Chấn thương ảnh hưởng đến cảm xúc

Chấn thương có thể về thể chất hoặc tinh thần. Chấn thương hoặc cảm giác đau gây ảnh hưởng đến cảm xúc thông qua những căng thẳng. đau buồn, có những suy nghĩ tiêu cực hoặc thậm chí mất hy vọng về cuộc sống. Kiểm soát đau tốt giúp cải thiện cảm xúc của người bệnh.

1. Các loại phản ứng cảm xúc sau chấn thương

Phản ứng cảm xúc tức thì: Các phản ứng ban đầu đối với chấn thương có thể bao gồm kiệt sức, bối rối, buồn bã, lo lắng, kích động, tê liệt, phân ly, nhầm lẫn, kích thích thể chất và ảnh hưởng nặng nề. Các dấu hiệu của các phản ứng nghiêm trọng hơn bao gồm đau khổ liên tục mà không thể bình tĩnh hoặc nghỉ ngơi, các triệu chứng phân ly nghiêm trọng và hồi ức xâm nhập dữ dội.

Phản ứng cảm xúc muộn: Phản ứng chậm trễ với chấn thương có thể bao gồm mệt mỏi dai dẳng, rối loạn giấc ngủ, ác mộng, sợ hãi tái phát, lo lắng tập trung vào hồi tưởng, trầm cảm và né tránh cảm xúc, cảm giác hoặc các hoạt động liên quan đến chấn thương.

2. Chẩn đoán rối loạn cảm xúc liên quan đến chấn thương

Các rối loạn cảm xúc liên quan đến chấn thương bao gồm một loạt các triệu chứng và tiêu chí cụ thể sau:

Đa cảm

Ngoài những phản ứng cảm xúc ban đầu, những phản ứng dễ nổi lên nhất bao gồm tức giận, sợ hãi, buồn bã và xấu hổ. Điều này có thể liên quan đến những chấn thương trong quá khứ.

Rối loạn điều hòa cảm xúc

Chấn thương
Sau khi bị chấn thường, người tập thể thao có thể gặp vấn đề về cảm xúc

Căng thẳng sau chấn thương có hai thái cực cảm xúc: Cảm thấy quá nhiều cảm xúc (choáng ngợp) hoặc quá ít cảm xúc (tê liệt). Một số người sống sót sau chấn thương gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc như tức giận, lo lắng, buồn bã và xấu hổ - điều này càng xảy ra nếu chấn thương xảy ra khi còn trẻ. Lạm dụng chất kích thích là một trong những phương pháp mà những người bị chấn thương sử dụng để cố gắng lấy lại khả năng kiểm soát cảm xúc, mặc dù cuối cùng lại gây ra rối loạn điều hòa cảm xúc hơn nữa. Người bệnh có thể cố gắng điều chỉnh cảm xúc bằng cách tham gia vào các hành vi có nguy cơ cao hoặc tự gây thương tích, ăn uống rối loạn, các hành vi cưỡng chế như cờ bạc hoặc làm việc quá sức, và kìm nén hoặc từ chối cảm xúc. Tuy nhiên, không phải tất cả các hành vi tự điều chỉnh đều bị coi là tiêu cực. Trên thực tế, một số người sẽ sáng tạo, sống lành mạnh hơn và tham gia vào các tổ chức xã hội.

Tê liệt cảm xúc

Tê liệt cảm xúc là tình trạng cảm xúc tách rời khỏi suy nghĩ, hành vi và ký ức. Người bệnh sẽ có biểu hiện che giấu cảm xúc bên trong, hạn chế tương tác và không có khả năng liên kết bất kỳ cảm xúc nào.

Thay đổi tâm lý

Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn cảm xúc sau chấn thương chú trọng nhiều đến các triệu chứng tâm lý, nhưng một số người bệnh có thể biểu hiện ban đầu bằng các triệu chứng về thể chất. Các triệu chứng và rối loạn thể chất phổ biến bao gồm rối loạn giấc ngủ; rối loạn tiêu hóa, tim mạch, thần kinh, cơ xương khớp, hô hấp, da liễu; vấn đề tiết niệu; và rối loạn sử dụng chất gây nghiện.

Rối loạn dạng cơ thể

Rối loạn bắt nguồn từ yếu tố tâm lý, cảm xúc nhưng người bệnh lại có triệu chứng về thể chất, mặc dù không phát hiện tổn thương thực thể nào qua xét nghiệm. Người bệnh rối loạn dạng cơ thể thường có biểu hiện mệt mỏi dai dẳng, cảm giác đau mơ hồ.

Rối loạn giấc ngủ

Triệu chứng phổ biến phát sinh từ sau chấn thương là chứng tăng cảnh giác, đặc trưng bởi rối loạn giấc ngủ, căng cơ và ngưỡng phản ứng giật mình thấp hơn và có thể tồn tại nhiều năm sau khi chấn thương xảy ra. Rối loạn giấc ngủ có thể xuất hiện dưới dạng thức sớm, ngủ không yên giấc, khó đi vào giấc ngủ và gặp ác mộng. Rối loạn giấc ngủ thường dai dẳng nhất ở những người bị căng thẳng liên quan đến chấn thương. Đây là một trong những tiêu chuẩn chẩn đoán chính cho rối loạn cảm xúc sau chấn thương.

Rối loạn nhận thức

Chấn thương có thể ảnh hưởng và thay đổi nhận thức. Các loại rối loạn nhận thức như nhận thức sai, ảo giác hoặc ảo tưởng, ký ức xâm nhập.

Mất ngủ sau chấn thương
Mất ngủ, căng thẳng là tình trạng có thể gặp phải sau khi bị chấn thương

3. Cách phòng ngừa và điều trị rối loạn cảm xúc sau chấn thương

  • Tạo một môi trường cho phép người bệnh kể lại sự kiện đau buồn, các chấn thương, cảm giác đau.
  • Tạo một môi trường an toàn cho người bệnh.
  • Tư vấn các biện pháp hỗ trợ khi cần thiết.
  • Giúp người bệnh hiểu các yếu tố khởi phát có thể xảy ra trước các phản ứng căng thẳng do sang chấn, bao gồm cả các phản ứng chậm trễ với chấn thương.
  • Kiểm soát đau tốt bằng cách kết hợp thuốc với liệu pháp tâm lý.
  • Tập thể dục, Yoga, Thiền
  • Dành thời gian cho gia đình, bạn bè và những người trong cộng đồng ( ví dụ như các thành viên trong tổ chức xã hội)

Tóm lại, chấn thương không chỉ gây cảm giác đau, tổn thương về thể chất mà còn ảnh hưởng lên cảm xúc. Điều trị sớm có thể giúp tránh được các vấn đề nghiêm trọng hơn như trầm cảm. Chấn thương thường được chữa lành với sự trợ giúp của các mối quan hệ, vì vậy người bệnh cần được kết nối với những người xung quanh. Cố gắng duy trì những thói quen lành mạnh như ăn, ngủ và tập thể dục theo lịch trình đều đặn có thể giảm bớt căng thẳng và giúp kiểm soát tốt cảm xúc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, ncbi.nlm.nih.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan