Mất ngủ ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch như thế nào?

Một trong những vai trò quan trọng của giấc ngủ đó là xây dựng hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Do đó, khi bị mất ngủ nghiêm trọng thì hệ thống miễn dịch không thể hoạt động tốt và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới vi sinh vật.

1. Hệ thống miễn dịch hoạt động như thế nào?

Các hệ thống miễn dịch là một mạng lưới phức tạp trong toàn bộ cơ thể giúp chống lại bệnh tật nhờ nhiều cơ chế bảo vệ khác nhau.

Hệ miễn dịch được thường được chia thành 2 loại chính:

  • Miễn dịch bẩm sinh: Sinh ra đã có, bảo vệ cơ thể chống các tác nhân gây bệnh theo một cách nhất định. Loại miễn dịch này bao gồm da, niêm mạc, chất tiết, bạch cầu, đại thực bào, các bổ thể...
  • Miễn dịch đặc hiệu: Còn được gọi là miễn dịch thu được, bao gồm khả năng phòng tránh những tác nhân gây bệnh cụ thể,. Với mỗi loại tác nhân khác lại có cách đáp ứng khác nhau.

Các bước đáp ứng miễn dịch của cơ thể:

  • Khi các tác nhân lạ xâm nhập vào có thể, ngay lập tức nó bị ngăn cản bởi các yếu tố miễn dịch không đặc hiệu.
  • Nếu như chúng có thể vượt qua được hàng rào trước đó thì sẽ đến hàng rào tế bào tiếp theo. Chúng sẽ gặp phải thực bào và bị dính vào nó nhờ các receptor trên bề mặt tế bào. Tiếp đến, màng tế bào sẽ lõm vào bao lấy vi sinh vật rồi đóng kín tạo thành các hốc thực bào. Cuối cùng, các hạt lysosome tiến đến và để tiêu diệt tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể.
  • Cuối cùng, khi các hàng rào miễn dịch không đặc hiệu không thể tiêu diệt được vi sinh vật thì sẽ trình diện kháng nguyên lạ và kích hoạt hệ thống miễn dịch đặc hiệu. Hệ thống miễn dịch đặc hiệu là tế bào lympho B và T.
  • Các miễn dịch này sinh ra để tiêu diệt vi sinh vật. Trường hợp hệ miễn dịch tốt hay tác nhân gây bệnh không quá mạnh thì cơ thể có thể tiêu diệt. Thời gian ghi nhớ tùy từng tác nhân gây bệnh, có thể ngắn hay dài, thậm chí một số loại duy trì miễn dịch cả đời.
  • Một số trường hợp cơ thể sức đề kháng yếu không thể tiêu diệt được các tác nhân thì sẽ gây ra tình trạng bệnh nặng nề.

Một người có đáp ứng miễn dịch cân bằng thì sẽ duy trì hoạt động tốt, bởi mỗi ngày chúng ta tiếp xúc với vô số tác nhân gây bệnh và hệ miễn dịch cần làm việc hiệu quả hàng ngày.

Tuy nhiên, nếu một tác nhân nào đó dẫn tới sự mất cân bằng hệ miễn dịch thì sẽ gây ra mối nguy hại cho sức khỏe. Ngoài chế độ ăn uống, sinh hoạt, một trong những tác nhân dẫn tới sự giảm đáp ứng miễn dịch đó là mất ngủ nghiêm trọng.

mất ngủ nghiêm trọng
Nhiều nghiên cứu cho thấy mất ngủ suy giảm miễn dịch ở người bệnh

2. Tình trạng mất ngủ gây suy giảm miễn dịch như thế nào?

Trong nhiều nghiên cứu kéo dài, người ta càng thấy có sự liên quan rõ ràng giấc ngủ và hệ thống miễn dịch.

Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng giấc ngủ và hệ thống miễn dịch có mối quan hệ 2 chiều. Điều này có nghĩa là nếu bị nhiễm vi sinh vật và cơ thể đáp ứng miễn dịch để chống lại tác nhân gây bệnh thì sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ. Còn việc ngủ đủ giấc lại giúp củng cố hệ thống miễn dịch.

Ngoài ra, các nghiên cứu còn chỉ ra rằng thiếu ngủ có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch. Dù chỉ với những tác nhân thông thường thì việc thiếu ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục sức khỏe nếu như bạn bị ốm.

Có thể giải thích việc mất ngủ suy giảm miễn dịch thông qua những yếu tố sau:

  • Trong khi ngủ, hệ thống miễn dịch của bạn giải phóng các protein được gọi là cytokine. Thiếu ngủ sẽ làm giảm sản xuất các cytokine bảo vệ này.
  • Các kháng thể và tế bào chống nhiễm trùng bị giảm đi nếu không ngủ đủ giấc. Thông qua đo lường và đánh giá thì người ta thấy tế bào lympho của cơ thể giảm xuống nếu như không ngủ đủ giấc.
  • Khi bị bệnh hoặc chấn thương, phản ứng viêm có thể giúp phục hồi, củng cố khả năng miễn dịch bẩm sinh và thích ứng khi cơ thể hoạt động để sửa chữa vết thương, chống lại nhiễm trùng. Phản ứng viêm hoạt động tốt hơn khi bạn ngủ, giúp giải phóng năng lượng cho hệ thống miễn dịch.
  • Hormone Melatonin là một loại hormone thúc đẩy giấc ngủ được sản xuất vào ban đêm, có khả năng chống lại căng thẳng do viêm.
  • Ảnh hưởng tới phản ứng sốt: Khi cơ thể bị nhiễm vi sinh vật thì chúng ta thường thấy nhiệt độ cơ thể tăng lên. Tăng tới một mức nào đó thì được gọi là sốt. Đây là một đáp ứng miễn dịch tốt đối với chúng ta. Đặc biệt, việc ngủ đủ sẽ phản ứng với cơn sốt tốt hơn, giúp cơ thể chống nhiễm trùng tốt nhất có thể.
  • Mất ngủ làm giảm đáp ứng của vắc-xin: Tiêm vắc-xin là một loại tạo đáp ứng miễn dịch chủ động. Nhưng các nghiên cứu thấy rằng khi thiếu ngủ thì cơ thể sẽ tạo ít kháng thể hơn đối với một số loại vắc-xin. Cơ thể chúng ta mất nhiều thời gian hơn để đáp ứng với việc chủng ngừa. Như vậy, những người ngủ không đủ giấc có thể không cho cơ thể đủ thời gian để phát triển trí nhớ miễn dịch, khiến họ không được bảo vệ mặc dù đã được tiêm phòng.
nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Mất ngủ nghiêm trọng làm giảm sản xuất cytokine ảnh hưởng tới hệ miễn dịch

3. Làm gì để giảm tình trạng mất ngủ và tăng cường hệ miễn dịch?

Mất ngủ, hệ miễn dịch là 2 yếu tố có những liên quan mật thiết với nhau. Thông thường thời lượng ngủ tối ưu đối với hầu hết người lớn là từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm; thanh thiếu niên cần ngủ từ 9 đến 10 giờ; còn trẻ em trong độ tuổi đi học nên ngủ 10 giờ hoặc hơn.

Để cải thiện giấc ngủ, bạn có thể bắt đầu bằng cách tập trung vào thói quen và thay đổi môi trường phù hợp. Chẳng hạn như có một lịch trình ngủ cố định mỗi ngày và tránh sử dụng điện thoại di động trên giường; tập thể dục đều đặn, thư giãn trước khi ngủ; tạo môi trường ngủ phù hợp, phòng thoáng và tránh ánh sáng cũng như tiếng ồn...

Ngoài ra, chế độ ăn uống và tập luyện cũng rất quan trọng để bạn có thể tăng cường hệ thống miễn dịch. Cho nên, cần đảm bảo chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng, tập luyện thường xuyên và ngủ đủ giấc để hệ miễn dịch luôn khỏe mạnh.

Mất ngủ suy giảm miễn dịch khiến chúng ta thường xuyên bị ốm, ảnh hưởng không ít tới chất lượng cuộc sống và sức khỏe. Vì vậy, bạn nên cố gắng ngủ đủ và chất lượng mỗi ngày để có cuộc sống khỏe mạnh hơn. Trong trường hợp gặp phải vấn đề mất ngủ nghiêm trọng hoặc mạn tính thì cần phải gặp chuyên gia y tế để xác định căn nguyên và điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, webmd.com, sleepfoundation.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan