Bệnh Zona thần kinh có nguy hiểm không?

Zona hay Zona thần kinh, giời leo là bệnh do một loại virus gây bệnh thuỷ đậu (Varicella zoster virus) gây nên. Bệnh thường xuất hiện với triệu chứng đau nhức, nóng rát và khó chịu tại vị trí tổn thương. Zona thần kinh tương đối lành tính nhưng nếu không được điều trị đúng và kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.

1. Bệnh Zona thần kinh có nguy hiểm không?

Bệnh Zona thần kinh được dân gian gọi là “giời leo” , một bệnh nhiễm trùng da do virus thần kinh Varicella Zoster (VSV) - virus gây bệnh thuỷ đậu họ herpes gây nên. Sau khi khỏi bệnh thuỷ đậu thì một số virus Varicella vẫn còn tồn tại ở trạng thái tiềm tàng trong cơ thể nhưng không gây bệnh. Các virus này cư trú ở hạch thần kinh trong nhiều tháng, nhiều năm. Khi gặp các điều kiện thuận lợi như người bệnh suy giảm miễn dịch, sang chấn tinh thần hoặc suy nhược cơ thể,... loại virus này sẽ tái hoạt động.

Chúng nhân lên và phát triển lan theo các đầu dây thần kinh cảm giác làm tổn thương niêm mạc, da từ đó gây nên bệnh Zona. Đó chính là lý do mà Zona là một bệnh ngoài da nhưng lại tổn thương gốc ở dây thần kinh.

Zona thần kinh dễ dàng lây lan trong gia đình, cộng đồng khi tiếp xúc trực tiếp với mụn nước trên cơ thể người bệnh. Bệnh dễ bùng phát hơn vào mùa hè, mùa mưa, khi thời tiết giao mùa và có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần.

2. Các biểu hiện của bệnh Zona thần kinh

Bệnh Zona thần kinh chỉ phát triển ở 1 bên cơ thể hoặc tập trung ở những vị trí đặc biệt chứ không xuất hiện trên toàn bộ cơ thể. Nơi bệnh hình thành phổ biến nhất là cổ, vai, cánh tay hay quanh trán, mắt và đầu. Ngoài ra, Zona cũng có thể tập trung dọc từ hông xuống đùi hoặc liên sườn từ 1 bên ngực lan ra sau lưng. Ở một số trường hợp cá biệt, bệnh có thể bị ở cả hai bên hay lan toả.

Triệu chứng trong từng giai đoạn của bệnh như sau:

  • Giai đoạn khởi đầu: Bệnh khởi đầu với cảm giác bất thường trên một vùng da như bỏng, nóng rát, châm chích, tê, đau, nhất là về đêm. Hiếm gặp hơn có thể dị cảm ở một vùng hoặc nhiều dây thần kinh chi phối từ 1-5 ngày. Kèm theo đó là triệu chứng như nhức đầu, sợ ánh sáng, khó chịu. Đây là thời kỳ mà virus lan truyền dọc theo dây thần kinh
  • Giai đoạn khởi phát: Khoảng 1 ngày sau, trên vùng da có xuất hiện các mảng đỏ, hơi nề nhẹ, đường kính khoảng vài cm, gờ cao hơn bề mặt da, sắp xếp dọc theo đường phân bố thần kinh và dần nối với nhau thành dải hoặc vệt.
  • Giai đoạn toàn phát: Vài ngày sau, trên những mảng da đỏ sẽ xuất hiện mụn nước, bọng nước tập trung thành đám giống chùm nho, lúc đầu mụn nước trong và khó vỡ nhưng về sau chúng bắt đầu đục dần, vỡ ra thành các vết loét. Khi lành, mụn đóng kết vẩy và để lại sẹo. Thời gian kể từ khi xuất hiện mụn nước cho đến khi vỡ và lành lại kéo dài khoảng 2-4 tuần.

Ngoài các triệu chứng trên thì bệnh Zona thần kinh còn gây đau nhức, giống như bị bỏng, buốt ở quanh khu vực mắc bệnh. Nguyên nhân chủ yếu là do virus gây bệnh tấn công dây thần kinh cảm giác. Thông thường triệu chứng đau thường diễn ra mạnh mẽ hơn ở bệnh nhân trên 50 tuổi. Ở trẻ em tổn thương ít khi tiến triển nhanh.

3. Bệnh Zona thần kinh biến chứng như thế nào?

Bệnh Zona thần kinh có thể gây ra một số biến chứng như:

  • Đau dây thần kinh sau Zona: Có khoảng 5-20% người bệnh sẽ bị biến chứng này gây ra tình trạng đau đớn kéo dài, cảm giác tê nhức, ngứa ran ngay cả khi đã hết phát ban, viêm rộp. Hầu hết các dây thần kinh chưa kịp phục hồi vẫn trong tình trạng viêm gây đau đớn ở mức độ vừa cho đến nặng. Biến chứng này có thể kéo dài nhiều tháng, nếu không được điều trị sớm có thể gây rối loạn hoạt động thần kinh và ảnh hưởng đến thính lực của người bệnh
  • Gây sẹo: Các tổn thương da sau khi bị Zona thần kinh có thể để lại sẹo gây mất thẩm mỹ, đặc biệt là sẹo vùng vành tai, mặt hay cổ. Tuỳ cơ địa của từng người mà mà mức độ gây sẹo của bệnh là khác nhau
  • Suy giảm thị lực, mất thị lực: Khi Zona thần kinh bị gần mắt có thể ảnh hưởng đến vùng mắt phía trong gây tổn thương giác mạc, làm mắt bị viêm đỏ kéo dài. Nếu không được điều trị đúng có thể dần gây giảm hoặc thậm chí mất thị lực.
  • Hội chứng Ramsay Hunt: Đây là bệnh zona thần kinh biến chứng nặng. Khi bệnh nhân mắc hội chứng Ramsay Hunt sẽ bị liệt dây thần kinh mặt ngoại biên, các mụn nước có thể xuất hiện ở cả tai và miệng làm bệnh nhân đau tai trầm trọng, tê liệt mặt và mất thính giác. Đa số các trường hợp mắc hội chứng Ramsay Hunt sẽ giảm dần và hết khi tình trạng viêm đau dây thần kinh được chữa trị.
  • Có thể mất thính giác: Là một biến chứng nghiêm trọng của Zona thần kinh, gây ảnh hưởng đến thính giác như ù tai, khó nghe, thậm chí là điếc hoàn toàn.
  • Các biến chứng khác: Zona thần kinh còn có thể gây hại đến các cơ quan như viêm phổi, viêm gan, viêm màng não,... là những biến chứng nặng cấp tính cần điều trị khẩn cấp vì có khả năng đe dọa đến tính mạng người bệnh.

4. Bệnh Zona thần kinh có bị tái phát không?

Sau khi bị Zona thần kinh cũng không nên chủ quan vì bệnh vẫn có thể tái phát, mặc dù hiếm khi xảy ra. Các đối tượng có thể bị Zona thần kinh tái phát gồm có:

  • Phụ nữ mang thai và cho con bú: Là đối tượng có sức khoẻ yếu, việc mắc bệnh còn có thể gây lây nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi và trẻ nhỏ.
  • Người bị HIV/AIDS và các căn bệnh suy giảm miễn dịch khác khiến hệ miễn dịch suy yếu, tạo cơ hội cho virus phát triển trở lại.
  • Bệnh nhân ung thư, đang điều trị ung thư: Việc hoá trị nhằm tiêu diệt tế bào ung thư cũng vô tình khiến cơ thể người bệnh mệt mỏi, yếu ớt trước sự tấn công của virus zona thần kinh.
  • Người vừa ghép tạng hoặc đang ốm nặng: Là khi sức đề kháng của cơ thể chưa phục hồi, virus không bị kiềm chế dễ dàng gây bệnh và các biến chứng hơn.
  • Người cao tuổi dễ bị Zona thần kinh và gặp phải các biến chứng nặng.

5. Cách chữa bệnh zona thần kinh

Mục tiêu điều trị bệnh Zona thần kinh nhằm làm giảm tổn thương, giảm đau và ngăn ngừa biến chứng:

  • Thuốc điều trị tại chỗ: Thường chỉ dùng giai đoạn cấp nhằm giảm đau và ngăn ngừa bệnh chuyển biến xấu. Một số loại thuốc điều trị tại chỗ có sát trùng, chống viêm như dung dịch xanh methylen 1%, hồ nước, thuốc mỡ Acyclovir và dung dịch castellani,...
  • Thuốc điều trị toàn thân: Kháng sinh chống bội nhiễm, kháng virus Acyclovir, chống phù nề.
  • Với Zona thần kinh đau nhiều kéo dài, mất ngủ cần dùng thuốc an thần, giảm đau mạnh. Các loại thuốc này buộc phải có chỉ định của bác sĩ, người bệnh không được tự ý mua để sử dụng.

Trong trường hợp mắc bệnh Zona để ngăn ngừa lây lan cho người xung quanh, người bệnh nên:

  • Sử dụng băng gạc, quần áo che vết phát ban, mụn nước;
  • Thường xuyên vệ sinh cá nhân sạch sẽ;
  • Không dùng tay chạm mụn nước tiếp xúc thân mật với người không nhiễm bệnh.

Nhìn chung bệnh Zona thần kinh tương đối lành tính và có thể tự khỏi sau 2-3 tuần dù có điều trị hay không. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng không được chủ quan mà cần điều trị tích cực, đặc biệt là chăm sóc da để tránh bội nhiễm ở các nốt bọng nước và những biến chứng nguy hiểm khác.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bệnh Zona

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan