30 tuổi có thể bị tiểu đường không?

Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính thường gặp nhất và là nguyên nhân tử vong thứ 3 trong số các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam sau tim mạch và ung thư. Nếu như trước đây bệnh thường gặp ở người bệnh trên 40 tuổi thì nay có trường hợp từ 25 – 30 tuổi đã bị tiểu đường mà bản thân và gia đình không hề hay biết.

1. Đái tháo đường là bệnh gì?

Tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin hoặc cả 2. Tăng glucose máu mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbonhydrate, protid, lipid dẫn đến tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể như tim, mạch máu, thận, mắt và thần kinh.

Tiểu đường được phân thành 2 loại gồm tuýp 1 và tuýp 2:

  • Tiểu đường tuýp 1: Thường gặp ở người trẻ, liên quan đến cơ thế tự miễn gây thiếu hụt insulin là chất có tác dụng giảm đường máu.
  • Tiểu đường tuýp 2: Thường gặp ở người lớn vì bệnh tiến triển theo thời gian do tăng đề kháng insulin hoặc mức đường huyết không được kiểm soát. Tuy nhiên gần đây một số nghiên cứu ghi nhận sự gia tăng bệnh tiểu đường tuýp 2 ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường theo độ tuổi:

  • Trẻ em và thanh thiếu niên: Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 ở nhóm tuổi này phụ thuộc vào các yếu tố như tiền sử gia đình mắc đái tháo đường tuýp 1, mắc bệnh nhiễm trùng, bệnh tự miễn dịch và chế độ dinh dưỡng,... Yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường típ 2 trong độ tuổi này là thừa cân, béo phì, mẹ bị tiểu đường thai kỳ và các yếu tố làm tăng kháng insulin khác.
  • Thanh niên: Nhóm tuổi 18 – 35 có tỷ lệ chẩn đoán bệnh tiểu đường thấp và thường là đái tháo đường týp 2. Bệnh khởi phát ở nhóm tuổi này phụ thuộc vào lối sống, chế độ ăn uống không lành mạnh, ít vận động, thừa cân, béo phì, tiền sử gia đình.
  • Trung niên: Nguy cơ khởi phát bệnh tiểu đường tuýp 2 tăng lên từ 35 – 45 tuổi. Thói quen ăn uống và sinh hoạt trong nhiều năm tác động đến khả năng điều chỉnh đường huyết kém dẫn đến mắc bệnh đái tháo đường.
  • Người cao tuổi: Hầu hết các trường hợp mắc bệnh trong nhóm tuổi này là đái tháo đường tuýp 2. Nguyên nhân do cơ thể không sản xuất đủ hoặc sử dụng insulin không hiệu quả. Các yếu tố nguy cơ bao gồm chế độ ăn và lối sống không lành mạnh, béo phì, hạn chế vận động, tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, tiểu đường thai kỳ và tác động của một số loại thuốc.

2. Người trẻ tuổi có bị tiểu đường không?

Trước đây bệnh đái tháo đường thường được phát hiện ở độ tuổi trung và cao niên (40 tuổi trở lên). Hiện nay, đang có sự gia tăng nhanh bệnh tiểu đường ở người trẻ, thậm chí với trẻ em. Nhiều báo cáo cho thấy độ tuổi của người mắc bệnh tiểu đường ngày càng trẻ, đặc biệt là tiểu đường tuýp 2. Không khó để phát hiện những trường hợp 30 tuổi bị tiểu đường, thậm chí ở tuổi vị thành niên.

Những yếu tố nguy cơ dẫn đến trẻ hóa bệnh tiểu đường là thói quen ăn đồ ăn nhanh, uống trà sữa, lối sống tĩnh tại và ô nhiễm môi trường khiến giới trẻ tích tụ nhiều mỡ, tăng tỷ lệ béo phì. Một số bạn trẻ thường xuyên sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ăn uống không điều độ, bỏ bữa vì chơi game gây nên tình trạng đề kháng insulin và rối loạn chuyển hóa dẫn tới bệnh tiểu đường.

Thời kỳ mới phát béo thì sự đề kháng hormon insulin tăng lên làm giảm sút hiệu quả giảm đường huyết của insulin. Để khắc phục tình trạng này tuyến tụy phải hoạt động liên tục khiến chức năng nội tiết của tuyến tụy suy giảm và lâu dần không đủ để duy trì chuyển hóa đường trong máu dẫn đến đái tháo đường tuýp 2 ở người trẻ.

3. Biến chứng đái tháo đường ở người trẻ

Người trẻ tuổi mắc bệnh tiểu đường sẽ có tỉ lệ biến chứng rất cao, thời gian dẫn đến biến chứng sớm và tiến triển nặng hơn. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường bệnh nhân có thể gặp bao gồm:

  • Tổn thương mắt giảm thị lực.
  • Tăng huyết áp.
  • Tổn thương thần kinh ngoại biên gây tê bì tay chân
  • Tổn thương thận dẫn đến suy thận
  • Xơ vữa mạch máu gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
  • Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ rất lớn nếu không kiểm soát tốt đường huyết.
  • Phụ nữ mang thai bị tiểu đường những tuần đầu có nguy cơ sảy thai, thai chết lưu.

4. Biện pháp kiểm soát và phòng ngừa bệnh tiểu đường

Để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Chế độ ăn uống khoa học: Duy trì chế độ ăn giàu chất xơ, vitamin từ rau xanh, trái cây tươi. Hạn chế dầu mỡ, phủ tạng động vật, đồ ăn vặt, thức ăn nhanh, giảm khẩu phần ăn bữa tối. Tránh xa đồ uống có cồn và chất kích thích.
  • Tăng cường vận động: Tập luyện tối thiểu 30 phút mỗi ngày, 5 ngày trong tuần.
  • Kiểm soát cân nặng trong giới hạn chỉ số BMI an toàn.
  • Kiểm soát căng thẳng để giảm mức độ hormone cortisol.
  • Duy trì lịch trình ngủ đều đặn giúp giảm giải phóng các hormone căng thẳng.
  • Khám sức khỏe định kỳ: Giúp phát hiện và điều trị sớm bệnh tiểu đường, ngăn chặn và làm giảm các biến chứng nguy hiểm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan