Biến chứng do thủng màng nhĩ gây ra

Thủng màng nhĩ có thể tự lành lại sau vài tuần, tuy nhiên nếu kích thước của vết thủng quá lớn, nó sẽ rất khó để hồi phục trở lại. Trong trường hợp nghiêm trọng, thủng màng nhĩ có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như nhiễm trùng tai giữa hoặc mất thính lực.

1. Thế nào là thủng màng nhĩ?

Thủng màng nhĩ là tình trạng xuất hiện một lỗ thủng hoặc vết rách trên màng nhĩ – nơi ngăn cách giữa ống tai ngoài và tai giữa. Sự tổn thương này có thể tự lành lại sau vài tuần mà không cần phải can thiệp bởi các phương pháp điều trị.

Tuy nhiên, nếu vết thủng trên màng nhĩ quá lớn và không thể lành lại sau một thời gian dài, nó có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu bệnh nhân không điều trị kịp thời, thậm chí có thể dẫn đến nhiễm trùng tai và mất thính lực.

Thủng màng nhĩ
Thủng màng nhĩ là tình trạng xuất hiện một lỗ thủng hoặc vết rách trên màng nhĩ

2. Các triệu chứng thường gặp của thủng màng nhĩ

Một số dấu hiệu và triệu chứng của thủng màng nhĩ hoặc nhiễm trùng tai do thủng màng nhĩ thường bao gồm:

  • Bị mất thính lực một cách đột ngột. Bạn có thể cảm thấy khó khăn khi nghe bất cứ điều gì hoặc thính giác tựa như đang bị bóp nghẹt lại một chút
  • Đau tai hoặc đau ở bên trong tai
  • Có chất lỏng rỉ ra từ tai
  • Ngứa bên trong tai
  • Cảm giác chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Ù tai
  • Mất thính lực tạm thời

Những triệu chứng này có thể biến mất khi màng nhĩ của bạn đã lành lại hoặc bất kỳ sự nhiễm trùng nào đã được điều trị khỏi hoàn toàn.

3. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng nếu:

  • Nghi ngờ bạn đã bị thủng màng nhĩ
  • Bạn đã đi khám bác sĩ đa khoa và các triệu chứng không có dấu hiệu cải thiện sau một vài tuần, hoặc xuất hiện thêm một số triệu chứng mới, chẳng hạn như sốt, đau tai dữ dội, ngứa tai hoặc có chất dịch rỉ ra từ trong tai

Vết rách trên màng nhĩ của bạn có thể sẽ lành lại sau vài tuần mà không cần điều trị, tuy nhiên bác sĩ chuyên khoa vẫn có thể yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm kiểm tra tình trạng nhiễm trùng và trao đổi với bạn về các phương pháp chăm sóc tai tại nhà.

Khám bệnh
ạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng nếu nghi ngờ bản thân bị thủng màng nhĩ

4. Nguyên nhân gây thủng màng nhĩ

Một lỗ thủng hoặc vết rách trên màng nhĩ có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau đây:

  • Nhiễm trùng tai
  • Thay đổi áp suất, chẳng hạn như khi đang đi máy bay hoặc lặn với bình dưỡng khí
  • Chấn thương màng nhĩ, chẳng hạn như bị thổi mạnh vào tai hoặc có dị vật nhọn đâm sâu vào trong tai
  • Một tiếng ồn lớn đột ngột, chẳng hạn như một vụ nổ

5. Thủng màng nhĩ có thể gây ra các biến chứng gì?

Một số biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra nếu tình trạng thủng màng nhĩ không tự hồi phục lại sau 3-6 tháng. Những biến chứng mà bệnh nhân có thể gặp phải, bao gồm:

  • Viêm tai giữa (nhiễm trùng tai giữa): các loại vi khuẩn có hại có thể xâm nhập dễ dàng vào tai khi màng nhĩ của bạn bị thủng. Chính sự tổn thương này đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn sinh sôi và phát triển, từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai, gây viêm tai giữa nghiêm trọng. Đối với trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng mãn tính hoặc tái phát liên tục, rất khó kiểm soát và điều trị.
  • Mất thính lực: khi bị thủng màng nhĩ có thể gây ra triệu chứng mất thính lực tạm thời, nhưng nó chỉ kéo dài cho đến khi vết thủng lành lại. Tuy nhiên, nếu vết rách quá lớn và không thể hồi phục lại sau nhiều tuần, tình trạng mất thính lực có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Lúc này bệnh nhân cần được điều trị thông qua các biện pháp phẫu thuật để bảo vệ thính lực của mình.
  • Viêm tai giữa mạn tính có cholesteatoma: đây là một biến chứng khá hiếm gặp của thủng màng nhĩ. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của biến chứng này tới thính giác thường nghiêm trọng và cần được điều trị sớm. Thực chất, viêm tai giữa mạn tính có cholesteatoma chính là hậu quả của việc thủng màng nhĩ trong một thời gian dài. Nó có thể làm phát triển u nang trong tai và chứa các protein có nguy cơ làm hỏng xương của tai giữa.
Điếc đột ngột
Khi bị thủng màng nhĩ có thể gây ra triệu chứng mất thính lực tạm thời, nhưng nó chỉ kéo dài cho đến khi vết thủng lành lại

6. Phương pháp phẫu thuật tạo hình màng nhĩ

Bạn có thể phải cần đến phương pháp phẫu thuật để sửa chữa lỗ thủng trên màng nhĩ nếu chúng có kích thước lớn hoặc không tự liền lại trong một vài tuần. Loại phẫu thuật được sử dụng để điều trị thủng màng nhĩ được gọi là phẫu thuật tạo hình màng nhĩ.

Thủ thuật này thường được thực hiện tại bệnh viện và bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân trước khi tiến hành phẫu thuật. Quá trình phẫu thuật tạo hình màng nhĩ bao gồm các bước sau:

  • Bác sĩ phẫu thuật sẽ thực hiện rạch một vết nhỏ ở ngay trước hoặc sau tai của bệnh nhân, sau đó lấy một mảnh mô nhỏ từ dưới da.
  • Tiếp theo, bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ phẫu thuật nhỏ chuyên dụng để vá lỗ thủng trên màng nhĩ của bệnh nhân bằng chính mảnh mô vừa được lấy ra.
  • Sau đó, một miếng băng sẽ được dán vào tai của bệnh nhân để giữ miếng vá cố định, đồng thời có tác dụng ngăn nước và các loại vi trùng xâm nhập. Bệnh nhân sẽ phải giữ nguyên miếng băng này trong khoảng 2-3 tuần.
  • Vết rạch trên da sẽ được khâu lại

Hầu hết, bệnh nhân có thể trở về nhà ngay trong ngày hoặc một ngày sau khi phẫu thuật. Bạn có thể mất khoảng vài tuần để màng nhĩ lành lại. Khoảng 2 hoặc 3 tuần sau phẫu thuật, bạn nên đi tái khám để kiểm tra tình trạng hồi phục của màng nhĩ.

7. Một số rủi ro khi phẫu thuật tạo hình màng nhĩ

Dù là phương pháp phẫu thuật nào đi chăng nữa thì cũng đều tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Đối với phẫu thuật tạo hình màng nhĩ có thể gây ra những rủi ro sau đây:

  • Nhiễm trùng vết thương, gây đau, chảy máu hoặc rò rỉ chất lỏng ra khỏi tai
  • Ù tai, nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến ù tài vĩnh viễn
  • Thay đổi vị giác tạm thời, hoặc vĩnh viễn
  • Thính giác trở nên kém hơn hoặc bị mất thính lực, hiếm khi bị mất thính giác vĩnh viễn
  • Khó cử động được các cơ ở một phần của khuôn mặt, tuy nhiên tình trạng này sẽ được cải thiện theo thời gian

Trước khi thực hiện phẫu thuật, bạn nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa về những lợi ích và rủi ro có thể xảy ra khi phẫu thuật.

Ù tai đau tai
Sau phẫu thuật bệnh nhân có thể bị ù tai, nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến ù tài vĩnh viễn

8. Những điều bạn nên làm khi bị thủng màng nhĩ

Trong thời gian chờ đợi vết thương mau lành, những mẹo sau đây có thể giúp bạn làm giảm thiểu các triệu chứng và nguy cơ bị nhiễm trùng tai, bao gồm:

  • Không nhét bất cứ thứ gì vào tai, chẳng hạn như tăm bông hoặc kẹp tăm (trừ khi được bác sĩ cho phép)
  • Tránh để nước vào tai, không đi bơi và hết sức cẩn thận khi tắm gội
  • Cố gắng không xì mũi quá mạnh vì điều này có thể làm tổn thương đến màng nhĩ đang dần hồi phục
  • Áp một miếng vải nỉ ấm vào tai để giúp giảm đau
  • Uống thuốc giảm đau, chẳng hạn như ibuprofen hoặc paracetamol (không cho trẻ dưới 16 tuổi uống aspirin).

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị thủng màng nhĩ

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, nhs.uk, mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan