Bị đau quặn thận nên ăn gì?

Cơn đau quặn thận là một cấp cứu thận - tiết niệu hay gặp. Cơn đau quặn thận nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm. Chế độ ăn và tập luyện rất quan trọng để cơn đau quặn thận không tái phát. Vậy bị đau quặn thận nên ăn gì và kiêng gì?

1. Cơn đau quặn thận là gì?

Cơn đau quặn thận đặc trưng bởi đau ở vùng hố thận, lan ra trước, xuống đến hạ sườn trái, có thể tiếp tục lan xuống vùng bẹn và sinh dục ngoài. Cơn đau xuất hiện đột ngột, tự nhiên, cấp tính, dữ dội, không có tư thế chống đau, uống thuốc giảm đau không có tác dụng.

Cơn đau thường kéo dài từ 20 phút đến vài giờ. Ngoài đau còn xuất hiện các triệu chứng khác: Tiểu máu, tiểu khó, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu đục, tiểu mủ, buồn nôn, nôn, sốt cao, ớn lạnh, chóng mặt.

Nguyên nhân dẫn đến cơn đau quặn thận thường do: Sỏi thận, sỏi bể đài thận, sỏi niệu quản, huyết khối niệu quản, u niệu quản, viêm hẹp niệu quản, u bàng quang.

2. Cơn đau quặn thận điển hình

Do sỏi mắc kẹt ở niệu đạo trong khi di chuyển từ thận xuống bàng quang, ngăn cản dòng chảy của nước tiểu, gây ứ nước tại thận, làm tăng áp lực lên đài bể thận và co thắt niệu quản gây đau quặn thận.

Đau quặn thận thường bắt đầu bằng đau nhói vùng thắt lưng, sau đó đau từng cơn, cường độ tăng dần. Cơn đau có thể lan xuống bụng dưới dọc theo niệu quản, đường sỏi di chuyển. Khi sỏi đến đoạn niệu quản gần bàng quang, sỏi kích thích đáy bàng quang làm bệnh nhân buồn tiểu liên tục dù không có nước tiểu.

Cơn đau quặn thận sẽ giảm dần sau khi sỏi xuống bàng quang.

3. Điều trị cơn đau quặn thận

Giảm đau bằng thuốc kháng viêm không steroid. Nếu không hiệu quả, dùng thuốc giảm đau mạnh hơn thuộc nhóm opioid. Thường sẽ tiêm thuốc trực tiếp vào tĩnh mạch để giảm đau nhanh.

Thuốc giãn cơ trơn làm giảm co bóp niệu quản, giúp giảm đau. Nếu vẫn không giảm đau đặt dẫn lưu nước tiểu từ thận qua niệu quản hoặc qua da. Bên cạnh đó người bệnh có thể dùng kháng sinh nếu có hiện tượng nhiễm trùng tiết niệu

4. Chế độ dinh dưỡng của cơn đau quặn thận

Nghiên cứu chỉ ra rằng đa số người bị sỏi tiết niệu thường có chế độ dinh dưỡng không cân bằng, uống ít nước. Nên việc cải thiện chế độ ăn uống cho người bị sỏi tiết niệu rất quan trọng. Cần tuân theo các nguyên tắc:

  • Uống nhiều nước mỗi ngày, khoảng 2 - 3 lít, uống chia đều trong ngày
  • Hạn chế nạp nhiều protein, lượng protein mỗi ngày chỉ khoảng 200 gam
  • Giảm lượng muối, lượng muối mỗi ngày ít hơn 3 gam
  • Cân bằng dinh dưỡng, tránh bị suy nhược cơ thể làm tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.

4.1. Đau quặn thận nên ăn gì?

Thực phẩm giàu Canxi:

  • Trong quá trình điều trị sỏi thận, nếu không nạp canxi sẽ gây mất cân bằng trong cơ thể, nguy cơ loãng xương và khiến cơ thể hấp thụ nhiều oxalat hơn, tăng khả năng tạo sỏi.
  • Nên bổ sung lượng canxi cần thiết cho cơ thể từ: Phô mai, sữa, sữa chua, các loại hạt.

Thực phẩm giàu Vitamin (A, D, B6)

  • Vitamin D sẽ giúp hấp thụ và chuyển hóa canxi tốt hơn. Vitamin B6 làm giảm hình thành oxalat. Vitamin A giúp điều hòa hệ thống bài tiết nước tiểu, hạn chế hình thành sỏi tiết niệu.
  • Vitamin D có nhiều trong cá biển, sữa, lòng đỏ trứng gà,...Vitamin A có nhiều trong các loại rau củ, cà rốt, khoai lang, diếp cá,...Vitamin B6 có nhiều trong các loại hạt, cám gạo, trái cây.

Trái cây họ cam, quýt:

  • Chúng chứa nhiều vitamin C và chất citrate, giúp hòa tan một số chất hình thành sỏi tiết niệu.

Thực phẩm chứa nhiều chất xơ:

  • Chất xơ rất có lợi cho hệ tiêu hóa và hệ bài tiết. Bổ sung nhiều chất xơ sẽ giúp hạn chế sự phát triển của sỏi.
  • Nên ăn thực phẩm giàu chất xơ như: rau xanh, ớt chuông, cần tây, bắp cải

4.2. Đau quặn thận nên kiêng gì?

Thực phẩm chứa hàm lượng oxalate cao:

  • Sỏi Oxalat rất hay gặp, bệnh nhân sỏi thận thường có nồng độ Oxalat cao
  • Cần tránh các thực phẩm có gốc oxalate như: Củ cải đường, rau Bina,... để hạn chế yếu tố nguy cơ tạo sỏi.

Muối và thức ăn chứa nhiều muối:

  • Muối giúp hình thành các gốc oxalat, là yếu tố nguy cơ tạo ra sỏi và có thể làm suy giảm chức năng thận
  • Việc ăn hạn chế muối, ăn nhạt sẽ giúp người bệnh có sức khỏe tốt, đạt hiệu quả tốt hơn trong điều trị.

Hạn chế đồ ngọt:

  • Đồ ngọt chứa hàm lượng fructose và sucrose rất cao, là yếu tố nguy cơ gây sỏi thận và có thể dẫn đến tiểu đường.
  • Socola làm tăng gốc oxalate, nên hạn chế tối đa đồ ngọt

Hạn chế đạm:

  • Protein làm tích tụ axit uric trong máu, có thể khiến tinh thể urat hình thành và tích tụ tại thận, tạo thành sỏi thận.
  • Cần hạn chế lượng đạm trong bữa ăn bằng cách ăn ít thịt, nhất là các loại thịt đỏ như thịt bò

Hạn chế thức ăn nhanh, dầu mỡ:

  • Thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ sẽ làm tăng lượng muối nạp vào cơ thể, ảnh hưởng đến chức năng thận
  • Có thể có nguy cơ mắc bệnh khác như béo phì, mỡ máu.
  • Hạn chế đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ. Ưu tiên ăn đồ được chế biến luộc, hấp thay vì chiên, rán, xào.

Thực phẩm chứa nhiều Kali:

  • Nồng độ kali trong máu tăng cao sẽ tạo áp lực lớn cho thận, làm giảm khả năng đào thải của thận, có thể dẫn đến hình thành sỏi và ngăn sự đào thải sỏi ra ngoài
  • Nên tránh thực phẩm chứa nhiều Kali như: Chuối, khoai tây, bơ

Thực phẩm cần hạn chế khác:

  • Các chất gây nghiện như: Rượu, bia, cafe, thuốc lá, đồ uống có cồn, đồ uống có ga
  • Gia vị cay nóng như: Mù tạt, ớt, hạt tiêu

5. Chế độ sinh hoạt của người đau quặn thận

Ngoài chế độ ăn, người bị đau quặn thận cũng cần chú ý đến chế độ sinh hoạt hàng ngày. Thói quen sinh hoạt tốt sẽ giúp kiểm soát được cơn đau quặn thận.

  • Thường xuyên tập thể dục thể thao. Kết hợp tập các động tác bác sĩ hướng dẫn tích cực. Để rèn luyện sức khoẻ và tăng khả năng tống sỏi.
  • Uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không tự ý mua thuốc uống mà không hỏi ý kiến của bác sĩ.
  • Thăm khám sức khỏe đều đặn, định kỳ.

Chế độ ăn uống rất quan trọng trong việc kiểm soát và điều trị cơn đau quặn thận. Điều này quyết định quá trình điều trị bệnh có hiệu quả hay không. Có chế độ ăn tốt giúp điều trị dứt điểm đau quặn thận và làm giảm nguy cơ tái phát về sau.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan