Bệnh rễ thần kinh là gì?

Bệnh rễ thần kinh là một thuật ngữ chung đề cập đến các triệu chứng gây ra bởi một rễ thần kinh bị chèn ép khi nó thoát ra khỏi cột sống. Điều này có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của cột sống, bao gồm bệnh lý đốt sống cổ và bệnh lý đốt sống ngực, bệnh lý đốt sống thắt lưng (hay còn gọi là đau thần kinh tọa).

1. Giải phẫu cột sống

Cột sống là một cấu trúc xếp chồng lên nhau được tạo thành từ 33 xương. Các đốt sống được giữ cố định bởi một mạng lưới cơ, gân và dây chằng. Từ trên xuống dưới toàn bộ chiều dài của cột sống, ở mỗi tầng cột sống, các dây thần kinh thoát ra qua các lỗ ở bên phải và bên trái của cột sống từ tủy sống. Những dây thần kinh này được gọi là rễ thần kinh. Chúng phân nhánh ở mỗi tầng của cột sống sau khi thoát ra và chi phối các hoạt động khác nhau của cơ thể chúng ta.

Mỗi vùng của cột sống có một tên gọi và chức năng cụ thể:

  • Cột sống cổ
  • Cột sống ngực
  • Cột sống thắt lưng
  • Xương cùng, kết nối cột sống với hông
  • Xương cụt hoặc xương đuôi.

2. Bệnh rễ thần kinh là gì?

Giữa các đốt sống có một cấu trúc gọi là đĩa đệm, hỗ trợ ngăn các đốt sống cọ xát lên nhau. Khi bị chấn thương, các đĩa đệm này có thể bị tổn thương hoặc viêm, có thể gây chèn ép hoặc kích thích rễ thần kinh gần đó. Tùy thuộc vào dây thần kinh nào bị chèn ép, một người có thể bị đau hoặc các triệu chứng khác ở các vùng tương ứng với chức năng thần kinh đó chi phối.

Thoái hóa đĩa đệm và thoái hóa khớp ở cột sống thường là căn nguyên gây ra tình trạng bệnh rễ thần kinh tủy sống. Tuy nhiên, một số tình trạng hoặc chấn thương khác có thể gây bệnh rễ thần kinh, bao gồm:

  • Thoát vị đĩa đệm
  • Hẹp ống sống, một tình trạng mà ống sống thu hẹp
  • Gai xương
  • Khối u cột sống
  • Thoái hóa khớp ở cột sống.
  • Gãy nén
  • Trượt đốt sống (khi đốt sống ở trên di chuyển và nằm trên đốt sống bên dưới)
  • Vẹo cột sống
  • Bệnh tiểu đường (gây tổn thương lên các rễ thần kinh, tủy sống).

Các yếu tố nguy cơ phát triển bệnh rễ thần kinh bao gồm:

  • Sự lão hóa
  • Nâng nặng nhiều lần
  • Các chuyển động lặp đi lặp lại kéo dài
  • Vận hành thiết bị có chức năng rung
  • Hút thuốc.

3. Triệu chứng bệnh rễ thần kinh

Do các dây thần kinh kéo dài từ tủy sống đi đến các bộ phận khác nhau của cơ thể, nên người bệnh sẽ gặp các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào vị trí rễ thần kinh tủy sống nào bị tổn thương, chèn ép.

Bệnh rễ thần kinh tủy sống ở cổ xảy ra khi rễ thần kinh ở cổ bị chèn ép. Các triệu chứng bao gồm:

  • Đau lan tỏa từ cổ ra vai, lưng trên hoặc 2 tay
  • Yếu cơ vùng tay.

Bệnh rễ thần kinh tủy sống ngực xảy ra khi sự chèn ép hoặc kích thích rễ thần kinh xảy ra ở vùng giữa lưng. Đây là một tình trạng không phổ biến có thể bị chẩn đoán nhầm thành bệnh zona, các bệnh lý nguy hiểm của tim mạch (nhồi máu cơ tim), bụng. Các triệu chứng liên quan bao gồm:

  • Đau rát ở xương sườn, bên hông hoặc bụng
  • Đau, tê và ngứa ran ở vùng da thần kinh chi phối.

Bệnh rễ thần kinh tủy sống thắt lưng khiến một người có thể bị đau ở thắt lưng, chân và hông khi sự chèn ép hoặc kích thích rễ thần kinh xảy ra ở phần dưới của lưng. Bệnh rễ thần kinh tủy sống thắt lưng hay còn được gọi là bệnh đau thần kinh tọa. Các triệu chứng bao gồm:

  • Đau và tê ở thắt lưng, hông, mông, chân hoặc bàn chân, chúng thường trở nên tồi tệ hơn khi ngồi hoặc đi bộ trong thời gian dài.
  • Trong một số trường hợp, các dây thần kinh ảnh hưởng đến ruột và bàng quang có thể bị nén, dẫn đến đại tiện hoặc bàng quang không kiểm soát.

Các triệu chứng toàn thân khác:

  • Đau nhói bắt đầu ở lưng
  • Đau buốt khi ngồi hoặc ho
  • Tê hoặc yếu ở chân và bàn chân
  • Tê hoặc ngứa ran ở lưng hoặc chân
  • Thay đổi cảm giác hoặc phản xạ.

4. Chẩn đoán bệnh rễ thần kinh

Bác sĩ sẽ chẩn đoán căn nguyên gây ra bệnh rễ thần kinh tủy sống bằng thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm hình ảnh học. Bác sĩ sẽ nhìn vào lưng và cột sống của bạn, thăm hỏi các triệu chứng mà bạn gặp phải.

Các xét nghiệm hình ảnh chẩn đoán bệnh bao gồm:

  • Chụp X-quang: Chụp X-quang có thể cho thấy sự thu hẹp và thay đổi sự liên kết của tủy sống, cũng như bất kỳ gãy xương cột sống nào.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT hiển thị hình ảnh 3D và chi tiết hơn về cột sống của bạn so với chụp X-quang.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI có thể cho biết nếu tổn thương các mô mềm đang gây ra chèn ép dây thần kinh. Nó cũng cho thấy bất kỳ tổn thương nào đối với tủy sống của bạn.
  • Điện cơ (EMG): EMG đo các xung điện trong cơ của bạn. Điều này có thể giúp xác định xem một dây thần kinh có hoạt động như bình thường hay không. Điều này giúp bác sĩ biết liệu các triệu chứng của bạn có phải do sự chèn ép lên các rễ thần kinh cột sống hay một bệnh khác (như bệnh tiểu đường) làm hỏng dây thần kinh hay không.

5. Điều trị bệnh rễ thần kinh

Việc điều trị phụ thuộc vào vị trí bị tổn thương rễ thần kinh và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Một số người bệnh không cần điều trị nếu các triệu chứng tự cải thiện trong vài ngày hoặc vài tuần.

Các phương pháp điều trị bệnh rễ thần kinh bao gồm:

  • Chườm đá hoặc chườm nóng: bác sĩ sẽ cho bạn biết tần suất chườm đá hoặc chườm nóng vào lưng để giảm sưng hoặc thư giãn các cơ bị căng.
  • Điều chỉnh tư thế hoặc vật lý trị liệu: Các động tác kéo giãn và tập thể dục nhắm vào vùng xung quanh cột sống có thể giúp giảm bớt áp lực lên dây thần kinh và giảm đau. Cải thiện tư thế tổng thể của bạn có thể giúp giảm căng thẳng lên cột sống và giảm các triệu chứng bệnh. Bác sĩ và nhân viên vật lý trị liệu sẽ tư vấn cho bạn về bài tập nào là tốt nhất cho loại tổn thương rễ thần kinh mà bạn mắc phải.

Những loại thuốc nào có thể dùng:

  • NSAID: Hầu hết mọi người chỉ cần NSAID không kê đơn (như Aspirin hoặc Ibuprofen) để điều trị các triệu chứng bệnh rễ thần kinh. Tuy nhiên bạn phải liên hệ bác sĩ trước khi dùng NSAID lâu hơn 10 ngày.
  • Corticosteroid: bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống viêm mạnh như Prednisone để giảm đau cho bạn. Chúng có thể được dùng dưới dạng thuốc viên hoặc tiêm trực tiếp vào vùng bị ảnh hưởng của lưng.

Bác sĩ có thể sẽ đề nghị phẫu thuật nếu bạn có các triệu chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và không đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa hoặc tại nhà.

6. Phòng ngừa bệnh rễ thần kinh tủy sống

Một số phương pháp có thể ngăn chặn cơn đau do bệnh rễ thần kinh tủy sống bao gồm:

  • Duy trì tư thế tốt khi làm việc, vận động.
  • Kỹ thuật nâng vật nặng phù hợp
  • Duy trì cân nặng vừa phải
  • Tập thể dục thường xuyên.

Tóm lại bệnh rễ thần kinh phần lớn đều có thể điều trị được và rất hiếm khi phải phẫu thuật. Do đó, nếu có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh rễ thần kinh, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị sớm, tránh để bệnh diễn tiến nặng hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

904 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan