn là mù lòa có thể xảy ra nếu bệnh nhân không được điều trị nhanh chóng.

Điều trị viêm nội nhãn bao gồm tiêm kháng sinh hoặc kháng nấm, phẫu thuật cấp cứu được tiến hành ở một số trường hợp nặng.

5. Xuất huyết tiền phòng

Nguyên nhân thường gặp gây nên xuất huyết tiền phòng là chấn thương và nhiễm trùng, làm vỡ một số mạch máu trong mắt. Triệu chứng có thể gặp của xuất huyết tiền phòng bao gồm: mờ kèm đau mắt, chảy máu trong mắt, nhạy cảm với ánh sáng.

Để điều trị xuất huyết tiền phòng, bệnh nhân cần:

  • Đeo kính chắn để bảo vệ cũng như hạn chế tiếp xúc với ánh sáng;
  • Nâng cao đầu kể cả lúc ngủ để giúp dẫn lưu dịch tiết của mắt;
  • Dùng thuốc nhỏ mắt chứa atropin có tác dụng làm giãn đồng tử;
  • Nếu xuất huyết tiền phòng bác sĩ nhãn khoa có thể đề nghị phẫu thuật loại bỏ máu.
mờ mắt đột ngột
Đột quỵ gây mờ mắt đột ngột

6. Viêm động mạch tế bào khổng lồ (Giant cells arteritis – GCA)

Viêm động mạch tế bào khổng lồ là một bệnh lý toàn thân, nó ảnh hưởng đến hầu hết mọi mạch máu trung bình đến lớn trong cơ thể. Bên cạnh triệu chứng mắt bị mờ đột ngột, người mắc bệnh viêm động mạch tế bào khổng lồ có thể bị đau đầu, đau cơ dạng thấp và đau vùng động mạch thái dương.

Theo một số nghiên cứu, bệnh này thường chỉ ảnh hưởng đến người lớn, đặc biệt là những người trên 50 tuổi.

Điều trị bằng corticosteroid nên bắt đầu càng sớm càng tốt, để giúp ngăn ngừa tổn thương vĩnh viễn cho thị lực.

7. Thoái hóa điểm vàng tuổi già

Thoái hóa điểm vàng tuổi già là bệnh ảnh hưởng đến võng mạc đặc biệt ở điểm vàng-khu vực trung tâm và quan trọng nhất của võng mạc, khiến thị lực bị mờ. Bệnh này là một trong số các nguyên nhân gây mất thị lực vĩnh viễn cho người già, nó có thể xảy ra ở 1 hoặc cả 2 mắt.

Hiện tại không có phương pháp điều trị nào cho giai đoạn đầu của thoái hóa điểm vàng tuổi già. Thay đổi lối sống, chẳng hạn như bỏ hút thuốc giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh trong giai đoạn đầu.

Nếu bệnh tiến triển nặng, tiêm thuốc vào mắt được áp dụng để cải thiện các triệu chứng, hoặc điều trị bằng laser để làm chậm quá trình mất thị lực.

8. Lỗ hoàng điểm gây triệu chứng nhìn mờ

Lỗ hoàng điểm xảy ra khi có vết rách nhỏ ở điểm vàng và hay gặp ở người lớn trên 60 tuổi

Người mắc lỗ hoàng điểm giai đoạn đầu có triệu chứng nhìn mờ, nhận thấy sự biến dạng hình ảnh ở phần trung tâm và các đường thẳng có thể có dạng gợn sóng.

Giai đoạn sau bệnh nhân sẽ thấy khoảng tối ở trung tâm tương tự như điểm mù, bệnh có thể gây mất thị lực hoàn toàn.

Một số trường hợp vết rách nhỏ ở hoàng điểm có thể lành theo thời gian. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt dịch kính để hạn chế biến chứng xấu xảy ra.

9. Viêm dây thần kinh thị giác

Dây thần kinh thị giác nối giữa mắt và não, dẫn truyền thông tin thị giác từ võng mạc đến não. Viêm dây thần kinh thị giác có thể khiến thị lực bị giảm sút và nhìn ảnh bị méo mó. Một số triệu chứng kèm theo như: đau quanh mắt, mất thị lực màu, xuất hiện ánh sáng nhấp nháy

Viêm dây thần kinh thị giác thường tự cải thiện mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ kê thuốc steroid để tăng tốc độ hồi phục. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, uống đủ nước và không hút thuốc có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh.

10. Nhiễm trùng mắt

Một số bệnh nhiễm trùng mắt cần được điều trị y tế nhanh chóng, điều này phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng nhiễm trùng mắt.

  • Viêm giác mạc

Các triệu chứng viêm giác mạc: Chảy nước mắt, mắt đỏ, kích ứng và đau mắt. Điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng viêm: thuốc kháng sinh, kháng vi-rút hoặc kháng nấm dưới dạng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc viên.

  • Viêm kết mạc

Viêm kết mạc hay có tên khác là đau mắt đỏ, bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus ảnh hưởng đến kết mạc nhãn cầu hay kết mạc mi mắt. Dị ứng cũng là một nguyên nhân gây viêm kết mạc. Nhìn mờ, tiết dịch mắt và kết mạc mắt có màu hồng hoặc đỏ là các triệu chứng có thể gặp của viêm kết mạc.

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh bôi tại chỗ hoặc đường uống khi nguyên nhân do vi khuẩn, thuốc kháng histamine cho viêm kết mạc do dị ứng.

  • Viêm màng bồ đào

Viêm màng bồ đào là tình trạng sưng và viêm lớp giữa của mắt – màng bồ đào, còn được gọi là viêm mống mắt. Các triệu chứng có thể bao gồm nhìn mờ, đau và đỏ mắt, nhạy cảm với ánh sáng, hiện tượng ruồi bay. Viêm màng bồ đào có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai mắt, các triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ sau vài ngày.

Nếu xác định được nguyên nhân gây ra, cần phải điều trị nguyên nhân tiềm ẩn này. Thuốc steroid thường được chỉ định để điều trị viêm màng bồ đào.

mờ mắt đột ngột
Đau nửa đầu (Migraine) gây ra hiện tượng mờ mắt đột ngột

11. Đau nửa đầu (Migraine) gây ra hiện tượng mờ mắt

Cơn đau nửa đầu thỉnh thoảng xuất hiện đột ngột, gây ra hiện tượng mờ mắt và xuất hiện ánh sáng nhấp nháy.

Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ kèm thay đổi lối sống có thể giúp phòng ngừa và giảm các triệu chứng của cơn đau nửa đầu.

12. Mỏi mắt có thể dẫn đến mắt bị mờ đột ngột

Sử dụng màn hình điện thoại hoặc tập trung nhìn vào thứ gì đó trong thời gian dài mà không có khoảng nghỉ có thể gây mỏi mắt. Điều này có thể dẫn đến mắt bị mờ đột ngột, ngứa mắt hoặc đau đầu.

Thường xuyên nghỉ ngơi để mắt được nghỉ ngơi sẽ giúp giảm các triệu chứng.

13. Khi nào mắt bị mờ đột ngột cần liên hệ ngay với bác sĩ?

Nên gọi 911 hoặc đến phòng cấp cứu gần nhất nếu xuất hiện mắt mờ đột ngột và có một hoặc nhiều triệu chứng sau:

  • Triệu chứng của đột quỵ: Tê hoặc yếu ở mặt, chân hoặc cánh tay, ở một bên của cơ thể; khó nói, nói ngọng; đi lại khó khăn, chóng mặt hoặc thiếu phối hợp; đau đầu nhiều;
  • Kèm theo đau mắt dữ dội.

Điều này sẽ giúp ngăn ngừa tổn thương hoặc xác định bệnh tiềm ẩn gây ra mờ mắt.

Không phải tất cả các nguyên nhân gây ra hiện tượng mờ đột ngột đều cần được điều trị y tế khẩn cấp. Tuy nhiên, nếu bạn bị mờ đột ngột mà nghi ngờ do nguyên nhân đột quỵ hay bong võng mạc, bị đau mắt dữ dội, bạn nên đến phòng cấp cứu gần nhất. Trường hợp thị lực mờ đột ngột không rõ nguyên nhân, bạn cũng nên hỏi ý kiến của bác sĩ nhãn khoa càng sớm càng tốt, ngay cả khi triệu chứng này đã biến mất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan