Hướng dẫn chăm sóc dự phòng cho nữ giới tuổi 60

Việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi 60 bao gồm thực hiện các xét nghiệm sàng lọc quan trọng, kết hợp với việc tiêm chủng và duy trì một chế độ vận động, ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Nhờ đó, phụ nữ 60 tuổi luôn khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần.

1. Các xét nghiệm sàng lọc cơ bản cho phụ nữ 60 tuổi

Việc cần làm đầu tiên khi chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi 60 chính là thực hiện các xét nghiệm sàng lọc. Nhờ đó, bác sĩ có thể đánh giá tổng quát sức khỏe của bạn, kịp thời phát hiện những bệnh lý bạn mắc phải và có biện pháp thay đổi lối sống, theo dõi sát sao hơn hoặc điều trị hiệu quả nhất.

Các xét nghiệm sàng lọc quan trọng gồm:

  • Bệnh tiểu đường tuýp 2 hoặc tiền tiểu đường: Thực hiện tầm soát ở tất cả người trưởng thành bắt đầu từ năm 45 tuổi và người trưởng thành không có triệu chứng nhưng bị thừa cân hoặc béo phì, có thêm 1 hoặc nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Tần suất tầm soát là tối thiểu 3 năm/lần;
  • Lạm dụng rượu: Thực hiện tầm soát ở tất cả những người trưởng thành tại các đợt khám sức khỏe định kỳ;
  • Huyết áp: Thực hiện kiểm tra ở tất cả những người trưởng thành. Tần suất kiểm tra là thực hiện hằng năm nếu huyết áp của bạn bình thường (dưới 120/80 mmHg). Nếu chỉ số huyết áp của bạn cao hơn bình thường thì bạn cần làm theo lời khuyên của bác sĩ về việc thay đổi lối sống và có thể cần đi khám tầm soát thường xuyên hơn;
  • Ung thư vú: Thực hiện tầm soát ở tất cả phụ nữ. Nên thực hiện chụp X-quang tuyến vú hằng năm;
  • Ung thư cổ tử cung: Thực hiện tầm soát ở tất cả phụ nữ, trừ những người đã cắt bỏ tử cung và cổ tử cung vì những nguyên nhân không do ung thư cổ tử cung và không có tiền sử ung thư cổ tử cung hoặc tiền ung thư nghiêm trọng. Nên thực hiện xét nghiệm Pap smear (phết tế bào cổ tử cung) mỗi 3 năm/lần hoặc xét nghiệm Pap smear kết hợp với xét nghiệm HPV mỗi 5 năm/lần;
  • Chlamydia: Thực hiện xét nghiệm ở những phụ nữ có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn tại các đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ;
  • Ung thư đại trực tràng: Thực hiện tầm soát ở tất cả những phụ nữ có nguy cơ trung bình ở nhóm tuổi 60. Đối với các xét nghiệm tìm polyp đại trực tràng, có thể thực hiện nội soi đại tràng sigma 5 năm/lần hoặc nội soi đại tràng 10 năm/lần hoặc chụp CT đại tràng (nội soi đại tràng ảo) 5 năm/lần. Đối với các xét nghiệm tìm ung thư thì có thể thực hiện xét nghiệm máu ẩn trong phân hằng năm hoặc kiểm tra hóa chất miễn dịch trong phân hằng năm hoặc xét nghiệm DNA trong phân mỗi 3 năm/lần. Tần suất tái khám tùy thuộc vào sức khỏe của bệnh nhân;
  • Lo âu: Thực hiện tầm soát ở tất cả những người trưởng thành tại các đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ;
  • Bệnh da liễu: Thực hiện tầm soát ở phụ nữ 60 tuổi có hoạt động tình dục có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn. Tần suất kiểm tra là khám định kỳ nếu có nguy cơ mắc bệnh;
  • Viêm gan C: Thực hiện tầm soát ở người trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh cao hoặc tầm soát 1 lần cho những người sinh từ năm 1945 -1965. Tần suất tầm soát là khám định kỳ nếu có nguy cơ mắc bệnh;
  • HIV: Thực hiện tầm soát ở tất cả phụ nữ và tần suất kiểm tra là khám định kỳ nếu có nguy cơ;
  • Cholesterol và chất béo trung tính cao: Thực hiện kiểm tra ở tất cả phụ nữ trên 45 tuổi có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao. Tần suất xét nghiệm là ít nhất 5 năm/lần;
  • Béo phì: Thực hiện tầm soát ở tất cả người trưởng thành tại các đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ;
  • Ung thư phổi: Thực hiện tầm soát ở những người từ 55 - 80 tuổi có thói quen hút thuốc. Nên kiểm tra hằng năm ở những người có tiền sử hút thuốc 30 gói/năm hoặc những người đã bỏ thuốc trong vòng 15 năm;
  • Loãng xương, phụ nữ sau mãn kinh: Thực hiện tầm soát ở phụ nữ ở độ tuổi 60 có nguy cơ cao bị gãy xương do loãng xương. Tần suất kiểm tra tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ;
  • Bệnh giang mai: Thực hiện sàng lọc ở người trưởng thành có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn và nên khám định kỳ nếu có nguy cơ;
  • Bệnh lao: Thực hiện sàng lọc ở người trưởng thành có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn. Tần suất kiểm tra tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ;
  • Thị giác: Thực hiện kiểm tra ở tất cả người trưởng thành. Tần suất kiểm tra tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ.
Phụ nữ 60 tuổi
Chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi 60 bằng cách thực hiện các xét nghiệm sàng lọc

2. Nhận sự tư vấn trong quá trình chăm sóc sức khỏe tuổi 60

Trong quá trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi 60, bạn cần được bác sĩ tư vấn cho các vấn đề như:

  • Sử dụng Aspirin để ngăn ngừa các vấn đề tim mạch: Tư vấn thực hiện cho người trưởng thành có nguy cơ, khuyên dùng cho phụ nữ từ 55 - 79 tuổi vì lợi ích giảm đột quỵ cao hơn so với tác hại tiềm ẩn (xuất huyết tiêu hóa). Việc sử dụng sẽ được chỉ định bởi bác sĩ;
  • Ung thư vú phòng ngừa bằng hóa chất: Tư vấn thực hiện cho phụ nữ có nguy cơ cao. Việc sử dụng sẽ được chỉ định bởi bác sĩ;
  • Thử nghiệm đột biến BRCA để xác định ung thư vú và ung thư buồng trứng: Tư vấn thực hiện cho phụ nữ có nguy cơ cao. Việc sử dụng sẽ được chỉ định bởi bác sĩ;
  • Ăn kiêng và tập thể dục: Tư vấn áp dụng cho phụ nữ thừa cân hoặc béo phì. Việc này sẽ được thực hiện khi phụ nữ 60 tuổi được chẩn đoán các tình trạng trên;
  • Phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục: Tư vấn cho người trưởng thành có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, thực hiện tại các đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ;
  • Sử dụng thuốc lá và các bệnh liên quan tới thuốc lá: Tư vấn cho tất cả các người trưởng thành ở mỗi đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ.

3. Tiêm vắc-xin phòng ngừa một số bệnh lý

Khi chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi 60, không thể không đề cập tới việc tiêm một số loại vắc-xin phòng bệnh. Cụ thể:

  • Haemophilus influenzae loại B: Dành cho người có nguy cơ mắc bệnh, thực hiện tiêm 1 - 3 liều;
  • Vắc-xin ngừa uốn ván, bạch hầu, ho gà: Dành cho tất cả người trưởng thành. Thực hiện tiêm 1 lần, sau đó cứ cách 10 năm tại tiêm 1 lần;
  • Sởi, quai bị, rubella: Dành cho người đến cuối những năm 50 tuổi vẫn không bị nhiễm bệnh trước đó hoặc đã được tiêm chủng. Liều tiêm là 1 - 2 mũi;
  • Thủy đậu: Tiêm ngừa cho người từ 50 - 64 tuổi không bị nhiễm bệnh trước đó hoặc đã được tiêm chủng. Liều tiêm là 2 mũi, mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 4 tuần;
  • Cúm mùa: Dành cho tất cả người trưởng thành, tiêm hằng năm khi vắc-xin có sẵn trong cộng đồng;
  • Viêm gan A: Tiêm cho đối tượng gặp rủi ro, tiêm 2 liều cách nhau ít nhất 6 tháng;
  • Viêm gan B: Tiêm cho người trưởng thành có nguy cơ cao. Liều tiêm gồm 3 mũi: mũi 2 cách mũi 1 khoảng 1 tháng, mũi 2 cách mũi 2 ít nhất 2 tháng (cách mũi 1 ít nhất 4 tháng);
  • Viêm não mô cầu: Tiêm cho người có nguy cơ mắc bệnh, tiêm 1 hoặc nhiều liều;
  • Phế cầu khuẩn: Tiêm cho những người có nguy cơ mắc bệnh. Với PCV13 thì tiêm 1 liều cho độ tuổi từ 19 - 65 (bảo vệ chống lại 13 chủng vi khuẩn phế cầu). Với PPSV23 thì tiêm 1 - 2 liều cho tới tuổi 64 hoặc 1 liều ở tuổi 65 trở lên (bảo vệ chống lại 23 chủng vi khuẩn phế cầu);
  • Herpes Zoster: Tiêm cho tất cả phụ nữ từ 60 tuổi trở nên, tiêm 1 liều.
Chăm sóc sức khỏe tuổi 60
Tiêm vắc-xin là vấn đề quan trọng khi chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi 60

4. Lưu ý xây dựng một chế độ sinh hoạt lành mạnh

Khi chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi 60, bạn cần chú ý những khuyến nghị dưới đây để ngăn ngừa được những bệnh lý không mong muốn:

  • Không hút thuốc lá;
  • Có một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh để duy trì sức mạnh cơ bắp và trọng lượng cơ thể hợp lý. Bạn nên ăn các thực phẩm tốt cho sức khỏe như trái cây, rau củ, ngũ cốc, thịt nạc, thịt gia cầm, cá, sữa, sữa chua, phô mai,... Bạn cũng cần hạn chế thực phẩm có chứa chất béo bão hòa, nhiều muối, đường;
  • Hạn chế uống rượu bia vì khi bạn lớn tuổi thì rượu sẽ càng gây hại nhiều hơn cho sức khỏe;
  • Tích cực hoạt động thể chất bằng cách dành tối thiểu 30 phút/ngày để tập luyện trong hầu hết các ngày trong tuần. Việc hoạt động thể chất với cường độ vừa phải giúp mang lại cho bạn nhiều năng lượng, làm tăng nhịp tim,... Bạn nên ưu tiên những bài tập sức mạnh, rèn luyện tính linh hoạt và sự thăng bằng để duy trì cơ bắp, giúp xương chắc khỏe hơn và giảm nguy cơ té ngã.

Phụ nữ 60 tuổi nên lưu ý thực hiện theo những khuyến nghị kể trên để có một sức khỏe tốt và tinh thần thoải mái, lạc quan. Trong trường hợp có bất kỳ một triệu chứng, dấu hiệu khác thường, hãy đến cơ sở y tế để thăm khám, chẩn đoán và nhận sự tư vấn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

518 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan