Nơi làm việc của bạn có “độc hại” không?

Môi trường làm việc độc hại là định nghĩa không chỉ ám chỉ các cơ sở làm việc có môi trường ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người mà còn bao gồm các yếu tố khác như nhà lãnh đạo kém, tính cách đồng nghiệp không phù hợp hay tinh thần lao động thấp. Môi trường làm việc không tốt có thể khiến người lao động cảm thấy sợ hãi vào mỗi buổi sáng đầu tuần và gây ảnh hưởng lâu dài đến tinh thần sau thời gian dài làm việc tại đây.

1. Những yếu tố nào có thể gây ra một môi trường làm việc độc hại?

Môi trường làm việc độc hại có thể là bất cứ đâu nếu có những điều kiện phù hợp tác động, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid hoành hành trên toàn thế giới và người lao động phải thích nghi với một cung cách làm việc mới- làm việc từ xa. Những yếu tố có thể tác động vào môi trường làm việc gồm có:

  • Một nhà lãnh đạo “độc hại”

Những nhà lãnh đạo có xu hướng thao túng và bóp méo sự thật nhằm thu lại lợi ích cả nhân có thể tạo ra những môi trường làm việc thiếu sự minh bạch, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của người lao động.

Ngoài ra những người sếp này còn cố gắng bóc lột, khai thác nhân viên cho mục đích riêng bất chấp đến cảm xúc của họ. Bên ngoài những người lãnh đạo này luôn tỏ ra hết mình với công việc, mọi việc họ làm đều là vì sự phát triển của doanh nghiệp tuy nhiên mục tiêu thực sự của họ lại chính là cải thiện thu nhập và đời sống của bản thân.

  • Sự “độc hại” trong các mối quan hệ đồng nghiệp

Những người đồng nghiệp mang thiên hướng “độc hại” sẽ luôn phàn nàn về công việc, môi trường làm việc khiến bạn cảm thấy khó có thể tin tưởng. Hơn thế nữa, thái độ cư xử tiêu cực này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất làm việc khi họ liên tục đổ lỗi cho những thất bại trong công việc chung, bao biện và không bao giờ nhận trách nhiệm.

Sự cộng hưởng giữa tính cách của những người đồng nghiệp này với một môi trường làm việc đã có sẵn sự “độc hại” sẽ càng khiến cho các mối quan hệ trở nên phức tạp và căng thẳng hơn.

  • Một hệ thống vận hành “độc hại”

Ngay cả khi có được một người lãnh đạo tốt và các mối quan hệ đồng nghiệp thân thiện thì cách vận hành trong hệ thống doanh nghiệp có thể tạo ra một môi trường làm việc độc hại theo cách riêng của nó.

Sự thiếu giao tiếp trong công việc là một ví dụ điển hình trong việc tạo nên môi trường làm việc độc hại khi ban lãnh đạo không đưa ra một cách rõ ràng các tiêu chí của công việc, trong khi nhân viên lại không thể hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Mọi người như đang không hướng về cùng một mục tiêu chung và cuối cùng sẽ nảy sinh mâu thuẫn.

Một ví dụ khác có thể kể đến là khi nhân viên không được cung cấp bất kỳ phương thức nào để nâng cao nghiệp vụ và khả năng của mình. Mỗi nhân viên đều có thể cảm thấy đơn độc khi phải hoàn thành mọi việc mà không được trang bị các kiến thức cần thiết, những khóa đào tạo để đem lại giá trị cho công ty.

Hiện nay, làm việc từ xa (work from home) đang tạo ra một kiểu môi trường “độc hại” mới khi mọi người chỉ có thể nhìn thấy nhau qua màn hình trực tuyến, sự hỗ trợ và tương tác cần thiết giữa đồng nghiệp không được khai thác một cách triệt để và điều này có thể tạo nên một tâm lý tiêu cực cho người lao động.

môi trường làm việc độc hại
Sự “độc hại” trong các mối quan hệ đồng nghiệp tạo ra những môi trường làm việc độc hại

2. Môi trường làm việc “độc hại” ảnh hưởng đến người lao động như thế nào?

Những áp lực trong môi trường làm việc độc hại sẽ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực tới năng suất làm việc và cuộc sống của người lao động. Họ dễ trở nên cáu gắt hay chán nản hơn khi đối mặt với những khó khăn, luôn có cảm giác phải cạnh tranh và chạy đua liên tục trước khi bị đào thải. Hơn thế nữa, những người không có khả năng tách biệt cuộc sống tại nơi làm việc với đời sống thực có thể vô tình mang tới những trải nghiệm tiêu cực cho gia đình, người thân và bạn bè. Điều này càng khiến cho những nguồn động viên tinh thần từ các mối quan hệ gia đình trở nên hạn chế tạo nên một vòng xoáy áp lực từ công việc, gia đình, xã hội không thể giải quyết được.

Việc mang những sự ức chế và “độc hại” từ nơi làm việc về nhà cũng có thể gây ra hậu quả về sức khỏe mà bạn không thể ngờ tới. Các triệu chứng như đau đầu, mất ngủ, đau lưng và các tình trạng suy giảm thể chất khác rất thường gặp ở người lao động làm việc trong môi trường “độc hại”. Việc chú ý đến những biểu hiện bất thường của cơ thể cũng góp phần đánh giá xem môi trường làm việc của bạn có “độc hại” và có nên thay đổi môi trường làm việc không?

3. Cần làm gì khi phải ở trong môi trường làm việc “độc hại”?

Người lao động cũng cần biết tự bảo vệ bản thân khi làm việc trong môi trường “độc hại” theo những phương thức sau:

  • Tập trung vào chuyên môn của mình: Việc bỏ qua những vấn đề bên lề và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao sẽ giúp bạn tránh khỏi những tác động tiêu cực từ lãnh đạo và đồng nghiệp;
  • Xác thực những yêu cầu được giao: Việc trao đổi cụ thể với người hướng dẫn về cách hiểu của bạn đối với nhiệm vụ được giao sẽ giúp bạn tránh được những sai sót hay bất đồng suy nghĩ không đang có trong công việc;
  • Hạn chế tiếp xúc với những người “độc hại”: Nếu có thể nên hạn chế những cuộc trao đổi hay họp riêng với những người mà bạn cho là có tính cách “độc hại” đối với công việc của bạn. Việc có những người khác ở bên cạnh có thể giúp bạn tránh khỏi việc bị tấn công bởi những người này;
  • Nhờ người khác đánh giá môi trường làm việc: Đánh giá khách quan từ những người bạn hay đồng nghiệp ở bộ phận khác có thể giúp bạn có cái nhìn đúng đắn về môi trường làm việc của mình. Từ đó có thể đưa ra kết luận thực tế nhất về nơi bạn đang làm việc và có những giải pháp đối diện tốt hơn;
  • Quản lý “ngược”: Nhân viên nên có những cuộc nói chuyện thẳng thắn và minh bạch với người hướng dẫn hay lãnh đạo về những khó khăn trong công việc khiến bạn không thể chịu được. Điều này sẽ có những tác động nhất định đến những người cấp cao hơn để ít nhất là suy nghĩ về việc thay đổi môi trường làm việc;
  • Thôi việc: Đây có vẻ là một biện pháp tiêu cực nhưng thực ra điều đơn giản nhất để thoát khỏi một môi trường làm việc “độc hại”. Tuy nhiên cần phải cân nhắc ưu điểm và nhược điểm mà nó có thể mang lại để tránh phải tiếp tục đối mặt với những khó khăn hậu thất nghiệp.
môi trường làm việc độc hại
Những áp lực trong môi trường làm việc độc hại sẽ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực tới năng suất làm việc

Tóm lại, môi trường làm việc độc hại có thể khiến người lao động cảm thấy sợ hãi vào mỗi buổi sáng đầu tuần và gây ảnh hưởng lâu dài đến tinh thần sau thời gian dài làm việc tại đây. Do đó, nhận biết nơi làm việc có độc hại không sẽ giúp bạn có phương hướng giải quyết chính xác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan