Hạch nổi sau cổ, gáy có đáng lo?

Hạch có chức năng chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh. Vì vậy bị hạch sau gáy có thể đang cảnh báo một bệnh lý nào đó. Vậy bị hạch sau gáy có nguy hiểm không? Cùng tìm hiểu câu trả lời qua bài viết sau đây.

1. Hạch là gì?

Hạch bạch huyết là một loại mô lympho xuất hiện ở nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể, từ nội tạng, ổ bụng cho đến mô mềm dưới da. Hạch có vai trò quan trọng trong việc phòng chống bệnh tật, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm. Sưng và đau là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi chạm vào các hạch bạch huyết. Hạch nổi trên cơ thể hầu hết đều lành tính nhưng đôi khi có thể là cảnh báo của một căn bệnh nguy hiểm.

Các hạch bạch huyết thường nằm ở cổ, trên xương đòn, nách, bẹn,... Chúng thường chìm nên chúng ta không nhận biết được và chỉ to lên khi chống lại với bệnh tật. Hạch bạch huyết có chức năng giống như hệ thống miễn dịch của cơ thể, tiêu diệt vi khuẩn, vi rút và các tế bào lạ khi chúng xâm nhập vào cơ thể.

2. Nguyên nhân bị hạch sau gáy

Hạch được tìm thấy hầu như trên khắp cơ thể chúng ta, từ các cơ quan nội tạng, bụng, đến mô mềm dưới da. Một số hạch dễ sờ thấy là hạch cổ (trước cổ, sau gáy...); vùng bẹn và nách... Tình trạng bị hạch nổi sau cổ có thể do một vài nguyên nhân như sau:

  • Các bệnh như viêm lợi, viêm họng, nhiễm trùng đường hô hấp trên...: Các hạch bạch huyết ở cổ nhận dịch bạch huyết từ cổ và đầu. Khi bị nhiễm trùng đầu và cổ do vi khuẩn, các hạch bạch huyết sẽ thu thập và tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng. Trong quá trình này, các hạch bạch huyết có thể sưng lên và xuất hiện ở nhiều vị trí ở cổ, kể cả vùng gáy. Tình trạng sưng tấy sẽ hết sau khi hết nhiễm trùng;
  • Viêm khớp dạng thấp, HIV-AIDS và lupus ban đỏ hệ thống cũng có thể gây ra hạch nổi sau cổ;
  • Do tác dụng của một số loại thuốc và vắc xin đối với bệnh thương hàn, quai bị và sởi;
  • Ung thư: Các bệnh ung thư như ung thư vòm họng và ung thư tuyến giáp có thể gây sưng hạch sau gáy.
Hạch sau gáy
Hạch sau gáy có thể đang cảnh báo một bệnh lý nào đó

3. Hạch sau gáy có nguy hiểm không?

Khi bị hạch sau gáy, mọi người thường lo sợ mắc những căn bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, hạch sau gáy có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sau:

  • Nổi hạch nhưng không đau: Không phải loại hạch nào xuất hiện cũng cần điều trị, vì có những loại lành tính. Đặc biệt với những loại hạch không gây sốt hay đau đớn. Với loại này, hạch sẽ tự biến mất sau vài ngày.
  • Nếu các hạch bạch huyết bị sưng, đau hoặc có mủ: Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp người do tâm lý chủ quan, thiếu hiểu biết nên không để ý đến việc nổi hạch sau gáy. Đặc biệt khi nổi hạch sau cổ kèm theo triệu chứng sưng, đau sau gáy hoặc có mủ thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý nào đó. Trong trường hợp hạch sưng to do nhiễm trùng và tự khỏi sau vài ngày lành thì không có gì phải lo lắng.
  • Cảnh báo ung thư: Các hạch bạch huyết do ung thư sẽ không biến mất và có xu hướng trở nên lớn hơn, ít di động, thường không đau và số lượng ngày càng tăng. Đặc biệt là hạch sau gáy xuất hiện kèm theo sốt, đổ mồ hôi vào ban đêm, khó nuốt...

Nhìn chung, hạch sau gáy có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Khi thấy hạch xuất hiện, bạn nên theo dõi xem tình trạng của hạch như thế nào. Nếu sau vài ngày biến mất thì không cần lo lắng. Tuy nhiên nếu kèm theo các dấu hiệu khác hay hạch ngày càng to hơn thì nên đến bệnh viện để kiểm tra.

Hạch sau gáy
Hạch sau gáy có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố

4. Điều trị hạch sau gáy như thế nào?

Thông thường, người bị hạch sau gáy thường lo lắng và tìm cách điều trị. Tuy nhiên đối với những loại hạch lành tính, người bệnh không cần quá lo lắng và chỉ cần theo dõi vài ngày thì loại hạch này sẽ biến mất. Tuy nhiên đối với tình trạng hạch nổi sau cổ bị sưng đau, người bệnh nên đến bệnh viện để được điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra:

  • Hạch sau gáy do vi khuẩn gây nhiễm trùng: Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh. Sau khi tình trạng nhiễm trùng khỏi, hạch sẽ tự nhiên biến mất và cơ thể sẽ trở lại bình thường.
  • Hạch sau gáy do rối loạn miễn dịch: Điều trị các nguyên nhân chính gây ra, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp hay lupus ban đỏ hệ thống.
  • Hạch nổi sau cổ do ung thư: Các phương pháp điều trị được sử dụng tùy thuộc vào loại ung thư.

Bên cạnh đó, một số phương pháp điều trị hạch sau cổ tại nhà thường được bác sĩ khuyến cáo sử dụng bao gồm:

  • Chườm nóng: Nhúng khăn vào nước nóng, vắt ráo nước và chườm để giảm sưng hạch bạch huyết ở sau cổ.
  • Sử dụng thuốc giảm đau: Người bị hạch sau gáy có thể mua thuốc giảm đau không cần kê toa để sử dụng. Một số loại thuốc giảm đau được khuyến nghị bao gồm IbuprofenAcetaminophen.
  • Nghỉ ngơi: Không nên làm việc quá sức, nghỉ ngơi đầy đủ, khoa học để cơ thể nhanh chóng hồi phục và tình trạng hạch sau cổ sẽ nhanh chóng biến mất.

Không phải ai cũng có thể phân biệt được hạch lành tính và ác tính, thực tế tính chất hạch còn thay đổi tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh. Vì vậy, ngay khi có triệu chứng hạch nổi bất thường không rõ nguyên nhân, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên nghiệp, uy tín để được khám chẩn đoán chính xác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

254.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan