Bị tụt lợi và cách khắc phục

Tụt lợi là một bệnh lý nha khoa khá phổ biến và thường xuyên gặp phải do việc chăm sóc răng miệng không tốt. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng nhai và thẩm mỹ mà còn có thể gây mất răng nếu không được điều trị kịp thời. Do vậy, việc phát hiện sớm và khắc phục tụt lợi là rất cần thiết.

1. Tụt lợi là gì?

Tụt lợi hay còn gọi là tụt nướu răng, đây là tình trạng phần nướu bao quanh và bảo vệ chân răng di chuyển xuống cuống răng, khiến cho phần thân răng bị lộ ra bên ngoài. Tình trạng tụt lợi có thể xảy ra ở chỉ một vài răng nhưng cũng có thể nguyên cả hàm trên và dưới.

Tụt lợi xảy ra ở mọi độ tuổi. Có thể làm mất men răng, lộ ngà răng, hở kẽ răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn ăn sâu vào chân răng, gây hỏng răng. Tụt lợi khiến cho thức ăn dễ dàng bám lại xung quanh răng, răng dễ bị ê buốt khi bị kích thích nóng, lạnh hoặc ăn đồ chua ngọt.

Triệu chứng của tụt lợi có thể khó phát hiện, thậm chí không hề có bất kỳ triệu chứng nào, vì vậy khám răng định kỳ là việc hết sức quan trọng giúp bác sĩ nhận biết các dấu hiệu ban đầu của bệnh. Triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng tụt lợi mà bạn có thể gặp phải bao gồm :

  • Chảy máu
  • Hội miệng
  • Đau quanh nướu cùng tình trạng nướu sưng đỏ
  • Lộ chân răng khiến răng bị ê buốt
  • Răng lung lay
  • Nướu bị rút lại

2. Nguyên nhân của tụt lợi

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng tụt lợi bao gồm:

  • Sức khỏe răng miệng kém: Tình trạng các vi khuẩn trong mảng bám tích tụ giữa nướu và răng, phần nướu bọc quanh răng có thể bị viêm. Trong trường hợp người bệnh không điều trị, có thể dẫn đến hư hỏng nướu và cấu trúc xương nâng đỡ. Điều này có thể dẫn đến tình trạng tụt lợi và bệnh nha chu, một tình trạng viêm nướu nghiêm trọng.
  • Chải răng hoặc dùng chỉ nha khoa quá mạnh: Động tác chải răng mạnh với bàn chải cứng hoặc dùng chỉ nha khoa quá mạnh có thể làm mòn lớp men răng bên ngoài, gây ra tổn thương và tụt lợi.
  • Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình, có bố hoặc mẹ mắc phải tình trạng tụt lợi, thì bạn có nguy cơ bị tụt lợi khá cao.
  • Vị trí răng mọc bất thường: Răng mọc không đều hoặc lệch khớp cắn có thể gây ma sát quá mức lên khu vực đó, khiến nướu bị tụt.
  • Nghiến răng: Hay còn gọi là chứng nghiến răng, thói quen này gây ra nhiều vấn đề nha khoa, bao gồm tình trạng tụt lợi. Tương tự như tình trạng răng mọc không đều, nghiến răng tạo lực tác động quá mức có thể gây mòn nướu răng của bạn.
  • Thay đổi hormone: Phụ nữ có thể trải qua một vài giai đoạn thay đổi hormone mạnh mẽ như dậy thì, mang thai và mãn kinh. Trong những giai đoạn này khiến phụ nữ dễ mắc các bệnh nướu răng và tụt lợi.
  • Chấn thương mô nướu: Mô nướu có thể bị tụt khi bị chấn thương. Tình trạng tụt nướu có thể xảy ra tại vị trí bị tổn hại hoặc khu vực xung quanh đó.
  • Hút thuốc lá: Việc sử dụng chất nicotin có trong thuốc lá làm tăng nguy cơ tụt nướu do tăng khả năng gặp các vấn đề răng miệng bởi một vài nguyên nhân, bao gồm cả sự suy yếu của hệ thống miễn dịch và ức chế dòng chảy của tuyến nước bọt, cho phép hình thành nhiều mảng bám hơn.

3. Cách khắc phục tụt lợi

Tụt lợi và cách khắc phục là một vấn đề cần được quan tâm. Không chỉ giúp cải thiện khả năng nhai của người bệnh mà còn là biện pháp giúp ngăn ngừa một số bệnh lý liên quan đến sức khỏe răng miệng.

Để khắc phục tình trạng này, mọi người có thể tham khảo và áp dụng một số biện pháp dưới đây:

Chăm sóc răng miệng đúng cách:

  • Bàn chải đánh răng cần có kích thước phù hợp và đầu cọ bàn chải phải mềm, cọ sạch hết các vị trí răng trong miệng để tránh làm tổn thương lợi, nướu. Đây là phương pháp vệ sinh răng miệng cơ bản để giúp loại bỏ những mảnh vụn thức ăn thừa bám vào kẽ răng gây tụt lợi, cũng như hạn chế sự tích tụ cao răng.
  • Dùng chỉ kết hợp chỉ nha khoa, nước súc miệng với việc đánh răng đều đặn sẽ giúp bạn loại bỏ mảnh vụn thức ăn khỏi các kẽ răng tốt hơn. Đặc biệt những bạn bị tụt lợi thì đánh răng rất khó làm sạch toàn bộ.
  • Lấy cao răng định kỳ 6 tháng 1 lần: Dù vệ sinh răng miệng sạch sẽ thì sự lắng đọng chất trong miệng, bám vào chân răng vẫn xảy ra. Khi tình trạng cao răng bám nhiều, nó sẽ đẩy lợi, nướu bám vào chân răng dẫn đến tụt lợi. Do đó, định kỳ 6 tháng 1 lần lấy cao răng sẽ giúp phát hiện, khắc phục sớm các vấn đề răng miệng gặp phải.

Biện pháp dân gian :

  • Kinh nghiệm cho thấy uống trà xanh có thể ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý liên quan đến răng miệng khá hiệu quả. Trà xanh làm giảm tổn thương do tụt nướu gây ra cho răng. Ngoài ra, nó giúp làm dịu tình trạng viêm và tiêu diệt vi khuẩn gây ra các vấn đề nha chu.
  • Dầu mè, dầu dừa, tinh dầu khuynh diệp có thể giúp khắc phục tình trạng tụt lợi. Dầu dừa, dầu mè được sử dụng như một loại nước súc miệng để loại bỏ mảng bám trên răng. Bên cạnh đó, các loại dầu tự nhiên trên cũng có thể giúp ngăn ngừa vấn đề sâu răng và tụt lợi. Dầu khuynh diệp giúp tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa các bệnh răng miệng gây tụt nướu, không những thế còn có đặc tính chống viêm và làm giảm sưng. Để sử dụng phương thuốc này, người bệnh có thể thực hiện bằng cách trộn 1 hoặc 2 giọt dầu khuynh diệp với 1 hoặc 2 thìa nước. Để bàn chải đánh răng thấm vào hoặc dùng ngón tay sạch vào hỗn hợp này và massage vùng xung quanh nướu nhẹ nhàng khoảng 5 - 10 phút và súc miệng lại với nước. Lưu ý rằng trong trường hợp sử dụng dầu khuynh diệp mà chưa pha loãng sẽ có thể có nguy cơ xảy ra tình trạng bỏng mô nướu.
  • Dùng mật ong thấm tẩm vào vùng tụt nướu sau khi đã vệ sinh răng miệng sạch sẽ, sau đó chờ 5 phút rồi súc miệng. Mật ong có tính kháng khuẩn, khử trùng tốt nên điều trị tụt lợi rất hiệu quả.
  • Dùng tỏi giã nát rồi lấy nước bôi vào vùng bị tụt lợi sau khi đã vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Các chất kháng viêm trong tỏi sẽ hoạt động hiệu quả khắc phục tình trạng tụt lợi.

Tăng cường vitamin C :

  • Loại vitamin này có thể giúp tăng khả năng miễn dịch và có đặc tính chống oxy hóa cho cơ thể nếu được sử dụng đúng cách. Có thể sử dụng tại chỗ khi kết hợp với vitamin C canxi ascorbate dạng bột.

Điều trị tình trạng tụt lợi :

  • Nếu bị tụt lợi ở mức độ nhẹ, việc của bạn cần phải làm là loại bỏ cao răng và mảng bám tích tụ trên răng và chân răng. Nếu ê buốt răng xảy ra thường xuyên thì người bệnh nên chải răng bằng các loại kem chải răng có chứa thành phần chống ê buốt hoặc ngậm gel flour dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ nha khoa. Thuốc kháng sinh có thể được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa khi có tình trạng viêm nướu xảy ra. Trong trường hợp tụt lợi ở mức độ nặng có thể người bệnh cần phải điều trị bằng phẫu thuật ghép để phục hồi lại phần nướu che phủ chân răng.

Hy vọng bài viết này đã cung cấp các thông tin hữu ích cho người bệnh về tình trạng tụt lợi, đặc biệt là một số biện pháp giúp khắc phục tụt lợi nhằm hạn chế tiến triển bệnh trở nên trầm trọng hơn. Việc chăm sóc sức khỏe răng miệng đúng cách và thăm khám định kỳ giúp phòng ngừa các bệnh lý liên quan hiệu quả hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan