6 biến chứng có thể gặp khi chạy thận nhân tạo lâu dài

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy - Bác sĩ Nội thận – Lọc máu – Ghép thận - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Chạy thận nhân tạo là một biện pháp hỗ trợ thực hiện quá trình loại bỏ các chất thải trong máu, khi thận không còn có khả năng đảm nhiệm chức năng này. Chạy thận nhân tạo có thể khiến cho người bệnh gặp một số biến chứng như hạ huyết áp, nhức đầu, buồn nôn, nôn,...

1. Chạy thận nhân tạo

Thận của một người khỏe mạnh có thể lọc được khoảng 120-150 lít máu mỗi ngày, loại bỏ chất thải trong máu qua đường nước tiểu. Nếu thận không hoạt động hiệu quả sẽ làm cho chất thải tích tụ trong máu. Tình trạng này có thể dẫn tới hôn mê và thậm chí là tử vong.

Chạy thận nhân tạo là phương pháp nhằm hỗ trợ thực hiện quá trình lọc máu. Phương pháp này sử dụng máy để lọc máu bên ngoài cơ thể bệnh nhân. Máu sẽ được rút ra từ mạch máu và đi qua hệ thống lọc thận nhân tạo sau đó trở lại cơ thể của người bệnh.

Những người suy thận mạn phải thường xuyên chạy thận nhân tạo lâu dài. Đây không phải là một phương pháp điều trị mà chỉ giúp cho người bệnh duy trì được sự sống.

chạy thận nhân tạo
Chạy thận nhân tạo là phương pháp nhằm hỗ trợ thực hiện quá trình lọc máu

2. Biến chứng chạy thận nhân tạo

Chạy thận nhân tạo là phương pháp kéo dài sự sống cho bệnh nhân suy thận. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây ra một số biến chứng. Sáu biến chứng có thể gặp khi chạy thận nhân tạo lâu dài bao gồm:

2.1 Tụt huyết áp

Tụt huyết áp liên quan đến giảm thể tích máu nhanh chóng hoặc quá mức như: thời gian chạy thận ngắn, tăng cân nhiều lần giữa hai lần chạy thận, trọng lượng khô thấp hơn trọng lượng khô thực tế, tích số cân nặng không chính xác. Tụt huyết áp trong chạy thận nhân tạo chủ yếu bắt nguồn tử giảm thể tích máu do rút dịch mà đáp ứng huyết động bù trừ không đủ.

Đa số bệnh nhân chạy thận bị tụt huyết áp sẽ có cảm giác chóng mặt, choáng váng. Tuy nhiên, một số bệnh nhân không có triệu chứng cho tới khi huyết áp giảm xuống mức thấp. Do đó, bệnh nhân chạy thận cần phải được theo dõi huyết áp đều đặn trong suốt quá trình. Huyết áp có thể được đo mỗi giờ hoặc nửa giờ tùy thuộc vào từng trường hợp.

2.2 Chuột rút

Chuột rút có thể gặp ở giai đoạn đầu của chạy thận nhiều hơn giai đoạn về sau. Nguyên nhân gây ra chuột rút ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo hiện vẫn chưa rõ. Những yếu tố thuận lợi đó là:

  • Tụt huyết áp giảm thể tích
  • Tốc độ siêu lọc cao, giữa hai lần chạy thận cân nặng tăng cao.
  • Dịch lọc có nồng độ natri thấp.

Những yếu tố trên tạo thuận lợi cho co mạch, gây giảm tưới máu cơ làm rối loạn thư giãn cơ. Chuột rút thường xảy ra nhất và có liên quan tới tụt huyết áp. Cho dù huyết áp đã hồi phục nhưng chuột rút vẫn thường kéo dài dai dẳng. Ngoài ra, hạ Mg, Ca, K máu cũng là một trong số nguyên nhân gây ra chuột rút.

Làm thế nào khi bị chuột rút mạnh, gây đau đớn?
Chuột rút là một trong những biến chứng khi chạy thận nhân tạo

Chuột rút và hạ huyết áp thường xảy ra đồng thời, có thể xử trí bằng truyền dung dịch NaCl 0,9%. Tuy nhiên, chuột rút thường kéo dài dai dẳng, kéo căng cơ và gây khó chịu cho người bệnh. Do đó, xoa bóp thường xuyên sẽ có tác dụng là giảm sự khó chịu, nhưng chỉ áp dụng được một số trường hợp cụ thể. Ngoài ra, phòng ngừa tụt huyết áp sẽ loại bỏ được chuột rút. Bệnh nhân có thể tham gia tập bài tập cơ dành cho nhóm cơ bị chuột rút.

2.3 Buồn nôn, nôn

Buồn nôn và nôn xảy ra lên tới 10% trường hợp chạy thận thường quy. Có nhiều nguyên nhân gây ra buồn nôn, nôn. Tuy nhiên, ở bệnh nhân ổn định hầu hết do tụt huyết áp. Một số nguyên nhân thường gặp như:

  • Hội chứng mất cân bằng.
  • Phản ứng màng lọc.
  • Liệt nhẹ dạ dày, rất thường gặp ở bệnh nhân đái đường, nhưng cũng gặp ở bệnh nhân không đái đường, sẽ nặng lên do chạy thận.
  • Dịch lọc nhiễm bẩn hoặc có nồng độ các chất không đúng như natri, canxi cao có thể gây buồn nôn và nôn.
  • Bệnh nhân chạy thận dường như bị buồn nôn và nôn dễ hơn những bệnh nhân khác, chạy thận nhân tạo có thể làm nặng triệu chứng trong các bệnh lý này.

Để điều trị biến chứng buồn nôn, nôn thì bước đầu tiên là điều trị tụt huyết áp trước nếu có. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thuốc chống ói dùng cho những nguyên nhân ói khác nếu cần.

2.4 Nhức đầu

Nhức đầu thường gặp trong lúc chạy thận và chưa rõ nguyên nhân gây ra. Đây có thể là triệu chứng kín đáo của hội chứng mất cân bằng. Ở bệnh nhân có uống cà phê, nhức đầu có thể là triệu chứng của ngưng cà phê vì nồng độ cà phê giảm cấp tính trong lúc chạy thận. Với nhức đầu không điển hình hoặc quá nặng, nên xem xét nguyên nhân thần kinh, đặc biệt là xuất huyết thúc đẩy bởi thuốc kháng đông.

Để giảm chứng nhức đầu cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc acetaminophen trong chạy thận. Ngoài ra, bệnh nhân nhức đầu trong lúc chạy thận có thể do thiếu Mg. Bổ sung Mg một cách thận trọng có thể được chỉ định, nhưng cần lưu ý những nguy cơ của việc cho dùng Mg ở bệnh nhân suy thận.

2.5 Đau ngực và bụng

Đau ngực nhẹ hoặc khó chịu ở ngực thường có kèm theo đau lưng. Xảy ra trong khoảng 1-4% các bệnh nhân chạy thận. Không rõ nguyên nhân dẫn tới đau ngực và bụng, và không có xử trí hay phòng ngừa đặc hiệu. Ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường xảy ra đau thắt ngực, và phải được chẩn đoán phân biệt với nhiều nguyên nhân đau ngực khác ví dụ như: viêm màng ngoài tim, thuyên tắc khí, tán huyết, nhồi máu cơ tim.

Ngực đau và căng tức
Bệnh nhân chạy thận có thể gặp tình trạng đau ngực nhẹ và đau bụng

2.6 Ngứa

Ngứa là một vấn đề thường gặp ở bệnh nhân chạy thận, đôi khi được thúc đẩy hoặc nặng lên do chạy thận. Ngứa xảy ra chỉ trong chạy thận, đặc biệt nếu có kèm các triệu chứng dị ứng nhẹ khác, có thể là triệu chứng của dị ứng mức độ nhẹ với màng lọc hoặc thành phần của dây chạy thận. Tuy nhiên, thường gặp nhất đó là ngứa mãn tính. Không nên bỏ qua nguyên nhân tiềm tàng của ngứa như viêm gan siêu vi hoặc do thuốc.

Điều trị ngứa chuẩn bằng antihistamine hoặc có thể châm cứu. Điều trị lâu dài, nên dùng chất làm ẩm toàn thân và kem bôi trơn da. Ngoài ra, có thể trị liệu bằng tia cực tím, đặc biệt tia UVB. Ngứa thường thấy ở bệnh nhân có nồng độ canxi cao, tích số Ca x P cao và,hoặc nồng độ PTH tăng lên đáng kể. Do đó, cần phải giảm nồng độ phospho, canxi và PTH tới giới hạn dưới của bình thường.

Tóm lại, chạy thận nhân tạo là phương pháp hỗ trợ quá trình lọc máu ở bệnh nhân suy thận, giúp bệnh nhân duy trì sự sống. Chạy thận nhân tạo có thể xảy ra một số biến chứng như tụt huyết áp, chuột rút, buồn nôn, nôn, đau bụng ngực và ngứa,... ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Do đó, khi thấy có những biểu hiện bất thường, cần thông báo với bác sĩ để có biện pháp can thiệp và phòng ngừa hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan