Trà xô thơm: Công dụng và những lưu ý khi dùng

Trà xô thơm từ lâu đã được sử dụng như một loại thuốc hàng ngày mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Vậy công dụng và một số lưu ý khi dùng trà xô thơm là gì?

Cây xô thơm có tên khoa học là Salvia officinalis, là loại cây thuộc họ với cây bạc hà, thường được người phương Tây trồng trong vườn để vừa làm cây cảnh, vừa làm gia vị thảo mộc trong nấu ăn hoặc chiết xuất thành tinh dầu, chế biến thành trà xô thơm.

Có nhiều loại xô thơm khác nhau nhưng phổ biến hơn cả là xô thơm thông thường (sage) và xô thơm Tây Ban Nha (Spanish sage). Trà xô thơm là thức uống có nhiều công dụng đối với sức khỏe, đặc biệt là phụ nữ. Bạn có thể uống trà xô thơm cùng chanh hoặc mật ong.

1. Công dụng trà xô thơm

Một vài công dụng nổi bật của trà xô thơm phải kể đến như:

  • Chống viêm, chống oxy hóa: Trà xô thơm chứa nhiều chất chống oxy hóa để chống lại các gốc tự do có hại gây ra bệnh mãn tính, trong đó có axit rosmarinic là chất có khả năng chống viêm. Ngoài ra, lá cây xô thơm còn có một số hợp chất thực vật giúp tăng cường sức khỏe như Carnosol.
  • Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường: Các hợp chất thực vật có trong trà xô thơm có khả năng làm giảm lượng đường trong máu lúc đói, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường và giúp phòng ngừa chứng rối loạn đường huyết.
  • Tăng cường quá trình lưu thông máu: Trà xô thơm giàu sắt giúp kích thích sản xuất tế bào hồng cầu. Ngoài ra, một lượng vitamin K vừa phải trong lá cây xô thơm có tác dụng thúc đẩy lưu thông máu trong cơ thể tốt hơn, chống đông máu.
  • Bảo vệ sức khỏe răng miệng: Với đặc tính kháng khuẩn và chống viêm, uống trà xô thơm có thể giảm chứng hôi miệng, đau họng và tăng cường bảo vệ sức khỏe răng miệng.
tra-xo-thom-cong-dung-va-nhung-luu-y-khi-dung-1
Trà xô thơm có tác dụng bảo vệ sức khỏe răng miệng
  • Chống lão hóa, chữa lành vết thương trên da: Các chất chống oxy hóa như axit rosmarinic và carnosol trong trà xô thơm có tác dụng chống lão hóa, ngăn ngừa nếp nhăn hình thành cũng như bảo vệ da do ánh nắng mặt trời gây ra, đồng thời chống nấm và vi khuẩn gây hại cho da.
  • Giảm các triệu chứng của giai đoạn mãn kinh: Phụ nữ giai đoạn mãn kinh nếu uống trà xô thơm thường xuyên có thể giúp làm giảm các triệu chứng như bốc hỏa, tiểu nhiều, khó ngủ, đổ mồ hôi về đêm, tâm trạng thay đổi thất thường.
  • Hỗ trợ giảm cân: Trà xô thơm có khả năng làm giảm cholesterol có hại trong máu, tăng cường quá trình trao đổi chất, do đó giúp giảm thừa cân béo phì. Cùng với các chất chống oxy hóa, trà xô thơm giúp giảm nguy cơ chất béo tồn tại lâu bên trong cơ thể.

Thanh lọc, thải độc cơ thể: Trà xô thơm có tác dụng lợi tiểu, vì vậy kích thích quá trình thanh lọc, thải độc ở gan, thận.

2. Lưu ý khi dùng trà xô thơm

Có nhiều loại cây xô thơm khác nhau, vì vậy thành phần hóa chất và công dụng cũng sẽ khác nhau. Ví dụ như hợp chất thujone được tìm thấy trong một số loại xô thơm có khả năng gây hại đối với gan, thận nếu sử dụng quá nhiều.

tra-xo-thom-cong-dung-va-nhung-luu-y-khi-dung-2
Hợp chất thujone trong cây trà xô thơm có thể gây hại cho gan, thận

Tác dụng phụ của trà xô thơm rất hiếm gặp, tuy nhiên chúng ta cũng cần lưu ý và thận trọng, không nên uống trà xô thơm nhiều hơn 4 tháng và vượt liều dùng mỗi ngày (chỉ nên dùng khoảng 300ml trà/ngày) để tránh gây ra những triệu chứng không mong muốn sau:

  • Tụt huyết áp: Nếu vừa dùng thuốc hạ huyết áp vừa uống trà xô thơm, có thể gây tụt huyết áp nhanh chóng, khi đó người bệnh sẽ có biểu hiện khó chịu, đổ mồ hôi lạnh và chóng mặt. Vì vậy, người mắc bệnh huyết áp và đang dùng thuốc điều trị cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng trà từ lá cây xô thơm.
  • Co giật, động kinh: Uống quá nhiều trà xô thơm có thể làm tăng nồng độ chất thujone trong máu và dẫn đến chứng co giật, động kinh. Vì vậy, người mắc bệnh động kinh không nên sử dụng trà xô thơm.
  • Ảnh hưởng đến bệnh đái tháo đường: Hợp chất có tác dụng hạ đường huyết của trà xô thơm có thể tương tác với một số loại thuốc khác và gây ra hiện tượng sốc insulin, ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh đái tháo đường.
  • Rối loạn nội tiết tố: Với tác dụng điều hòa các triệu chứng mãn kinh, trà xô thơm nếu lạm dụng có thể gây rối loạn nội tiết tố trong cơ thể, đặc biệt là hormone estrogen - nguyên nhân dẫn đến một số bệnh ung thư nghiêm trọng ở phụ nữ. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng trà xô thơm nếu bị mắc bệnh về nội tiết tố.
  • Trà xô thơm không phù hợp với những nhóm đối tượng bao gồm: Người bị suy gan, suy thận không được sử dụng trà xô thơm vì có thể làm bệnh trở nên tồi tệ hơn. Phụ nữ đang mang thai uống trà xô thơm có thể gây sảy thai, còn nếu đang nuôi con cho bú có thể làm giảm tiết sữa mẹ. Bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật cũng tránh sử dụng trà xô thơm trước khi phẫu thuật khoảng 15 ngày.

Khi đã hiểu rõ những lợi ích và hạn chế của trà xô thơm, bạn nên lưu ý trong quá trình sử dụng để đạt được hiệu quả tối ưu từ loại trà này mang đến cho sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan